Qua những câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thạch Sanh,...chúng ta thấy được thiện và ác là hai mặt đối lập vốn không thể dung hòa trong cuộc sống. Qua những câu chuyện đã được học và vận dụng những hiểu biết của bản thân, em hãy viết bài nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội.
Đề bài: Nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác
Nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác
I. Dàn ý nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Sự tồn tại của thiện và ác chính là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, bản chất của cuộc chiến tranh này là quy luật tất yếu và góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội
2. Thân bài
- Thế nào là cái thiện - cái ác?:
+ Cái thiện: đại diện cho những việc làm, hành động đúng với công lý, đạo đức, đem lại lợi ích chính đáng, những điều tốt đẹp
+ Cái ác: đại diện cho những việc làm, hành động sai trái, phạm pháp, vi phạm chuẩn mực đạo đức và công lý, gây ra những hậu quả xấu, nghịch lý và bất công...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác tại đây
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác (Chuẩn)
Cái thiện và cái ác là hai khái niệm gắn liền với quy luật phát triển của đời sống, trong mọi lĩnh vực của đời sống đều tồn tại hai mặt đối lập tốt - xấu, thiện - ác. Sự tồn tại của thiện và ác chính là nguyên nhân của cuộc đấu tranh giữa chúng, bản chất của cuộc chiến tranh này là quy luật tất yếu và góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội. Tuy cuộc đấu tranh này sẽ không bao giờ có hồi kết nhưng kết cục chung nhất vẫn là cái thiện luôn chiến thắng cái ác.
Để có thể hiểu về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, trước hết ta phải hiểu được thế nào là cái thiện và thế nào là cái ác. Cái thiện, việc thiện là đại diện cho những những việc làm, hành động đúng với công lý, đạo đức, đem lại lợi ích chính đáng, những điều tốt đẹp. Trái ngược với cái thiện là cái ác, việc ác đại diện cho những việc làm, hành động sai trái, phạm pháp, vi phạm chuẩn mực đạo đức và công lý, gây ra những hậu quả xấu, nghịch lý và bất công. Trước khi chúng ta có mặt, vốn cái thiện và cái ác đã luôn tồn tại, cho đến khi ta có nhận thức mới nhận ra được cái thiện và cái ác. Hai phạm trù này hoàn toàn trái ngược nhau song tồn tại song song với nhau, luôn công kích và cạnh tranh triệt tiêu lẫn nhau. Mọi mặt trong đời sống đều có mặt tốt - mặt xấu, mặt hay - dở, thiện và ác cũng tương tự, cái sai ác luôn tìm cách đè nén, phủ nhận cái thiện, tuy nhiên cái thiện sẽ luôn có cách để trừng trị cái ác, chiến thẳng và dẹp trừ cái ác. Từ những câu chuyện cổ tích xa xưa, ta đã được làm quen với sự tồn tại song song và đối lập nhau giữa thiện và ác, tiêu biểu là các câu chuyện Tấm Cám, Sọ Dừa, Thạch Sanh,... Tấm đại diện cho cái thiện thì Cám đại diện cho cái ác, có Thạch Sanh thì lại có Lý Thông.
Có thể thấy, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là một cuộc đấu tranh mang tính quy luật tất yếu của xã hội, chính việc giải quyết mâu thuẫn giữa thiện ác là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Thực tế vẫn luôn chứng minh được cái thiện luôn chiến thắng cái ác, dù có phải trải qua nhiều khó khăn, gian nan và đánh đổi mất mát thì chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về cái thiện. Tuy nhiên cuộc đấu tranh giữa thiện và ác mang bản chất một cuộc đấu tranh không có hồi kết, giải quyết xong mâu thuẫn giữa thiện - ác của vấn đề này lại nảy sinh mâu thuẫn ở nhiều vấn đề khác. Chính vì vậy mà xã hội chúng ta không ngừng phải đấu tranh, biểu hiện cụ thể nhất chính là công việc của các chú công an, cảnh sát, họ đại diện cho chính nghĩa, công lý và bảo vệ cho cái thiện đấu tranh với những sai phạm, bất công và trái ngược đạo lý của cái ác. Chính nhờ có lực lượng trấn áp các tội phạm xã hội mà cuộc sống của người dân mới được yên ổn, ấm no và hạnh phúc. Bản thân mỗi chúng ta đều không muốn có những cái ác, không muốn làm điều ác, tuy nhiên vốn trong cuộc sống vẫn cần có sự tồn tại của cái ác, một mặt cái ác khẳng định tính chính nghĩa của cái thiện, mặt khác nhờ có cái ác mà con người ta có thể biết mà tránh xa, hướng đến những cái thiện. Con người phải là yếu tố phân minh, phân giải và quyết định tính đúng sai của cuộc đấu tranh này. Trong bản thân mỗi người cũng cần nhận thức rõ đâu là việc ác đâu là việc thiện để bỏ ác làm thiện, diệt trừ những mầm mống của cái ác xung quanh cuộc sống của mình.
Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác không bao giờ kết thúc, chính vì vậy sự can thiệp của con người cũng không thể ngơi nghỉ, hãy chung tay dẹp trừ cái ác, lan tỏa cái thiện. Trách nhiệm trong cuộc đấu tranh này thuộc về tất cả cá nhân, tập thể và xã hội, mỗi chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về cái thiện - cái ác và dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn đứng về phía cái thiện, tranh đấu đến cùng bảo vệ cho cái thiện.
-------------------HẾT-----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-cuoc-dau-tranh-giua-cai-thien-va-cai-ac-45720n.aspx
Các em vừa cùng tham khảo bài văn mẫu Nghị luận xã hội về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, qua đó các em thấy được sự tồn tại song hành của thiện -ác, tốt-xấu trong xã hội và sự chiến thắng tất yếu của cái thiện trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng ấy. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức xã hội và kĩ năng viết bài, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, Nghị luận xã hội về câu nói Cái khó bó cái khôn, Nghị luận xã hội về thành công và thất bại, Nghị luận về tiền tài và hạnh phúc.