Truyện ngắn Lặng lẽ Sapa là tác phẩm hay khắc họa về cuộc gặp gỡ giữa những con người lao động bình thường, luôn cống hiếnthầm lặng trong những năm tháng xây dựng Tổ quốc. Các em cùng đọc bài văn Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long để có thể hiểu hơn ý nghĩa của tác phẩm, thấy được nét đẹp của người dân lao động.
Đề bài: Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
I. Dàn ý Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu về Nguyễn Thành Long và truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.
2. Thân bài:
a. Hoàn cảnh sáng tác và nội dung:
- Viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của tác giả.
- Truyện kể về cuộc gặp gỡ của anh thanh niên làm công tác khí tượng và ông hoạ sĩ già cũng cô kĩ sư trẻ.
b. Vẻ đẹp của thiên nhiên:
- Bức tranh thiên nhiên Sa Pa đẹp thơ mộng, hiện lên qua con mắt của ông hoạ sĩ với "nắng bắt đầu lên tới", "những cây thông chỉ cao đầu người", "mây cuộn tròn, lăn cả xuống gầm xe".
- Vẻ đẹp hoang sơ, mang nét độc đáo riêng của Sa Pa.
c. Vẻ đẹp của con người
- Anh thanh niên: mới 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét:
+ Anh là một con người có tinh thần trách nhiệm với công việc và luôn hết mình vì công việc:
+ Vì công việc nên anh phải sống một mình ở trên đỉnh núi cao "bốn bề chỉ có cây cỏ"
+ Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: góp phần phát hiện "đám mây khô" giúp không quân ta hạ máy bay Mỹ.
+ Lạc quan, yêu đời: anh tự tạo cho mình những thú vui nhỏ như trồng hoa, đọc sách, nuôi gà, ...
+ Sống ngăn nắp, gọn gàng.
+ Anh thanh niên là một người cởi mở, chân thành và hiếu khách:
+ Anh còn là một người rất khiêm tốn: Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ anh, anh đã đề nghị giới thiệu người khác vì cảm thấy họ xứng đáng hơn.
- Nhân vật người hoạ sĩ:
+ Là một người hoạ sĩ tâm huyết với nghề, người nghệ sĩ chân chính.
+ Cả đời tìm kiếm cái đẹp, khao khát truyền tải "tấm lòng của người hoạ sĩ" vào sáng tác của mình.
+ Khi bắt gặp anh thanh niên, ông biết đó là cơ hội, thử thách của mình.
- Cô kĩ sư trẻ:
+ Vừa mới đỗ kĩ sư, đi nhận việc ở Ti nông nghiệp Lai Châu.
+ Băn khoăn về cuộc đời, chưa tìm được hướng đi cho mình.
+ Sau khi gặp anh thanh niên, cô thấy mình "bàng hoàng": hiểu về cuộc sống, thế giới của anh thanh niên, cũng như "con đường cô đang đi tới".
- Bác lái xe:
+ Là một người yêu nghề, đã sống với nghề được "ba mươi hai năm", từ "trước cách mạng tháng Tám".
+ Là một con người chân thành, cởi mở, cầu nối của người thanh niên tới mọi người.
d. Nghệ thuật
- Câu chuyện được làm nên bởi chất trữ tình, sâu lắng.
- Ngôn từ bình dị, nhẹ nhàng, dung dị như chính những con người trong tác phẩm.
3. Kết bài:
- Câu chuyện là lời ngợi ca những con người lao động thầm lặng.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và bút ký. Các tác phẩm của ông luôn mang một hình tượng đẹp với ngôn từ trong sáng, giọng văn gần gũi, trong trẻo và nhẹ nhàng. Ông để lại nhiều tác phẩm văn xuôi như Giữa trong xanh (1972), Ta và chúng nó (1950), Bát cơm cụ Hồ (1952), ... nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến tác phẩm Lặng lẽ Sa pa (1970).
Lặng lẽ Sa Pa là tác phẩm được đúc kết từ chuyến đi thực tế tại Lào Cai của nhà văn vào năm 1970. Đó là câu chuyện về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị của một ông họa sĩ già, một cô kĩ sư trẻ và một anh thanh niên mới 27 tuổi đang làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn, Lào Cai. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng lại khiến những con người ấy thấu hiểu nhau, hiểu được vẻ đẹp của nhau và thêm trân trọng nhau. Truyện ngắn cũng là lời ca ngợi vẻ đẹp của những con người đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc trong thầm lặng.
Đến với Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã đem tới cho người đọc không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên của Sa Pa mà còn là vẻ đẹp của những con người lao động bình dị trong những năm tháng cùng nhau xây dựng Tổ quốc Việt Nam.
Điều đầu tiên ta cảm nhận được ở tác phẩm là bức tranh phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa. Đó là bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp rất đỗi thơ mộng và dịu dàng. Bức tranh thiên nhiên hiện qua con mắt của nhà hoạ sĩ và cô kĩ sư với nắng, với những cây thông, với những đám mây "cuộn tròn", một vẻ đẹp khiến người ta phải "nín bặt": "Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe". Thiên nhiên ở Sa Pa đẹp quá, "đẹp một cách kì lạ" bởi thiên nhiên ở đó vẫn còn hoang sơ và mang những nét đặc trưng, độc đáo riêng của mảnh đất này.
Thiên nhiên ở Sa Pa đẹp là vậy, nhưng những con người ở nơi đây lại càng "đẹp" hơn, rực rỡ hơn! Như người thanh niên trẻ làm "công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu" ở đỉnh Yên Sơn này! Mới chỉ hai mươi bảy tuổi nhưng anh đã sống một mình ở trên đỉnh núi cao 2600 mét này được bốn năm. Quanh năm, anh chỉ làm bạn với những cây cối, núi non tuyết phủ. Sự tĩnh lặng và cô đơn ấy có thể khiến con người ta phải chùn bước, thoái thác công việc của mình, như người hoạ sĩ già đã nói: "Buồn thì ai mà chả sợ? Nó như con gián gặm nhấm người ta? Tốt hơn là tránh nó để làm việc đời". Thế nhưng người thanh niên ấy vẫn luôn một lòng vì công việc của mình bất chấp cả khó khăn, thử thách, cả nỗi cô đơn "thèm người" tới cùng cực!
Ở anh thanh niên, người ta có thể nhận thấy ngay anh là một con người yêu nghề, luôn hết mình vì công việc. Nếu không tại sao một người con trai chỉ mới 27 tuổi lại chấp nhận nhận công tác tại một nơi "bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo", không một người làm bạn cùng? Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày". Đó là một công việc đòi hỏi sự chính xác cao trong khi thực hiện, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm lớn với những khung giờ "ốp" bất thường. Có khi là "một giờ sáng", người thanh niên ấy phải dậy trong cái "rét" tê tái của đỉnh Yên Sơn để thực hiện nhiệm vụ của mình. Thời tiết khắc nghiệt đến độ "Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy". Nếu không phải là một con người hết lòng vì công việc, yêu nghề, say mê nghề thì chỉ cần như thế thôi cũng khiến người ta phải chán nản tới mức tuyệt vọng rồi!
Thế nhưng, người thanh niên trẻ ấy trong bốn năm làm việc chưa từng một lần quên đi công việc của mình vì sự cô đơn. Bởi anh luôn định nghĩa trong lòng rằng "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?". Với anh, công việc là một người bạn, là một người đồng hành với anh trong cuộc sống thường ngày. Vậy nên, anh không cô đơn, chưa từng cô đơn khi phải làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao vời vợi này. Hơn thế, chàng thanh niên trẻ còn hiểu được ý nghĩa của công việc của mình, anh nói: "Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Chính vì thế mà người ta luôn thấy anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những giờ "ốp" luôn được anh thực hiện chính xác và nghiêm chỉnh. Và hơn thế, có một lần anh đã "góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng". Điều đó đã khiến anh "bất ngờ" và "sống thật hạnh phúc", bởi công việc của anh đã góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình.
Ở người thanh niên đó, ta còn thấy một tình yêu cuộc sống luôn tràn trề và sự lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Sống một mình trên núi cao, nhưng anh biết tự tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ như trồng hoa, nuôi gà, đọc sách, ... Bước tới nơi làm việc của anh, người hoạ sĩ và cô kĩ sư trẻ đã phải trầm trồ trước vườn hoa rực rỡ như cầu vồng của anh. Và thêm đó, người thanh niên cũng không ngừng bồi đắp cho mình những tri thức và tâm hồn bằng việc đọc sách. Với anh, đọc sách cũng như được trò chuyện với con người, được thấu hiểu "lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.". Luôn mang trong mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ, anh biết sắp xếp cuộc sống của mình ngăn nắp và gọn gàng "Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.". Tất cả con người anh thu gọn lại trong cái không gian ấy, nó giản dị, trong ngần như chính người thanh niên trẻ đó vậy!
Người thanh niên trẻ 27 tuổi ấy còn khiến người ta phải mến thương vì sự chân thanh, hiếu khách, cởi mở của mình. Anh gửi biếu bác lái xe "củ tam thất mới đào thấy" vì "hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy". Ở trên trạm khí tượng, làm bạn cùng công việc nên anh luôn có cảm giác "thèm người", "thèm" được trò chuyện. Chính vì thế, khi được gặp ông hoạ sĩ và cô kĩ sư, được giới thiệu lên nhà, anh đã "đỏ mặt" và "luống cuống". Bởi anh vui quá, vui đến nỗi không thể làm chủ được cảm xúc của mình "chạy vụt đi", "tất tả" trở về nhà hái hoa tặng khách, pha trà mời họ. Anh còn hào phóng tặng cho cô kĩ sư cả vườn hoa của mình "cô muốn lấy bao nhiêu nữa, tuỳ ý". Đến khi người hoạ sĩ và cô kĩ sư ra về, anh còn tặng họ "cái làn" với "bao nhiêu là trứng".
