Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã khắc họa một cách vô cùng chân thực hình ảnh của con người thời kì đổi mới đất nước. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này qua bài Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa, Ngữ văn 9, học kì II trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa

phan tich ve dep cua con nguoi lao dong trong lang le sa pa cua nguyen thanh long

Bài văn mẫu và Dàn ý vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.


I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa

1. Mở bài:
- Giới thiệu truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa".
- Khái quát về hình tượng con người lao động trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a, Khái quát về hoàn cảnh sống và lao động của con người:
- Giai đoạn đất nước đang đổi mới. Mọi người đều nỗ lực lao động, cống hiến.
- Không gian trên Sa Pa thơ mộng mà hoang sơ, đìu hiu.
b, Những con người lao động:
- Anh thanh niên:
+ Sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao, thực hiện công tác khí tượng.
+ Chăm chỉ, trách nhiệm với công việc.
+ Luôn trong tâm thế sẵn sàng cống hiến.
- Một số người khác:
+ Ông kĩ sư vườn rau: cần mẫn, chăm chỉ chăm sóc cho vườn rau.
+ Đồng chí nghiên cứu bản đồ sét: mười một năm túc trực chờ sét để hoàn thiện bản đồ.
+ Ông họa sĩ già: khao khát tìm kiếm đối tượng, nguồn cảm hứng cho nghệ thuật; muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình những nét đẹp hăng say mà thầm lặng.
+ Cô kĩ sư trẻ: khao khát được cống hiến, tình nguyện về công tác ở miền núi sau khi ra trường.
c, Đánh giá chung:
- Vẻ đẹp của con người không tỏa sáng, oai hùng như trong thời chiến mà âm thầm, lặng lẽ như những vì sao quy tụ trên bầu trời.
- Vẻ đẹp của con người khiến cho không gian Sa Pa không còn vẻ buồn chán, đìu hiu như trong tưởng tượng của những người khác.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vẻ đẹp của con người lao động trong tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

dan y ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa

Top bài văn Vẻ đẹp của những con người đóng góp cống hiến thầm lặng cho đất nước trong Lặng lẽ Sapa hay nhất


II. Đoạn văn Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa ngắn gọn hay

"Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long là một trong những tác phẩm thành công nhất khi viết về hình ảnh con người lao động thời kì đổi mới. Họ âm thầm, lặng lẽ cống hiến cho đời như những con ong chăm chỉ. Nổi bật phải kể đến nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn. Theo lời bác lái xe, đây là "một trong những người cô độc nhất thế gian". Công việc của anh cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, thế nhưng anh chẳng một chút than thở, vẫn miệt mài và say mê cống hiến. Không chỉ vậy, ông họa sĩ già cũng góp phần tô đậm thêm hình ảnh của con người trên nền thiên nhiên Sa Pa thơ mộng. Ông có đam mê với nghệ thuật, luôn khát khao tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, độc giả còn được biết đến ông kĩ sư vườn rau, đồng chí nghiên cứu bản đồ sét hay cô kĩ sư trẻ với khát khao được cống hiến cho đất nước. Tất cả họ đều không có tên riêng. Những con người vô danh ấy cứ thầm lặng mà lao động, góp sức vào công cuộc phát triển nước nhà. Tinh thần bền bỉ, miệt mài cứ cháy âm ỉ bên dưới sự tĩnh lặng, yên bình của vùng đất Sa Pa. Họ chính là đại diện cho cả một thế hệ con người thời kì đổi mới. Không cần tỏa sáng với những hi sinh lớn lao như con người trong chiến tranh, họ chỉ âm thầm, lặng lẽ cống hiến như những con ong chăm chỉ đang làm đẹp cho đời. Và đó chính là vẻ đẹp rất riêng, rất thời đại mà nhà văn Nguyễn Thành Long muốn truyền tải đến độc giả.

----------------------------

Mời em tham khảo thêm các bài mẫu khác về truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" trên Taimienphi.vn nhé: Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.


III. Bài văn Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa hay nhất của HSG

Đến với truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long, người đọc không chỉ được thấy khung cảnh thiên nhiên đẹp thơ mộng, kì lạ của chốn núi non này mà còn tiến gần tìm hiểu những con người nơi đây. Họ đều là những người đang âm thầm, miệt mài lao động đêm ngày để đóng góp cho công cuộc phát triển của nước nhà.

Nhân vật chính của tác phẩm là anh thanh niên - một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho hình ảnh con người lao động thời kì đổi mới. Anh xuất hiện lần đầu tiên qua lời bác lái xe: "Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian", "Một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi. [...] Anh ta làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu". Chỉ một vài chi tiết nhỏ ấy thôi cũng đã làm ông họa sĩ già "xúc động mạnh". Cuộc sống của anh ngăn nắp, "thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách". Trong cuộc trò chuyện với ông họa sĩ, anh vui vẻ kể về công việc của mình. Người con trai ấy lễ phép, khiêm tốn, coi việc mình làm chỉ là điều nhỏ bé chứ không thể vĩ đại bằng những người lính cầm súng ngoài mặt trận được. Khi thấy ông họa sĩ vẽ mình, anh vội vàng từ chối, nhanh nhẹn giới thiệu thêm những người khác mà anh thấy là "xứng đáng" hơn. Không chỉ vậy, anh thanh niên này còn rất chu đáo, tinh tế. Anh gửi củ tam thất về cho vợ bác lái xe, hái hoa tặng cô gái, biếu ông họa sĩ giỏ trứng lúc tạm biệt. Qua đó, có thể thấy ở nhân vật nổi bật lên với bao phẩm chất tốt đẹp. Dù phải sống và làm việc trong một môi trường "neo người", đơn độc nhưng anh thanh niên vẫn giữ cho mình những phẩm chất riêng quý giá. Anh cứ âm thầm mà cống hiến, góp phần đem đến thành quả tốt đẹp cho quá trình phát triển của nước nhà.

Không chỉ vậy, trên cái vùng đất Sa Pa yên bình ấy còn rất nhiều những con người khác cũng ngày đêm lao động, cống hiến một cách thầm lặng. Độc giả được giới thiệu đến ông kĩ sư vườn rau ngày ngày "rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào", miệt mài nghiên cứ để "củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngọt hơn trước". Hay cả đồng chí nghiên cứu khoa học ở cùng cơ quan với anh thanh niên. Mặc kệ đêm hôm, mưa bão, sự rét buốt của khí hậu vùng cao, đồng chí ấy "trong tư thế sẵn sàng". Suốt mười một năm ròng rã như vậy, con người tâm huyết kia vẫn cần mẫn chăm chỉ để làm nên "một cái bản đồ sét riêng cho nước ta". Chi tiết "Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi" vừa tạo sự hài hước vừa giúp độc giả thấy rõ hơn những vất vả, cực nhọc, khó khăn mà những người lao động phải trải qua.

Bên cạnh đó, hình ảnh ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ cũng đại diện cho những lí tưởng cao đẹp, mộng mơ. Người họa sĩ rời Hà Nội để lên vùng đất Lào Cai xa xôi, cốt chỉ muốn tìm nguồn cảm hứng cho tác phẩm. Trước khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng, ông không khỏi rung động, xuýt xoa. Nhưng là một người nghệ sĩ, ông thấy được cái đẹp không chỉ ở thiên nhiên mà còn xuất hiện nơi con người. Vừa gặp anh thanh niên trẻ, ông đã vô cùng yêu thích. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ông thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về chốn Sa Pa yên bình. Người họa sĩ nhìn được ra vẻ đẹp của lao động, của sự cống hiến trong lặng thầm của những con người nơi đây. Từ đó, tôn vinh những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hay như cô kĩ sư nông nghiệp trẻ có ước mơ cao đẹp, tình nguyện lên tận Lào Cai, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì. Cô từng mông lung về những quyết định của bản thân. Song, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên đỉnh Yên Sơn, cô gái trẻ ấy lại càng chắc chắn hơn về khát vọng được cống hiến của mình.

Không giống như những thế hệ trẻ trong chiến tranh với vẻ đẹp hào hùng của thời đại, con người trong "Lặng lẽ Sa Pa" lại nổi bật lên với nét đẹp lao động âm thầm, bền bỉ. Sự cố gắng của họ như ngọn lửa cháy âm ỉ, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển đất nước. Vẻ đẹp của họ tựa như những vì sao, cùng nhau tỏa sáng lung linh và làm đẹp cho đời.

Nhìn chung, Nguyễn Thành Long đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh những con người lao động trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của mình. Với ngôn ngữ giản dị, gần gũi cùng giọng văn nhẹ nhàng, lời lẽ trau chuốt, vẻ đẹp con người đã sánh đôi với thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, làm nên một bức tranh hoàn chỉnh về cuộc sống tại vùng đất Sa Pa yên bình, tĩnh lặng.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-cua-con-nguoi-lao-dong-trong-lang-le-sa-pa-cua-nguyen-thanh-long-75860n.aspx
Chính nhờ những con người lao động âm thầm, bền bỉ ấy, công cuộc đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta đã thành công rực rỡ. Mong rằng với Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa trên đây, các em làm bài văn dễ dàng, đạt điểm cao.

Tác giả: An Nguy     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long hay
Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá
Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Từ khoá liên quan:

phan tich ve dep cua con nguoi lao dong trong lang le sa pa

, phan tich ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa hay nhat, dan y ve dep thien nhien va con nguoi trong lang le sa pa,

Tin Mới