Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Bài văn Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền sẽ giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp và những phẩm chất đáng quý của nhân vật Giăng- van-giăng, qua đó thấy được triết lí tình thương và cảm hứng phê phán của nhà văn V. Huy-go được thể hiện qua đoạn trích.

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý chi tiết
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

phan tich hinh tuong nhan vat giang van giang trong doan trich nguoi cam quyen khoi phuc uy quyen

 Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền


I. Dàn ý  Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền (Chuẩn)


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả V.Huy-gô và tác phẩm “Những người khốn khổ”
- Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích tiêu biểu khắc họa hình tượng nhân vật Giăng Van – giăng giàu tình yêu thương và kiên cường, dũng cảm.


2. Thân bài

Hình tượng Giăng Van – giăng hiện lên qua cuộc đời, số phận và phẩm chất tốt đẹp

a. Cuộc đời, số phận
- Giăng Van – giăng gặp nhiều biến cố trong cuộc đời, kém may mắn
- Vì ăn cắp mẩu bánh mì cho cháu đói mà vào tù 19 năm
- Sau khi ra tù bị mọi người xa lánh, nhưng gặp được giám mục Mi-ri-en, tìm thấy tình thương là lẽ sống
- Trở thành thị trưởng và chủ nhà máy nhưng vẫn sống lương thiện, giúp đỡ mọi người
- Ông gặp và giúp đỡ chị Phăng-tin, dưới sự truy đuổi của thanh tra Gia-ve.
→  Giăng Van – giăng có một cuộc đời không may mắn, song trải qua nhiều biến cố vẫn giữ tình yêu thương làm lẽ sống tốt đẹp

b. Phẩm chất tốt đẹp

* Tình yêu thương, tấm lòng lương thiện
- Hành động ăn trộm bánh mì khi xưa cũng xuất phát từ tình yêu thương cháu
- Luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, giúp đỡ chị Phăng-tin
- Ngay cả khi đứng trước nguy cơ phải trở lại ngục giam, sống cuộc sống tù nhân, ông vẫn quan tâm lo lắng chị Phăng-tin.
- Nhẹ nhàng trấn an chị Phăng-tin, sợ bệnh tình của chị chuyển biến xấu
- Nhún nhường, xin Gia-ve hoãn lại 3 ngày để tìm con gái cho chị chứ không hề lo nghĩ cho tình cảnh của bản thân.
- Khi chị Phăng-tin chết, hôn tay và vuốt mắt cho chị, thì thầm vào tai chị, xót xa, đau đớn.
→  Giăng Van – giăng là người có tấm lòng lương thiện, giàu tình yêu thương, mọi hành động cử chỉ đều đáng ngợi ca, trân trọng

*  Kiên cường, dũng cảm, không sợ quyền uy
- Bình tĩnh đón nhận sự thật, lúc đầu nhún nhường vì chị Phăng-tin nhưng sau khi chị Phăng-tin chết, mạnh mẽ chỉ ra Gia-ve là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị
- Hành động quyết liệt, bẻ thanh sắt và tiến về phía Gia-ve khiến hắn khiếp sợ lùi bước
→ Hoàn toàn không sợ hãi uy quyền, sự thay đổi thái độ của Giăng Van – giăng thể hiện tình yêu thương, tôn trọng với người đã khuất đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh của ông trước cái ác

* Đánh giá nghệ thuật
- Nghệ thuật tương phản khi xây dựng nhân vật Giăng Van – giăng và Gia-ve. Một người hiện thân cho cái thiện, một người hiện thân cho cái ác.


3. Kết bài

Khẳng định lại hình tượng nhân vật và giá trị đoạn trích.

 

II. Bài văn mẫu  Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền


1.  Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, mẫu số 1 (Chuẩn)

Victor Hugo (1802-185) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài người Pháp. Cuộc sống thời thơ ấu trải qua nhiều biến động, vất vả đã tôi luyện và rèn đúc cho ông nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời hình thành cho ông một cách nhìn nhận cuộc sống khác biệt, trở thành tiền đề để Hugo sáng tác ra những áng văn chương vang động cả một thời đại. Điển hình nhất cho phong cách sáng tác của Victor Hugo đó là đạo đức và lòng nhân đạo sâu sắc, các tác phẩm của ông chủ yếu lên án sự bất công của xã hội cũ, đồng thời thương cảm xót xa cho những số phận bất hạnh, cũng như bộc lộ ước mơ về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, mong muốn tìm được lối thoát cho những người cùng khổ. Tư tưởng này của Hugo được thể hiện rất rõ trong tác phẩm Những người khốn khổ, đặc biệt trong trích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền nhân vật Giăng Van-giăng chính là hình tượng đại diện cho lý tưởng nhân đạo sâu sắc, là người anh hùng lãng mạn đối đầu với cái ác để giải quyết những bất công trong xã hội bằng tình thương. 

Giăng Van-giăng là một người có hoàn cảnh bất hạnh, ông vốn sống trong nghèo khó, không còn cách nào khác phải ăn trộm một ổ bánh mì cho đứa cháu đang thoi thóp vì cơn đói, thì ông bị bắt và bị phán một mức án vô cùng nặng nề - 19 năm tù khổ sai. Mãn hạn tù Giăng Van-giăng ra ngoài và trở thành thị trưởng, với chức vị của mình ông luôn cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ những con người bất hạnh trong đó có Phăng-tin một người mẹ bán tất cả những gì mình có vì con. Tuy nhiên thật không may, sau một thời gian đương chức thì quá khứ đen của ông bị tên mật thám Gia-ve biết được. Vì trước đó tên này đã tróc nã và bắt được một người vô tội khác mà hắn cho là Giăng Van-giăng, việc này khiến Giăng Van-giăng vô cùng khó xử. Bởi nếu không đầu thú thì hẳn là người bị bắt oan sẽ phải chịu kết án, còn nếu thú tội thì ông sẽ không thể bảo vệ được mẹ con Phăng-tin và giữ lời hứa tìm Cô-dét cho người đàn bà tội nghiệp. Tuy nhiên Gia-ve không phải là một kẻ kiên nhẫn hắn đã đến tận nơi để bắt Giăng Van-giăng, đồng thời khiến Phăng-tin bị sốc và chết. Trong suốt hoạt cảnh của đoạn trích cuộc đối thoại giữa ba nhân vật, ta thấy rõ được sự thay đổi thái độ của Giăng Van-giăng trước và sau khi Phăng-tin chết. Bộc lộ được ý nghĩa của nhan đề Người cầm quyền khôi phục uy quyền, thực tế sự khôi phục uy quyền không nằm ở tên Gia-ve từ vị trí cấp dưới, luôn phải nhún nhường ông thị trưởng thành vị trí của một mật thám lùng bắt tên tội phạm. Mà đến từ nhân vật Giăng Van-giăng, từ chỗ bị tước hết uy quyền, ông đã mạnh mẽ vùng dậy bằng sức mạnh, tình thương như một vị thánh khiến cho tên Gia-ve khiếp đảm và kiêng dè để tiễn Phăng tin đoạn đường cuối cùng. 

