Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Phú sông Bạch Đằng là bài phú xuất sắc của Trương Hán Siêu, tác phẩm thể hiện được tình yêu nước và niềm tự hào về truyền thống đấu tranh vẻ vang của dân tộc. Bài văn Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu sẽ giúp các em có thên những hiểu biết chi tiết về hoàn cảnh sáng tác, nguồn cảm xúc chủ đạo cũng như những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài phú.

Đề bài: Vận dụng những hiểu biết về bài Phú sông Bạch Đằng, anh/chị hãy viết bài Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu để giới thiệu về tác phẩm này.

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
 1. Mở bài
 2. Thân bài
 3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

thuyet minh bai tho phu song bach dang cua truong han sieu

Bài văn Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
 

I. Dàn ý Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu (Chuẩn)


1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm "Phú Sông Bạch Đằng" và tác giả Trương Hán Siêu


2. Thân bài

a. Khái quát về tác phẩm
- Hoàn cảnh sáng tác: Vương triều nhà Trần đang có biểu hiện suy thoái, có nguy cơ sụp đổ. Tác giả là một trọng thần, tình cờ dạo chơi đến sông Bạch Đằng và nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc
- Cảm hứng bao trùm: Phú Sông Bạch Đằng vừa mang cảm hứng lịch sử, vừa mang cảm hứng thời thế, vừa có những triết lí được đúc rút thành bài học.
- Bố cục: 3 phần
+ Phần mở đầu (từ đầu cho đến ... dấu vết luống còn lưu), giới thiệu nhân vật và lý do sáng tác.
+ Phần thứ hai (từ Bên sông các bô lão... cho đến Nhớ người xa chừ lệ chan) là nội dung đối đáp của nhân vật "khách" và các bô lão hai bên bờ sông.
+ Phần kết thúc còn lại là lời ngợi ca của của nhân vật "khách".
- Nhân vật "Khách" xuất hiện trong tác phẩm có thể là tác giả, cũng có thể là một nhân vật trữ tình vô danh không rõ ràng.

b. Thuyết minh nội dung tác phẩm
- Phần mở đầu, tác giả tái hiện cảnh dạo thuyền chơi sông của nhân vật "khách"
+ Khách là người yêu du ngoạn, mạnh mẽ, phóng khoáng. Ông đang mải mê ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc Đại Việt.
+ Tâm trạng của "khách" chứa chất nhiều nỗi suy tư
+ "Khách" phải chăng chính là "cái tôi" của tác giả, nhạy cảm, nặng lòng ưu ái với đất nước và lịch sử dân tộc.

- Cuộc gặp gỡ và đối đáp của "khách" với bô lão
+ "Bô lão" là chứng nhân của lịch sử, xuất hiện tạo ra không khí đối đáp tự nhiên, giúp "khách" sống lại với những trận thuỷ chiến lẫy lừng từng diễn ra ở nơi đây.
+ Những kỳ tích oai phong được gợi lên chân thực qua những hình ảnh liệt kê trùng trùng điệp điệp
+ Chiến thắng trên sông Bạch Đằng được tái hiện dưới hình thức bài thơ tự sự đậm chất anh hùng ca.
+ Chiến thắng hiển hách của dân tộc không chỉ nhờ vào địa thế hiểm trở mà còn nhờ vào nhân tài đất nước.

- Lời ca ngợi
+ Khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của dòng sông lịch sử và những chiến công hiển hách nơi đây.
+ Đồng thời cũng khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của chân lí: bất nghĩa tất yếu sẽ tiêu vong, chỉ có anh hùng là lưu danh thiên cổ.
+ "Khách" ca ngợi 2 vị vua anh minh, tài đức, thể hiện quan niệm vững chắc vào vai trò của con người trong việc "giữ cuộc điện an" - một quan niệm tiến bộ và hết sức nhân văn.

c. Thuyết minh nghệ thuật của tác phẩm
- "Phú Sông Bạch Đằng" được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.
- Cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, những chi tiết chọn lọc đích đáng, súc tích, liền mạch cuồn cuộn cảm hứng.
- Sự xuất hiện của nhiều điển tích, điển cố chọn lọc
- Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng thành công những câu văn ngắn dài, đan xen thêm câu thơ tạo nên âm điệu hào hùng cho tác phẩm.


3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm


II. Bài văn mẫu Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu (Chuẩn)

Văn học mỗi thời kỳ đều để lại cho dân tộc những tác phẩm có giá trị lịch sử. Nhớ về thời Trần nhiều chiến công hiển hách, người ta không chỉ nhớ tới "Nam quốc sơn hà" mà còn nhớ tới một tác phẩm văn học nổi tiếng khác. Đó là bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Bài Phú vừa là tác phẩm văn học xuất sắc vừa là tác phẩm thể hiện niềm tự hào dân tộc, gửi gắm tư tưởng triết lí sâu xa đáng suy ngẫm.

Cảm hứng sáng tác của Phú Sông Bạch Đằng là sự hào hùng, bi tráng. Trương Hán Siêu viết lên tác phẩm này trong hoàn cảnh bản thân ông là một trọng thần của Vương triều nhà Trần, khi đó đang có biểu hiện suy thoái, có nguy cơ sụp đổ. Trong một lần dạo chơi, tình cờ nhớ lại quá khứ hào hùng đã qua của dân tộc. Bởi vậy, Phú Sông Bạch Đằng vừa mang cảm hứng lịch sử, vừa mang cảm hứng thời thế, vừa có những triết lí được đúc rút thành bài học.

Về hình thức, Phú Sông Bạch Đằng được viết bằng chữ Hán, theo thể loại Phú (cổ thể), mượn hình thức đối đáp "chủ - khách" để thể hiện nội dung. Hệ thống câu từ của cả bài được Trương Hán Siêu xây dựng theo lối kể chuyện độc đáo. Theo như lối kết cấu thông thường ở thể phú, bài phú có thể chia thành ba phần. Phần mở đầu (từ đầu cho đến ... dấu vết luống còn lưu), giới thiệu nhân vật và lý do sáng tác. Phần thứ hai (từ Bên sông các bô lão... cho đến Nhớ người xưa chừ lệ chan) là nội dung đối đáp của nhân vật "khách" và các bô lão hai bên bờ sông. Phần kết thúc còn lại là lời ngợi ca của của nhân vật "khách".

"Khách" xuất hiện trong tác phẩm có thể là tác giả, cũng có thể là một nhân vật trữ tình vô danh không rõ ràng. Nội dung bài phú là hành trình vị "khách" giong thuyền chơi sông, đi qua rất nhiều cảnh đẹp. Đến sông Bạch Đằng, vị "khách" tình cờ được nghe các bô lão địa phương kể về chiến công ngày trước. Hết lời kể đến lời ca, "khách" nghe và nối lời ca tiếp. Từ đó giãi bày tâm trạng, tình cảm và suy ngẫm của mình về sông Bạch Đằng và lịch sử hào hùng, bi tráng.

Về nội dung chi tiết của tác phẩm, chúng ta có thể tìm hiểu lần lượt qua ba phần. Phần mở đầu bài Phú, tác giả tái hiện cảnh dạo thuyền chơi sông của nhân vật "khách" trên mênh mông mặt nước:

"Khách có kẻ
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết".

Trong câu thơ, ta thấy hiện lên hình ảnh người khách yêu du ngoạn đồng thời cũng là người mạnh mẽ, phóng khoáng. Ông đang mải mê ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc Đại Việt. Tâm trạng của "khách" vì lẽ đó chứa chất nhiều nỗi suy tư, "đứng lặng giờ lâu", "thương nỗi anh hùng đâu vắng tá?", "tiếc thay dấu viết luống còn lưu"... Dưới ngòi bút của Trương Hán Siêu, nhân vật "khách" chợt trở nên đầy sinh động. "Khách" phải chăng chính là "Cái tôi" của tác giả. Cái tôi của một con người mang trong mình tính cách tráng sĩ, của một hồn thơ nhạy cảm, của một kẻ sĩ nặng lòng ưu ái với đất nước và lịch sử dân tộc.

Xuôi theo dòng lịch sử, "khách" và bô lão tương ngộ. Nhân vật "Bô lão" là hình ảnh tập thể, xuất hiện trong hành trình giống như sự ủng hộ với vị khách bên trên. Họ đồng thời cũng là chứng nhân của lịch sử. Sự xuất hiện của họ tạo ra không khí đối đáp tự nhiên, từ đó giúp "khách" sống lại với những trận thuỷ chiến lẫy lừng từng diễn ra ở nơi đây.

Tất cả kỳ tích oai phong được gợi lên chân thực qua những hình ảnh liệt kê trùng trùng điệp điệp:

"Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị thánh bắt Ô Mã.
Còng là bãi đất xưa Ngô Chúa Phú Hoàng Thao".
Không khí chiến trận bừng bừng trong từng câu chữ:

"Thuyền bè muôn đội
Tinh kì phấp phới,
Hùng hổ sáu quân,
Giáo gươm sáng chói"...

Những hình ảnh đặc sắc và những điển tích lần lượt xuất hiện, nhấn mạnh sự thất bại thảm hại của quân giặc trong quá khứ (Xích Bích, Hợp Phì, Bồ Kiên...). Chiến thắng trên sông Bạch Đằng được tái hiện dưới hình thức bài thơ tự sự đậm chất anh hùng ca. Tiếng trống trận, tiếng gươm khua như hoà vào cảm hứng tự hào, kiêu hãnh để rồi lắng lại trong suy ngẫm. Những trận thủy chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng cũng khẳng định tầm vóc lịch sử của dân tộc ta có thể sánh ngang với Trung Quốc.

Luận bàn về nguyên nhân thắng lợi, khách và các bô lão cho rằng:

"Quả là:Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an."

Họ đánh giá chiến thắng hiển hách của dân tộc không chỉ nhờ vào địa thế hiểm trở mà còn nhờ vào nhân tài đất nước. Một trong những nhân tài kiệt xuất thời đại ấy là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sông Bạch Đằng mênh mông sóng nước tự hào chính là chứng nhân, chứng kiến tất cả chiến công và sự anh minh của những danh tướng kiệt xuất ấy.

"Sông Đằng 1 dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh."

Người đọc có thể nhận ra triết lý sâu xa được gửi gắm trong lời ngợi ca. Đó là lời khẳng định kẻ bất nghĩa tất bị diệt vong còn người anh hùng sẽ được lưu danh muôn thuở.

"Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao."

"Hai vị thánh quân" được nhắc đến trong câu thơ là vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 và lần thứ 3 giành thắng lợi. Trương Hán Siêu ca ngợi sự anh minh của 2 vị vua có tài có đức, luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của cá nhân. Nhờ những bậc nhân tài như thế, đất nước được "điện an"; Đại Việt được "thanh bình muôn thuở".

Lời ca của bô lão đan xen lời ca của "khách". Lời ca của các bô lão khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của dòng sông lịch sử và những chiến công hiển hách nơi đây. Đồng thời cũng khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của chân lí: bất nghĩa tất yếu sẽ tiêu vong, chỉ có anh hùng là lưu danh thiên cổ. Lời ca của "Khách" tiếp nối niềm tự hào ấy đồng thời thể hiện quan niệm vững chắc vào vai trò của con người trong việc "giữ cuộc điện an" - một quan niệm tiến bộ và hết sức nhân văn.

Với cảm hứng hào hùng và hoài niệm về quá khứ hiển hách của dân tộc, "Phú Sông Bạch Đằng" của Trương Hán Siêu đã thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ngợi ca truyền thống anh hùng và truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, tác phẩm còn chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp, đề cao vai trò của con người trong lịch sử. Đây là tư tưởng vô cùng mới lạ, đáng trân trọng.

Không những là bài phú có nội dung sâu sắc, "Phú Sông Bạch Đằng" còn được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam. Trương Hán Siêu đã khéo léo sử dụng cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, những chi tiết chọn lọc đích đáng, súc tích, liền mạch cuồn cuộn cảm hứng. Đặc biệt là sự kết hợp tự sự và trữ tình một cách nhuần nhuyễn để miêu tả cảnh sông Bạch Đằng sinh động, giàu chất trữ tình. Sự xuất hiện của nhiều điển tích, điển cố chọn lọc, vừa tăng sức gợi vừa làm nổi bật chất sử thi hoành tráng của bài phú. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng thành công những câu văn ngắn dài, đan xen thêm câu thơ tạo nên âm điệu hào hùng cho tác phẩm. Tác giả đã đưa "Bạch Đằng giang phú" trở thành khúc tráng ca bất hủ của dân tộc.

Dù bao năm tháng đã trôi qua, song với những giá trị to lớn của mình, "Phú Sông Bạch Đằng" vẫn sống mãi trong lòng con người Việt Nam, gắn liền với tên tuổi Trương Hán Siêu và niềm tự hào dân tộc từ đời này qua đời khác.

---------------------HẾT-----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-bai-tho-phu-song-bach-dang-cua-truong-han-sieu-56899n.aspx
Bài Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu đã cung cấp cho các em những thông tin cơ bản về bài thơ Phú sông Bạch Đằng từ hoàn cảnh sáng tác, nội dung, đặc sắc nghệ thuật. Bên cạnh đó, để hiểu hơn về giá trị nội dung, tư tưởng của bài thơ, các em không nên bỏ qua: Phân tích hình tượng nhân vật khách trong bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng, Phân tích hình tượng nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng, Cảm nhận về lòng yêu nước của Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng.

Tác giả: Tin Nguyễn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận đoạn 3 Phú sông Bạch Đằng
Phân tích đoạn 2 Phú sông Bạch Đằng
Phân tích hình tượng nhân vật khách trong Phú sông Bạch Đằng
Soạn bài Phú sông Bạch Đằng, Ngữ văn lớp 10
Dàn ý cảm nhận về lòng yêu nước của Trương Hán Siêu trong bài Phú sông Bạch Đằng
Từ khoá liên quan:

Thuyet minh bai tho Phu Song Bach Dang cua Truong Han Sieu

, thuyet minh bai tho phu song bach dang, phan tich phu song bach dang,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới