Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa sẽ giúp các em cảm nhận được những phẩm chất đáng quý của nhân vật anh thanh niên, qua đó thêm trân trọng những người lao động vô danh vẫn ngày đêm lao động, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Mục lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

viet doan van cam nhan ve nhan vat anh thanh nien trong truyen ngan lang le sa pa

Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa


I. Dàn ý Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)

1. Mở đoạn

Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và nhân vật anh thanh niên.

2. Thân đoạn

a. Hoàn cảnh sống và làm việc:

- Sống một mình trên đỉnh núi cao quanh năm mây mù giá lạnh.
- Công việc: đo đạc trên trạm khí tượng ở đỉnh Yên Sơn→ Công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao.
→ Cuộc sống cô đơn, hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc khó khăn, gian khổ.

b.Vẻ đẹp phẩm chất nhân vật anh thanh niên:

- Yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
- Lí tưởng sống cao đẹp: khi làm việc, ta với công việc là đôi.
- Chân thành, hiếu khách, biết quan tâm tới mọi người: khao khát gặp gỡ, trò chuyện với mọi người.
- Biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống ngăn nắp, khoa học.
- Khiêm tốn, thành thực, cảm thấy công việc và đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé.

c. Đánh giá chung:

- Qua nhân vật anh thanh niên, tác giả muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác.
- Đặc sắc nghệ thuật: miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn.

3. Kết đoạn

Khẳng định vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên, giá trị của tác phẩm.


II.  Đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa


1. Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 1 (Chuẩn)

Truyện "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn ca ngợi những con người lao động và cống hiến cho đất nước trong thầm lặng. Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, đây cũng là nhân vật mà nhà văn gửi gắm những tình cảm, suy nghĩ, chiêm nghiệm về những người lao động vô danh vẫn ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Anh thanh niên 27 tuổi sống một mình trên đỉnh núi cao, quanh năm suốt tháng làm bạn với cỏ cây, mây mù. Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất", công việc của anh phục vụ cho sản xuất và chiến đấu với độ tỉ mỉ và trách nhiệm cao. Cuộc sống trên đỉnh Yên Sơn cao hơn 2600 mét của anh thanh niên không chỉ có cái khắc nghiệt của thời tiết, sự vất vả của công việc mà anh còn phải đối mặt với sự cô đơn bởi xung quanh chỉ có mây mù giá lạnh, không một bóng người. Chính tình yêu công việc và tinh thần lạc quan đã giúp anh vượt lên tất cả. Anh thanh niên ý thức được công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, anh thấy hạnh phúc vì được làm việc, công việc tuy gian khổ nhưng cất đi thì anh lại buồn đến chết. Anh cô đơn nhưng không buồn tẻ bởi anh tự biết tìm nguồn vui của mình, đó là đọc sách, trồng hoa, nuôi gà, anh tổ chức và sắp xếp cuộc sống với công việc gọn gàng, ngăn nắp và chủ động. Ở người thanh niên ấy có những phẩm chất đáng mến, đó là sự cởi mở, chân thành và quý trọng tình cảm của con người, khao khát gặp người và trò chuyện với mọi người. Khi anh gặp lại bác lái xe, thái độ ân cần, sự vui mừng của anh đã bộc lộ tất cả. Đối với công việc của mình, anh thanh niên là người rất khiêm tốn, anh cho rằng những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé, khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của anh thì anh lại nhiệt thành giới thiệu những người khác đáng vẽ hơn. Nhân vật anh thanh niên qua sự nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ của các nhân vật khác cho thấy cách nhìn và cảm xúc của mỗi người, bằng cách đó tác giả đã giúp cho người đọc cảm nhận rõ nét những phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên đã cống hiến thanh xuân để cống hiến cho đất nước.


2. Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 2 (Chuẩn)

Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" có hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt, nếu như tuổi trẻ với người khác là sự ngao du, khám phá và trải nghiệm thì anh thanh niên lại lựa chọn gửi gắm thanh xuân của mình ở trạm khí tượng trên đỉnh núi cao Yên Sơn. Không những sống một mình mà làm việc cũng một mình, trong nhiều tháng nhiều năm không có lấy một người bầu bạn. Công việc thầm lặng của anh chính là đo nắng, gió, mưa, mây, chấn động mặt đất để dự báo thời tiết, phục vụ lao động, sản xuất và chiến đấu. Công việc của anh đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác, cần phải có tinh thần trách nhiệm cao bởi dù có là nửa đêm hay mưa tuyết lạnh giá anh vẫn phải ra ngoài trời cho đúng giờ "ốp". Chính nhờ ý thức về công việc của mình cùng với lòng yêu nghề và sự trách nhiệm nên anh thanh niên đã vượt lên chính bản thân, vượt qua sự cô đơn cũng như sự khắc nghiệt của thời tiết. Anh thanh niên có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc về công việc với cuộc sống con người "ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Cuộc sống của anh thanh niên tuy chỉ có một mình nhưng không hề đơn điệu, tẻ nhạt. Anh đọc sách, coi sách là người bạn trò chuyện, sắp xếp cuộc sống ngoài giờ làm việc như trồng vườn hoa đủ loại, nuôi gà lấy trứng. Cô đơn quá anh sẽ chặn xe để được trò chuyện với mọi người. Tưởng như hoàn cảnh sống một mình sẽ khiến anh thanh niên trở nên nội tâm và trầm mặc nhưng anh thanh niên lại cởi mở, "thèm người", khao khát được gặp gỡ, trò chuyện cùng mọi người. Đối với anh những vị khách xa đến đều là niềm vui, nguồn động viên lớn lao. Anh thanh niên cũng là người thật thà, khiêm tốn và thành thực, công việc của anh gian khổ là thế nhưng anh chỉ coi đó là đóng góp nhỏ bé, anh không xứng được bác họa sĩ vẽ chân dung mà còn có nhiều người đáng cảm phục hơn anh. Có thể nói, bức chân dung anh thanh niên chỉ có vài nét trong vài khoảnh khắc nhưng lại hiện lên rất rõ những nét đẹp tinh thần, cách sống cũng như suy nghĩ về cuộc sống, công việc của một chàng trai trẻ sống thầm lặng giữa Sa Pa.


3. Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, mẫu 3 (Chuẩn)

Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long không chỉ tái hiện bức tranh thiên nhiên Sa Pa rộng lớn, thơ mộng mà còn xây dựng thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng, tiêu biểu nhất có thể kể đến nhân vật anh thanh niên. Anh thanh niên tuổi còn trẻ, mới 27 tuổi nhưng đã sống và làm việc một mình trên trạm khí tượng đỉnh núi Yên Sơn , xung quanh chỉ có cỏ, cây, mây núi Sa Pa. Với anh thanh niên, công việc chính là niềm vui giúp anh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của hoàn cảnh sống. Làm công tác khí tượng, anh thanh niên thường xuyên đúng giờ "ốp" là lại ra ngoài trời đo đạc, tính toán về mây, mưa, gió, nắng, chấn động mặt đất. Tất cả những số liệu anh đo giúp cho việc dự báo thời tiết chính xác hơn, những thông tin được đưa đến người dân, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Anh thanh niên là một người yêu nghề và ý thức về công việc. Anh ý thức được mình với công việc là đôi, công việc của anh còn gắn với bao anh em, đồng chí. Cuộc sống của anh thanh niên tưởng như chỉ có công việc nhưng không nhạt nhẽo như vậy, anh còn trồng hoa, đọc sách, nuôi gà, làm cho đời sống tinh thần của chính mình luôn tươi mới. Trong cuộc sống sinh hoạt, anh là người cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm của mọi người, điều này được thể hiện trực tiếp qua cách anh quan tâm tặng củ tam thất cho bác lái xe, tặng hoa cho cô kĩ sư trẻ. Anh còn rất khiêm tốn và thành thực, anh cảm thấy công việc của mình chỉ là nhỏ bé, không đáng kể công. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh cảm thấy rất ngại, nghĩ rằng mình không xứng và giới thiệu những người khác xứng đáng được vẽ hơn anh, đó là ông kỹ sư vườn rau hay anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét. Qua nhân vật anh thanh niên, tác giả muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác.

--------------HẾT---------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-cam-nhan-ve-nhan-vat-anh-thanh-nien-trong-truyen-ngan-lang-le-sa-pa-69600n.aspx
Cùng với bài Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, các em có thể tìm hiểu thêm về truyện ngắn thông qua việc tham khảo: Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa, Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa, Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Đoạn văn phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Đóng vai anh thanh niên kể lại Lặng lẽ Sa Pa
Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa
Ấn tượng sâu sắc nhất, tốt đẹp nhất đối với bạn đọc là anh thanh niên được Nguyễn Thành Long nói tới trong truyện Lặng lẽ Sa Pa
Từ khoá liên quan:

viet doan van cam nhan ve nhan vat anh thanh nien trong truyen ngan lang le sa pa

, doan van cam nhan ve anh thanh nien van mau 9, viet doan van 12 15 cau cam nhan cua em ve nhan vat anh thanh nien,

SOFT LIÊN QUAN
  • Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà

    Bài văn cảm nhận về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng

    Những đứa trẻ xuất hiện trong văn học thời kháng chiến thường mang theo rất nhiều nét tính cách đáng quý, đáng trân trọng. Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này với bài mẫu Cảm nhận về bé Thu trong truyện Chiếc lược ngà do đội ...

Tin Mới