Trước khi Phăng-tin chết, khi đối mặt với dáng vẻ hung tợn, những lời dọa nạt, gầm gừ, quát tháo vô nhân tính như một con thú hoang khát mồi của Gia-ve bản thân Giăng Van-giăng luôn giữ thái độ mềm mỏng, nhún nhường. Trong hầu hết phần đầu đoạn trích người ta chỉ thấy những lời lẽ thô bỉ, đáng sợ của Gia-ve thốt lên còn Giăng Van-giăng đa số chỉ im lặng, ông không muốn Phăng-tin biết tình hình mọi chuyện lúc này, ông sợ người đàn bà đang thoi thóp trên giường bệnh sẽ không sống nổi nếu biết Cô-dét vẫn mất tích, còn ông lại chỉ là một kẻ tội phạm. Chính vì thế khi cầu xin Gia-ve, Giăng Van-giăng đã cố hết sức ghé vào con người mà ông ghê tởm, hạ giọng thật trầm và nói thật nhanh “Xin ông thư cho tôi 3 ngày! Ba ngày để tìm đứa con cho người đàn bà đáng thương kia! Phải trả giá thế nào tôi cũng chịu…”. Tấm lòng thương người sâu sắc, ý muốn cứu giúp Phăng-tin đã khiến Giăng Van-giăng chấp nhận đánh đổi tự do, và thậm chí là phải trả một cái giá nào đó cho sự van xin ngày hôm nay, thế nhưng ông không hề màng tới. Tuy nhiên tất cả những nỗ lực của ông đã bị Gia-ve phá vỡ, chất giọng ghê gớm của hắn đã tuyên bố cho Phăng-tin tất cả những sự thật ghê gớm, khiến cô không thể chịu đựng nổi và chết đi trong đau đớn. Cái chết của Phăng-tin khiến Giăng Van-giăng dường như lặng đi, ông không thể cứu nổi cô, cũng chưa tìm được đứa bé Cô-dét, một người mẹ đáng thương đã phải rời đi vì sự độc ác của Gia-ve. Lúc này đây ông không con nhún nhường hay nhẫn nhịn trước tên mật thám nữa, Giăng Van-giăng gỡ từng ngón tay hắn như gỡ ngón tay của trẻ con, đồng thời lạnh lùng kết tội hắn bằng ngôn ngữ sắc bén và lạnh lùng “Anh đã giết chết người phụ nữ này rồi đó”. Trước sự vô tình và tàn nhẫn của Gia-ve cũng như hành động đòi áp giải mình đi ngay lập tức Giăng Van-giăng đã không ngần ngại mạnh mẽ giật lấy thanh sắt giường làm vũ khí, sẵn sàng lao vào chiến đấu với tên mật thám bất kỳ lúc nào để giành lại những giây phút cuối được tiễn đưa Phăng-tin. Và trước sự lạnh lùng, tư thế mạnh mẽ, dữ dội của Giăng Van-giăng, Gia-ve đã chùn bước. Có thể nói rằng chính tình thương và lòng nhân ái đã khiến cho nhân vật chính bộc lộ những sức mạnh phi thường, là sự vùng dậy của cường quyền đạo đức, sự dũng cảm vượt qua những mặc cảm thân phận. Đó là một loại sức mạnh vô hình giúp ông chống lại cái ác, khiến Gia-ve buộc phải dừng lại những hành động vô nhân tính, đáng ghê tởm của mình. Và ngay lúc này đây ngay khi Giăng Van-giăng vừa khôi phục được “uy quyền” của mình, ông bỗng hóa thành một vị thánh sống với lòng nhân từ sâu sắc, ông chăm sóc cho Phăng-tin bằng những cử chỉ ân cần và dịu dàng nhất “lấy hai tay nâng đầu cô lên, đặt ngay ngắn giữa gối như người mẹ sửa sang cho con. Ông thắt lại dây rút cổ áo cho chị, vén gọn mớ tóc vào trong chiếc mũ vải. Rồi ông vuốt mắt cho chị”. Đồng thời thì thầm vào tai cô những lời nhỏ nhẹ, an ủi, có lẽ là lời hứa về việc tìm lại cho cô đứa con trai thất lạc Cô-dét chăng. Không ai biết, thế nhưng dưới sự chứng kiến của bà xơ Xem-pli-xơ “rõ ràng có một nụ cười không sao tả được trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng của chị khi đi vào cõi chết”. Tất cả những hành động của Giăng Van-giăng đã thể hiện vẻ đẹp của một con người có tấm lòng cao cả, yêu thương con người sâu sắc, sống tử tế và trách nhiệm với những số kiếp bất hạnh xung quanh mặc dầu rằng chính bản thân ông cũng sắp rơi vào hoàn cảnh khốn đốn. Đó là đặc trưng cho chủ nghĩa lãng mạn của Victor Hugo, lý tưởng hóa nhân vật với những vẻ đẹp cao cả, phi thường, mang tầm vóc và sự cao thượng của bậc thánh nhân vĩ đại ngay giữa đời thường.

Giăng Van-giăng là kết tinh của lý tưởng nhân đạo và sự thấu hiểu, cảm thông cho những số người bất hạnh trong xã hội lúc bấy giờ, thể hiện ước mơ và niềm tin về chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Cũng như khẳng định sức mạnh của tình thương, lòng nhân ái giữa con người với con người giúp cứu vớt những kiếp người khốn khổ ra khỏi chỗ tối tăm và mở lối cho họ đến với một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên chỉ cần có tình thương, lòng nhân đạo thôi là chưa đủ, bởi lẽ rằng trong một xã hội lắm bất công và tàn ác này Giăng Van-giăng vẫn cần một sức mạnh khác nữa để có thể xóa bỏ triệt để những bất công đang diễn ra.

-------------------HẾT BÀI 1-----------------

Bên cạnh Người cầm quyền khôi phục uy quyền, trong chương trình Ngữ văn lớp 11, các em còn được học rất nhiều tác phẩm thơ văn nước ngoài đặc sắc khác như: Người trong bao, Tôi yêu em, Bài thơ tình số 28. Củng cố thêm kiến thức văn học nước ngoài, các em có thể tìm đọc thêm: Phân tích hình tượng cái bao trong truyện ngắn Người trong bao, Phân tích bài thơ số 28, Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tôi yêu em của Puskin.
 

2.  Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, mẫu số 2 (Chuẩn)

Nhắc đến văn học nhân đạo thế giới, không thể không nhắc tới đại văn hào người Pháp Vich-to-Huy-gô. Trong sự nghiệp sáng tác văn học của mình, ông đã để lại cho thế giới một tiểu thuyết vô cùng giá trị mang tên “Những người khốn khổ”. Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” có thể nói là đoạn trích đặc sắc nhất của cuốn tiểu thuyết. Trong đoạn trích, nhà văn đã tập trung tái hiện thành công hình tượng nhân vật Giăng Van – giăng với số phận và những phẩm chất tốt đẹp.

Giăng Van – giăng là nhân vật chính của tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. Cuộc đời và số phận của Giăng Van – giăng là hành trình đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ xiềng xích gông cùm đến tự do của con người. Trước tiên, điều mà người đọc cảm nhận được là từ cuộc đời và số phận của ông.

Cuộc đời Giăng Van – giăng là một chuỗi dài những biến cố, không hề may mắn. Vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đứa cháu nhỏ đang đói khát khốn khổ mà rơi vào cảnh tù giam suốt 21 năm dài. Kết quả nhận lại cho 21 năm nơi ngục tối là một tờ giấy thông hành vàng, dù đi đến bất cứ nơi đâu cũng bị người người xa lánh. Sau đó, ông gặp được vị giám mục Mi-ri-en tốt bụng. Được tình thương cứu vớt, Giăng Van – giăng tìm thấy lẽ sống cho cuộc đời, ông đổi tên thành Ma-đơ-len, trở thành thị trưởng và làm chủ một nhà máy giàu có. Tuy đã đứng ở địa vị khác, ông vẫn luôn luôn giúp đỡ mọi người. Tình cờ ông gặp được Phăng-tin, người phụ nữ đã phải bán răng bán tóc để cứu con mình và cứu giúp cô.

Những tưởng sẽ bình yên trôi qua như vậy thì gã thanh tra Gia-ve vẫn không ngừng truy tìm tung tích Giăng Van – giăng. Trong “Người cầm quyền khôi phục uy quyền”, Giăng Van – giăng xuất hiện trong hoàn cảnh cứu vớt Phăng-tin và đối đầu với Gia-ve. Sau cái chết của Phăng-tin, Giăng Van – giăng lại rơi vào cảnh tù tội. Dù sau này, Giăng Van – giăng vượt ngục nhiều lần, thay đổi tên họ, nhưng lẽ sống và tình thương vẫn luôn là ánh sáng cuộc đời ông. Có thể nói, cuộc đời ông có nhiều biến cố, song toàn bộ những biến cố ấy dường như càng tô đậm tính cách và phẩm chất đáng quý của ông.

Vẻ đẹp tỏa sáng nhất trong phẩm chất của Giăng Van – giăng chính là tình yêu thương và tấm lòng lương thiện, luôn bao dung và sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Ngay cả hành động ăn cắp bánh mì trước kia của ông cũng xuất phát từ tình yêu thương ông dành cho cháu. Nhưng vì ở xã hội bấy giờ, hành động ấy lại trở thành tội ác không được tha thứ. Bị đẩy vào tù, bản chất tốt đẹp trong tâm hồn Giăng Van – giăng vẫn không bị dập tắt. Từ khi nhận được sự giúp đỡ của giám mục đến khi lên làm thị trưởng, ông vẫn luôn giữ trọn bản tính lương thiện của mình. Trước sự truy đuổi của Gia-ve, ông thậm chí còn tự ra đầu thú để cứu người bị bắt oan. Tất cả đều chứng minh cho tấm lòng lương thiện và tình yêu thương ông dành cho mọi người.

Tình yêu thương ấy được thể hiện rõ ràng và cảm động nhất trong cuộc gặp gỡ với chị Phăng-tin, trong thời điểm trước khi theo Gia-ve về. Có thể ông sẽ phải trở lại nơi ngục giam tối tăm, u ám, có thể ông sẽ phải lần nữa mang lên mình tờ giấy vàng cho danh tính phạm nhân. Nhưng điều ông quan tâm khi ấy không phải những gì bản thân sắp phải đối mặt mà là làm sao có thể tìm được con gái cho Phăng-tin và bệnh tình của chị.

Thấy Phăng-tin run lên vì sợ hãi, Giăng Van – giăng nhẹ nhàng trấn an “Cứ yên tâm. Không phải nó bắt chị đâu”. Ông thậm chí đã nhún nhường với Gia-ve xin hoãn lại 3 ngày để tìm con cho chị mà không phải làm điều gì khác cho chính mình. Mọi cử chỉ, hành động ấy đều xuất phát từ tình thương của ông. Giăng Van – giăng không muốn chị Phăng-tin thêm sợ hãi, không muốn bệnh trạng của chị thêm nghiêm trọng, và cũng muốn giúp đỡ chị tìm được con gái Cô-dét bé bỏng mà chị ngày đêm mong nhớ.

Khi Phăng-tin chết, Giăng Van – giăng quỳ xuống thành giường, khẽ thì thầm vào tai và hôn lên bàn tay chị, vuốt mắt cho chị. Tất cả cử chỉ đều thể hiện nỗi đau đớn xót thương chân thành. Với một người không hề quen biết, có thể làm được như vậy hoàn toàn chứng minh tấm lòng cao thượng của Giăng Van – giăng.

Không những mang trong mình tình yêu thương cao đẹp, Giăng Van – giăng còn hiện lên là người kiên cường, dũng cảm, không hề khuất phục trước quyền lực. Bị Gia-ve phát hiện mình là người tù khổ sai, Giăng Van – giăng vẫn, không sợ hãi, không hoảng loạn, bình tĩnh đón nhận. Nhún nhường, cầu xin để đảm bảo an toàn cho Phăng-tin.

Nhưng Phăng-tin chết, Giăng Van – giăng hoàn toàn thay đổi. Ông sẵn sàng lên giọng đầy thách thức, kết tội Gia-ve chính là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị Phăng-tin. Trước hành động thô bạo, ngang ngược của Gia-ve, Giăng Van – giăng “bẻ gãy thanh giường và tiến về phía Gia-ve”. Không có sợ hãi, không có nhún nhường, chỉ có quyết liệt. Gia-ve đã khiếp sợ và lùi về phía sau. Giăng Van – giăng đã khôi phục lại uy quyền của mình, uy quyền khiến cho kẻ cầm thú Gia-ve cũng phải run rẩy.

Người đọc nhìn thấy ở đây sự tương phản đối lập vô cùng mãnh liệt giữa Giăng Van – giăng và Gia-ve. Giăng Van – giăng là hiện thân của cái thiện trong khi Gia-ve là hiện thân của cái ác. Gia-ve hiện lên như một con thú, chỉ chờ nhảy vào cắn xé, hung dữ và độc ác. Còn Giăng Van – giăng lại hoàn toàn hiện lên trong dáng vẻ của một con người, con người chân chính, biết sống vì người khác.

Có thể nói, đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích vô cùng ấn tượng trong toàn bộ tiểu thuyết. Đoạn trích mang đậm dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn với thủ pháp phóng đại, so sánh, ẩn dụ và tương phản đối lập. Từ đó khắc họa thành công hình tượng nhân vật Giăng Van – giăng giàu tình yêu thương, lương thiện, kiên cường và dũng cảm. Đặc biệt gửi gắm trong đó niềm tin của V.Huy-gô vào con đường cải tạo xã hội, ngợi ca những con người rơi vào khốn khổ vẫn có lòng nhân ái vô bờ. Khát khao thay đổi cuộc sống bằng tình yêu thương, sự lương thiện, xua tan bóng tối và sự độc ác.

Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong tiểu thuyết đồ sộ của V.Huy-gô, đoạn trích cũng ghi lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Giăng Van – giăng từ tác phẩm bước ra, trở thành một nhân vật tiêu biểu cho cả văn học Pháp. Mang theo giá trị lý tưởng vô cùng cao đẹp.

-------------------HẾT BÀI 2--------------------


3.  Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, mẫu số 3:

Văn học đã đưa chúng ta đến với những thế giới tâm hồn phong phú và giàu tình yêu thương. Nơi đó, ta thấy lòng mình nhẹ nhàng và an yên đến lạ, bởi qua từng lời thơ, qua từng dòng văn, qua từng nhân vật mà các tác giả xây dựng, ta thêm hiểu rằng giữa vô vàn những bất công, những khổ đau, những ngang trái thì vẫn còn đó những trái tim yêu thương, những con người tràn trề nhựa sống và sự bao dung, những con người mang lẽ sống cao đẹp dành cho nhau. Đọc "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" trong những người khốn khổ của V. Huy-go em lại càng thêm yêu, thêm quý cuộc đời. Và càng thêm trân trọng những giá trị tốt đẹp, thêm cảm phục trước một tâm hồn, một nhân cách cao quý Jean Valjean, một hình tượng nhân vật lý tưởng tiêu biểu của văn học.

Không may mắn như bao người, Jean Valjean có một cuộc đời đầy biến cố. Chỉ vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho đứa cháu nhỏ đang đói khát cùng cực mà phải chịu cảnh tù giam trong hai mươi mốt năm tù giam, để rồi khi ra tù nhận lại được tấm giấy thông hành vàng, tấm giấy mà đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi vì đã từng mang án tù. Bằng tình thương của vị giám mục Myriel đã cứu vớt ông, và ông lấy đó làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Để cứu một kẻ đã bị bắt oan, ông buộc phải ra đầu thú trước tên hống hách Javert - kẻ lấy uy quyền của pháp luật làm kim chỉ nam cho công việc và cuộc đời hắn. Biết được cuộc sống khổ cực và chịu bao tủi nhục của Fantine, ông luôn thấy xót xa và muốn chăm sóc giúp đỡ cho chị. Điều duy nhất ông quan tâm lúc này là cứu được người phụ nữ đang phải đứng trước cái chết và tìm được người con gái của chị. Trong cơn tàn ác, bạo ngược của Javert, ông đã phải van nài, cầu xin hắn cho thời hạn ba ngày hoàn thành lời hứa với Fantine cứu con gái - đó là tia hy vọng, là sự cứu vớt cuối cùng cho sự sống của chị nhưng Javert đã nhẫn tâm dập tắt nó.

Jean Valjean đã tận tâm, chăm sóc và lo chu đáo cho bệnh tình ngày một tồi tệ của Fantine. Ông lo lắng rằng bởi dù chỉ một cú sốc, một chút không mấy khả quan thôi cũng khiến cái chết xảy đến với người phụ nữ bất hạnh đó vào bất kỳ lúc nào. Ông hiểu với Fantine, thì đứa con quan trọng biết nhường nào. Người phụ nữ tội nghiệp ấy xứng đáng nhận được sự quan tâm và tình yêu thương. Khi những lời lẽ tàn nhẫn của Javert đã dẫn đến cái chết đầy thương tâm của Fantine, ông đau xót vô cùng, người như chết lặng đi, vuốt lại mái tóc cho chị và thì thầm bên tai chị những lời cứu cánh khiến chị mỉm cười an lòng mà nhắm mắt. Ông dùng những cử chỉ nhẹ nhàng và đầy tình yêu thương nhất dành cho Fantine. Đó là những tình cảm quá đỗi cao đẹp của một thị trưởng đầy tình thương và trách nhiệm, một con người đồng cảm và biết sẻ chia với nỗi đau của đồng loại. Một người bản lĩnh và sẵn sàng dang rộng vòng tay cưu mang những kẻ khốn khó, nghèo khổ, bi thương hơn mình. Một người sống và hết mình vì người khác. Bằng sức mạnh của tình thương ấy, Jean Valjean đã giúp cho Fantine ra đi trong thanh thản, mỉm cười an nhiên như một sự tin tưởng, ăn tâm gửi gắm nơi người thị trưởng đáng kính.

Với người bệnh, ông luôn dành sự quan tâm nhẹ nhàng và chu đáo nhất. Đứng trước một kẻ hống hách, bạo ngược, ông điềm tĩnh, dũng cảm và kiên cường khiến Javert phải khiếp sợ.

Bằng quyền lực của lòng tốt, sự vị tha và quyền lực của chính nghĩa ông đã trở nên người cầm quyền dũng cảm và quyết liệt, khiến "kẻ thanh tra" chuyên quyền phải sợ hãi, cúi đầu. Hình tượng nhân vật Jean Valjean luôn còn mãi trong trái tim mỗi người qua bao thế hệ. Thứ ánh sáng bao la của tình thương đã cứu rỗi biết bao con người, bao tâm hồn đang cằn cỗi cần lắm sự yêu thương. Qua tác phẩm, em càng thấm thía hơn về cuộc sống và con người, hơn hết giữa cuộc đời này, cái quý giá nhất vẫn là tình yêu thương và sự trân trọng dành cho nhau. Bởi lẽ, "trên đời này chỉ có một điều ấy thôi, đó là thương yêu nhau".

-------------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-tuong-nhan-vat-giang-van-giang-trong-doan-trich-nguoi-cam-quyen-khoi-phuc-uy-quyen-44917n.aspx
Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vích-to Huy-gô. Bên cạnh bài làm văn Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, học sinh và giáo viên tham khảo thêm các bài văn mẫu khác như Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng Van Giăn trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích phần kết Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật lãng mạn, Tìm hiểu đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền hay cả các phần Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền.

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Phân tích phần kết Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật lãng mạn
Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán
Phân tích đoạn Người cầm quyền khôi phục uy quyền để làm sáng tỏ nhận định
Sơ đồ tư duy Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Từ khoá liên quan:

phan tich hinh tuong nhan vat giang van-giang trong doan trich nguoi cam quyen khoi phuc uy quyen

, hinh tuong nhan vat giang van-giang trong doan trich nguoi cam quyen khoi phuc uy quyen, cam nhan ve hinh tuong nhan vat giang van-giang trong doan trich nguoi cam quyen khoi phuc uy quyen,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Cap giáng sinh thả thính, Stt Noel hài hước đêm giáng sinh

    Giáng sinh này, bạn đã có cap thả thính để chinh phục trái tim người ấy chưa? Hãy thử ngay những câu cap giáng sinh thả thính cực kỳ dễ thương, vừa ấm áp vừa lãng mạn, chắc chắn sẽ khiến đối phương phải “để ý” bạn.