Sau phút chia li đã tái hiện tình cảnh éo le, đau khổ của những người chinh phụ khi có chồng chinh chiến nơi xa trường. Sau khi phân tích đoạn trích Sau phút chia li, các em hãy trình bày Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li. Các em có thể tham khảo bài văn mẫu dưới đây để có những gợi ý hay cho bài viết của mình.
Đề bài: Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li
Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li
I. Dàn ý Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Nguyên tác của Đặng Trần Côn, sau được nhiều người diễn Nôm. Bản Nôm này được diễn giải bởi Đoàn Thị Điểm.
+ Sau phút chia li được trích trong Chinh phụ ngâm khúc, khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người chồng có vợ ra trận.
2. Thân bài
- 4 câu thơ đầu: Hoàn cảnh đáng thương của người vợ khi tiễn chồng ra trận, không biết bao giờ mới trở về:
+ "Cõi xa mưa gió" là những vất vả trên đường hành quân đang đợi chờ người trượng phu phía trước.
+ "buồng cũ chiếu chăn", một thân một mình lủi thủi, phiền muộn, nhớ trông...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li tại đây.
II. Bài văn mẫu Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li (Chuẩn)
Trong hoàn cảnh xã hội phong kiến thời xưa, số phận người phụ nữ bất hạnh, khổ đau luôn là đề tài được nhiều nhà văn, nhà thơ khai thác, sáng tạo. Cuộc đời đầy rẫy đau thương của họ khiến cho người đọc mang nỗi ám ảnh, xót xa. Đoạn trích "Sau phút chia li", trích trong tập "Chinh phụ ngâm khúc là một khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ có chồng ra trận. Ở đó, người ta hiểu được nỗi lòng của người vợ trẻ với nỗi đau xa chồng, chờ chồng trong mòn mỏi và sự nhớ nhung đôi lứa dành cho nhau trong những tháng ngày xa cách.
Đoạn trích mượn lời tâm tình, thủ thỉ của người vợ để bày tỏ sự nhớ nhung, mong mỏi khi chồng đi xa. Hoàn cảnh éo le khi đôi vợ chồng son mới cưới, người chồng đã phải khăn gói đi chiến đấu phục vụ tổ quốc, chẳng biết bao giờ mới được trở về, sống chết ra sao. Trong giây phút sinh li tử biệt, tiễn người ra đi, những lời thơ chính là lời than thở não nề, thương chồng, thương cho số phận của chính bản thân mình.
Bốn câu thơ đầu mở ra hoàn cảnh thực tại đầy ai oán của cặp vợ chồng:
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh".
Tưởng như đôi vợ chồng son thì phải được tận hưởng những ngày tháng đầu hôn nhân mặn nồng, hạnh phúc, nhưng người chồng phải ra chiến trường, một chuyến đi đầy may rủi, gian nan, chẳng biết có cơ hội trở về hay không. "Cõi xa mưa gió" là những vất vả trên đường hành quân đang đợi chờ người trượng phu phía trước, đối lập với "buồng cũ chiếu chăn", một thân một mình lủi thủi, phiền muộn, nhớ trông. Tựa như lời than thở của người con gái trong ngày chia li. Tiễn chồng ra trận, "đoái trông theo đã cách ngăn", người vừa mới đây thôi mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã xa tận chân trời, "muôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh". Bị chia cắt bởi chiến tranh bạo tàn, nhìn thấy nhau chỉ qua mây, qua núi, nỗi đau trong tận sâu trái tim người con gái được thể hiện rõ nét.
Ba câu thơ sau là những suy nghĩ nội tâm, lời bộc bạch chân thật và tội nghiệp.
"Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng"
Hàng loạt những địa danh được đề cập đến cốt để thể hiện sự xa cách về mặt địa lý của chàng và thiếp. Nhớ nhung nhau, quyến luyến không muốn rời, chàng và thiếp chỉ có thể từ hai đầu, nhìn về cũng một phía và hình dung ra khuôn mặt, ánh mắt đối phương. Những từ ngữ được sử dụng gợi sự xa xôi, cách trở như "ngoảnh lại", "trông sang", "cách", "mấy trùng" liên tiếp xuất hiện trong đoạn thơ khiến người đọc cảm nhận được nỗi nhớ thương đến sầu muộn của người chinh phụ. Xa cách nghìn trùng, đôi trai gái chỉ còn biết lặng lẽ nhớ về nhau, nhìn cảnh mà nhớ đến người.
"Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng, ý thiếp, ai sầu hơn ai?"
Cùng trông về một phía, nhưng chẳng thể nhìn thấy nhau, trước mắt chỉ là muôn trùng cách trở, một màu xanh dài tít tắp như chẳng bao giờ kết thúc. "Mấy ngàn dâu", Nguyễn Du từng viết, "Trải qua một trận bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" để nói về cuộc đời lênh đênh của Thúy Kiều, ở đây, Đoàn Thị Điểm nhắc đến "mấy ngàn dâu" chính là những dâu bể của cuộc đời. Màu xanh ngắt trải dài bất tận, như nỗi nhớ của lòng người chinh phụ, màu xanh của sự biệt li. Câu thơ cuối bài, "lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai?" một câu tự vấn đầy chua cay, đau đớn. Câu hỏi chẳng cần ai trả lời, câu hỏi chỉ để một lần nữa nhấn mạnh nỗi đau quằn quại, xé lòng của người chinh phụ chờ chồng. Đôi uyên ương chưa có lấy một ngày tận hưởng hạnh phúc đã phải chia lìa. Chiến trường đầy hiểm nguy, xa cách nghìn trùng, liệu có ngày hai vợ chồng được đoàn tụ?
Với thể thơ song thất lục bát cùng nghệ thuật liệt kê, tương phản, đối xứng, tác giả đã khắc họa sự đau xót của người vợ trẻ có chồng ra trận chẳng biết bao giờ mới trở về. Xét trong hoàn cảnh thực tế thời xưa, khi người con gái luôn phải chờ đợi, chịu đựng nỗi cô đơn, lạnh lẽo trong chính căn nhà của mình, "Sau phút chia li" chính là lời tỏ bày nỗi niềm của hầu hết những người vợ đương thời, mang tính nhân đạo và giá trị nhân văn sâu sắc.
-------------------HẾT---------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nghi-ve-doan-trich-sau-phut-chia-li-51896n.aspx
Sau khi tìm hiểu xong Cảm nghĩ về đoạn trích Sau phút chia li, các em có thể tham khảo thêm: Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua đoạn trích Sau phút chia li, Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua bài Bánh trôi nước, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Phân tích để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ được thể hiện trong Bánh trôi nước