Đề bài: Em hãy Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du hay nhất
I. Dàn ý Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (Chuẩn)
1. Mở bài
- Truyện Kiều là một trong những tác phẩm truyện thơ nổi tiếng nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam.
- Một trong những đoạn trích hay, với bút pháp đặc sắc tả cảnh ngụ tình, thường được Nguyễn Du vận dụng một cách tinh tế trong thơ của mình ấy là đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
- Đặc biệt ở 8 câu thơ cuối bài, nỗi buồn của nàng Kiều được bộc lộ một cách trực tiếp và mạnh mẽ thông qua những cảnh vật tưởng vô tình nhưng lại hữu ý ám chỉ về tâm tư, về cuộc đời và số phận của nàng Kiều tội nghiệp.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh :
- Sau gia biến, Kiều bị Mã Giám Sinh lừa bán, rồi lưu lạc vào lầu xanh. Kiều không muốn tiếp khách, nhiều lần muốn tự tử, Tú Bà bèn giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích.
- Tại đây Kiều ngày ngày ôm nỗi buồn, nỗi nhớ thương gia đình, lại xót xa cho mình phận bạc...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích tại đây.
II. Đoạn văn mẫu Phân tích tám câu thơ cuối trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (lớp 9) hay nhất:
Trong "Kiều ở lầu Ngưng Bích", Nguyễn Du đã thành công tái hiện diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều qua tám câu thơ cuối. Đầu tiên, nỗi đau đớn, xót xa được trực tiếp thể hiện qua điệp ngữ "Buồn trông" lặp lại tới bốn lần. Kiều trông cảnh vật xung quanh mà thương xót cho số phận lênh đênh, bạc bẽo của mình. Nào là "cửa bể chiều hôm", "nội cỏ rầu rầu", "chân mây mặt đất". Tất cả đã diễn tả sự mênh mông, rợn ngợp của thiên nhiên. Đồng thời, tô đậm thêm sự vô định, mông lung của nàng khi nghĩ về tương lai phía trước. Kiều coi phận mình như bông hoa "trôi man mác", bị sóng gió cuốn trôi, vùi dập. Nàng xót xa cho thân phận nhỏ bé của bản thân, vô định "biết là về đâu?". Cảnh sắc thiên nhiên đẹp đẽ cũng vì thế mà bị phủ lên một màu tang tóc, rầu rĩ. Rồi bất chợt, tiếng sóng đánh "ầm ầm" khiến nàng dường như có dự cảm không lành về tương lai phía trước. Mặt biển thay đổi dữ dội hơn. Giông tố kéo đến làm tâm trạng con người trở nên hoang mang, lo sợ đến tột cùng. Hàng loạt các từ láy được sử dụng càng nhấn mạnh nỗi mông lung, vô định. Qua đó, người đọc dễ dàng thấy được tài năng của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Đồng thời, thêm xót xa, thương cảm cho số phận hẩm hiu của người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh.
III. Bài văn mẫu Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích ngắn gọn, hay nhất
1. Bài văn phân tích Nội dung 8 câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất - Mẫu 1
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm truyện thơ nổi tiếng nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam, đồng thời cũng là một tác phẩm xứng tầm kiệt tác của toàn bộ nền văn học nước ta. Đó là một tác phẩm mang trong mình nhiều giá trị, trước hết là giá trị hiện thực khi phản ánh nỗi bất công và cuộc đời đầy đau khổ khổ của người phụ nữ trong chế độ phong kiến. Thứ hai, ấy là giá trị nhân đạo, qua Truyện Kiều, tác giả Nguyễn Du đã thể hiện thái độ cảm thông cho số phận người phụ nữ, mang trong mình nhiều vẻ đẹp nhưng cuộc đời vẫn chông chênh. Một trong những đoạn trích tiêu biểu nhất trong Truyện Kiều có thể kể đến "Kiều ở lầu Ngưng Bích". Đặc biệt ở 8 câu thơ cuối bài, nỗi buồn của nàng Kiều được bộc lộ một cách trực tiếp và mạnh mẽ thông qua những cảnh vật tưởng vô tình nhưng lại hữu ý ám chỉ về tâm tư, về cuộc đời và số phận của nàng Kiều tội nghiệp.
Sau gia biến Kiều bị Mã Giám Sinh lừa bán, rồi lưu lạc vào lầu xanh. Với bản tính quật cường, Kiều không chấp nhận cuộc sống ong bướm gió trăng nơi lầu xanh, quyết không chịu tiếp khách và nhiều lần muốn tự tử, thấy vậy Tú Bà bèn dỗ, ngon dỗ ngọt Kiều rằng sẽ gả nàng vào chỗ tốt và giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích. Tại đây Kiều ngày ngày ôm nỗi buồn, nỗi nhớ thương gia đình, lại xót xa cho mình phận bạc, điều ấy được Nguyễn Du diễn tả một cách rất tinh tế.
"Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"
Mở ra trước mắt ấy là cảnh "cửa bể chiều hôm", vốn thời gian buổi chiều đã phần nào khiến cho con người ta lâm vào cảm giác buồn man mác, thì cái cửa bể mênh mông sóng nước kia lại càng khiến lòng người thêm quạnh quẽ, cô đơn. Câu hỏi tu từ "Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?", Kiều tự hỏi lòng vậy, thấy cảnh thuyền lênh đênh trên biển, lại thêm cảnh mờ mịt xa khơi, rồi lại nghĩ đến phận mình. Nàng có khác chi chiếc thuyền kia không, cũng lênh đênh vô định, gia đình chẳng hay tin, đến chính bản thân nàng cũng chẳng thể quyết định đời mình sẽ về đâu, nàng càng nhìn lại càng thấy mờ mịt, thấy cô đơn, đau một nỗi đau ẩn trong lòng, nàng nhớ quê hương, nhớ gia đình khôn xiết.
"Buồn trông ngọn nước mới ra
Hoa trôi man mác biết là về đâu"
Hết cảnh sóng nước thuyền bến, tầm mắt Kiều đã thu hẹp lại nhìn đến hình ảnh ngọn nước chảy xuôi, trên ấy là những bông hoa xinh đẹp, cứ thuận theo dòng nước trôi mãi. Một câu hỏi tư từ nữa lại tiếp tục được sử dụng "Hoa trôi man mác biết là về đâu?", hoa mà lại trôi man mác như thế, chỉ gợi đến một cảm giác nhẹ bẫng, không có sức nặng, thêm vào đó là nỗi buồn, nỗi u uất của phận làm hoa. Điều đó làm ta dễ dàng liên tưởng đến thân phận Kiều, nàng đẹp tựa như hoa thậm chí là "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh", nhưng phận nàng có lẽ bạc hơn hoa kia rất nhiều lần. Nàng đâu chỉ là trôi dạt, lênh đênh, mà đời nàng còn phải chịu biết bao tủi hờn nhục nhã, hoa kia vô tri, nhưng nàng có ý thức, có ý thức vậy mà số phận lại bị người khác định đoạt, không thể phản kháng, hỏi có thể không u uất, chán chường khi thấy cảnh nước chảy hoa trôi? Nàng đang hoang mang, sợ sệt, cũng lo lắng cho phận số mình, có lẽ nàng chẳng thể ngờ được đời mình lại éo le đến thế.
"Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh"
Càng hướng tầm mắt về gần, thì tâm trạng Kiều càng thêm bế tắc, cái "nội cỏ rầu rầu", gợi cảm giác bó hẹp, mất tự do, màu héo úa khiến người ta liên tưởng đến sự tàn lụi nghiệt ngã. Trong tầm mắt Kiều trời xanh, đất cũng lại xanh nốt, đó là sự nhạt nhẽo, vô vị đến chừng nào, việc bị giam lỏng đã khiến Kiều cảm thấy bí bách và vô cùng chán nản, sự bế tắc đã hiện rõ trong tầm mắt của Kiều.
"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng vây quanh ghế ngồi"
Khác với 6 câu thơ trước, thì ở hai câu thơ cuối cảnh sắc không chỉ nằm ở phần nhìn, mà còn có sự xuất hiện của âm thanh, ấy là tiếng sóng, tiếng gió ầm ầm nổi lên. Đó chính là phong ba bão táp trong lòng Kiều, cũng là dự đoán cho những biến động không ngừng trong cuộc đời sẵn sàng đang chờ trực phía trước chỉ để vùi dập người con gái tài sắc. Nàng trở nên tuyệt vọng và sợ hãi trước những điều mà mình đang và sắp phải trải qua.
Cả đoạn thơ 8 câu tựa như bức tranh tứ bình về tâm trạng của Kiều, bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, cùng nghệ thuật điệp từ, những câu hỏi tu từ, những từ láy tinh tế, Nguyễn Du đã diễn tả một cách vô cùng sâu sắc sự thay đổi tâm trạng của nàng Kiều. Từ đó khiến người đọc xót xa cho số phận của người con gái tuy tài sắc nhưng lại gặp phải mệnh "đoạn trường".
2. Bài văn Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích hay nhất - Mẫu 2
2.1. Dàn ý Phân tích 8 câu cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích - Văn 9:
2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu kiệt tác "Truyện Kiều" và đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".
- Nêu đánh giá khái quát về đoạn trích.
2.1.2. Thân bài:
a, Nội dung:
* Hoàn cảnh:
- Kiều phải bán mình chuộc cha, bị Tú Bà và Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh.
- Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đắm chìm trong nỗi nhớ gia đình, nhớ người yêu và sự xót xa cho chính thân phận của mình.
* Phân tích:
- "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa":
+ Không gian rợn ngợp, mênh mang của đất trời.
+ Sự cô đơn, bé nhỏ của con thuyền, cánh buồm cũng như của số phận con người.
+ Nỗi nhớ da diết của nhân vật ở nơi đất khách khi nghĩ về quê nhà.
- "Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu":
+ "ngọn nước mới sa": bản thân Kiều khi bị lừa bán vào lầu xanh, sự sa cơ lỡ vận của người con gái tài hoa bạc mệnh.
+ "hoa trôi man mác": số phận mỏng manh, trôi dạt như cánh hoa, bị sóng nước vùi dập.
+ Câu hỏi tu từ "biết là về đâu?": sự lênh đênh, vô định khi nghĩ về tương lai.
- "Buồn trông nội cỏ rầu rầu/Chân mây mặt đất một màu xanh xanh":
+ Cảnh sắc thiên nhiên bị nhuốm màu tang thương.
+ Tô đậm thêm sự mênh mang, rộng lớn của không gian xung quanh lầu Ngưng Bích.
- "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi":
+ Sự dữ dội của thiên nhiên.
+ Sự sợ hãi, lo lắng của nhân vật.
+ Những dự cảm không lành về tương lai phía trước.
b, Nghệ thuật:
- Điệp ngữ "buồn trông": nhấn mạnh nỗi buồn, sự vô vọng của nhân vật khi bị giam cầm.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình điêu luyện.
- Các hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi.
- Sử dụng nhiều từ láy để tạo cảm giác xa xăm, vô định.
2.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích".
- Liên hệ mở rộng.
2.2. Phân tích 8 câu cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích học sinh giỏi:
"Truyện Kiều" của Nguyễn Du là "tập đại thành" của thi ca Việt Nam. Tác phẩm đã thành công đem đến câu chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của Vương Thúy Kiều - người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh. Đến với đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", ta đã thấy được đầy đủ diễn biến tâm trạng của nàng khi rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã mà số phận tạo ra, đặc biệt là qua tám câu thơ cuối.
Khái lược lại về hoàn cảnh, Kiều vốn là con gái cả của nhà họ Vương danh giá. Sau, do gia đình gặp biến cố, nàng bị lừa bán vào lầu xanh. Khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nàng đắm chìm trong dòng hồi tưởng về những ngày tháng tự do, tươi đẹp khi xưa bên gia đình, bên Kim Trọng. Sự hỗn loạn trong tâm trạng của nàng đã được thể hiện vô cùng rõ ràng qua ngòi bút đại tài của Nguyễn Du.
Trước tiên, Kiều thể hiện sự hoang mang của bản thân trước cái rộng lớn, vô tận của thiên nhiên:
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa"
Chỉ một cụm từ "cửa bể chiều hôm" cũng đủ để gợi ra cả không gian và thời gian. Buổi chiều thường là lúc gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau. Vậy mà Kiều chỉ có một thân một mình ở nơi đất khách quê người. Trước mặt nàng chẳng có cha mẹ, chị em hay người thương. Chỉ có chốn "cửa bể" mênh mông, rợn ngợp. Thấp thoáng phía xa cũng chỉ là cánh buồm cô độc, tựa như chính hoàn cảnh của nàng lúc này. Bao ngóng trông, đợi chờ đều trở nên vô vọng, bị nuốt chửng bởi khoảng không gian vô tận.
Trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn ấy, con người dần trở nên mông lung, vô định:
"Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?"
Khi này, Kiều bắt đầu nghĩ về thân phận mình. Từ một tiểu thư đài các, có sự đủ đầy cả về gia đình lẫn tình yêu. Giờ đây, nàng lại thân cô thế cô, một mình chống chọi lại với sự đơn độc nơi lầu Ngưng Bích "khóa xuân". Cánh hoa nhỏ bé chính là đại diện cho thân phận của nàng. Nó "trôi man mác" giữa dòng, bị sóng gió cuộc đời đẩy đưa, vùi dập. Kiều phải thốt lên câu hỏi "biết là về đâu?" để thể hiện sự mông lung, vô định của mình khi nghĩ về tương lai phía trước.
Thiên nhiên lại một lần nữa được nhắc đến. Nhưng giờ đây, nó lại nhuốm màu tang thương:
"Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh"
Trong "Cảnh ngày xuân", hình ảnh thiên nhiên hiện lên đầy sức sống với "Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Vậy nhưng ở đây, người đọc lại thấy "nội cỏ rầu rầu". Sự rộng lớn cùng màu xanh của đất trời bị phủ lên tâm trạng xót xa, đau đớn của nhân vật. Chinh điều đó đã khiến cho cảnh sắc thiên nhiên trở nên đơn điệu hơn, càng khắc sâu nỗi cô đơn trong lòng người.
Và bất chợt, giông bão ập đến, kéo theo cả những lo lắng, dự cảm không lành của nhân vật về tương lai phía trước:
"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Mặt biển sóng cuộn dữ dội. Thanh âm như khiến con người ta sợ hãi, hoang mang. Đây có lẽ chính là điềm báo cho những sóng gió mà Kiều phải trải qua sau này. Số phận của người con gái tài hoa cứ mông lung, vô định như vậy trước dòng đời đẩy đưa.
Chỉ với tám câu thơ cô đọng, hàm súc, Nguyễn Du đã khéo léo mô tả diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Điệp ngữ "buồn trông" được sử dụng đến bốn lần, trực tiếp nói lên nỗi lòng xót xa, đau đớn trong nhân vật. Với bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc, tác giả thành công tái hiện nỗi cô đơn, vô định mà Kiều phải trải qua. Các từ láy được sử dụng hàng loạt kết hợp với nhiều hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi cũng góp phần làm nên những câu thơ giàu giá trị.
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" nói riêng và kiệt tác "Truyện Kiều" nói chung chính là minh chứng rõ nét cho tài hoa cùng cái nhìn vượt thời đại của Đại thi hào Nguyễn Du. Qua đó, tác giả cũng bày tỏ lòng cảm thông, thương xót vô bờ dành cho tài năng và số phận của những người con gái trong xã hội xưa.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Với tám câu thơ cuối bài "Kiều ở lầu Ngưng Bích", em hãy chú ý phân tích bút pháp nghệ thuật của tác giả để có thể cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị mà tác phẩm mang lại nhé.
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-tam-cau-tho-cuoi-trong-bai-kieu-o-lau-ngung-bich-47899n.aspx
Hi vọng rằng, bài văn mẫu Phân tích tám câu thơ cuối trong bài Kiều ở lầu Ngưng Bích đã giúp các em cảm nhận sâu sắc về tâm trạng khổ đau, bế tắc của nàng Kiều trước giông tố cuộc đời, để học tốt các em có thể tham khảo thêm những tài liệu học tập hữu ích khác như: Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Sự vận động của cảnh thiên nhiên và tâm trạng của con người trong đoạn trích Cảnh ngày xuân và Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích cái hay của điệp ngữ "Buồn trông" trong Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích tâm trạng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích qua 4 bức tranh: Buồn trông.