Tham khảo dàn ý và bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì I để có những định hướng tốt nhất khi viết bài, đồng thời rèn luyện kĩ năng viết của bản thân, em nhé.
Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh
Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh
I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả và tác phẩm.
- Nêu vấn đề cần phân tích: vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn.
2. Thân bài:
* Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên Hương Sơn:
- Vẻ đẹp thoát tục của Hương Sơn:
+ "Bầu trời cảnh bụt": cảnh tượng thực thực ảo ảo huyền diệu như cảnh Bụt.
+ Khung cảnh hài hòa của núi non hùng vĩ cùng mây trời nên thơ.
- Vẻ đẹp trong lành, tươi mát nơi ngưỡng cửa nhà Phật:
+ Không gian rừng núi: "rừng mai", "khe Yến".
+ Sự phong phú, muôn màu muôn vẻ của cảnh sắc tự nhiên và nhân tạo: "suối Giải Oan", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quynh", "chùa Cửa Võng".
+ Vẻ đẹp vừa kĩ vĩ, vừa thơ mộng của các hang, động.
=> Tử cảnh sắc tuyệt diệu của Hương Sơn, tác giả bộc lộ tình cảm yêu mến, tự hào của mình với quê hương, đất nước.
* Nhận xét về hình thức nghệ thuật - yếu tố quan trọng góp phần khắc họa thành công phong cảnh Hương Sơn:
- Sáng tạo các hình ảnh thơ "mấy lối uốn thang mây", "đá ngũ sắc long lanh",...
- Sử dụng các từ ngữ giàu sức gợi tả "lững lờ", "thăm thẳm", "uốn", "lồng",...
- Sử dụng các biện pháp tu từ: điệp từ "này", nhân hóa "cá nghe kinh",...
3. Kết bài:
- Nêu cảm nhận của bản thân về vẻ đẹp phong cảnh Hương Sơn.
II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh
"Hương Sơn phong cảnh" là một sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Chu Mạnh Trinh. Bài thơ đã để lại cho bạn đọc biết bao rung động tha thiết về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của Hương Sơn - nơi ngưỡng cửa nhà Phật linh thiêng.
Trước hết, Hương Sơn hiện lên với vẻ đẹp thoát tục:
"Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
"Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?"
Ngay từ dòng thơ mở đầu, tác giả đã mở ra khung cảnh rộng lớn của đất trời Hương Sơn. Đứng trước cảnh tượng ấy, chủ thể trữ tình vội nhận ra Hương Sơn chính là nơi mà bản thân đã không ngừng "ao ước" được ghé thăm. Đưa mắt nhìn ra xa, thi sĩ tiếp tục khám phá ra bức tranh hài hòa của núi non hùng vĩ cùng mây trời nên thơ. Xa xa kia, núi non sừng sững đang quấn quýt cùng những đám mây bồng bềnh, mềm mại. Cảnh sắc tuyệt tác này đã làm thi sĩ không khỏi hoài nghi mà tự hỏi rằng "Đệ nhất động" hỏi nơi đây có phải?". Câu hỏi tu từ cùng cụm từ "đệ nhất động" chính là lời khẳng định về vẻ đẹp thiên nhiên nơi đất Phật Hương Sơn.
Càng đi sâu vào trong, vị khách tang hải lại phát hiện được muôn vàn khung cảnh khác nhau:
"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh.
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng"
Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn qua bài thơ Hương Sơn phong cảnh
Theo bước chân vị khách, phong cảnh Hương Sơn đã có sự thay đổi. Lúc này, vị khách hướng đôi mắt tới không gian rừng núi tươi mát, trong trẻo "rừng mai", "khe Yến". Nổi bật trong khung cảnh ấy là hình ảnh "chim cúng trái", "cá nghe kinh". Bằng việc sử dụng từ láy "thỏ thẻ", "lững lờ" kết hợp với biện pháp đảo ngữ và nhân hóa, các con vật vô tri vô giác đã trở nên sống động, có hồn. Phải chăng, sống tại nơi đất Phật, chúng cũng được bồi đắp những lời hay, ý đẹp? Sự hòa hợp, gắn kết giữa cảnh và vật, âm thanh và hình ảnh làm vị khách tang hải nghĩ nơi đây chỉ là một giấc mộng. Cuối cùng, giây phút tiếng chày kình vang lên đã hoàn toàn phá vỡ hoài nghi ấy. Hóa ra, vẻ đẹp non nước hữu tình kia là vẻ đẹp có thực ở chốn trần thế.