Và khi người hoạ sĩ già muốn vẽ tặng anh một bức hoạ, người thanh niên ấy lúng túng và khiêm tốn cho rằng "những người khác đáng vẽ hơn". Anh cho rằng công việc của mình chỉ là một phần nhỏ nhoi, không xứng đáng so sánh với những người con người lao động khác như ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sapa hay anh kỹ sư vẽ bản đồ sét, ...Người thanh niên trẻ hiện lên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa là một con người mang những phẩm chất đáng mến, vừa cởi mở, chân thành, khiêm tốn lại hết lòng vì công việc của mình mà không hề quản ngại khó khăn.
Bên cạnh hình tượng người thanh niên, Nguyễn Thành Long còn khắc hoạ tỉ mỉ hình ảnh của người hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ.
Ông hoạ sĩ già, qua lời của bác lái xe là một người "hoạ sĩ lão thành". Ông say mê với công việc của mình, không ngần ngại đi tìm cái đẹp, kể cả khi đã về già. Ông cũng luôn trăn trở với những suy tư của một người nghệ sĩ chân chính "Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó?". Và khi bắt gặp chàng thanh niên trẻ trên Yên Sơn này, ông lại càng băn khoăn hơn nữa về công việc của mình làm sao để "đặt được chính tấm lòng của nhà hoạ sĩ" vào bức tranh, để người xem hiểu cái đẹp mà ông muốn truyền tải. Đó là sự thử thách và ông - người hoạ sĩ già "chấp nhận sự thử thách".
Còn về cô kĩ sư, cô là hiện thân của tuổi trẻ, của sức sống mãnh liệt. Cô chỉ vừa mới đỗ kĩ sư và tự nguyện "đi nhận việc ở Ti Nông nghiệp Lai Châu". Trước khi gặp người thanh niên ấy, cô gái còn băn khoăn nhìn đời, cô chưa hiểu được hướng đi của mình trong cuộc sống này. Đến khi gặp được người thanh niên ấy, cô mới "bàng hoàng" và nhận ra rằng cô đã "hiểu thêm về cuộc đời", về "thế giới của những con người như anh và về con đường cô đang đi tới". Chính anh đã giúp cô có thêm niềm tin vào sự lựa chọn của mình, thêm tin vào con đường mình chọn.
Cuối cùng là hình ảnh của bác lái xe. Bác là hiện thân của một người lao động yêu nghề, có trách nhiệm cao trong công việc. Chẳng thế mà bác đã lái xe suốt trên con đường này "ba mươi hai năm", từ khi trước Cách mạng tháng Tám. Không chỉ vậy, bác lái xe còn là một con người cởi mở, là cầu nối của người thanh niên trẻ với mọi người, với cuộc đời.
Ở Lặng lẽ Sa Pa, người ta không thấy được sự kịch tính, cao trào như trong những truyện ngắn khác. Nét đặc sắc ở trong tác phẩm là chất trữ tình trong sáng được gợi lên từ cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng Sa Pa cũng như vẻ đẹp của những con người nơi đây. Với ngôn từ rất bình dị, nhẹ nhàng, gần gũi, Nguyễn Thành Long đã mang tới cho chúng ta câu chuyện về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ba con người. Cuộc gặp gỡ tưởng chừng như quen thân đã lâu ấy để lại trong chúng ta những dư vị khó quên.
Câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa viết về những con người bình thường, họ không có tên riêng, chỉ là những danh từ phiếm chỉ: anh thanh niên, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ, ... nhưng đã góp phần ngợi ca một cách đầy đủ nhất cuộc sống của những con người thầm lặng đang cùng nhau góp công xây dựng đất nước.
-------------------HẾT----------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-truyen-ngan-lang-le-sa-pa-68492n.aspx
Nguyễn Thành Long thường viết truyện ngắn và ký với một phong cách trong sáng, ngọt ngào, trữ tình. Chất thơ dạt dào trong từng câu chữ trong tác phẩm của ông. Vậy nên bài viết Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long, Chứng minh rằng trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Sa Pa không lặng lẽ sẽ là bài viết giúp chúng ta hiểu rõ phong cách đặc sắc của nhà văn Nguyễn Thành Long. Đừng quên tham khảo Tóm tắt Lặng lẽ Sa Pa để có thể hiểu, ghi nhớ nội dung bài học này.