Nghị luận về Văn học và Tình thương

Bài văn Nghị luận về Văn học và Tình thương sẽ giúp cho các em học sinh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn học và tình thương cũng như giá trị của văn chương trong đời sống. Các em hãy đọc bài viết để rút ra cho mình những bài học ý nghĩa nhé!

Đề bài: Nghị luận về Văn học và Tình thương

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2

nghi luan ve van hoc va tinh thuong

Nghị luận về Văn học và Tình thương

Mẹo Cách viết bài văn nghị luận xã hội

I. Dàn ý Nghị luận về Văn học và Tình thương (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề nghị luận: Văn học và tình thương

2. Thân bài

· Giải thích khái niệm:
· Văn học: Là một bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh bằng nhiều phương thức khác nhau để thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người viết
· Tình thương: Là một trong những khía cạnh tình cảm của con người,...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Nghị luận về Văn học và Tình thương tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận về Văn học và Tình thương


1. Nghị luận về Văn học và tình thương, mẫu số 1 (Chuẩn):

Văn chương là một sản phẩm tinh thần mang tính sáng tạo cao, phản ánh những tâm tư tình cảm, quan điểm, tư tưởng của một con người về thế giới và xã hội xung quanh, đồng thời nhân đó bộc lộ cả tam quan, tâm hồn của một con người. Từ ngàn đời nay văn chương đã xuất hiện như là một phần thiết yếu của lịch sử loài người, phản ánh nền văn minh của nhân loại, nhưng cho dù là văn học của bất kỳ nền văn hóa, chế độ, thể loại, hay thời kỳ lịch sử nào văn học vẫn luôn mang trong mình một đặc điểm chung nhất ấy là gắn liền với tình thương của cá nhân theo những mức độ khác nhau.

Văn học ở đây chỉ một phạm trù rộng lớn bao gồm các tác phẩm văn chương ở nhiều thể loại ứng với từng thời kỳ và sự phát triển của nhân loại như thơ, từ, ca, phú, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, văn chính luận, biền ngẫu, sử thi, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, thành ngữ,… do một cá nhân hay tập thể sáng tạo ra với mục đích chính là để bộc lộ các khía cạnh của tâm hồn cá nhân, mang những ý nghĩa nhân văn, đạo đức, giáo dục con người, phục vụ cho hoạt động chính trị, quân sự, hoặc đơn thuần là thú vui tao nhã của bậc cao nhân mặc khách. Văn học chủ yếu nhất vẫn là được lưu truyền bằng hình thức ghi chép lại, nhưng cũng có một số thể loại văn học dân gian thì được truyền miệng qua nhiều đời, chính vì vậy phần nội dung thường có nhiều những biến đổi cho phù hợp. Có thể nói rằng văn chương là một tập hợp những kho tàng tri thức vô tận của con người, là nơi lưu giữ những bộ óc nghệ thuật và sáng tạo nhất, hãy tưởng tưởng rằng thế giới này nếu không có văn chương có lẽ sẽ buồn chán và ảm đạm lắm, bởi con người sẽ nhanh chóng quên mất lịch sử gốc gác của mình, cũng không biết được những nét đẹp truyền thống văn hóa của cha ông, đồng thời cũng chẳng thể mở rộng tầm nhìn cá nhân, học hỏi kiến thức thông qua những cuốn sách vĩ đại. Có thể nói rằng chính văn chương đã đem đến cho con người và thế giới một cuộc sống đa dạng và phong phú hơn.

Tình thương có thể hiểu một cách đơn giản đó là thứ tình cảm xuất phát từ tâm hồn của mỗi con người đối với các sự vật hiện tượng và những người xung quanh mình, nó bao gồm các thứ tình cảm như tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên cuộc sống, tình cảm gắn bó, trân trọng đối với gia đình, người thân, tấm lòng nhân ái, trắc ẩn giữa con người với con người, sự bao dung thấu hiểu lẫn nhau,… Chung quy lại tình thương tức là chỉ tất cả những thứ tình cảm mang tính tích cực, khiến con người ta có ánh mắt bao dung trìu mến và thấu hiểu thêm được những giá trị trong cuộc đời, từ đó hướng đến của một xã hội nhân văn, một tâm hồn cao cả hơn, thúc đẩy con người hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, đạo đức hơn.

Văn học chỉ thực sự là có ý nghĩa khi bản thân nó bao hàm được những tình thương, và có tác động tích cực tới tư tưởng tình cảm của độc giả, và từ ngàn đời nay chưa khi nào người ta thấy văn học tách rời khỏi yếu tố tình thương. Trước hết nói về văn học với tình yêu quê hương, đất nước, đây có thể xem là một trong những nội dung và là chủ đề xuyên suốt trong văn học dân tộc Việt Nam từ thời trung đại cho đến tận ngày hôm nay. Ví như trong văn học trung đại, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tình yêu quê hương, đất nước, thể hiện qua tư tưởng độc lập, tự cường, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quyết tâm chống giặc và lòng căm thù giặc sâu sắc xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm như: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan,… và cả trong nhiều bài thơ khác nữa của Nguyễn Trãi ta đều thấy rất rõ điều ấy. Trong văn học hiện đại, giai đoạn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ diễn ra ác liệt, thì các tác phẩm văn chương nói về đề tài  yêu nước và chống giặc ngoại xâm lại càng nở rộ và rực rỡ hơn bao giờ hết. Về các tác phẩm thơ có thể kể đến Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm, Từ ấy, Việt Bắc của Tố Hữu,… thể hiện tinh thần chiến đấu chống giặc cứu nước của bao thế hệ thanh niên. Hoặc các bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Nói với con của Y Phương thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương, con người thông qua những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Về văn xuôi có thể kể đến các tác phẩm như Làng của Kim Lân, Đôi mắt của Nam Cao, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài,… và nhiều các tác giả khác nữa đều thể hiện rất đậm đặc một nội dung ấy là lòng yêu nước sâu sắc, ý chí chí quyết tâm chống giặc mạnh mẽ của những con người anh hùng trên mảnh đất hình chữ S. Một số các tác phẩm khác thể hiện tình yêu quê hương đất nước thông qua việc ca ngợi vẻ đẹp của quê hương của con người lao động ví như: Quê hương của Tế Hanh, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Tùy bút Sông Đà, ký Cô Tô của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường,…

Một khía cạnh khác của tình thương được thể hiện khá nhiều trong văn học Việt Nam chính là tình cảm gia đình với các mối quan hệ anh em, vợ chồng, cha con, mẹ con,… chủ yếu được bộc lộ trong các câu ca dao, tục ngữ xưa. Ví như giữa tình cảm vợ chồng có câu: “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” hay “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Tình cảm anh em có câu “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”, tình phụ tử, mẫu tử có bài “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Trong văn học hiện đại cũng có nhiều tác phẩm phản ánh tình cảm gia đình như Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài), Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Không gia đình của Hector Malot, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn của Nguyễn Duy, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Cổng trường mở ra của Lý Lan, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng,… Tình cảm gia đình ở trong các tác phẩm này được bộc lộ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc tác giả tạo dựng tình huống và giải quyết từ đó nhấn mạnh tầm quan trọng, mối quan hệ gắn bó, yêu thương của những cá nhân trong một gia đình, ca ngợi tình mẫu tử, phụ tử, sự hy sinh của người cha, người mẹ dành cho những đứa con và tình cảm trân quý, ngưỡng mộ, yêu thương của những đứa con dành cho cha mẹ của mình, đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của gia đình trong xã hội, trong sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.

Một phương diện phổ biến nữa mà văn học cũng thường hướng tới ấy là tình thương giữa con người với con người, bao gồm tình yêu đôi lứa, sự thương xót cảm thông cho các số phận cùng khổ, sự thấu hiểu, ca ngợi vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến,… Có thể nói rằng đây là một trong những khía cạnh nhân văn, nhân bản nhất của văn học, nó đem đến cho con người những góc nhìn mới, những tư tưởng mới, sự thấu hiểu cảm thông đối với những mảnh đời, những số phận khác nhau, khiến con người ta biết yêu thương, biết trân trọng cuộc sống hơn, biết sống nhân nghĩa, tình cảm và giàu lòng yêu thương hơn cả. Điều mà có lẽ trước đây nếu không có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học, con người sẽ dễ mãi sống trong tầm nhìn hạn hẹp, trong sự ích kỷ và thiếu tính sẻ chia. Văn học với tình cảm nhân ái giữa con người với con người là một khuynh hướng sáng tác đã xuất hiện từ sớm trong văn học trung đại, trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thể hiện rõ nhất ở tư tưởng nhân nghĩa, yêu dân, đau xót trước nghịch cảnh nhân dân bị giặc Minh chà đạp, tàn sát. Đến khoảng sau thế kỷ XV, là sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm ngầm lên án chế độ phong kiến bất công, và thương cảm cho thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời ca ngợi những vẻ đẹp tâm hồn và ngoại hình của họ. Có thể kể đến các tác phẩm: Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, đa số các sáng tác của Hồ Xuân Hương ví như: Tự tình, Bánh trôi nước,... hay đặc biệt nổi tiếng được xếp vào hàng kiệt tác là Truyện Kiều của Nguyễn Du, ngoài ra còn có Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ,… Ở văn học hiện đại, tình cảm nhân ái giữa người với người được thể hiện chủ yếu trong các tác phẩm văn học hiện thực: Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc của Nam Cao, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Chị Dậu của Ngô Tất Tố,… Tập trung vào số phận khốn khổ của người nông dân trí thức cũ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến với tình cảm xót thương, thấu hiểu đồng thời tỏ ý trân trọng, ca ngợi những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn họ.

Tựu chung lại, tình thương là một yếu tố tối cần của văn học, nếu một tác phẩm thiếu đi yếu tố này thì hầu như nó không đem đến cho độc giả được bất kỳ một giá trị nào. Bởi lẽ giữa độc giả và tác phẩm không có được sự kết nối của xúc cảm, người đọc cũng không hiểu được tâm hồn của người nghệ sĩ trong sáng tác, cũng như tư tưởng mà họ muốn thông qua tác phẩm để truyền đạt. Văn học với tình thương có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người, nó mang đến cho con người những cái nhìn mới mẻ, phong phú và nhiều màu sắc hơn, làm sâu đậm hơn những tình cảm sẵn có và khai mở những tình cảm chưa có trong trái tim của mỗi con người, có ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn đối với sự tồn vong của nhân loại.
 