Cảnh sắc thiên nhiên tiếp tục được mở rộng thông qua các hình ảnh:
"Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này hang Phật Tích, này động Tuyết Quynh.
Nhác trông lên ai khéo họa hình,
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây
Chừng giang sơn còn đợi ai đây,
Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt."
Đi sâu vào bên trong, chủ thể trữ tình khám phá ra sự phong phú của Hương Sơn. Đó là vẻ đẹp tự nhiên đến từ "suối Giải Oan", "hang Phật Tích", "động Tuyết Quynh". Hay còn là công trình do bàn tay con người khéo léo tạo nên "chùa Cửa Võng". Đứng trước bức tranh tươi đẹp, muôn màu muôn vẻ ấy, vị khách ngỡ như có ai đó khéo léo tạo thành "nhác trông ai khéo họa hình". Tầm nhìn dịch chuyển, chủ thể trữ tình phát hiện ra các hang, động. Ở đó có sự long lanh của đá ngũ sắc, có vẻ đẹp vừa kì vĩ, vừa nên thơ của những lối thang mây uốn lượn. Có thể thấy, tất cả các hình ảnh, cảnh tượng đã tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt diệu, lung linh. Từ đây, chủ thể trữ tình trực tiếp bày tỏ tâm tư, cảm xúc về quê hương, đất nước "Chừng giang sơn còn đợi ai đây". Giang sơn tươi đẹp như vậy luôn cần những con người tài giỏi, đức độ tới giữ gìn, kế thừa và phát triển.
Đặt chân tới ngưỡng cửa nhà Phật, chủ thể trữ tình cũng không quên hướng tấm lòng đến sự từ bi, nhân ái:
"Lần tràng hạt niệm "Nam mô Phật"
Cửa từ bi công đức biết là bao!
Càng trông phong cảnh càng yêu."
Chủ thể trữ tình đã gạt bỏ tầm thường bên ngoài, một lòng hướng tới những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Ở câu thơ cuối, tác giả sử dụng quan hệ từ "càng - càng" như muốn nhấn mạnh, khẳng định vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn.
Để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp về hình thức nghệ thuật. Bằng việc sử dụng hình ảnh thơ độc đáo "mấy lối uốn thang mây", "đá ngũ sắc long lanh"; từ ngữ giàu sức gợi tả "lững lờ", "thăm thẳm", "uốn", "lồng" kết hợp với các biện pháp tu từ như điệp từ "này", nhân hóa "cá nghe kinh", tác giả đã khắc họa thành công vẻ đẹp thiên nhiên Hương Sơn,
Qua bài thơ "Hương Sơn phong cảnh", em càng cảm thấy yêu mến, tự hào trước những cảnh sắc tuyệt đỉnh của quê hương, đất nước. Mong rằng, theo dòng thời gian, phong cảnh tươi đẹp ở Hương Sơn sẽ mãi in sâu trong lòng bạn đọc.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-cua-phong-canh-huong-son-qua-bai-tho-huong-son-phong-canh-72182n.aspx
Khi viết bài phân tích, em cần đọc kĩ lại toàn bộ tác phẩm. Tiếp đến, em hãy đánh dấu, ghi lại những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu. Đừng quên thường xuyên ghé thăm Taimienphi.vn để cập nhật những bài soạn và văn mẫu lớp 10 chất lượng như:
- Hương Sơn phong cảnh: thể loại, tóm tắt, bố cục, nội dung, nghệ thuật
- Soạn bài Hương Sơn phong cảnh