Phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều

Truyện Kiều (Nguyễn Du) được ví như một kiệt tác của nền văn học Việt Nam. Giá trị nhân văn của tác phẩm được gửi gắm một cách sâu sắc qua vẻ đẹp cũng như số phận đau thương của nhân vật Thúy Kiều. Các em hãy cùng tham khảo bài văn mẫu phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều dưới đây để nắm được các luận điểm, luận cứ được sử dụng để làm tốt đề văn này.

Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich gia tri nhan dao trong truyen kieu

Văn mẫu phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều hay, ngắn gọn
 

I. Dàn ý Phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm, tác giả
- Truyện Kiều chứa đựng giá trị nội dung và nhân đạo sâu sắc.

2. Thân bài:

a. Giá trị nhân đạo là gì?
- Khái niệm: Là sự cảm thông sâu sắc của các nhà văn, nhà thơ đối với những nỗi đau của con người và của những số phận bất hạnh trong cuộc sống, phê phán, tố cáo xã hội bất công chèn ép con người

b. Giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều

* Phê phán xã hội bất công, tàn ác, chèn ép con người
- Vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn quan lại, những kẻ "buôn thịt bán người", kiếm tiền trên thân xác những người con gái.
- Lên án xã hội đồng tiền đã chà đạp phẩm giá, hạnh phúc của con người.
=> Ngòi bút tả thực của Nguyễn Du đã phơi bày bộ mặt thật của xã hội phong kiến thối nát, trong đó đồng tiền có thể xoay chuyển tất cả, thao túng con người, dung túng cho cái ác.

* Ca ngợi và trân trọng vẻ đẹp của con người
- Khắc họa sống động vẻ đẹp ngoại hình của chị em Thúy Kiều, lấy thiên nhiên làm thước đo cho vẻ con người.
- Ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn: Thúy Vân thanh cao, đài các, Thúy Kiều sắc sảo, mặn mà.
- Ca ngợi tài năng của Thúy Kiều: cầm kì thi họa đều tinh thông

* Đồng cảm, xót thương những số phận bất hạnh:
- Xót thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh
- Thương cho những kiếp người bị chà đạp, bị ức hiếp, bị biến thành món hàng cho người ta mua bán.

c. Đánh giá:

- Nội dung:
+ Giá trị nhân đạo mang những nét mới mẻ: đề cao tài năng của người phụ nữ
+ Chủ nghĩa nhân đạo của truyện Kiều của Nguyễn Du kế thừa và phát huy giá trị nhân đạo truyền thống của dân tộc, góp phần lên tiếng bảo vệ những con người nhỏ bé.

- Nghệ thuật:
+ Giá trị nhân đạo thể hiện qua những nghệ thuật đặc sắc như ước lệ, điểm xuyết, vẽ mây nẩy trăng, ...
+ Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc
+ Khả năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, khẳng định vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc,

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều (Chuẩn)

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông đã để lại cho thế hệ sau một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều. Truyện Kiều đã tái hiện cuộc sống và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa thông qua mười lăm năm chìm nổi của nhân vật Thúy Kiều. Bên cạnh phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đen tối, Truyện Kiều còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc khi xót thương, trân trọng giá trị con người.

Giá trị nhân đạo là sự cảm thông sâu sắc của các nhà văn, nhà thơ đối với những nỗi đau của con người, với những số phận bất công trong cuộc sống. Phê phán hiện thực xã hội nhiều bất công, đồng cảm, xót thương cho những số phận con người.

Trong truyện Kiều, chủ nghĩa nhân đạo này được thể hiện vô cùng rõ nét. Nguyễn Du đã xây dựng lên bức tranh xã hội xưa với số phận trôi nổi của nàng Kiều và lồng vào đó những giá trị nhân đạo cao quý.

Biểu hiện đầu tiên của giá trị nhân đạo ta bắt gặp trong truyện Kiều là sự phê phán của Nguyễn Du đối với xã hội phong kiến đương thời. Đó là một xã hội đầy rẫy những sự bất công, chèn ép con người tới đường cùng, là một xã hội mà đồng tiền của thể xoay chuyển tất cả và cả những kẻ "buôn thịt bán người", kinh doanh trên thân xác của những người con gái.

Trước biến cố của gia đình, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để chuộc cha và em, người con gái tài sắc ấy trở thành món hàng để người ta mua bán, chỉ với bốn trăm lượng vàng. Xã hội phong kiến thối nát được vận hành theo quyền lực của đồng tiền, con người trong xã hội ấy bị đồng tiền chi phối mà bất chấp cả công lí, đạo đức và tình người. Không chỉ vậy, xã hội ấy còn để cho những kẻ "buôn thịt bán người" được hoành hành, được kiếm tiền trên thân xác của những cô gái lương thiện. Điển hình cho chúng là những Mã Giám Sinh, những Sở Khanh, những Tú Bà, Bạc Bà, ...

Ví như Mã Giám Sinh - một tên buôn người tự gán mác thư sinh, vậy mà những lễ nghi cơ bản, đạo đức lại chẳng hề có. Qua những câu thơ miêu tả của Nguyễn Du, ta thấy hiện lên một kẻ vô học, thô lỗ:

"Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê rằng huyện Lâm Thanh cũng gần
...
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng"

Những hành động của hắn như "ngồi tót", đáp lời chẳng có thưa gửi chẳng khác gì phường thổ phỉ, bọn lưu manh ngoài đường. Bản chất của hắn còn là một con buôn lọc lõi. Bởi khi ra giá với bà mai, hắn đã coi Kiều như một món hàng, lật qua lật lại, ra giá mặc cả "Đắn đo cân sắc cân tài hay "Cò kè bớt một thêm hai.

Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du đã vạch trần cái xã hội phong kiến thối nát mà đồng tiền có thể xoay chuyển tất cả. Cái xã hội ấy dung túng cho những kẻ vô học, vô đạo đức, những kẻ "buôn thịt bán người", dùng đồng tiền để mua chuộc những kẻ tham quan. Một xã hội mà những người thấp cổ bé họng không có quyền lên tiếng, bị khinh rẻ, coi thường, bị mua đi bán lại như một món hàng hoá, bị mặc cả "cò kè" từng đồng tiền.

Biểu hiện thứ hai trong giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du muốn thể hiện đó là sự ngợi ca, trân trọng những giá trị, những vẻ đẹp của những con người lương thiện. Điều đó thể hiện rất rõ nét qua những nét bút miêu tả về ngoại hình cũng như vẻ đẹp tâm hồn và tài năng của chị em Thuý Kiều.

Đầu tiên là vẻ đẹp của Thuý Vân. Vẻ đẹp của nàng được Nguyễn Du miêu tả chi tiết, tỉ mỉ, được so sánh cùng mây, cùng trăng - vốn là những sự vật với vẻ đẹp viên mãn. Nguyễn Du tả Vân:

"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
...
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da"

Thuý Vân hiện lên thật đẹp, không chỉ là nước da màu tóc mà còn cả phong thái rất sang trọng, quý phái nhưng lại không kém phần duyên dáng đáng yêu. Trước vẻ đẹp của nàng, thiên nhiên cũng phải "thua", phải "nhường". Nghệ thuật ước lệ cổ điển được sử dụng vô cùng thành công.

Khi miêu tả Thuý Kiều, Nguyễn Du không những sử dụng nghệ thuật ước lệ mà còn sử dụng cả biện pháp cổ điển "vẽ mây nẩy trăng". Ông đã miêu tả Thuý Vân - là em trước khi miêu tả về Thuý Kiều, nhằm làm nổi bật vẻ đẹp hoàn mỹ của Thuý Kiều:

"Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
...
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai"

Vẻ đẹp của Kiều quá hoàn mỹ, vượt qua những quy chuẩn thông thường, khiến thiên nhiên phải "hờn", phải "ghen" với sắc đẹp của nàng. Bút pháp ước lệ cùng nghệ thuật miêu tả tài hoa, tấm lòng yêu thương của tác giả đã dựng lên bức chân dung hai thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Ngoài việc miêu tả vẻ đẹp ngoại hình, Nguyễn Du còn chú trọng miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật trong truyện Kiều mà nổi bật là vẻ đẹp tâm hồn của hai nàng Vân Kiều. Cả hai người con gái vừa đoan trang, vừa đức hạnh, hiền thục, là một tiểu thư khuê các đúng mực:

"Phong lưu nhất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ đến tuần cập kê
...
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"

Thế nhưng, Nguyễn Du còn đặc biệt đi sâu vào miêu tả vẻ đẹp nội tâm của Kiều - người con gái xinh đẹp nết na.Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của nàng như một cách để trân trọng hơn con người nàng.

Vẻ đẹp nội tâm của nàng Kiều được ông miêu tả qua nghĩa cử bán mình cứu cha vô cùng đẹp đẽ và hiếu thảo của nàng. Ở độ tuổi vừa cập kê, còn bao nhiêu ước nguyện, tình yêu, ước mơ còn dang dở nhưng nàng đã gạt bỏ tất cả, nhận lấy trọng trách cứu cha và em trai. Hành động ấy thật cao đẹp, thật nhân ái! Liệu có mấy người con gái dám đứng lên gánh trách nhiệm lớn lao ấy, liệu có ai dám bán đi hạnh phúc, tự do của bản thân lấy tiền cứu cha chăng?

Đến khi một mình ở nơi xa nhà, giữa chốn lầu son của bọn "buôn sắc bán hương", nàng thương xót cho thân mình, nhưng càng thương xót hơn cha mẹ mình, khi nàng ở nơi xa, chẳng thể lo lắng, hầu hạ cho cha mẹ:

"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
...
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

Ở Kiều, người ta còn thấy được một tấm lòng thuỷ chung, son sắt với tình yêu. Dù cho tình yêu của nàng và Kim Trọng đã bị chia lìa, thế nhưng, trong tim nàng chưa hề quên đi hình bóng của chàng:

"Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
...
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"

Nàng cũng là một người rất trọng nghĩa trọng tình. Với Thúc Sinh, nàng cảm tạ ơn chàng đã cứu nàng, khi trả ơn, nàng nói:

"Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân"

Và vẻ đẹp của nàng càng rạng ngời khi nàng báo ân báo oán mà bao dung, độ lượng với Hoạn Thư - kẻ đã gây bao sóng gió cho cuộc đời nàng:

"Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen"

Ngoài ra, Nguyễn Du còn vô cùng trân trọng vẻ đẹp tài năng của Kiều. Ông đã ưu ái đề cao phẩm chất tài năng của nàng:

"Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
...
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân"

Tài năng của Kiều rất đáng nể và Nguyễn Du vô cùng trân trọng điều đó. Đây là một trong những tư tưởng rất tiến bộ của ông so với các nhà thơ đương thời.

Tiếp theo của giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du muốn nói đó là tấm lòng thương cảm, đồng cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh. Đầu tiên là sự thương xót dành cho Kiều khi nàng bị biến thành một món hàng bị người ta mang ra đong đếm:

"Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
...
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày"

Ông đồng cảm với Kiều, ông thương xót cho số phận của cô bị chà đạp, bị khinh rẻ, bị mặc cả qua lại như một món hàng ngoài chợ:"

"Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm"

Và càng đau xót hơn, thương hơn khi Kiều một mình giữa lầu Ngưng Bích, bị giam lỏng ở đây trong sầu muộn "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân/ Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung...". Hơn thế, Nguyễn Du còn tự nhập mình vào nhân vật để cảm nhận nỗi đau của họ, cảm nhận thân phận đau khổ, tủi nhục của Kiều, sự buồn bã của nàng. Và chính vì thế, ông đã dự cảm được một tương lai mờ mịt, bất định của người con gái tài sắc vẹn toàn ấy:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
...
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi"