2. Nghị luận về Văn học và tình thương, mẫu số 2:

Văn chương nghệ thuật là thứ chỉ có trong đời sống văn hóa tinh thần của con người, nó mang đến những tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm và nhận thức của con người. Con người chúng ta luôn sống bằng tình thương và đề cao lòng nhân ái, giữa văn học và con người có sự liên kết chính nhờ tình thương ấy. Trong bản thân văn học và tình thương của con người tồn tại mối quan hệ sâu sắc, gắn bó mật thiết với nhau.

Văn học nói chung được hiểu là một bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh bằng nhiều phương thức khác nhau để thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người viết. Những tác phẩm văn học là những văn bản mang ý nghĩa giá trị về trí tuệ, tư tưởng, triết lý cao, hoặc có thể mang lại sự đồng cảm trong suy nghĩ và nhận thức. Tình thương là một trong những khía cạnh tình cảm của con người, biểu hiện của sự giao cảm giữa con người với con người và con người với thế giới xung quanh. Tình thương được thể hiện trên nhiều góc độ khác nhau, có thể là lòng đồng cảm, thương xót, có thể là ngợi ca và trân trọng hay thậm chí là tiếng nói phê phán, lên án. Giữa văn học và tình thương tồn tại mối quan hệ tương hỗ và gắn bó mật thiết với nhau.

Trước hết, tình thương chính là mục đích cuối cùng mà văn học hướng đến, văn học dù ở trên phương diện nào, được thể hiện bằng cách nào cũng chỉ hướng đến tình thương của con người. Bởi một tác phẩm văn học chân chính là phải hướng đến con người, phục vụ đời sống tình cảm của con người. Văn học được coi như một đại diện của tính nhân văn, nhân đạo của con người, không chỉ mang đến sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau thương, bất công và mất mát của con người mà còn đi tới những góc khuất trong đời sống tình cảm của họ để san sẻ. Giống như Ngô Tất Tố với những kiếp người như chị Dậu trong "Tắt đèn", chị em Liên trong "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, hay Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du...

Văn học còn là những bài ca, tiếng nói ca ngợi về tình thương, những phẩm chất cao đẹp của con người, vẻ đẹp giá trị và trân trọng tình cảm của con người. Ví dụ như ca ngợi về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam có "Thương vợ" của Tú Xương, ca ngợi tư tưởng nhân đạo như "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi... Phê phán và lên án những mặt tối trong xã hội cũng chính là biểu hiện tình thương của văn học, thông qua văn học những khuất tất, mặt trái của xã hội được phơi bày ra ánh sáng (Lão Hạc, Tắt đèn...), những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội được lên án mạnh mẽ (Hạnh phúc của một tang gia, Những ngày thơ ấu...), ngay cả việc lên án chế độ xã hội các thế lực chèn ép quyền sống con người cũng được triệt để qua văn học (Truyện Kiều, Chí Phèo...). Tình thương lại chính là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, bởi trong mọi hoàn cảnh tâm lý và bối cảnh xã hội, tình thương của con người vẫn luôn tồn tại. Văn học ra đời để truyền tải tình thương và gìn giữ những giá trị tình thương của con người, mọi khía cạnh của tình thương đều được văn học khai thác triệt để để có thể gắn kết con người, đưa con người gần lại với nhau và thấu hiểu nhau hơn.

Có thể khẳng định mối quan hệ giữa văn học và tình thương là một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ không thể tách rời, trên cơ sở tình thương văn học ngày càng phát triển đa dạng cả về chiều rộng và chiều sâu, tình thương của con người nhờ có văn học mà ngày càng sâu sắc và vươn tới những giá trị cao cả.

----------------------HẾT--------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-van-hoc-va-tinh-thuong-45868n.aspx
Bên cạnh đề 2, bài tập làm văn số 7, Ngữ văn 8:  Nghị luận về Văn học và Tình thương, các em học sinh có thể tham khảo bài mẫu cho đề 1 và đề 3: Nghị luận Tuổi trẻ và tương lai đất nước, Nghị luận xã hội về lòng tự trọng, Hãy nói “không” với các tệ nạn xã hội, Nghị luận xã hội về đồng cảm và sẻ chia trong xã hội.

Tác giả: Nguyễn Hải Sơn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận xã hội 200 chữ về tình yêu thương
Nghị luận xã hội Tình thương là hạnh phúc con người
Dàn ý nghị luận Tình thương là hạnh phúc con người
Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận, Ngữ văn lớp 7
Nghị luận xã hội về lòng yêu thương
Từ khoá liên quan:

Nghi luan ve Van hoc va Tinh thuong

, bai viet so 7 lop 8 de 2 van hoc va tinh thuong ngan nhat, dan y nghi luan ve Van hoc va Tinh thuong,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới