Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay, ngắn gọn

Để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, ta không thể không kể đến công lao của những người chiến sĩ anh dũng, quả cảm. Để có thêm hiểu biết về họ, các em có thể tham khảo bài Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

phan tich kho 5 6 bai tho ve tieu doi xe khong kinh

Viết đoạn văn khổ 5, 6 bài thơ về tiểu đội xe không kính

 

I. Dàn ý Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Phạm Tiến Duật, tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính và khổ thơ thứ 5 và 6.

2. Thân bài:

a. Tinh thần đồng chí đồng đội gắn bó sâu nặng của những người lính:

- Hình ảnh "những chiếc xe từ trong bom rơi": gợi lên sự khốc liệt của chiến tranh cũng như sự gan góc, bản lĩnh của những người lính lái xe.
- Những chiếc xe phải trải qua bao gian khó trên chặng đường đi để giờ đây tụ họp cùng nhau thành "tiểu đội".
- Sau những phút giây gặp gỡ ngắn ngủi, họ trở thành "bạn bè" của nhau, tình đồng chí cứ thế nảy sinh.
- Tình đồng chí đồng đội nảy nở qua những chiếc cái "bắt tay" vội vã "qua cửa kính vỡ rồi"

- Tình cảm đồng chí còn được dựng xây qua những lần quây quần bên bếp Hoàng Cầm:
+ Hình ảnh "bếp Hoàng Cầm": là hình ảnh quen thuộc trong kháng chiến chống Mỹ.
+ Đó là tín hiệu báo điểm dừng của những người lính lái xe, họ quây quần trong bữa cơm đạm bạc, là nơi tình đồng đội của họ nảy sinh, phát triển.

- Khái niệm "gia đình" của Phạm Tiến Duật rất mới lạ và độc đáo "Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy": Những người lính không chỉ có tình đồng đội mà hơn thế họ còn trở thành những người anh em ruột thịt.
- Tình đồng chí đồng đội là thứ tình cảm mà chỉ những người lính cách mạng mới có được, nó tiếp thêm cho họ tinh thần, động lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn, tiến về miền Nam

b. Tinh thần lạc quan, niềm tin vào một tương lai tương sáng:

- Hình ảnh "võng mắc chông chênh đường xe chạy": thể hiện những phút giây giải lao ngắn ngủi của những người lính.
- Hành động "lại đi lại đi": diễn tả một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần
- Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh": đây là bầu trời của hoà bình, tự do và độc lập.
- Những người lính tiến về phía "trời xanh" với niềm tin, hy vọng lạc quan về sự hoà bình, thống nhất của đất nước, dân tộc Việt Nam.

c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:

- Nội dung:
+ Hai khổ thơ diễn tả tình cảm đồng chí đồng đội thắm thiết sâu nặng của những người lính lái xe Trường Sơn.
+ Nó còn thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin hy vọng vào một tương lai hoà bình, tươi sáng của dân tộc.

- Nghệ thuật:
+ Giọng thơ trẻ trung, vui tươi, có chút ngang tàng.
+ Nhịp thơ linh hoạt như bước tiến hành quân.
+ Biện pháp ẩn dụ cho thấy niềm tin ngời sáng trong tâm hồn người lính.

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị của khổ thơ, bài thơ.

 

II. Đoạn văn Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính:

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là bản hùng ca về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Đặc biệt, ở khổ thơ thứ năm, sáu nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn. Hình ảnh "Những chiếc xe từ trong bom rơi" cho chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Đó là lí do khiến những chiếc xe trở nên méo mó, không còn nguyên vẹn. Dù phải chịu đựng sự tàn phá của bom đạn nhưng người lính lái xe vẫn ung dung tiến về phía trước. Họ từ những miền quê khác nhau, cùng có chung trái tim yêu nước và nhiệm vụ Nam tiến. Những người lính gặp nhau suốt dọc đường đi tới, cùng "Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi". Cái bắt tay như một lời động viên đầy tình yêu thương và niềm hi vọng. Sang đến khổ thơ thứ 6, nhà thơ đã làm nổi bật những phút giây nghỉ ngơi ngắn ngủi của những người lính lái xe. Sau những ngày chạy xe đường dài, họ dừng lại bên đường dựng lên những chiếc bếp Hoàng Cầm. Ở đó, những người lính quây quần bên nhau ăn bữa cơm như một gia đình. Sau đó họ lại tiếp tục lên đường để hoàn thành nhiệm vụ. Điệp ngữ "Lại đi, lại đi" nhấn mạnh hành trình liên tục, không ngừng nghỉ của người lính lái xe. Hình ảnh "trời xanh thêm" vừa mang biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, vừa thể hiện niềm hi vọng vào một ngày chiến thắng kẻ thù. Bằng việc sử dụng những hình ảnh thơ độc đáo, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh những người lính lái xe kiên cường luôn tin tưởng vào một ngày mai độc lập, thống nhất. 


III. Bài văn mẫu Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngắn hay nhất (Chuẩn)

 

1. Bài văn Phân tích nội dung khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay nhất - Mẫu 1

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đã có biết bao tác phẩm được viết lên để ca ngợi những người lính, những người chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm, kiên cường. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là một trong những tác phẩm như thế. Bài thơ đã dựng lên bức chân dung đẹp đẽ của những người lính lái xe: trẻ trung, lạc quan pha chút ngang tàng, tinh nghịch cùng tình thần đồng đội gắn bó. Qua khổ thơ thứ 5 và 6 của bài thơ, ta có thể thấy tinh thần đồng chí đồng đội sâu nặng đó của họ cũng như niềm lạc quan, niềm tin về một ngày mai tươi sáng của dân tộc.

"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 và in trong tập thơ "Vầng trăng quầng lửa". Những người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật phải trải qua bao nhiêu khó khăn, không chỉ là bom đạn của kẻ thù mà còn là sự thiếu thốn về vật chất cũng như những khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết giữa đại ngàn Trường Sơn. Thế nhưng, trải qua tất cả những gian lao và thử thách ấy, trải qua những gió mưa, bão đạn của kẻ thù, người lính lại trở về với những phút giây bình yên, trong tình thân mến của tinh thần đồng chí đồng đội thắm thiết:

"Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy"

Hình ảnh "những chiếc xe từ trong bom rơi" gợi lên cho chúng ta về sự khốc liệt mà chiến tranh mang lại và cũng để gợi lên sự gan góc, bản lĩnh của những người lính lái xe. Họ đã trải qua bao chặng đường dài, trải qua những hiểm nguy của bom đạn, khắc nghiệt của thiên nhiên để về đây tụ họp cùng nhau. Những chiếc xe ấy quây quần bên nhau trở thành một "tiểu đội". Suốt chặng đường Trường Sơn dài và rộng đã có biết bao tiểu đội như thế họp mặt cùng nhau. Những phút giây gặp gỡ ngắn ngủi nhưng họ đã trở thành "bạn bè" của nhau bởi họ là những con người có chung một lý tưởng - chiến đấu vì miền Nam. Tình thần đồng đội của họ càng trở nên thắm thiết với những cái "bắt tay" vội vã qua "cửa kính vỡ rồi". Những chiếc "bắt tay" ấy chỉ thoáng qua vậy mà sao mà hân hoan, vui mừng đến thế? Bởi họ là những người anh em có chung một lý tưởng, chung một mục đích hướng về miền Nam. Tình cảm đồng chí đồng đội cứ thế thắm thiết sâu nặng, dạt dào tự bao giờ.

Nếu như tình cảm đồng đội những người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu được xây dựng lên từ điểm chung về sự xuất thân nghèo khó và được bồi đắp qua những tháng ngày gian khổ cùng nhau thì tình đồng đội của những người chiến sĩ trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính lại được dựng xây lên từ những lần "bắt tay" nhau vội vã qua chiếc cửa kính xe đã vỡ. Những cái "bắt tay" lướt qua nhau nhưng lại chứa đựng muôn vàn điều muốn nói. Là niềm vui khi được gặp gỡ nhau, là niềm hân hoan khi đã vượt qua nguy hiểm, là lời động viên chân thành cùng nhau vượt qua khó khăn, gian lao và thử thách để lái xe đến nơi tập kết an toàn. Một cái "bắt tay" vội vã, nhanh gọn thế nhưng lại khiến những người lính thấu hiểu nhau hơn, chia nhau những buồn vui trong chặng đường chiến đấu. Cái "bắt tay" ấy đã giúp họ bù đắp lại những thiếu thốn về vật chất, những hiểm nguy mà họ phải đối diện hàng ngày hàng giờ trên chiếc xe "không kính" dị thường này!

Cũng như những người lính trong thơ của Chính Hữu, những người lính lái xe đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, họ "chẳng hẹn quen nhau", thế nhưng trên tuyến đường Trường Sơn này, được gặp gỡ nhau, được chung võng nằm, chung bữa cơm đói và thế là tình đồng đội cứ thể nảy nở, lớn dần:

"Bếp Hoàng cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy"

Hình ảnh "bếp Hoàng Cầm" là một hình ảnh rất quen thuộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bởi đó là tín hiệu của điểm dừng, tín hiệu cho những cuộc sum họp, quây quần cùng đồng đội của những người lính lái xe trẻ trung sau một chặng đường dài. Nồi cơm thơm bên bếp lửa là sợi dây gắn kết những người lính, những người anh em, đồng đội ở giữa nơi bom đạn khói lửa ác liệt này. Họ trở thành những người thân trong một gia đình, những người anh em ruột thịt cùng chung hoạn nạn. Khái niệm "gia đình" của Phạm Tiến Duật thật khác lạ, chỉ cần cùng nhau quây quần bên mâm cơm, "chung bát đũa", chia sẻ cùng nhau bữa cơm đói, thế là đã trở thành người trong một gia đình rồi. Và cứ thế tình động đội thêm khăng khít, thêm gắn bó keo sơn bởi họ không chỉ là những người đồng chí có cùng chí hướng mà còn là những người anh em ruột thịt chung dòng máu lạc hồng trên đất nước Việt Nam này. Đây có lẽ là thứ tình cảm sâu sắc mà chỉ những người lính cách mạng mới có thể được nếm trải. Đoạn thơ đã cho ta thấy được tình cảm đồng chí đồng đội vô cùng gắn bó và thắm thiết của những người lính lái xe Trường Sơn. Họ chỉ gặp nhau trong phút giây ngắn ngủi, qua cái "bắt tay", qua những bữa cơm vội vã thế nhưng dường như họ đã thân thiết từ thuở nào. Tinh thần đồng chí đồng đội cũng chính là một nguồn sức mạnh để giúp những người lính vượt qua được những khó khăn, những vất vả, hiểm nguy trên chặng đường tiến về miền Nam.

Hai câu cuối của khổ thơ thứ 6 khép lại với tình thần lạc quan tin tưởng vào một tương lai tươi sáng:

"Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm"

Những chiếc vòng được mắc "chông chênh" giữa "đường xe chạy" là bởi những người lính lái xe đang tranh thủ từng phút giây ngắn ngủi để giải lao trước khi bước vào một hành trình mới - hành trình tiến vào miền Nam thân yêu. Hình ảnh "lại đi lại đi" diễn tả một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhưng trong đó, ta vẫn thấy được một niềm tự hào, hào hứng đi lên dù cho bao nhiêu khó khăn đang chờ trước mắt những người lính trẻ. Hình ảnh "trời xanh" là một ẩn dụ hết sức đẹp đẽ và tinh tế của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hình ảnh đó là biểu tượng cho hòa bình, cho sự sống, cho độc lập tự do của đất nước Việt Nam. Những người lính lái xe ra đi, hướng về bầu trời "xanh" ấy bởi họ mong muốn giành lại hoà bình, giành lại "trời xanh" cho dân tộc ta. Đó cũng là niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng về một đất nước Việt Nam hoà bình, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta hoàn toàn được độc lập.

Với giọng thơ vui tươi, khoẻ khoắn, pha chút ngang tàng, hai khổ thơ đã tái hiện hình ảnh của những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn hết sức sống động và chân thực. Ngôn ngữ trong thơ vừa giản dị, gần gũi, lại trẻ trung, tràn đầy niềm lạc quan. Nhịp thơ lúc nhanh khi chậm giúp chúng ta hình dung ra chặng đường hành quân đầy gian lao của những người lính. Thêm vào đó, biện pháp ẩn dụ trong thơ cũng góp phần khắc họa rõ nét tinh thần đồng đội với ý chí, niềm tin mãnh liệt của người lính lái xe nơi Trường Sơn.

Hai khổ thơ 5 và 6 của Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã vẽ lên cho ta thấy bức tranh về tình đồng đội của những người lính lái xe trẻ trung, lạc quan, yêu đời cùng niềm tin về một tương lai hoà bình cho dân tộc. Bài thơ là tác phẩm tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước


2. Bài văn Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính siêu hay - Mẫu số 2

2.1. Dàn ý Cảm nhận khổ 5, 6 Bài thơ tiểu đội xe không kính. 
2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát nội dung khổ 5, 6. 
2.1. 2. Thân bài:
a) Khổ thơ thứ 5: 
- "Những chiếc xe từ trong bom rơi": Gợi lên sự khốc liệt của chiến tranh. 
- "Họp thành tiểu đội": Vượt qua những cơn mưa bom bão, họ gặp nhau và họp thành tiểu đội. 
- Trên con đường lái xe, họ gặp gỡ được những người đồng đội "Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới".
- "Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi": Hành động thân thiết thể hiện tình đồng chí gắn bó.
b) Khổ thơ thứ 6: 
- "Bếp Hoàng Cầm": Kiểu bếp của bộ đội được đặt dưới lòng đất để địch không phát hiện được. 
- "Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy": Nhấn mạnh tình cảm gắn bó thân thiết như những người ruột thịt trong gia đình. 
- "Võng mắc chông chênh đường xe chạy": Hình ảnh những người lính mắc võng ở trong rừng  để chợp mắt đôi chút trên chuyến hành trình gian nan.
- "Lại đi, lại đi": biện pháp điệp từ -> Nhấn mạnh tinh thần sẵn sàng.
- "Trời thêm xanh": Hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho một ngày mai khi đất nước được hưởng độc lập, tự do. 
2.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ:
+ Nội dung: Tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn.
+ Nghệ thuật: Sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc, hình ảnh thơ chân thực.
- Liên hệ mở rộng. 

2.2. Bài văn Phân tích khổ 5, 6 Bài thơ về tiểu đội xe không kính siêu hay:

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

Đó là những câu thơ của Tố Hữu viết về tinh thần chiến đấu của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng viết về đề tài đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật có "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Tác phẩm đã tái hiện  hình ảnh người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt, hai khổ thơ năm và sáu đã làm nổi bật vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí gắn bó keo sơn. 

Ở khổ thơ thứ năm tác giả đã làm nổi bật tình đồng đội gắn bó keo sơn trong những phút giây chiến đấu: 

"Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi."

Bước ra khỏi bom đạn của chiến tranh, những chiếc xe không còn vẹn nguyên nữa mà  trở nên méo mó, tàn tạ. Xe không phải là không có kính mà do "bom giật, bom rung" kính đã vỡ đi rồi. Nhưng khó khăn đó chẳng thể nào lay chuyển được ý chí chiến đấu của người lính. Họ vẫn băng băng tiến về phía trước và họp thành những "tiểu đội". Trên con đường lái xe, người lính gặp được người đồng đội cùng trao cho nhau cái "bắt tay". Hành động đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tình yêu thương của những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn dành cho nhau. 

Tình cảm gắn bó khăng khít còn được thể hiện ở những giây phút sinh hoạt ngắn ngủi:

"Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm".

Người lính không chỉ gắn bó trong chiến đấu mà còn sát bên nhau ngay trong cuộc sống đời thường. Những giây phút nghỉ ngơi, người lính cùng dựng lên chiếc "Bếp Hoàng Cầm" giữa trời. Đó là loại bếp thường dùng trong kháng chiến để kẻ địch khó phát hiện. Sau đó, mọi người cùng nhau ăn bữa cơm như những người thân trong gia đình. Cách định nghĩa về gia đình của nhà thơ Phạm Tiến Duật thật chân tình sâu sắc "Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy". Đến câu thơ thứ ba, ta thấy hình ảnh của những chiếc võng được mắc "chông chênh", thể hiện giấc ngủ không mấy thoải mái, đủ đầy của người lính. Ấy vậy nhưng họ vẫn tiến bước. Điệp ngữ "Lại đi, lại đi trời xanh thêm" nhấn mạnh hành trình lái xe không ngừng nghỉ của người lính. Hình ảnh "trời xanh thêm" thể hiện niềm hi vọng vào một ngày chiến thắng kẻ thù đất nước được hòa bình, tự do của những người lính.

Bằng việc sử dụng những hình ảnh thơ độc đáo kết hợp cùng các biện pháp tu từ quen thuộc, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật lên hình ảnh những người lính lái xe với tư thế hiên ngang, luôn tiến về phía trước. Chính họ đã mang đến độc lập, tự do cho đất nước ngày hôm nay. Vậy nên, mỗi chúng ta cần biết khắc ghi công lao của thế hệ đi trước và sống xứng đáng với những gì họ đã hi sinh. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-5-6-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-69416n.aspx
Phân tích khổ 5, 6 "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" giúp chúng ta cảm nhận được tình đồng đội, đồng chí gắn bó trên tuyến đường Trường Sơn.  Để tìm hiểu kĩ hơn, sâu hơn về hình tượng những người lính lái xe trong thơ của Phạm Tiến Duật, mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết khác về tác phẩm này như: Phân tích khổ 1 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình ảnh người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đóng vai người lính lái xe kể lại Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Cảm nhận 2 khổ đầu trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Tác giả: Lộc Ngô     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đoạn văn cảm nhận khổ 3, 4 Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay nhất
Dàn ý phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phân tích ý nghĩa nhan đề của Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Từ khoá liên quan:

phan tich kho 5 6 bai tho ve tieu doi xe khong kinh

, cam nhan kho 5 6 bai tho ve tieu doi xe khong kinh, phan tich kho 6 bai tho ve tieu doi xe khong kinh,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến

    Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

    Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu b ...

Tin Mới