Đề bài: Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác
Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác
I. Dàn ý Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về văn bản "Sông nước Cà Mau" của tác giả Đoàn Giỏi văn bản "Vượt thác" của Võ Quảng.
- Giới thiệu khái quát về vấn đề cần nghị luận: Nghệ thuật tả phong cảnh qua "Sông nước Cà Mau" và "Vượt thác".
2. Thân bài
a. Điểm nhìn
- Cả hai nhà văn đều cùng lựa chọn điểm nhìn là trên con thuyền.
- Tác dụng:
+ Tạo điều kiện, cơ hội để cho người kể chuyện miêu tả cảnh vật một cách linh hoạt, tự nhiên và hợp lí.
+ Tạo nên những khung cảnh thiên nhiên độc đáo, mang những nét đặc trưng riêng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc
b. Những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả phong cảnh
* Trong văn bản "Sông nước Cà Mau", bằng sự kết hợp của nhiều giác quan, tác giả đã vừa kể vừa giới thiệu, miêu tả bức tranh sông nước Cà Mau theo một trình tự hợp lí, cảnh sắc vừa được nhìn bao quát lại vừa được miêu tả một cách chi tiết, đầy sinh động. Cùng với đó, ngôn ngữ trong văn bản cũng đậm màu sắc Nam Bộ
- Mở đầu văn bản chính là khung cảnh khái quát của sông nước Cà Mau cùng những cảm nhận, ấn tượng ban đầu của tác giả về thiên nhiên nơi đây.
- Hình ảnh của kênh rạch vùng Cà Mau và dòng sông Năm Căn rộng lớn:
+ Những tên sông, tên kênh rạch đã được đặt bằng những cái tên giản dị, đậm chất Nam Bộ, gắn với nét đặc trưng riêng.
+ Dòng sông Năm Căn rộng lớn và rừng đước bạt ngàn. Sông Năm Căn hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ qua việc sử dụng từ láy và biện pháp tu từ so sánh.
- Phong cảnh sông nước vùng Cà Mau còn được tác giả miêu tả chi tiết qua hình ảnh của chợ Năm Căn - hình ảnh thu nhỏ về cuộc sống của con người nơi đây.
* Trong văn bản "Vượt thác", theo hành trình vượt thác, tác giả đã tả cảnh, tả người rất tự nhiên, linh hoạt. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh, nhân hóa độc đáo, khiến cho cảnh và người hiện lên thật chân thực và sinh động.
- Nhà văn đã sử dụng một cách hiệu quả những hình ảnh so sánh, nhân hóa để vẽ lên một bức tranh dòng sông Thu Bồn cụ thể và sinh động.
+ Khung cảnh êm đềm, thơ mộng ở đoạn ngã ba sông ở vùng đồng bằng.
+ Dòng sông dữ dội và khắc nghiệt qua cuộc đấu tranh đầy gay go, ác liệt giữa người và thác dữ.
+ Khi đã vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ, thiên nhiên dường như đã bớt hiểm trở hơn và qua nhiều lớp núi, một vùng ruộng đồng bằng phẳng mở ra
3. Kết bài
Khái quát lại những nét đặc sắc về nghệ thuật miêu tả phong cảnh trong hai tác phẩm và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác
Mỗi mảnh đất, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta luôn có những nét phong cảnh, những vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng, tất cả chúng đã quyện hòa vào nhau tạo nên vẻ đẹp của nước non Việt Nam. Nếu "Sông nước Cà Mau" của Đoàn Giỏi chúng ta được khám phá vẻ đẹp của sông nước Cà Mau với chợ Năm Căn nổi tiếng thì "Vượt thác" của Võ Quảng lại là cảnh sắc sông nước ở miền Trung đất nước. Hai nhà văn với những nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả phong cảnh đã đưa đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc và thú vị về thiên nhiên trên đất nước chúng ta.
Trước hết, dù viết về những địa danh, những phong cảnh ở những miền đất khác nhau nhưng cả hai nhà văn đều cùng lựa chọn điểm nhìn để quan sát và miêu tả cảnh sắc đó chính là trên con thuyền. Cả hai nhà văn đều theo hành trình của con thuyền mà kể, mà tả mà tái hiện lại bức tranh phong cảnh. Chính điểm nhìn này đã tạo điều kiện, cơ hội để cho người kể chuyện miêu tả cảnh vật một cách linh hoạt, tự nhiên và hợp lí. Từ đó, tạo nên những khung cảnh thiên nhiên độc đáo, mang những nét đặc trưng riêng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Cùng viết về miền sông nước, cùng lựa chọn chung điểm nhìn song mỗi nhà văn lại chọn cho mình một lối đi riêng, những thủ pháp nghệ thuật riêng khi miêu tả, tái hiện bức tranh thiên nhiên.
Trong văn bản "Sông nước Cà Mau" từ điểm nhìn trên con thuyền, bằng sự kết hợp của nhiều giác quan, tác giả đã vừa kể vừa giới thiệu, miêu tả bức tranh sông nước Cà Mau theo một trình tự hợp lí, cảnh sắc vừa được nhìn bao quát lại vừa được miêu tả một cách chi tiết, đầy sinh động. Cùng với đó, ngôn ngữ trong văn bản cũng đậm màu sắc Nam Bộ với nhiều từ ngữ độc đáo, tinh tế và gợi cảm.
Đọc "Sông nước Cà Mau", người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy mở đầu văn bản chính là khung cảnh khái quát của sông nước Cà Mau cùng những cảm nhận, ấn tượng ban đầu của tác giả về thiên nhiên nơi đây. Ấn tượng đầu tiên ấy chính là cảm giác choáng ngợp trước một vùng không gian mênh mông, rộng lớn với sông ngòi, kênh rạch, với màu xanh ngút ngàn của trời, của nước và của lá cây bao trùm khắp không gian.
Để rồi, từ những cảm nhận, ấn tượng ban đầu về khung cảnh Cà Mau, tác giả đã miêu tả, khám phá thiên nhiên nơi đây bằng những chi tiết cụ thể và đầy sinh động. Đầu tiên đó chính là hình ảnh của kênh rạch vùng Cà Mau và dòng sông Năm Căn rộng lớn. Tác giả đã giới thiệu về tên sông, tên kênh rạch một cách cụ thể, làm cho người đọc cảm nhận được đây là một vùng đất rộng lớn, phong phú, rất tự nhiên và đầy hoang dã. Những tên sông, tên kênh rạch đã được đặt bằng những cái tên giản dị, đậm chất Nam Bộ, gắn với nét đặc trưng riêng. Có thể kể đến những cái tên như Rạch Mái Giầm, kênh Bọ Mắt, kênh Ba Khía, xã Năm Căn,... Cùng với những kênh rạch, Cà Mau cũng rất đáng nhớ bởi dòng sông Năm Căn rộng lớn và rừng đước bạt ngàn. Sông Năm Căn hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ qua việc sử dụng từ láy và biện pháp tu từ so sánh. "Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi, con sông rộng lớn hơn ngàn thước". Cùng với đó, rừng đước hiện lên với muôn vàn sắc xanh ở những sắc độ khác nhau: xanh lá mạ, xanh rêu, xanh chai lọ,...
Thêm vào đó, phong cảnh sông nước vùng Cà Mau còn được tác giả miêu tả chi tiết qua hình ảnh của chợ Năm Căn - hình ảnh thu nhỏ về cuộc sống của con người nơi đây. Chợ Năm Căn hiện lên với những túp lều lá thô sơ, những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những thuyền đáy, thuyền chài, thuyền buồm dập dềnh trên sông. Hoạt động của chợ cũng thật tấp nập, ồn ào, "bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông". Cùng với đó, chợ Năm Căn cũng mang vẻ độc đáo của một vùng sông nước. Chợ họp trên sông, những con thuyền bán hàng len lỏi mọi nơi và người ta có thể mua mọi thứ mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Dường như, cặp mắt của người kể chuyện đang len lỏi khắp mọi nơi để chụp lấy những khoảnh khắc tuyệt vời và đôi tai đang cố gắng thu mọi âm thanh để tạo nên những thước phim độc đáo, sống động về mảnh đất nơi đây.
Trong văn bản "Vượt thác", từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác, tác giả đã tả cảnh, tả người rất tự nhiên, linh hoạt. Đặc biệt, tác giả đã sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh, nhân hóa độc đáo, khiến cho cảnh và người hiện lên thật chân thực và sinh động.
Trước hết, nhà văn đã sử dụng một cách hiệu quả những hình ảnh so sánh, nhân hóa để vẽ lên một bức tranh dòng sông Thu Bồn cụ thể và sinh động. Đó là khung cảnh êm đềm, thơ mộng ở đoạn ngã ba sông ở vùng đồng bằng. Trên sông, có những thuyền "chất đầy cau tươi, dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm". Những hình ảnh ấy đã vẽ nên một khung cảnh thiên nhiên yên bình và ấm áp. Thêm vào đó, hai bên bờ sông với "những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít" đã mở ra một không gian thoáng đãng, ngập tràn sắc xanh của sự sống. Không chỉ là dòng sông hiền hòa, sông Thu Bồn còn hiện lên là một dòng sông dữ dội và khắc nghiệt. Phường Rạch với sự thay đổi về cảnh sắc đã báo hiệu cho người chèo thuyền phía trước là đoạn sông với nhiều những thác dữ. Và cuộc đấu tranh đầy gay go, ác liệt giữa người và thác dữ bắt đầu: "Nước từ trên cao phòng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn ... Chiếc sào của dượng Hương Thư dưới sức sống chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống". Thiên nhiên quả thực rất hiểm trở và dữ dội.
Để rồi, khi đã vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ, thiên nhiên dường như đã bớt hiểm trở hơn và qua nhiều lớp núi, một vùng ruộng đồng bằng phẳng mở ra chào đón những con người quả cảm.
Tóm lại, có thể thấy, "Sông nước Cà Mau" của Đoàn Giỏi và "Vượt thác" của Võ Quảng với những nét đặc sắc riêng trong nghệ thuật miêu tả phong cảnh đã vẽ nên những bức tranh thiên nhiên độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền. Đồng thời, đã góp phần làm phong phú, rực rỡ thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên đất nước Việt Nam.
-----------------------HẾT--------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghe-thuat-mieu-ta-phong-canh-qua-song-nuoc-ca-mau-va-vuot-thac-56763n.aspx
Trong bài Nghệ thuật miêu tả phong cảnh qua Sông nước Cà Mau và Vượt thác trên đây, chúng tôi đã giúp các em khái quát những nét đặc sắc về nghệ thuật miêu tả phong cảnh trong hai tác phẩm Sông nước Cà Mau và Vượt thác, bên cạnh bài khái quát chung, các em có thể tìm hiểu nội dung của từng tác phẩm qua bài: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc đoạn văn Vượt thác, Cảm nhận về thiên nhiên và con người lao động qua văn bản vượt thác của nhà văn Võ Quảng, Phân tích văn bản Sông nước Cà Mau, Kể lại cảnh sông nước Cà Mau bằng lời của mình.