Nỗi thương mình không chỉ tái hiện tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng của Thúy Kiều khi lưu lạc chốn phong trần mà còn là đoạn trích thể hiện rõ nhất tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du. Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình dưới đây sẽ giúp các em thấy được nỗi đồng cảm trước số phận bi kịch và sự trân trọng với giá trị con người của đại thi hào Nguyễn Du.
Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình
Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình
I. Dàn ý Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
a. Vị trí đoạn trích:
- Từ câu 1229 đến 1248, thuộc phần Gia biến và lưu lạc
- Sau khi bán mình, Kiều bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh.
- Nàng sống trong đau khổ, tủi nhục
b. Giá trị nhân đạo:
* Cảm thông trước số phận của Kiều và trân trọng giá trị con người nàng:
- Bức tranh chốn lầu xanh:
+ "Biết bao bướm lả ong lơi": khách hàng đến chốn lầu xanh tấp nập
+ Điển tích "Tống Ngọc", "Tràng Khanh": là những kẻ ăn chơi, phong lưu.
- Nàng tự ý thức được số phận của mình:
+ Biện pháp nghệ thuật đối lập: "khi sao - giờ sao": hoàn cảnh xảy ra đột ngột, khiến Kiều khó chấp nhận.
+ Nàng tự thương xót chính bản thân mình "giật mình mình lại thương mình xót xa"
+ Các cụm từ "bướm chán ong chường" thể hiện sự mệt mỏi, cô đơn và tuyệt vọng của Kiều.
- Nỗi buồn của Kiều ngấm sang cảnh vật: "Đòi phen gió tựa hoa kề/ Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu":
+ Bức tranh thiên nhiên với phong hoa tuyết nguyệt với sự vui tươi của con người nhưng với Kiều, nó chỉ là sự buồn bã, đau khổ.
+ Kiều tự ý thức được số phận của mình, nàng đau khổ và tuyệt vọng.
- Nàng lòng tự hỏi lòng trong tuyệt vọng: "Vui là vui gượng kẻo là/ Ai tri âm đó mặn mà với ai?"
* Tố cáo xã hội phong kiến đương thời:
- Xã hội phong kiến đương thời với đồng tiền làm chủ đã đẩy con người tới bước đường cùng.
- Vì xã hội mà Kiều mới phải bán mình, trở thành kĩ nữ chốn lầu xanh.
* Lên tiếng đòi quyền tự do, hạnh phúc chính đáng của con người:
- Câu hỏi lòng tự hỏi lòng của Kiều là câu hỏi băn khoăn về mưu cầu hạnh phúc mà Nguyễn Du muốn nói.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị nhân đạo của Nguyễn Du.
II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình (Chuẩn)
Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông là một nhà thơ lớn, là một danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông đó là tuyệt tác Truyện Kiều. Tác phẩm là câu chuyện cuộc đời và số phận của người con gái tài sắc mang tên Vương Thuý Kiều. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ phê phán xã hội đen tối đương thời mà còn bênh vực, đồng cảm với những con người bất hạnh. Đoạn trích Nỗi thương mình là một trong những trích đoạn thể hiện rõ nhất giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du muốn truyền tải.
Đoạn trích Nỗi thương mình có vị trí từ câu số 1229 đến câu 1248, thuộc phần hai Gia biến và lưu lạc. Đó là khi Thuý Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh làm vợ lẽ để lấy tiền cứu cha và em ra khỏi ngục tù, cứu gia đình khỏi cơn gia biến. Nhưng còn gì đau đớn hơn khi tên Mã Giám Sinh đã lật lọng, lừa bán nàng đến lầu xanh. Trong những ngày tháng sống như địa ngục ấy, Thuý Kiều đã vô cùng đau khổ, nàng cô đơn, tủi nhục khi nghĩ tới số phận của mình.
Giá trị nhân đạo chính là thái độ của tác giả đối với nhân vật của mình và với Nguyễn Du ở đây, ông đã thể hiện nó qua sự cảm thông sâu sắc trước số phận của Kiều cũng như trân trọng những giá trị con người nàng. Bên cạnh đó, Nguyễn Du còn phê phán và tố cáo xã hội phong kiến đương thời tàn ác khiến con người rơi vào cảnh cùng cực và qua đó, ông lên tiếng đòi quyền sống, quyền tự do chính đáng của con người.
Trong đoạn trích Nỗi thương mình, giá trị nhân đạo đầu tiên mà ta thấy được là sự thương cảm, sự cảm thông của Nguyễn Du đối với Kiều khi nàng buộc phải sống trong cảnh lầu xanh:
"Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh"
Đây là bức tranh sống động những cảnh sinh hoạt chốn lầu xanh, nơi thân phận bẽ bàng của người con gái chốn phong trần được miêu tả vô cùng chi tiết bằng bút pháp tượng trưng. Với Kiều, ở chốn lầu xanh ấy, nàng phải mua vui cho biết bao hạng người, cuộc vui triền miên "sớm, tối". Bao nhiêu "bướm lả ong lơi" mà nàng không thể nào đếm được. Ở đó, những "cuộc say", những "trận cười" diễn ra vô tận nhưng trong tâm nàng lại là sự xót xa đến vô cùng "giật mình, mình lại thương mình xót xa". Nguyễn Du cũng rất tinh tế khi sử dụng ở đây hai điển tích "Tống Ngọc", "Tràng Khanh" để chỉ những loại khách phong lưu, đào hoa. Thúy Kiều ý thức được tình cảnh bi kịch của mình, ý thức được nỗi bất hạnh của mình nhưng đành phải bất lực mà chịu đựng. Nhân phẩm bị chà đạp nhưng nàng còn có thể làm gì hơn là buông xuôi, chấp nhận số phận mình.
Những câu thơ đọc lên mà người ta có thể thấy ngay được nỗi đau đớn, sự thương xót cho chính bản thân mình của Kiều rằng:
"Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương?
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!
Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?"
Nàng xót thương cho số phận mình, xót thương cho cảnh vừa mới ngày hôm qua còn "phong gấm rủ là", giờ đây "tan tác như hoa giữa đường". Nhân phẩm cao quý của nàng bị vùi dập, đọa đầy trong một đống bùn nhơ nhuốc, khó lòng gột rửa. Sống trong chèn ép, trong tủi nhục, nàng uống rượu để quên đi tất cả nhưng khi tỉnh lại, nàng lại thấy ê chề, nhục nhã. Nàng "giật mình" cảm thấy tự thương cho chính mình. Ba chữ "mình" đồng thời trong một câu thơ khiến ta có thể cảm nhận được sự ý thức của Kiều về số phận mình đồng thời cũng cho thấy sự cảm thông sâu sắc và chia sẻ của Nguyễn Du với nàng. Thương thân có lẽ là cảm xúc xuyên suốt nửa đầu của đoạn trích. Kiều khóc cho số kiếp đau đớn của mình, thương cho thân phận mình. Cảm giác tự thương xót bản thân cũng thể hiện được sự tủi nhục đến cùng cực của nàng, đồng thời cũng thể hiện ý thức cá nhân rất mạnh mẽ trong con người nàng.
Một cô gái khuê các, tài sắc vẹn toàn, tưởng như có một cuộc đời trọn vẹn thì nay lại rơi vào cảnh mà chính Kiều còn phải bàng hoàng và sửng sống. Những câu thơ đối lại nhau trong đoạn trích này đã thể hiện được số phận trước và sau của Kiều. Quá khứ với hiện tại đối lập nhau gay gắt cùng với cụm từ "tan tác như hoa giữa đường" đã thể hiện cái hiện thực phũ phàng. Các cụm từ như "bướm chán ong chường", "dày gió dạn sương" là những sáng tạo riêng của Nguyễn Du nhưng nó đã thể hiện được mức độ đau đớn, sự chà đạp mà Kiều phải chịu đựng. Người con gái chỉ vừa mới tròn tuổi xuân, ấy vậy mà lại từ hỏi "những mình nào biết có xuân là gì?", đây chẳng phải là sự đau đớn, ê chề đến tuyệt vọng sao?
Tiếp sau, Nguyễn Du đã miêu tả bức tranh thiên nhiên phong - hoa - tuyết - nguyệt ở chốn lầu xanh này:
"Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!
Đôi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?"
Bức tranh thiên nhiên đẹp rực rỡ với đủ âm thanh, sắc màu, sinh động, lại có thêm con người "cung cầm", "nước cờ" nhộn nhịp. Thế nhưng, thiên nhiên ấy lại là sự giễu cợt, là sự mỉa mai đối với số phận của Kiều. Bởi những cảnh đó dù có đẹp tươi đến đâu, con người ở đó có vui vẻ đến đâu cũng chỉ là sự ngụy trang của một chốn phong trần "buôn thịt bán người" mà thôi. Vì thế, Kiều cũng luôn phải sống trong hai mặt, một vui vẻ giả tạo, hai lại xót xa khi "canh tàn".
Nỗi sầu của nàng lan tràn khắp chốn, thấm vào cả những cảnh vật xung quanh:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?"
Nguyễn Du đã hợp lý hoá cả ngoại cảnh và tâm trạng vào trong hai câu thơ, biến nó trở thành chân lý của muôn đời. Câu thơ là đỉnh điểm của trích đoạn nơi nó đã thể hiện toàn bộ những tâm trạng, những đau đớn trong lòng Kiều. Những tủi nhục, cô đơn cứ dâng lên trong lòng nàng, đánh bật mọi vẻ bên ngoài. Qua cái nhìn của nàng, mọi vật đều u tối, tang tóc.
Cuối cùng, Kiều đành lòng tự hỏi lòng rằng:
"Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?"
"Vui gượng" là sự vui trong giả tạo, trong lạc lõng và bế tắc của Kiều. Nàng phải sống trong những cảnh "ong bướm" này là điều bất đắc dĩ mà chưa bao giờ nàng nghĩ tới. Thậm chí nàng chưa bao giờ có suy nghĩ rằng mình sẽ rơi vào bi kịch hôm nay, dù đã có lúc nàng nghĩ rằng mình sẽ chết. Thế nên cuối cùng, nàng tự hỏi mình rằng: "Ai tri âm đó mặn mà với ai?". Đó là câu hỏi trong tuyệt vọng, trong đau đớn của Kiều. Ai trong chốn này, trong xã hội này có thể cảm thông, sẻ chia với nàng, là "tri âm" với nàng đây?
Qua đoạn trích, ta có thể cảm nhận được sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du dành cho Thuý Kiều. Ông để nàng tự nhận thức rõ bản thân, ý thức rõ tình cảnh đau đớn hiện tại của mình, từ đó tự thương lấy bản thân mình. Đây là giá trị nhân đạo mới mẻ mà Nguyễn Du thể hiện khi ông đã thương xót cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Ông cảm thông với số phận bi kịch của họ, trân trọng những giá trị của họ. Đồng thời, qua đoạn trích này, Nguyễn Du cũng lên tiếng phê phán xã hội phong kiến đương thời, nơi mà đồng tiền lên ngôi, đã đẩy người phụ nữ vào con đường nhơ nhớp, bẩn thỉu. Đồng thời, ông cũng lên tiếng đòi quyền sống tự do và hạnh phúc chính đáng cho con người.
Với những lời thơ linh hoạt, sử dụng một loạt những điển tích, điển cố, Nguyễn Du đã tái hiện được cuộc sống tràn ngập nỗi đau của Kiều khi phải rơi vào chốn lầu xanh. Nhưng dù là trong tình cảnh như thế, Kiều vẫn luôn giữ được khao khát hạnh phúc, ý thức được thân phận của mình, đó là một vẻ đẹp cũng như sự nhân đạo mà không phải tác giả nào cũng có thể làm được.
Qua đoạn trích Nỗi thương mình, chúng ta có thể thấy được tâm trạng của Thuý Kiều trong những ngày ở chốn lầu xanh của Tú Bà. Ta cũng thấy rõ được tấm lòng nhân đạo mà Nguyễn Du muốn gửi gắm, đó là sự cảm thông, chia sẻ, trân trọng giá trị của Kiều, phê phán xã hội xưa đã chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ.
---------------HẾT--------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-gia-tri-nhan-dao-cua-doan-trich-noi-thuong-minh-66230n.aspx
Cùng với bài Phân tích giá trị nhân đạo của đoạn trích Nỗi thương mình, các em có thể khám phá những đặc sắc về nội dung, tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du được thể hiện qua đoạn trích bằng việc tham khảo các bài viết khác như: Cảm nhận về đoạn Nỗi thương mình, Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua Trao duyên, Nỗi thương mình, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Phân tích đoạn trích Nỗi thương mình trong Truyện Kiều tại Thuthuat.Taimienphi.vn.