Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm đã làm nổi bật được vẻ đẹp tinh thần và ý chí của người lính. Các em dựa vào hiểu biết của mình sau khi học xong bài đó hãy viết bài phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính để khám phá Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật nhé.

Đề bài: Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
    1. Mở bài
    2. Thân bài
    3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

ve dep nguoi linh trong bai tho bai tho ve tieu doi xe khong kinh

Bài văn mẫu Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao

I. Dàn ý Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính


1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Phạm Tiến Duật (những nét khái quát về con người, cuộc đời, các sáng tác tiêu biểu, đặc điểm sáng tác,...)
- Giới thiệu về bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật,...)
- Nêu vấn đề: vẻ đẹp người lính trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính".


2. Thân bài

a. Hình tượng người lính lái xe trong bài thơ hiện lên với tư thế hiên ngang, bất khuất (khổ 1 và khổ 2)
- Thủ pháp đảo ngữ, đưa từ "ung dung" lên đầu câu đã gợi lên sự bình thản, điềm nhiên đến kì lạ của những người lính.
- Thủ pháp liệt kê "nhìn đất", "nhìn trời", "nhìn thẳng" cho thấy tư thế vững vàng, bình thản, dũng cảm của những người lính lái xe.
- Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "xoa mắt đắng": thể hiện một cách rõ nét tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ của người lính
- Biện pháp so sánh "như sa, như ùa vào buồng lái": tốc độ nhanh chóng, phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận.
→ Hai khổ thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng những người lính với tư thế ung dung, tràn đầy bản lĩnh trước những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến.

b. Những người lính trong bài thơ còn là những con người luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, bất chấp mọi hiểm nguy, coi thường mọi gian khổ (khổ 3 và khổ 4)
- Các hình ảnh như "bụi", "mưa": gợi những khó khăn, gian khổ mà những người lính phải trải qua.
- Cấu trúc lặp "không có ... ừ thì..." cùng kết cấu phủ định "chưa có ...": Thể hiện thái độ coi thường, bất chấp hết tất cả mọi thứ.
- Hình ảnh so sánh độc đáo "bụi phun tóc trắng như người già", "mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời":
+ Sự khắc nghiệt của thiên nhiên
+ Sự ngang tàn, phơi phới, lạc quan của những người lính, họ luôn luôn hướng về phía trước.
- Hình ảnh "phì phèo châm điếu thuốc", "lái trăm cây số nữa": thể hiện tinh thần lạc quan, thái độ coi thường mọi hiểm nguy, thử thách phía trước.

c. Những người lính luôn tràn đầy tình đồng chí, đồng đội cao đẹp (khổ 5 và khổ 6)
- Hình ảnh "bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi":
+ Thể hiện sự đồng cảm từ tận sâu trái tim, tấm lòng của những người lính
+ Những động viên ngắn ngủi mà chân thành, ấm áp
+ Sự chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, gian khổ mà học đã trải qua
- Những cuộc gặp gỡ, trú quân ngắn ngủi với bữa cơm dã chiến đã làm cho những người lính xích lại gần nhau thêm nữa.
+ Cách định nghĩa về gia đình thật tếu táo, đậm chất lính nhưng cũng thật tình cảm.
+ Những phút nghỉ ngơi trong chốc lát, những bữa cơm quây quần cạnh nhau diễn ra thật vội vã nhưng đã kéo những người lính xích lại gần nhau thêm, để họ thêm gần gũi, thêm yêu mến nhau.
+ Những giây phút ấy đã tiếp thêm cho họ niềm tin, ý chí, sức mạnh để rồi họ "lại đi, lại đi", lại tiếp tục cuộc hành trình của mình vì màu xanh của quê hương, đất nước.

d. Những người lính với ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước và lí tưởng cao đẹp. (khổ 7)
- Hình ảnh "vì miền Nam phía trước": gợi lên niềm tin về một ngày mai tất thắng, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà.
- Cách lí giải của tác giả về điều đó cũng thật chí lí bởi điều đó xuất phát từ lòng yêu nước và ý chí, lí tưởng cách mạng của những người lính "Chỉ cần trong xe có một trái tim".


3. Kết bài

Khái quát về hình tượng người lính trong bài thơ và nêu cảm nghĩ của bản thân.

 

II. Bài văn mẫu Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Phạm Tiến Duật là một trong số những nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông viết về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc bằng giọng thơ tự nhiên, sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, ngôn ngữ đời thường, giản dị, mộc mạc. Phạm Tiến Duật có nhiều tác phẩm đã đi sâu và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong số những sáng tác như thế. Ra đời vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt, bài thơ đã xây dựng thành công hình tượng người lính lái xe một cách chân thực, rõ nét với nhiều phẩm chất đẹp đẽ, đáng trân quý.

Trước hết, hình tượng người lính lái xe trong bài thơ hiện lên với tư thế hiên ngang, bất khuất. Tác giả đã tái hiện lại một cách chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến tranh thông qua hình ảnh chiếc xe không có kính - bằng chứng xác đáng cho sự tàn phá khủng khiếp của một thời đã qua và để rồi trên cái nền của cuộc kháng chiến gian khổ, khốc liệt ấy, tác giả Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành công hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với tư thế ung dung, hiên ngang, luôn sẵn sàng ra trận.

Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Tác giả đã sử dụng thành công thủ pháp đảo ngữ, đưa từ "ung dung" lên đầu câu đã gợi lên sự bình thản, điềm nhiên đến kì lạ của những người lính. Thêm vào đó, thủ pháp liệt kê "nhìn đất", "nhìn trời", "nhìn thẳng" đã cho thấy tư thế vững vàng, bình thản, dũng cảm của những người lính lái xe. Họ không trốn tránh, không sợ hãi mà luôn sẵn sàng, bình thản, dũng cảm nhìn thẳng vào con đường đầy khó khăn, gian khổ phía trước để vượt qua. Thêm vào đó, tư thế ung dung, hiên ngang của người lính xe ra trận được khắc họa đậm nét hơn qua những hình ảnh hòa nhập vào thiên nhiên.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

Tác giả đã mở ra một không gian rộng lớn với những con đường dài chạy tít tắp, có gió thổi, có sao trời và có cả những cánh chim. Tất cả thiên nhiên, vũ trụ như ùa vào buồng lái của những người lính. Và với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "xoa mắt đắng" tác giả đã thể hiện một cách rõ nét tinh thần dũng cảm, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ của người lính lái xe. Các anh đã vượt qua tất cả mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, để lái những chiếc xe phóng như bay trên con đường dài. Lúc đó, giữa các anh với con đường như không còn khoảng cách để các anh có cảm giác như "con đường chạy thẳng vào tim" của chính mình. Đồng thời, qua biện pháp so sánh "như sa, như ùa vào buồng lái" đã giúp chúng ta cảm nhận được tốc độ nhanh chóng, phi thường của tiểu đội xe không kính khi ra trận. Như vậy, với hai khổ thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng những người lính với tư thế ung dung, tràn đầy bản lĩnh trước những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của cuộc chiến trên cái nền khung cảnh ác liệt của cuộc chiến tranh.

Thêm vào đó, những người lính trong bài thơ còn là những con người luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, bất chấp mọi hiểm nguy, coi thường mọi gian khổ. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược, những người lính luôn phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy, thế nhưng, dẫu trong bất kì hoàn cảnh nào đi chăng nữa những người lính ấy vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan để vượt lên trên tất cả, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.

Tác giả đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh như "bụi", "mưa" để diễn tả những khó khăn, gian khổ mà những người lính phải trải qua. Dẫu có thật nhiều những khó khăn nhưng những người lính ấy đã thể hiện thái độ coi thường, bất chấp hết tất cả mọi thứ. Thái độ, tinh thần ấy của họ đã được tái giả thể hiện rõ nét qua việc sử dụng cấu trúc lặp "không có ... ừ thì..." cùng kết cấu phủ định "chưa có ...". Thêm vào đó, với việc sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo "bụi phun tóc trắng như người già", "mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời" không những cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà hơn thế nữa nó còn thể hiện sự ngang tàn, phơi phới, lạc quan của những người lính, họ luôn luôn hướng về phía trước. Đồng thời, những hình ảnh "phì phèo châm điếu thuốc", "lái trăm cây số nữa" đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy tinh thần lạc quan, thái độ coi thường mọi hiểm nguy, thử thách phía trước.

Không chỉ dừng lại ở thái độ coi thường, bất chấp mọi hiểm nguy mà tình đồng chí, đồng đội cao đẹp cũng là một trong số những vẻ đẹp đáng trân quý ở những người lính lái xe. Sau những chặng đường dài hiểm nguy trong mưa bom bão đạn và cả sự khắc nghiệt của thời tiết, những người lính ấy gặp lại nhau, trao cho nhau những cái bắt tay thật độc đáo và tràn đầy ý nghĩa.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

Có thể nói, hình ảnh "bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi" là một hình ảnh thơ độc đáo và giàu sức gợi. Cái bắt tay ấy vừa thể hiện sự đồng cảm từ tận sâu trái tim, tấm lòng của những người lính dành cho nhau, vừa là những lời động viên ngắn ngủi mà chân thành, ấm áp và đồng thời, đó là còn sự chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, gian khổ mà học đã trải qua. Cái bắt tay ấy chính là cái bắt tay chan chứa tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia, gắn bó của những người lính. Đồng thời, những cuộc gặp gỡ, trú quân ngắn ngủi với bữa cơm dã chiến đã làm cho những người lính xích lại gần nhau thêm nữa.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh trên đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời thêm xanh.

Dường như với những người lính, những người đồng đội, những người cùng "chung bát đũa" đấy là một gia đình, họ gắn bó và san sẻ cùng nhau. Đó có lẽ là một cách định nghĩa về gia đình thật tếu táo, đậm chất lính nhưng cũng thật tình cảm. Những phút nghỉ ngơi trong chốc lát, những bữa cơm quây quần cạnh nhau diễn ra thật vội vã nhưng chính những giây phút ngắn ngủi ấy đã kéo những người lính xích lại gần nhau thêm, để họ thêm gần gũi, thêm yêu mến nhau. Và chính những giây phút ấy đã tiếp thêm cho họ niềm tin, ý chí, sức mạnh để rồi họ "lại đi, lại đi", lại tiếp tục cuộc hành trình của mình vì màu xanh hi vọng, màu xanh hòa bình, màu xanh cho một ngày mai chiến thắng của quê hương, đất nước.

Cuối cùng, trong khổ thơ kết thúc bài thơ, tác giả đã cho thấy ý chí chiến đấu, tinh thần yêu nước và lí tưởng cao đẹp của những người lính.

Không có kính, rồi không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Một lần nữa hình ảnh những chiếc xe không có kính lại được tác giả tái hiện lại qua thủ pháp liệt kê và kết cấu đối lập. Nhưng điều tuyệt vời là dẫu có thật nhiều những khó khăn, nhưng những chiếc xe ấy vẫn chạy vì "miền Nam phía trước". Hình ảnh "vì miền Nam phía trước" là một cách nói vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa, gợi lên niềm tin về một ngày mai tất thắng, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà. Hơn thế nữa, cách lí giải của tác giả về điều đó cũng thật chí lí bởi điều đó xuất phát từ lòng yêu nước và ý chí, lí tưởng cách mạng của những người lính "Chỉ cần trong xe có một trái tim".

Tóm lại, với thể thơ tự do và những hình ảnh thơ mang đậm chất hiện thực, bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật đã xây dựng thành công hình tượng những người lính lái xe. Họ là những con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/ve-dep-nguoi-linh-trong-bai-tho-bai-tho-ve-tieu-doi-xe-khong-kinh-53611n.aspx
Trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dựng lên bức chân dung đầy độc đáo, mới lạ về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Khám phá những nét đặc sắc của bài thơ, bên cạnh bài Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Phân tích vẻ đẹp của người lính qua hai bài thơ Đồng chí và Tiểu đội xe không kính, Phân tích bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích hình tượng chiếc xe không kính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Cảm nhận của em về chân dung người lính lái xe trong Bài thơ tiểu đội xe không kính, Kể lại cuộc gặp gỡ người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Tác giả: Ngọc Thảo     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Suy nghĩ của em về hình ảnh những chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đoạn văn phân tích khổ 1, 2 Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Phân tích khổ cuối Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật hay nhất
Từ khoá liên quan:

Ve dep nguoi linh trong bai tho Bai tho ve tieu doi xe khong kinh

, Vẻ đẹp người lính trong bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính,

Tin Mới