Khía cạnh cuối trong giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du muốn biểu hiện là niềm tin vào ước mơ, vào tương lai tươi sáng hơn cho những con người bé nhỏ. Dù cuộc sống của những con người trong truyện Kiều luôn đầy rẫy những bất công, những đau khổ nhưng Nguyễn Du vẫn luôn trân trọng những ước mơ nhỏ bé của họ, những ước mơ về công bằng, công lý, về một xã hội không còn những bất công, áp bức nữa.

Điều đó thể hiện qua hình ảnh của người anh hùng Từ Hải - với một vẻ đẹp khác thường, phi thường:

"Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao".

Người anh hùng Từ Hải chính là khát vọng của Nguyễn Du, của những con người trong truyện Kiều về một nơi có công lý, nơi mà cái ác phải trả giá. Từ Hải đã giải thoát cho Kiều khỏi lầu xanh, cho nàng một danh phận, giúp nàng báo ân báo oán. Với những người có ân mới mình, Kiều cảm tạ và rất mực trân trọng như Thúc Sinh:

"Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ xứng gọi là báo ân"

Còn với những kẻ gây ra đau khổ cho nàng, như Hoạn Thư, nàng cũng rất nghiêm khắc trừng trị:

"Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều"

Đây là ước mơ của tất cả những con người lương thiện, bé nhỏ trong xã hội và của cả Nguyễn Du nữa. Ước mơ về một tương lai có một xã hội công bằng, công lý như thế!

Chủ nghĩa nhân đạo mà Nguyễn Du thể hiện qua Truyện Kiều thấm đẫm trong cả nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du thấm đẫm sự yêu thương, nhân ái và trân trọng, đặc biệt là nhân vật Kiều - nhân vật mà ông đã gửi gắm tâm tư của mình. Chủ nghĩa nhân đạo của ông cũng mang những nét mới mẻ như đề cao con người, trân trọng tài hoa của những người phụ nữ. Cùng góp phần vào chủ nghĩa nhân đạo trong dòng chảy văn học Việt, Nguyễn Du đã kế thừa và phát huy những tinh hoa của chủ nghĩa nhân đạo truyền thống trong văn học dân tộc.

Về nghệ thuật, chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện qua những bút pháp đặc sắc như ước lệ, điểm xuyết ,... Cùng với nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đặc sắc, các sử dụng ngôn ngữ bậc thầy, điều đó cũng góp phần tạo nên thành công cho giá trị nhân đạo trong truyện Kiều.

Giá trị nhân đạo trong truyện Kiều thấm đẫm tình yêu thương. Nó vừa mang nét truyền thống vừa mang nét mới mẻ, tôn vinh tài hoa của người phụ nữ. Hoà với dòng chảy của dân độc, giá trị nhân đạo trong truyện Kiều sẽ sống mãi cùng với cái tên của đại thi hào Nguyễn Du để muôn đời sau còn biết tới một nhà thơ với trái tim nồng nhiệt, đầy yêu thương.

----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-gia-tri-nhan-dao-trong-truyen-kieu-62844n.aspx
Càng tìm hiểu sâu về truyện Kiều, người ta càng thấy cảm phục sự sâu sắc của Nguyễn Du cũng như tài năng của ông. Các bài văn khác như Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, Phân tích hình ảnh thiên nhiên trong truyện Kiều, Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều, Vẻ đẹp ngôn từ trong truyện Kiều.

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Lão Hạc
Phân tích đoạn thơ Kiều gặp Từ Hải
Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình
Phân tích giá trị nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân báo oán
Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam
Từ khoá liên quan:

phan tich gia tri nhan dao trong truyen kieu

, phan tich tinh than nhan dao trong truyen kieu, phan tich cam hung nhan dao trong truyen kieu,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới