Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Bài văn mẫu Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra sẽ giúp các em cắt nghĩa, lí giải ý nghĩa câu ca dao, qua đó thấy được công lao to lớn của cha mẹ và thấy được trách nhiệm của của mỗi người con với cha mẹ.

Đề bài: Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

giai thich y nghia bai ca dao cong cha nhu nui thai son nghia me nhu nuoc trong nguon chay ra

Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra


I. Dàn ý Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về câu ca dao "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

2. Thân bài

- Giải thích câu ca dao:
+ Núi Thái Sơn là ngọn núi cao lớn, vững chãi nhất ở Trung Quốc
+ "nước trong nguồn" là dòng nước mát lành, dạt dào và không bao giờ vơi cạn.
→ Tình cảm của cha mẹ vô cùng to lớn, không gì có thể đo lường được hết.
→ Nhắc nhở đến những người con, cần sống hiếu thuận, yêu thương cha mẹ để bù đắp cho những hi sinh lớn lao mà bố mẹ đã dành.

- Công lao của cha mẹ với con cái:
+ Cha mẹ dành cho con cái tất cả những yêu thương, hi vọng của bản thân.
+ Cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái từ khi mới lọt lòng, họ cũng là người dõi theo từng bước trưởng thành và che chở cho chúng ta trước những sóng gió cuộc đời.
+ Cha mẹ sẵn sàng hi sinh để mang đến cho con cuộc sống tốt đẹp nhất
+ Cha mẹ dạy chúng ta bao điều hay lẽ phải.

- Bài học nhận thức:
+ Cần có thái độ yêu thương, lễ phép, kính trọng cha mẹ.
+ Cố gắng học tập, ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, học tập tốt để làm cho bố mẹ vui lòng.

3. Kết bài

Cảm nhận chung


II. Bài văn mẫu Giải thích ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (Chuẩn)

Bố mẹ là những đấng sinh thành, người cho chúng ta sự sống cũng là những người yêu thương chúng ta vô điều kiện. Dẫu cuộc sống có nhiều thăng trầm, đổi thay, dẫu mọi người có thể quay lưng thì bố mẹ vẫn là người ở bên che chở cho chúng ta, mang đến cảm giác bình yên ngay trong giông bão. Có thể nói công lao của bố mẹ cao như bầu trời, rộng như bể mà dù dùng cả cuộc đời chúng ta cũng không thể báo đáp hết. Bàn về công lao của cha mẹ, ông cha ta đã đúc kết trong câu ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Mượn hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, câu ca dao đã thể hiện công lao không gì đong đếm được của cha mẹ với con cái. Núi Thái Sơn là ngọn núi cao lớn, vững chãi nhất ở Trung Quốc còn "nước trong nguồn" là dòng nước mát lành, dạt dào và không bao giờ vơi cạn. So sánh công cha, nghĩa mẹ như núi Thái Sơn và nước trong nguồn, ông cha ta muốn khẳng định tình cảm của cha mẹ vô cùng to lớn, không gì có thể đo lường được hết. Câu ca dao cũng là lời gửi gắm, nhắc nhở đến những người con, cần sống hiếu thuận, yêu thương cha mẹ để bù đắp cho những hi sinh lớn lao mà bố mẹ đã dành cho chúng ta.

Giữa cha mẹ và con cái được gắn kết với nhau bởi mối quan hệ huyết thống gần gũi, vì vậy mà tình cảm ấy cũng thật thiêng liêng, cao quý. Cha mẹ dành cho con cái tất cả những yêu thương, hi vọng của bản thân. Cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc con cái từ khi mới lọt lòng, cha mẹ cũng là người dõi theo từng bước trưởng thành và che chở cho chúng ta trước những sóng gió cuộc đời. Một trong những điều khiến cho tình cảm gia đình trở thành tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống con người, đó chính là sự hi sinh thầm hi sinh để mang đến cho những người con cuộc sống tốt đẹp nhất lặng của những đấng sinh thành. Những người cha, người mẹ sẵn sàng bươn chải với cuộc đời, luôn nhận về mình sự thiệt thòi. Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một câu nói nổi tiếng trong bộ phim "Người phán xử": "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Những thứ khác có hay không, không quan trọng". Câu nói cũng đã khẳng định được vị trí, vai trò của tình cảm gia đình trong cuộc đời mỗi con người, bởi cha mẹ mãi là những người ở bên khi tất cả mọi người đã quay lưng.

Cha mẹ không chỉ cho chúng ta sự sống, nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu thương mà còn dạy chúng ta bao điều hay lẽ phải. Cha mẹ dạy chúng ta nên người, dạy chúng ta cách ứng xử, phép lịch sự và hướng chúng ta trở thành những người có ích cho xã hội.

Có thể nói câu ca dao đã sử dụng những hình ảnh đầy tính biểu tượng để nói về tình cha, nghĩa mẹ. Núi Thái Sơn cao lớn mà thâm trầm, vững chãi giống như vòng tay và tình yêu của cha. Cha là trụ cột của gia đình, người gánh vác mọi gánh nặng, người chở che mang đến cho chúng ta cảm giác an toàn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tình cảm của người cha cũng nghiêm khắc, thâm trầm như đá núi, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những người cha thường ít nói những lời yêu thương nhưng lại lặng lẽ biểu đạt tình yêu ấy qua những hành động chở che thầm lặng. Tình yêu của cha không hề thua kém tình thương của mẹ, thế nhưng tình cảm ấy lại chẳng dễ dàng để nhận biết bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.

Tình yêu của người mẹ lại dạt dào, mát lành như nước trong nguồn. Tình yêu, sự quan tâm của người mẹ được thể hiện trực tiếp thông qua những lời nói âu yếm, những hành động quan tâm trong cuộc sống hàng ngày. Do đó tình yêu của mẹ có thể dễ dàng nhận thấy, tình yêu ấy cũng chính là dòng nước mát lành tưới mát cho tâm hồn của mỗi người con.

Thấy được công lao trời bể của cha mẹ, mỗi chúng ta cần có thái độ yêu thương, lễ phép, kính trọng cha mẹ. Để không phụ công lao nuôi dưỡng và niềm tin của cha mẹ, mỗi người con cần cố gắng học tập, ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, học tập tốt để làm cho bố mẹ vui lòng. Ở thời đại nào cũng vậy, tình yêu của cha mẹ đều vô cùng to lớn, không đổi thay dẫu trong hoàn cảnh nào, thế nhưng đáng buồn thay hiện nay vẫn còn những bạn học sinh có thái độ hỗn hào, thường xuyên cãi lời cha mẹ khiến cha mẹ buồn lòng. Tuy có cách thể hiện yêu thương khác nhau, dù cha mẹ có quở mắng hay dùng đòn roi với chúng ta cũng là bởi cha mẹ mong muốn chúng ta nên người. Vì vậy đừng vì những bực tức nhất thời, vì cái tôi quá lớn của bản thân mà có những lơi nói, hành động khiến bố mẹ buồn phiền.

Bài ca dao "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" đã giúp chúng ta nhận ra công lao to lớn, tình yêu bao la của cha mẹ dành cho mình. Chúng ta hãy là những người con hiếu thảo, hãy quan tâm, yêu thương những người đã sinh ra và nuôi lớn chúng ta nên người để báo đáp cha mẹ.

---------------HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/giai-thich-y-nghia-bai-ca-dao-cong-cha-nhu-nui-thai-son-nghia-me-nhu-nuoc-trong-nguon-chay-ra-63087n.aspx
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tìm hiểu thêm về tình cảm gia đình, các em không nên bỏ qua những bài văn nghị luận đặc sắc khác như: Nghị luận xã hội: Trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, Nghị luận xã hội về tình cảm giữa cha mẹ và con cái, Nghị luận xã hội về tình mẫu tử, Suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Tác giả: Trần Hoạt     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Lời bài hát Huyền thoại mẹ
Dàn ý cảm nghĩ về bài Sông núi nước Nam
Lời bài hát Hạ trắng
Lời bài hát Mẹ yêu con
Dàn ý qua bài Thân em như tấm lụa đào, trình bày suy nghĩ về cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại
Từ khoá liên quan:

giai thich y nghia bai ca dao cong cha nhu nui thai son nghia me nhu nuoc trong nguon chay ra

, giai thich bai ca dao cong cha nhu nui thai son, nghi luan ve cau ca dao cong cha nhu nui thai son,

Tin Mới