Có thể nói, ngoài nhân vật anh thanh niên, nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa cũng là nhân vật được tác giả gửi gắm nhiều điều qua suy nghĩ của ông về con người và nghệ thuật. Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa sẽ giúp các em hiểu hơn về nhân vật cũng như những thông điệp về cuộc sống được gửi gắm qua nhân vật.
Đề bài: Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, nhân vật ông họa sĩ.
2. Thân đoạn
a. Ông họa sĩ là người có tình yêu sâu sắc với thiên nhiên và con người
- Tình yêu với thiên nhiên:
+ Nhận ra thiên nhiên Sa Pa với những nét đẹp thơ mộng: rặng đào, đàn bò lang cổ đeo chuông.
+ Rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa.
- Tình yêu với con người:
+ Xúc động mạnh khi nhìn thấy anh thanh niên: tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ.
+ Ngạc nhiên về cuộc sống một mình của anh thanh niên.
+ Ông bối rối khi gặp anh thanh niên- đối tượng của nghệ thuật của mình.
b. Ông họa sĩ là người nghệ sĩ chân chính, luôn trăn trở, suy tư về nghệ thuật
- Một họa sĩ yêu nghề: luôn khao khát đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ngay những phút đầu gặp anh thanh niên ông đã lóe lên ý tưởng sáng tác.
- Luôn trăn trở, suy tư về nghệ thuật: quan niệm về nghệ thuật đúng đắn, cảm hứng nghệ thuật phải là cảm hứng bất chợt, tự nhiên và mãnh liệt nhất.
- Hiểu rõ quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời:
+ Nghệ thuật phải bắt đầu từ cuộc đời và hướng về cuộc đời.
+ Nghệ thuật cũng phải bất lực trước hành trình vĩ đại của cuộc đời, thấy ngòi bút của mình bất lực trên chính chặng đường đi.
c. Đánh giá chung:
- Về nhân vật: những xúc cảm và suy tư trăn trở của ông họa sĩ khiến cho người đọc hiểu hơn về cuộc đời và nghệ thuật.
- Về nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật ông họa sĩ là điểm trần thuật tự nhiên của tác giả để làm đẹp thêm chân dung nhân vật chính.
3. Kết đoạn
Nêu cảm nghĩ về nhân vật ông họa sĩ
II. Những Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa hay nhất
1. Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 1 (Chuẩn)
Có thể nói, trong mỗi nhà thơ nhà văn đều có những quan điểm khác nhau về nghệ thuật, họ gửi gắm trong những tác phẩm, trong từng nhân vật của mình. Nguyễn Thành Long đã chọn truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa và gửi gắm những tâm sự về cuộc đời và nghệ thuật của mình qua nhân vật ông họa sĩ già. Ông họa sĩ tuổi đã cao, là một người họa sĩ và làm nghệ thuật, trên chuyến xe đi Lào Cai ấy chính là ông đang đi tìm kiếm đối tượng của nghệ thuật để vẽ lại. Trong con mắt của một người làm nghệ thuật như ông, ông cảm nhận được Sa Pa với những nét đặc trưng riêng biệt, cho thấy ở ông có tình yêu thiên nhiên tha thiết "Sa Pa bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường". Yêu thiên nhiên Sa Pa, nhà họa sĩ còn muốn sau này khi về già sẽ lên ở hẳn với Sa Pa. Cuộc gặp gỡ của ông họa sĩ và anh thanh niên dường như là định mệnh, là định mệnh giữa tình yêu thương con người và tình yêu nghệ thuật. Ông họa sĩ đã tìm được cái mà ông đã đi tìm kiếm bấy lâu nay, ngay từ những cái nhìn đầu tiên cùng với sự trải nghề bao năm của mình, ông đã xúc động và bối rối, ông biết mình đã chạm được tới niềm khao khát bấy lâu. Ông đã bắt gặp "một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác...". Phải công nhận rằng, ông họa sĩ rất yêu nghề và tâm huyết với nghề, là một nhà nghệ thuật chân chính, ông đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để biến nó thành cái đẹp của nghệ thuật và từ đó lại trở về lan tỏa cái đẹp vào cuộc sống, làm đẹp cuộc đời. Gặp được một người như anh thanh niên, cuộc sống, câu chuyện và sự cống hiến của anh khiến ông họa sĩ muốn vẽ anh, vẽ lại bằng vài nét kí họa bởi "người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá". Nhà họa sĩ hiểu rõ sự bất lực của nghệ thuật, dù có cao siêu đến đâu cũng không thể vượt qua giới hạn vĩ đại của cuộc đời. Ông dám chấp nhận thử thách để hoàn thành sáng tác bởi gặp được anh thanh niên là một cơ hội hiếm có khó tìm, dù có phải mất cả một chặng đường dài. Có lẽ chính vì Sa Pa tuy lặng lẽ nhưng lại có những con người làm việc quên mình như anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau hay anh cán bộ làm bản đồ sét nên ông họa sĩ vẫn còn đắn đo, né tránh về đó để nghỉ ngơi giai đoạn cuối đời. Nhân vật ông họa sĩ tuy không phải nhân vật chính nhưng cách tác giả nhập vào suy nghĩ và cái nhìn của ông đã giúp cho thiên nhiên Sa Pa cũng như nhân vật chính và tư tưởng của truyện hiện lên rất rõ ràng.
2. Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 2 (Chuẩn)
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long có điểm nhìn trần thuật rất đặc biệt, truyện không dùng ngôi kể thứ nhất mà lựa chọn trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ. Chính vì vậy, những suy nghĩ của nhân vật này đã góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Thiên nhiên cuộc sống là nơi khơi gợi đề tài, cảm hứng sáng tác cho các nhà thi sĩ, ông họa sĩ cũng không ngoại trừ, qua cách nhìn và cách nghĩ về mảnh đất Sa Pa trên chuyến xe lên Lào Cai ta thấy được ông vô cùng cảm mến thiên nhiên nơi này. Chỉ cần nhìn thấy những rặng đào, những đàn bò lang cổ đeo chuông và các đồng cỏ ở thung lũng hai bên đường là ông họa sĩ đã nhận ra Sa Pa, ông nói rõ rằng mình thích Sa Pa, "thế nào tôi cũng về ở hẳn đấy". Trong chuyến đi này, mục đích của ông họa sĩ chính là đi tìm cảm hứng sáng tác, sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, và chính cuộc gặp gỡ tình cờ với anh thanh niên đã thắp lên cho ông nguồn cảm hứng mãnh liệt. Những giây phút đầu gặp gỡ, ông còn ngạc nhiên, ngờ ngợ, bối rối, nhưng sau khi nghe anh kể chuyện về chuyện việc, chuyện đời ông họa sĩ không còn đắn đo gì nữa, bất giác đã hí hoáy những nét vẽ vào cuốn sổ tì trên đầu gối. Cảm hứng của nghệ thuật chính là đó, bất chợt, tự nhiên và mãnh liệt nhất, ông đã tìm thấy và song song với mạch nghệ thuật được khơi nguồn ông cảm nhận rõ sự bất lực của nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải đi ra từ cuộc đời, cuối cùng vẫn phải hướng về cuộc đời, ông họa sĩ mang theo những suy tư, trăn trở, làm sao để nghệ thuật của mình truyền tải được cuộc sống, xứng đáng với cuộc sống. Phải là một nghệ sĩ chân chính và có tâm huyết sâu nặng với nghề thì ông họa sĩ mới có được nhận thức quý giá như thế, lần này ông gặp được anh thanh niên với biết bao vẻ đẹp tâm hồn và ông muốn phác họa lại để "người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa". Có lẽ ông vẽ bức tranh anh thanh niên ấy là muốn cho mọi người cùng biết về công việc thầm lặng, suy nghĩ và lý tưởng sống đẹp của anh thanh niên, và có lẽ mục đích vẽ tranh của ông cũng là mục đích của tác giả. Nếu không có nhân vật ông họa sĩ có lẽ ta không thể cảm nhận được những vẻ đẹp của anh thanh niên trọn vẹn như thế và cũng không thể hiểu hết được những tâm tư về cuộc đời cũng như nghệ thuật mà Nguyễn Thành Long gửi gắm trong tác phẩm.
3. Đoạn văn phân tích nhân vật ông họa sĩ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 3 (Chuẩn)
Trong "Lặng lẽ Sa Pa" của tác giả Nguyễn Thành Long, bên cạnh nhân vật anh thanh niên, ta còn thấy có một nhân vật hăng say lao động, miệt mài với công việc của mình và dành cả cuộc đời để hoàn thành trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời đó chính là ông họa sĩ già. Trước hết, ông họa sĩ là một người yêu thiên nhiên, ta biết được điều đó qua phần đầu truyện, ông đi chuyến xe lên Lào Cai để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, ở nơi thiên nhiên thơ mộng ấy nhà họa sĩ thừa nhận rằng bản thân yêu Sa Pa và muốn về ở hẳn nơi đây trong giai đoạn cuối đời. Ông họa sĩ còn là người yêu người và yêu nghề, qua lời giới thiệu của bác lái xe, ông đã có sự xúc động mạnh khi lần đầu gặp anh thanh niên: tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ. Ông ngạc nhiên về cuộc sống một mình của anh thanh niên, tuổi đời trẻ nhưng lại chọn sống một mình cô độc trên đỉnh núi cao, trách nhiệm và tình yêu nghề cũng như sự hy sinh thầm lặng đáng ngưỡng mộ. Với những nét đẹp thật thà, chân chất và tấm lòng cùng lý tưởng của anh thanh niên, ông họa sĩ bối rối khi gặp anh như bắt gặp được đối tượng của nghệ thuật. Ông họa sĩ là người nghệ sĩ chân chính, luôn trăn trở, suy tư về nghệ thuật. Cả cuộc đời đã luôn khao khát đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ngay những phút đầu gặp anh thanh niên ông đã lóe lên ý tưởng sáng tác nhưng đến khi bắt tay vào vẽ anh thì ông thấy ngòi bút của mình bất lực hay chính là sự bất lực của nghệ thuật trước cuộc đời. Làm thế nào để đặt được chính tấm lòng của ông vào bức tranh mà ông vẽ, đó là điều khiến một nghệ sĩ chân chính như ông trăn trở, quyết tâm phải vượt qua được thách thức đó. Qua nhân vật ông họa sĩ, tác giả Nguyễn Thành Long đã đưa tới người đọc những triết lí về nghệ thuật và cuộc đời sâu sắc, muốn tìm thấy nghệ thuật thì phải dấn thân vào cuộc đời mà lặn lội tìm kiếm, và muốn nó trở thành nghệ thuật chân chính thì phải làm cho cuộc đời sáng hơn, đẹp hơn.
---------------HẾT----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-phan-tich-nhan-vat-ong-hoa-si-trong-truyen-ngan-lang-le-sa-pa-69741n.aspx
Truyện Lặng lẽ Sa Pa để lại nhiều giá trị về cả nội dung và nghệ thuật, để có thể đi sâu khai thác cũng như cảm nhận được giá trị của tác phẩm các em có thể tham khảo trong một số bài sau: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa, Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa, Đoạn văn phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.