Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long hay

Thiên nhiên và con người luôn được đặt trong mối quan hệ mật thiết, tương hỗ cho nhau. Bài Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, học kì I trên Taimienphi.vn sẽ cung cấp cho em thêm thông tin về chủ đề thú vị này nhé!

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng Lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

phan tich ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa cua nguyen thanh long hay

Trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa hay nhất

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.


I. Dàn ý vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa".
- Khái quát về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a, Vẻ đẹp thiên nhiên:
- Thiên nhiên Sa Pa từ từ hiện lên, đẹp thơ mộng trong mắt người họa sĩ già: "Bắt đầu với những rặng đào. Và với những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường".
- Khung cảnh thiên nhiên "hiện lên đẹp một cách kì lạ", khiến con người "nín bặt":
+ "Nắng bây giờ bắt đầu len tới [...] rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe."
+ "... đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên gặp lại hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong... ngay dưới kia là mùa hè".
=> Thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng cùng bầu không khí yên bình.
b, Vẻ đẹp con người:
- Anh thanh niên:
+ Sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao, thực hiện công tác khí tượng.
+ Chăm chỉ, trách nhiệm với công việc.
+ Luôn trong tâm thế sẵn sàng cống hiến.
- Ông họa sĩ già:
+ Khao khát tìm kiếm đối tượng, nguồn cảm hứng cho nghệ thuật.
+ Muốn gửi gắm trong tác phẩm nghệ thuật của mình những nét đẹp hăng say mà thầm lặng.
- Một số người khác:
+ Ông kĩ sư vườn rau: cần mẫn, chăm chỉ chăm sóc cho vườn rau.
+ Đồng chí nghiên cứu bản đồ sét: mười một năm túc trực chờ sét để hoàn thiện bản đồ.
+ Cô kĩ sư trẻ: khao khát được cống hiến, tình nguyện về công tác ở miền núi sau khi ra trường.
c, Đánh giá chung:
- Thiên nhiên Sa Pa tươi đẹp, thơ mộng, thanh bình.
- Bên dưới sự yên tĩnh của không gian là những con người đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho công cuộc đổi mới của nước nhà.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

trinh bay cam nhan cua em ve ve dep cua thien nhien va con nguoi trong tac pham lang le sa pa

Top bài văn Cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên trong Lặng lẽ Sa Pa siêu hay


II. Đoạn văn Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa ngắn gọn hay:

Truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long đã xây dựng rất thành công hình tượng thiên nhiên và con người trong thời kì đổi mới đất nước. Đến với vùng đất Sa Pa, độc giả được thấy hình ảnh của "những rặng đào", "đàn bò lang", "các đồng cỏ", rừng thông với những cây "chỉ cao quá đầy, rung tít trong nắng". Mây ở chốn này "bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe". Thiên nhiên được miêu tả một cách độc đáo, các chi tiết đặt nối tiếp nhau gợi lên một bức tranh đẹp đến nao lòng về phong cảnh vùng này. Và nổi bật trong khung cảnh thơ mộng ấy chính là hình ảnh con người. Độc giả được thấy rất nhiều nhân vật khác nhau, mỗi người lại có một nhiệm vụ riêng khác biệt. Cái cốt yếu là chúng đều mang lại những giá trị tốt đẹp cho công cuộc phát triển của đất nước. Nào là anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn với sự lạc quan, nhanh nhẹn và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nào là ông kĩ sư vườn rau ngày ngày nghiên cứu làm sao để củ su hào người dân miền Bắc ăn được to hơn, ngọt hơn. Hay đồng chí nghiên cứu sét bền bỉ suốt mười một năm làm bản đồ sét riêng cho nước ta. Họ không có tên gọi riêng, chỉ là những con người vô danh, làm những công việc bình thường, ngày đêm âm thầm cống hiến vào quá trình hiện đại hóa đất nước. Tất cả đã tạo ra một bức tranh tổng thể hài hòa, cân đối, khiến cái nhìn của độc giả về vùng đất Sa Pa thay đổi, biến chuyển rất nhiều.

---------------------

Hãy ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết liên quan em nhé: Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Giải thích nhan đề truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa, Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa....


III. Bài văn Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa hay nhất của học sinh giỏi

Thiên nhiên và con người luôn là một "cặp bài trùng", song hành, bổ trợ cho nhau. Có thể kể đến việc lấy hình ảnh thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp con người trong "Truyện Kiều" hay dùng thiên nhiên để làm nổi bật sức lao động bền bỉ, phong thái khỏe khoắn của các ngư dân trong "Đoàn thuyền đánh cá". Với truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa", nhà văn Nguyễn Thành Long đã đem đến một bức tranh hài hòa về người lao động thầm lặng trên nền thiên nhiên thơ mộng của vùng đất Sa Pa tưởng chừng như yên ắng, buồn chán.

Xuất hiện trong cuộc trò chuyện của ông họa sĩ và bác lái xe, thiên nhiên Sa Pa hiện lên với "những rặng đào" và "những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường". Đó vừa là cái đẹp thơ mộng, vừa mang chút yên bình của vùng núi non Bắc Bộ. Vẻ đẹp thiên nhiên còn khiến cho con người phải "nín bặt". Một loạt các hình ảnh cứ thế nối tiếp nhau: "Nắng bây giờ mới bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây", "Những câu thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng", "những câu tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng", "Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe". Bằng biện pháp tu từ nhân hóa cùng ngôn ngữ miêu tả đầy tính hình tượng, nhà văn đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa "đẹp một cách kì lạ". Không chỉ vậy, nơi đây còn là "thiên đường" của các loài hoa: "đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong... ngay lúc dưới kia là mùa hè". Điều này khiến cho người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ như được lạc vào trong một vùng đất mới đầy màu sắc, làm tâm hồn họ như được gột rửa. Tuy vậy, cái không khí trên Sa Pa cũng được nhắc đến nhiều với chữ "buồn". Cái "buồn" ấy hiện lên qua "cái lặng im", "những dinh thự cũ kĩ" và qua cả các nhận định con người gán cho vùng đất này: "chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi". Tất cả đã tạo nên một không gian đẹp đến nao lòng nhưng lại mang chút cô quạnh, hiu hắt.

Trong khung cảnh thiên nhiên ấy, con người đã hiện lên một cách vừa giản dị, lại vừa độc đáo. Sự xuất hiện này chính là yếu tố làm thay đổi cái nhìn của người họa sĩ già cũng như của cả độc giả về vùng đất Sa Pa. Ẩn sâu dưới cái lặng im và tĩnh mịch của không gian chính là biết bao người lao động đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Tiêu biểu nhất phải kể đến anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn "cao hai nghìn sáu trăm mét". Nhiệm vụ của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc ấy cứ lặp đi lặp lại hàng ngày trong sự cô đơn khiến anh ta nhiều lúc "thèm người", phải chặn khúc cây giữa đường để kiếm cớ gặp mọi người. Hay có thể kể đến các nhân vật khác cũng đang miệt mài cống hiến như ông kĩ sư vườn rau "ngày này qua ngày khác" tìm cách nghiên cứu những loại rau củ ngon ngọt nhất cho nhân dân toàn miền Bắc; đồng chí nghiên cứu sét suốt mười một năm bền bỉ không một ngày xa cơ quan, cốt để làm nên một bản đồ sét riêng cho nước nhà. Họ đều là những con người vô danh, làm những công việc mà nếu không nói thì cũng chẳng ai biết. Ấy vậy nhưng họ vẫn miệt mài, chăm chỉ và say mê cống hiến chút sức ít ỏi cho công cuộc phát triển của nước nhà. Sự bền bỉ ấy như một ngọn lửa cháy âm ỉ nhưng không bao giờ tắt, làm nên bao giá trị tốt đẹp phục vụ cộng đồng.

Chính hình ảnh con người lao động trên Sa Pa đã làm thay đổi cái nhìn của người họa sĩ già, khiến ông có thêm nhiều băn khoăn, suy nghĩ. Ban đầu, nơi đây chỉ là cái chốn "mà ông quyết định sẽ chỉ đến nghỉ ngơi giai đoạn cuối trong đời", "ông yêu nhưng vẫn còn tránh". Nhưng sự xuất hiện của anh thanh niên trẻ tuổi, lạc quan và đầy nhiệt huyết đó đã thay đổi ông, cũng như thay đổi cả suy nghĩ của độc giả về vùng đất Sa Pa thơ mộng. Chính vẻ đẹp của con người lao động đã "giữ lửa" cho nơi đây, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới nước nhà.

Nhìn chung, có thể nói "Lặng lẽ Sa Pa" là một ức tranh hài hòa với những gam màu bình dị của cuộc sống. Không cần đến hình ảnh lớn lao, tỏa sáng chói lòa như thời chiến, con người trong tác phẩm hiện lên bé nhỏ, vô danh. Họ tuy không có tên gọi riêng, nhưng lại là đại diện cho cả một thế hệ, một thời đại. Bằng giọng văn giản dị cùng lối miêu tả gợi mở độc đáo, Nguyễn Thành Long đã tái hiện được bức tranh thiên nhiên và con người trên Sa Pa một cách chân thực mà cũng chẳng kém phần cao cả.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-thien-nhien-va-con-nguoi-trong-lang-le-sa-pa-75867n.aspx
Có thể nói Nguyễn Thành Long đã rất khéo léo lồng ghép những chi tiết miêu tả thiên nhiên và con người, biến tác phẩm của mình trở thành một kiệt tác nghệ thuật mà không cần quá nhiều sự cầu kì, phức tạp.

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Phân tích các nhân vật trong tác phẩm lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long
Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa
Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa
Từ khoá liên quan:

phan tich ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa

, dan y ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa, trinh bay cam nhan cua em ve ve dep cua thien nhien va con nguoi trong tac pham lang le sa pa,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới