Người xưa có câu "Cái khó ló cái khôn" nhưng có người lại cho rằng trong một số trường hợp "Cái khó bó cái khôn", vậy em có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này, hãy viết bài văn nghị luận xã hội về câu nói "Cái khó bó cái khôn" để trình bày quan điểm của mình.
Đề bài: Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn
Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn
1. Mở bài
Giới thiệu về câu nói "Cái khó bó cái khôn" và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
- Giải thích câu nói:
+ "Cái khó" là gì?
+ "Cái khôn" là gì?
+ "Bó" là như thế nào?
- Tại sao cái khó lại bó cái khôn?
+ Hoàn cảnh cuộc sống khốn khó sẽ ràng buộc và kìm hãm sự khôn khéo, sáng suốt của con người (lấy ví dụ chứng minh).
+ Khi hoàn cảnh eo hẹp làm cho con người không có đủ thời gian, khả năng suy nghĩ tính toán dẫn đến những sai lầm, thiếu sáng suốt (lấy ví dụ chứng minh)
+ Tuy nhiên vẫn có những trường hợp biết khắc phục và vượt qua sự trói buộc của hoàn cảnh để vươn lên, đạt được thành công (lấy ví dụ thực tế)
- Ý nghĩa câu nói:
+ Biết vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để đạt được thành quả
+ Không nên nản lòng, tuyệt vọng trước khó khăn và biện cớ "cái khó bó cái khôn" cho những thất bại của mình
+ Giúp mình giúp người cùng vượt qua hoàn cảnh khó khăn để phát huy những khả năng vốn có
3. Kết bài
Nêu quan điểm của bản thân về câu nói, bài học nhận thức và hành động.
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn
Trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng biệt, tuy nhiên dù ở trong hoàn cảnh sống như thế nào vẫn luôn tồn tại và không thể thiếu những khó khăn, thử thách, đó chính là sự khắc nghiệt của cuộc sống. Cùng đứng trước hoàn cảnh khó khăn nhưng mỗi người lại có thái độ và cách hành xử khác nhau, có người yếu đuối, sợ hãi những khó khăn mà nảy sinh thái độ cam chịu và chấp nhận nhưng lại có người biết khắc phục, phấn đấu và vượt lên trên hoàn cảnh để có được thành công. Nói về sự bị động trước những thử thách, ông cha ta có câu "Cái khó bó cái khôn".
Ông cha ta từ ngàn đời nay, trải qua biết bao gian nan, vất vả đúc kết những kinh nghiệm quý giá truyền đời cho con cháu, đó chính là những câu ca dao, tục ngữ, những câu nói vừa ngắn gọn, vừa súc tích lại dễ hiểu dễ nhớ. Câu nói "Cái khó bó cái khôn" cũng vậy, chỉ gồm năm chữ nhưng đã mang đến cho chúng ta một kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống. "Cái khó" ở đây ám chỉ những khó khăn, thử thách của cuộc sống, hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của con người, "cái khôn" được nói đến chính là trí khôn, sự tài tình, hoạt bát, khôn khéo, nhạy bén của con người trong việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Vậy "bó" nghĩa là như thế nào? Đây là một từ ẩn dụ chỉ sự trói buộc, quy định, ràng buộc, kìm hãm một cái gì đó, trong câu nói này, thực chất chính là sự kìm hãm trí khôn của con người trong hoàn cảnh khó khăn. Không quá khó để hiểu được vì sao ông cha ta lại nói như vậy, bởi khi ở vào hoàn cảnh khốn khó con người ta sẽ bị những khó khăn, thiếu thốn ràng buộc và kìm hãm đến sự khôn khéo, sáng suốt. Ví dụ như một bạn học sinh rất thông minh, lanh lợi nhưng vì nhà nghèo, gia đình không đủ điều kiện cho đi học nên không được đến trường, không biết viết chữ và không thể thi cử. Bên cạnh đó khi bị hoàn cảnh khó bức đến đường cùng, con người ta không có đủ thời gian, khả năng suy nghĩ tính toán dẫn đến những sai lầm, thiếu sáng suốt. Đó còn là những bạn học sinh vì muốn đạt điểm cao trong kì thi mà gian lận trong thi cử thay vì cố gắng học hành, là những người vì quá túng quẫn mà nảy sinh hành vi trộm cắp, tước đoạt tài sản của người khác; hay gần đây dư luận bỗng kinh hoàng trước những hành vi vô nhân tính, chỉ vì những tranh chấp tài sản, mâu thuẫn về lợi ích cá nhân mà người ta có thể nhẫn tâm ra tay sát hại cả gia đình em ruột của mình.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người trong hoàn cảnh khó đều như vậy, vẫn có những người biết cố gắng, nỗ lực và phấn đấu hết mình để làm sao khắc phục được khó khăn, gian khổ, vượt qua thử thách để đạt được những thành công, những điều tốt đẹp. Ví như câu nói "Cái khó ló cái khôn", như nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - dù bị liệt cả hai bàn tay nhưng ông đã cố gắng tập viết bằng chân, cố gắng học tập để rồi đã trở thành một người thầy giáo. Nếu như không vượt qua hoàn cảnh của mình, chấp nhận không cầm bút nữa thì có lẽ chúng ta đã không có tấm gương sáng về nghị lực như ngày hôm nay. Như vậy câu nói "Cái khó bó cái khôn" đã dạy cho chúng ta bài học về nghị lực sống, phải biết vượt lên trên hoàn cảnh, số phận để hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Dù có khó khăn đến đâu chỉ cần ta có niềm tin, sự cố gắng, nỗ lực, chắc chắn sẽ có được thành quả, và quan trọng nhất là không được nản lòng, tuyệt vọng và cúi đầu trước hoàn cảnh. Một người dám nỗ lực khắc phục hoàn cảnh sẽ là động lực, là niềm tin cho những người khác.
Cuộc sống sẽ không thể lường trước được bất cứ điều gì, còn vô vàn những điều chúng ta phải đối mặt với cuộc sống và chắc chắn sẽ có lúc ta rơi vào khó khăn, nhưng hãy vững tâm, đặt ra những mục tiêu cụ thể, cố gắng phấn đấu để đưa mình ra khỏi khó khăn đó. Đừng để "cái khó" bó buộc "cái khôn" của chúng ta, mà hãy để "cái khó" là cơ hội cho ta khám phá những "cái khôn" tiềm ẩn trong con người ta.
-------------------HẾT-----------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-cau-noi-cai-kho-bo-cai-khon-46127n.aspx
Sau khi tìm hiểu xong bài Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn, các em có thể củng cố kiến thức, bồi dưỡng kĩ năng viết bài nghị luận của mình qua việc tham khảo một số bài viết đặc sắc khác trong những bài văn hay lớp 9 như: Nghị luận về câu nói: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới, Nghị luận về câu nói: Thiếu sức tưởng tượng, tri thức không có tiềm năng phát triển, Nghị luận về câu nói: Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc, Nghị luận về câu nói: Con người sống cần phải biết ước mơ.