Phăng-tin là người đàn bà nghèo khổ, bất hạnh được Giăng van giăng giúp đỡ, cưu mang. Tuy thuộc tuyến nhân vật phụ nhưng Phăng tin có vai trò quan trọng đối với diễn biến của đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Các em hãy cùng Phân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền để thấy được vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền.
Đề bài: Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
I. Dàn ý Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
1. Mở bài
Giới thiệu về đoạn trích "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" và nhân vật Phăng-tin
2. Thân bài
* Giới thiệu vài nét khái quát về nhân vật Phăng-tin
* Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện:
- Nhân vật đóng vai trò thúc đẩy diễn biến mạch truyện:
+ Là duyên cớ của cuộc gặp gỡ giữa Giăng van giăng và Gia-ve
+ Tạo cao trào, thúc đẩy sự biến chuyển tâm lí, lời nói, hành động của hai nhân vật Giăng-van-giăng và Gia-ve.
- Nhân tố giúp hai nhân vật Giăng-van-giăng và Gia-ve bộc lộ tính cách:
+ Giăng-van-giăng là con người giàu tình thương, chấp nhận hi sinh địa vị, sự tự do của bản thân vì những con người bất hạnh như Phăng-tin hay người trồng cây nọ bị Gi-ve bắt oan vì có diện mạo giống Giăng.
+ Gia-ve độc ác, tàn nhẫn không có tình người; coi nhẹ mạng sống của người vô tội, bất chấp thủ đoạn để thực hiện được mục đích của mình.
- Làm sáng rõ tình thương, tấm lòng cao cả của Giăng van giăng cũng là nguyên lí tình thương mà tác giả Vic-tor Huy-go muốn gửi gắm trong tác phẩm.
3. Kết bài
Khái quát về vai trò của nhân vật trong đoạn trích
II. Bài văn mẫu Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Victor Huygo là nhà văn vĩ đại của đất nước Pháp, ông đã có những cống hiến vĩ đại cho nền thi ca của đất nước Pháp và là một trong những người tiên phong cho sự nghiệp đổi mới thơ ca và sân khấu kịch. Một trong những tác phẩm nổi bật góp phần làm nên tên tuổi và địa vị của Victor Huygo trên văn đàn văn học thế giới là tiểu thuyết "Những người khốn khổ". Tác phẩm đã đề cao nguyên lí tình thương, thể hiện tấm lòng, sự trân trọng và niềm tin của V.Huy-go vào tình thương của con người. Trong đoạn trích "Những người khốn khổ", cách nhân vật chính của bộ tiểu thuyết Giăng van giăng đối xử đối Phăng-tin đã bộc lộ rõ nét tinh thần nhân đạo và nguyên lí tình thương mà V.Huy-gô luôn tin tưởng.
Phăng-tin là một nữ công nhân trong xưởng may của Giăng van giăng. Vốn là người phụ nữ xinh đẹp, thủy chung thế nhưng vì trao nhầm niềm tin cho một người đàn ông hèn hạ cuộc đời của chị đã bước sang một ngã rẽ đen tối, mịt mù. Để đứa con gái bé bỏng của mình có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, chị đã gửi con cho một người họ hàng xa, bản thân mình thì bươn chải với cuộc sống khắc nghiệt bên ngoài để kiếm từng đồng nuôi con. Phăng-tin vào làm việc trong xưởng may của Giăng van giăng, thế nhưng người phụ nữ bất hạnh ấy cũng chẳng được yên ổn mưu sinh, những người công nhân khác trong xưởng vốn ghen ghét Phăng-tin, khi biết chị có một đứa con không cha, họ đã tìm mọi cách để lăng nhục, đẩy chị đến bước đường cùng. Để có tiền nuôi con, Phăng-tin đã phải bán răng, bán tóc, thậm chí bán thân, số phận nghiệt ngã của chị khiến độc giả không khỏi xót xa.
Cuộc sống không lối thoát, bệnh tật quấn thân lại thường trực nỗi mong nhớ con đến khắc khoải khiến Phăng-tin suy sụp nhanh chóng. May mắn thay, trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời mình chị đã gặp được Giăng van giăng mà lúc này là thị trưởng Man-đơ len cao quý. Sự xuất hiện của Phăng tin trong đoạn trích "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" làm cho bức tranh xã hội Pháp đương thời chân thực hơn bao giờ hết, xã hội đen tối nhiều bất công đã đẩy bao con người bất hạnh vào con đường cùng không lối thoát. Trong xã hội bất nhân cùng những định kiến nghiệt ngã ấy họ không có quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình, một cuộc sống bình dị đối với họ cũng là một mơ ước xa xỉ. Phăng-tin vì cả tin mà chị phải chịu những đau khổ nhất của cuộc đời, bị tình nhân lừa dối, phải chịu những ánh nhìn khinh miệt nhưng đau khổ hơn cả là chị bị tước đoạt cả cơ hội làm lại cuộc đời, ngay cả giây phút cuối đời của mình, mong muốn được gặp lại con gái bé nhỏ của mình cũng mãi chẳng thể thực hiện.
Phăng tin không phải nhân vật chính nhưng trong đoạn trích "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" chị đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Trước hết chị chính là người thúc đẩy diễn biến của mạch truyện. Nắm được điểm yếu của ngài thị trưởng Man-đơ-le là Phăng tin nên Gia ve đã buộc Giăng van giăng phải thừa nhận thân phận tù khổ sai của mình. Cuộc gặp gỡ của Gia - ve kẻ đại diện cho pháp luật và Giăng-van-giăng người tù khổ sai sau nhiều năm truy đuổi bị chi phối bởi sự xuất hiện của Phăng tin.
Tại phòng bệnh của Phăng-tin, để bảo vệ cho người phụ nữ bất hạnh này, thị trưởng Man-đơ-len đã thừa nhận thân phận thật sau nhiều năm giấu kín, thậm chí Giăng van giăng còn chấp nhận mọi hình phạt chỉ mong Gia-ve buông tha cho Phăng tin, bởi chị đã rất yếu, không thể chịu được những đả kích hay những lời nói tàn nhẫn của Gia-ve. Trái ngược với thái độ nhún nhường của Giăng- van- giăng, Gia-ve điên cuồng như một con ác thú, không chỉ lăng nhục Giăng van giăng mà còn quyết dồn người phụ nữ bất hạnh ấy vào con đường chết khi tàn nhẫn tiết lộ thân phận thực sự của Giăng.
Với Phăng -tin Giăng van giăng chính là niềm hi vọng duy nhất để chị tìm lại con gái của mình, lời tuyên bố tàn nhẫn của Gia ve về thân phận tù khổ sai của Giăng chính là đòn chí mạng đối với chị. Thông qua lời nói và cách đối xử của Phăng tin, hai nhân vật Gia ve và Giăng van Giăng đã bộc lộ được những nét tính cách đối lập, nếu Giăng van giăng là một con người giàu tình thương, chấp nhận đối mặt với Gia ve và cái án khổ sai của mình chỉ để bảo vệ một người đàn bà bất hạnh thì Gia ve hiện lên như một con thú tàn ác, vô nhân tính, chỉ cần bắt được kẻ thù và đạt được mục đích của mình, hắn sẵn sàng chà đạp lên mạng sống của những người vô tội. Cái chết của Phăng tin chính là kết quả của những lời nói tàn nhẫn, của tính cách bất nhân, lạnh lùng của Gia ve - kẻ đại diện cho pháp luật đương thời.
Phăng-tin đã chết trong sự tuyệt vọng tột độ, cũng chính cái chết của chị đã xoay chuyển toàn bộ cục diện của cuộc đối thoại, Gia ve từ vai trò của người cầm quyền bỗng trở nên run sợ trước người tù khổ sai Giăng van giăng đang tức giận. Từ thái độ ngạo mạn, thách thức Gia-ve buộc phải chấp nhận yêu cầu của Giăng: Cho Giăng thời gian để chuẩn bị và nói những lời cuối cùng với Phăng-tin.
Sự xuất hiện của Phăng tin làm sáng rõ tình thương, tấm lòng cao cả của Giăng van giăng. Những hành động ân cần, trân trọng cùng lời hứa tìm con cho chị khiến cho gương mặt của Phăng tin như ẩn hiện một nụ cười hạnh phúc. Chỉ một nụ cười như có như không ấy thôi nhưng người đọc có thêm cơ sở tin tưởng rằng ánh sáng của tình thương của Giăng van giăng có thể mang đến sự ấm áp, yên tâm cho chị cả khi bước chân vào cõi chết.
Như vậy, câu chuyện về cuộc đời và số phận bất hạnh của Phăng tin không chỉ mang đến sự day dứt, xót xa cho độc giả mà còn là nhân tố chi phối diễn biến mạch truyện, là tác nhân giúp các nhân vật bộc lộ được bản chất, tính cách của mình.
----------------------HẾT------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/vai-tro-cua-phang-tin-trong-dien-bien-cot-truyen-doan-trich-nguoi-cam-quyen-khoi-phuc-uy-quyen-48242n.aspx
Cùng với bài Vai trò của Phăng-tin trong diễn biến cốt truyện đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, các em học sinh có thể tìm hiểu thêm về đoạn trích cũng như các nhân vật Giăng-van-giăng, Gia-ve qua một số bài văn hay lớp 11 có cùng chủ đề khác như: Phân tích phần kết Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích nhân vật Phăng-tin trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích hình tượng nhân vật Giăng Van-giăng trong đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích phần kết Người cầm quyền khôi phục uy quyền. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật lãng mạn