Đề bài: Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy
Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy
I. Dàn ý Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về bài thơ Từ ấy và hai câu thơ cuối của bài.
2. Thân bài
a. Khổ thơ thứ 2: Những biến chuyển kì diệu trong nhận thức, tình cảm của người chiến sĩ trẻ.
- Động từ "buộc" không chỉ thể hiện ý thức gắn bó tự nguyện, quyết tâm kết nối mạnh mẽ giữa cái "tôi" cá nhân và cái "ta" chung.
→ Nhà thơ đã mở lòng mình ra để yêu thương, gắn bó với mọi người xung quanh.
-"để tình trang trải với trăm nơi": mong muốn sẻ chia, gắn kết tự nguyện với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
- "Hồn tôi" thế giới tình cảm của cá nhân
- "hồn khổ": những con người đau khổ, bất hạnh trong cộng đồng, đất nước.→ Hai câu thơ sau đã làm sâu sắc thêm mong muốn gắn kết của nhà thơ với quần chúng quần lao "bao hồn khổ".
→ Tình yêu thương, sự quan tâm giữa con người với con người không chỉ làm cho mối quan hệ thêm gắn kết "gần gũi" mà còn tạo ra sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ "thêm mạnh khối đời".
b. Khổ thơ thứ 3: Khẳng định mối quan hệ hòa hợp giữa người chiến sĩ- quần chúng lao khổ
- Điệp từ "là" đã thể hiện sự quyết tâm, khát khao hòa hợp giữa nhà thơ Tố Hữu và quần chúng nhân dân.
- Các từ "con, em, anh" và số từ ước lệ "vạn" đã khẳng định tình cảm gia đình khăng khít, gắn bó.
- "Vạn kiếp phôi pha", "cù bất cù bơ" gợi liên tưởng về những mảnh đời đau khổ, bất hạnh.
→ Câu thơ còn thể hiện được tấm lòng đồng cảm, thương xót của nhà thơ với những số phận, với những nỗi đau mà quân thù đã gây nên cho con người.
=> Lí tưởng cộng sản không chỉ mở ra con đường sáng cho nhà thơ mà còn thức tỉnh những tình cảm cao đẹp bên trong người chiến sĩ. Nhà thơ đã vượt qua được những tình cảm cá nhân ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tư sản để đồng cảm với tình cảm giai cấp, tình cảm chung của cả cộng đồng.
3. Kết luận
Cảm nhận chung
II. Bài văn mẫu Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Từ ấy (Chuẩn)
Tố Hữu là nhà thơ-chiến sĩ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Làm nên cái chất riêng biệt cho các tác phẩm thơ văn của Tố Hữu là chất trữ tình chính trị đậm nét, là sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và con đường thơ. Mỗi bước chuyển mình của cách mạng đều để lại dấu ấn đậm nét trong các sáng tác của Tố Hữu. Nói cách khác, những sự kiện chính trị, lịch sử đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo để Tố Hữu sáng tác nên những tác phẩm giàu giá trị. "Từ ấy" là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu, đây cũng là bài thơ đánh dấu sự thay đổi cả về nhận thức và tình cảm của nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Những thay đổi diệu kì trong nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của người chiến sĩ trẻ Tố Hữu được thể hiện sinh động, cụ thể qua hai khổ thơ cuối của bài.
Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại đầy chi tiết những biến chuyển trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ. Trở thành người chiến sĩ cộng sản, Tố Hữu thấy được sự đồng điệu, gắn bó và cả trách nhiệm của bản thân với vận mệnh của đất nước, với quần chúng lao khổ:
"Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Động từ "buộc" không chỉ thể hiện ý thức gắn bó tự nguyện, quyết tâm kết nối mạnh mẽ của nhà thơ mà còn thể hiện mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa cái "tôi" cá nhân và cái "ta" chung của cộng đồng. Có thể thấy nhà thơ Tố Hữu đã mở lòng mình ra để yêu thương, gắn bó với mọi người xung quanh, đây cũng chính cơ sở tạo nên tình đoàn kết dân tộc và sức mạnh của cả tập thể trong cuộc đấu tranh chung.
Từ ý thức, nguyện vọng gắn bó với quần chúng cần lao, nhà thơ Tố Hữu đã hướng tới những điều lớn lao, cao đẹp hơn "Để tình trang trải với trăm nơi". Nhà thơ muốn gắn kết tâm hồn mình với tất cả mọi người, với "trăm nơi" để tạo nên mối đồng cảm sâu xa, chân thành, tự nguyện với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.
"Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"
Hai câu thơ sau đã làm sâu sắc thêm mong muốn gắn kết của nhà thơ với quần chúng quần lao "bao hồn khổ". Tình yêu thương, sự quan tâm giữa con người với con người không chỉ làm cho mối quan hệ thêm gắn kết "gần gũi" mà còn tạo ra sức mạnh đoàn kết mạnh mẽ "thêm mạnh khối đời". Sức mạnh của tinh thần đoàn kết ấy chúng ta cũng từng bắt gặp trong bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm:
"Khi chúng ta cầm tay mọi ngườiĐất nước vẹn tròn, to lớn"
Nhữ vậy, trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện quan niệm sống mới mẻ về sự gắn bó giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Quan niệm này tiếp tục được phát triển và hoàn thiện trong khổ thơ cuối cùng:
"Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ..."
Điệp từ "là" đã thể hiện sự quyết tâm, khát khao hòa hợp giữa nhà thơ Tố Hữu và quần chúng nhân dân. Các từ "con, em, anh" và số từ ước lệ "vạn" đã khẳng định tình cảm gia đình khăng khít, gắn bó. Nhà thơ đã tự coi mình là một thành viên trong đại gia đình lớn của quần chúng cần lao, để từ đó ý thức sâu sắc trách nhiệm của bản thân trong việc đấu tranh, giành lại hạnh phúc, tự do cho mọi người, cho đất nước.
"Vạn kiếp phôi pha", "cù bất cù bơ" gợi liên tưởng về những mảnh đời đau khổ, bất hạnh. Câu thơ còn thể hiện được tấm lòng đồng cảm, thương xót của nhà thơ với những số phận, với những nỗi đau mà quân thù đã gây nên cho con người. Như vậy, có thể thấy lí tưởng cộng sản không chỉ mở ra con đường sáng cho nhà thơ mà còn thức tỉnh những tình cảm cao đẹp bên trong người chiến sĩ ấy. Nhà thơ đã vượt qua được những tình cảm cá nhân ích kỉ, hẹp hòi của giai cấp tư sản để đồng cảm với tình cảm giai cấp, tình cảm chung của cả cộng đồng.
Bằng ngôn từ giản dị mà giàu ý nghĩa biểu tượng và giọng thơ sôi nổi, nồng nàn nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện được niềm vui lớn, lẽ sống lớn khi bắt gặp ánh sáng cộng sản. Bài thơ như một lời tuyên ngôn đầy mạnh mẽ, quyết tâm của nhà thơ về lí tưởng sống, lí tưởng chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản, qua đó cũng khẳng định quan điểm nghệ thuật của nhà thơ: Văn chương phải phụng sự cho sự nghiệp cách mạng.
-----------------HẾT-----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-2-kho-tho-cuoi-bai-tho-tu-ay-65968n.aspx
Ánh sáng cộng sản đã mang đến những thay đổi tích cực trong nhận thức và tình cảm của người thanh niên trẻ tuổi Tố Hữu. Tìm hiểu thêm về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của bài thơ Từ ấy, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận khổ đầu bài thơ Từ ấy của Tố Hữu, Cảm nhận của em về niềm vui lớn, lẽ sống lớn và tình cảm của Tố Hữu qua bài Từ ấy, Phân tích bài thơ Từ ấy để thấy tâm trạng của một thanh niên say mê lí tưởng, Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.