Nếu em vẫn chưa có ý tưởng nào cho bài văn nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá, vậy em có thể tham khảo bài viết mẫu dưới đây của chúng tôi để bổ sung cho mình những kiến thức còn thiếu cũng như học hỏi thêm cách xây dựng, sắp xếp các luận điểm, lí lẽ sao cho hợp lí để làm sáng tỏ vấn đề cần nghị luận.
Đề bài: Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá
Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về nhân cách và phẩm giá
2. Thân bài
a. Giải thích:
- Nhân cách:
+ Là những đức tính tốt đẹp của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
+ Được biểu hiện bằng hành động và việc làm.
- Phẩm giá:
+ Giá trị tinh thần cao quý riêng của một con người...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá tại đây
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá (Chuẩn)
Nhân cách và phẩm giá là hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị con người. Thật vậy từ xa xưa con người đã chú ý đến việc rèn luyện nhân cách và đạo đức để có một phẩm giá cao đẹp, đối với con người trong xã hội hiện đại việc trau dồi, rèn luyện nhân cách, phẩm chất càng quan trọng hơn cả.
Xã hội hiện đại có đủ mọi điều kiện cho con người phát triển, ai ai cũng được bình đẳng, tuy nhiên lại phân thành người giàu kẻ nghèo, người đáng được tôn trọng và kẻ đáng khinh. Sự thật như vậy là bởi vì mỗi người khác nhau ở cách suy nghĩ và hành động của họ, mỗi người đều có một nhân cách và phẩm giá khác nhau làm nên sự khác nhau trong giá trị bản thân họ. Như vậy nhân cách và phẩm giá đóng vai trò rất lớn trong việc khẳng định nên giá trị bản thân con người, vậy nhân cách là gì?
Trước tiên nhân cách là những đức tính tốt đẹp của con người phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội như lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, tôn trọng và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc,...Nhân cách được biểu hiện qua hành động và việc làm. Chẳng ai được người khác công nhận là nhân cách tốt nếu họ luôn đố kị và ganh đua với người khác, họ tự cho rằng mình tài giỏi hơn người khác trong khi hết mực buông lời dèm pha, đố kỵ.
Còn phẩm giá là gì? Tại sao nhân cách và phẩm giá lại đóng vai trò quan trọng như vậy với mỗi người? Trước hết chúng ta cần hiểu phẩm giá là giá trị tinh thần cao quý riêng của một con người, phẩm giá do bản thân của mỗi người tạo nên và được công nhận bởi người khác. Phẩm giá thể hiện qua thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, mang giá trị về mặt văn hóa đạo đức trong lối sống của mỗi người. Người có nhân cách và phẩm giá tốt là người khôn khéo trong các tình huống xã hội, luôn làm chủ được suy nghĩ và hành động để không ảnh hưởng đến những người xung quanh, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, lắng nghe người khác để hoàn thiện bản thân mình. Chính vì sự khéo léo, chỉnh chu cả trong suy nghĩ lẫn hành động nên họ sẽ được mọi người tôn trọng, trở thành tấm gương sáng, thước đo cho các giá trị đạo đức và dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp.
Thật vậy nhân cách và phẩm giá là một trong những yếu tố làm nên thành công lớn trong cuộc đời mỗi con người, nhân cách và phẩm giá được hình thành từ môi trường sống và học tập của con người. Một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống của chúng. Nếu một người trưởng thành trong hoàn cảnh khó khăn thì họ sẽ biết trân trọng những gì đang có và có tinh thần vươn lên để đạt được mơ ước, ngược lại người được nuông chiều, sống trong cảnh sung túc từ khi sinh ra sẽ không biết đến khó khăn, không biết đến cái gọi là cảm thông chia sẻ. Mọi thứ đều dễ dàng và thuận lợi sẽ khiến chúng mất đi tính tự lập, dễ dàng bỏ cuộc để rồi sa vào thói hư tật xấu của xã hội. Tuy nhiên môi trường sống không phải là tất cả, để hình thành nên nhân cách còn bao gồm cả sự giáo dục. Trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, một nền giáo dục tốt sẽ giúp cho chúng phát triển một cách toàn diện hơn. Được dạy dỗ, được giáo dục đâu là đúng sai sẽ giúp cho chúng phát triển về nhân cách, qua thời gian chúng rèn luyện được những đức tính tốt đẹp kia sẽ dần trở thành nếp sống, thói quen và rồi tạo nên phẩm giá của bản thân. Không có đức trẻ nào yếu kém, không có trẻ em hư nếu như chúng được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục đúng. Tình yêu và sự chân thành sẽ là cầu nối cho con người đến với nhau, tạo nên một môi trường tốt đẹp để cùng nhau phát triển.
Nhân cách, phẩm giá thực sự quan trọng với mỗi con người, có nhân cách và phẩm giá tốt sẽ được mọi người quý mến và tôn trọng, có được thiện cảm của người khác sẽ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ trong công việc và cuộc sống. Nhân cách và phẩm giá không chỉ là thước đo giá trị của con người mà còn phản ánh cách nhìn nhận của người khác về bản thân mình. Ngược lại nếu nhân cách xấu, không có phẩm giá cũng đồng nghĩa với việc bản thân không có giá trị sẽ không được người khác tôn trọng, nhân cách xấu sẽ tự khiến mình rơi vào tệ nạn xã hội, bị xã hội phủ nhận, đào thải.
Như vậy thì chắc hẳn ai cũng đã hiểu được giá trị và tầm quan trọng của nhân cách và phẩm giá. Vậy làm sao để rèn luyện bản thân trở thành một người có nhân cách tốt, phẩm giá sáng ngời. Đúng vậy biết được, hiểu được là một chuyện dễ dàng nhưng phải làm sao để rèn luyện trở thành một người như thế mới là chuyện khó. Thật vậy để trở thành người có nhân cách, phẩm giá được mọi người coi trọng thì trước tiên mỗi người phải tự trang bị kiến thức, rèn luyện bản thân mình. Có kiến thức, hiểu biết sẽ giúp chúng ta phân biệt phải trái đúng sai để từ đó điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, khi suy nghĩ và hành động đúng đắn đương nhiên sẽ có nhân cách tốt, phẩm giá cao. Và tự học thôi là chưa đủ, học qua sách vở, học của người đi trước để lại, các kỹ năng, kinh nghiệm sống quý báu đã trở thành tinh hoa của dân tộc cũng là điều phải học. Hơn thế chúng ta cũng cần lắng nghe góp ý, đóng góp của những người xung quanh để rèn luyện bản thân tốt hơn, mọi sự cố gắng, rèn luyện của bản thân sẽ được người khác nhìn nhận và đánh giá, nhiệt tình tiếp thu ý kiến của người khác không chỉ giúp bản thân sửa đổi mà còn cải thiện các mối quan hệ, thể hiện bản thân là người có hiểu biết, biết lắng nghe và sửa chữa từ đó sẽ nhận được thêm nhiều thiện cảm của mọi người.
Xã hội càng phát triển, đời sống của con người càng đi lên thì lại càng xuất hiện nhiều người không có nhân phẩm, đạo đức. Đây là một điều đáng buồn bởi họ sống buông thả coi trọng quá mức giá trị của đồng tiền mà bán rẻ đạo đức và nhân cách của bản thân để rồi sa vào những thú vui, tệ nạn dẫn đến những kết cục đáng buồn. Tuy đây chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng lại làm ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Trộm cắp, bạo lực khiến cho con người dần mất niềm tin vào cái gọi là đạo đức, là lẽ phải. Bởi vậy cần sớm có những biện pháp để cảnh tỉnh kịp thời những người đang lầm đường lạc lối. Đưa họ trở về đúng quỹ đạo của cuộc đời mình, để họ làm lại từ đầu, bớt đi gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhân cách và phẩm giá là thước đo giá trị của con người, thể hiện địa vị và tầm quan trọng của mỗi người trong xã hội. Bởi vậy mỗi người trong chúng ta cần không ngừng nâng cao nhận thức, học tập và rèn luyện nhằm nâng cao nhân cách và phẩm giá của bản thân mình, trở thành một người có ích cho xã hội.
--------------------HẾT-------------------------
Bài Nghị luận xã hội về nhân cách và phẩm giá đã cùng các em bàn luận về vai trò của nhân cách và phẩm giá trong việc định hình nên giá trị mỗi con người. Các em có thể tìm hiểu thêm về một số phẩm chất đáng quý cần có ở con người qua việc tham khảo: Nghị luận xã hội Đức tính khiêm tốn, Nghị luận về lòng kiên trì nhẫn nại, Nghị luận xã hội về lòng nhân ái, Nghị luận xã hội về lòng nhân hậu.
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-nhan-cach-va-pham-gia-48022n.aspx