Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Bài văn mẫu phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia sẽ cùng các em tìm hiểu về tấn bi hài kịch trong gia đình cụ cố Hồng, qua niềm hạnh phúc lạ lùng của các thành viên trong một gia đình có tang, các em sẽ thấy được bản chất lố lăng, đồi bại của những người tự xưng “danh giá” trong xã hội thượng lưu thành thị.

Đề bài: Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

phan tich doan trich hanh phuc cua mot tang gia

Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Bài làm:

Trước những năm 1945 xã hội Việt Nam lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc. Những giá trị văn hoá và nhân cách con người dường như bị bóp nghẹt trong thế giới “thượng lưu” rởm. Hạnh phúc của một tang gia của nhà văn Vũ Trọng Phụng là câu chuyện “cười ra nước mắt” phản ánh một cách chân thật và sinh động bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ. Bản chất lố lăng, đồi bại của giai cấp tư sản dần được bộc lộ dưới ngòi bút trào phúng và giọng văn hóm hỉnh của người nghệ sĩ tài hoa.

Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình nghèo khó. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại, nổi tiếng với các tiểu thuyết và truyện ngắn, tuy nhiên lại đặc biệt thành công ở lĩnh vực phóng sự. Cuộc đời làm nghệ thuật tuy không dài nhưng ông đã để lại cho kho tàng văn học những tác phẩm có giá trị đặc sắc, tiêu biểu là các phóng sự: Cạm bẫy (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1939),… Các tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (1936), Lấy nhau vì tình (1937),… Tiểu thuyết Số đỏ được đăng báo lần đầu năm 1936 cho đến năm 1938 thì được in ra thành sách. Đây là câu chuyện kể về Xuân hay còn được gọi với cái tên Xuân Tóc Đỏ, cuộc đời thơ ấu trải qua nhiều bất hạnh nhưng khi lớn lên với bản tính khôn lỏi của mình, hắn luôn tìm mọi cách để chuộc lợi cho bản thân, Xuân Tóc Đỏ luôn gặp “hên” bởi miệng lưỡi khéo léo nịnh bợ của mình. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia thuộc chương XV của tiểu thuyết số đỏ, trọng tâm xoay quanh đám tang của cụ cố tổ với những nghịch lý bi hài gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm về đạo đức con người.

Đoạn trích với nhan đề đã gây nhiều bất ngờ, ngạc nhiên, nó chứa đựng những mâu thuẫn trào phúng khơi gợi sự tò mò, thích thú cho người đọc. Lạ thay! Một tang gia sao lại có hạnh phúc? Vốn dĩ mỗi gia đình khi có người mất đều chìm trong buồn đau, thương tiếc, ấy vậy mà gia đình cụ Hồng lại tỏ ra vui vẻ, thậm chí là hạnh phúc. Chỉ bằng một nhan đề khái quát Vũ Trọng Phụng đã cho ta thấy tình huống truyện xuyên suốt tác phẩm. Một lũ con cháu bất hiếu, vô ơn, lố lăng và đồi bại đang mừng rỡ trước cái chết của cụ cố tổ. Tác giả đã khắc hoạ một hiện thực bi hài, thể hiện sự châm biếm mỉa mai trước tầng lớp “thượng lưu” tha hoá, thối nát.

Khi nghe tin cụ tổ mất mọi thành viên trong gia đình đều mang trong mình những niềm vui riêng, tuy nhiên có một niềm vui chung mà không ai có thể phủ nhận rằng: “Thế là từ nay mà đi, cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa”. Một gia đình tư sản chẳng có gì lạ khi sở hữu một khối tài sản khổng lồ, những đứa con cháu ngày ngày tìm đủ mưu kế chỉ mong thâu tóm hết cả cái gia tài đáng giá kia. Niềm vui trong tang gia dần đã được hé lộ nguyên nhân, sự thật phơi bày trước mắt khiến người đọc không khỏi xót xa. Tình thân giờ đây chẳng còn nghĩa lý gì khi lũ con cháu đã bị mờ mắt trước vật chất xa hoa, phù phiếm. Chúng thậm chí còn mong cụ cố tổ mau chết, sự ra đi đột ngột của ông cụ chính là do tên Xuân Tóc Đỏ gây ra, biết vậy nhưng cụ cố Hồng không những chẳng trách phạt mà còn cho rằng mình đang mang “một cái ơn to” đối với tên Xuân. Chi tiết truyện này một lần nữa khẳng định cái chết của cụ cố tổ là niềm vui vô cùng to lớn đối với đại gia đình tư sản này, mỗi ngày những kẻ này đều âm thầm mong chờ cái chết đó, chúng chờ đợi trong sự khó chịu bực bội rằng: Tại sao cụ cố tổ đã tám mươi, đã sống đủ rồi còn chưa chết cho con cháu được nhờ ?

Hoà vào niềm vui chung là sự rạng ngời của từng thành viên trong đại gia đình. Điển hình cho loại người hám danh lợi phù hoa, cụ cố Hồng – con trai cả trong nhà sướng rơn người khi nhắm nghiềm mắt nghĩ tới cảnh tượng được “Mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy,  vừa ho khạc vừa khóc mếu máo”. Là người con trai ruột thịt thế nhưng chẳng đau buồn trước sự ra đi của bố, cụ cố Hồng lại chỉ thích thú khi được đóng cảnh tiếc thương đưa tiễn cho bàn dân thiên hạ nhìn vào ngưỡng mộ “Úi giời, con trai nhớn đã già đến thế kia kìa”. Vợ chồng ông Văn Minh cũng vui mừng không hề thua kém, cháu ruột lòng đầy tham vọng dã tâm chỉ mong di chúc kia sẽ nhanh đi vào thời kỳ thực hiện, cốt sao ông ta được chia phần nhiều là lòng đã thoả mãn chẳng còn thiết nghĩ gì đến cái chết của ông nội. Bà Văn Minh hớn hở ra mặt, đây là dịp bà ta được diện những bộ đồ sành điệu, táo nhất cho bàn dân thiên hạ ngắm nhìn mà ao ước. Cô Tuyết được dịp “mặc bộ y phục Ngây thơ” để chứng minh rằng mình không hư hỏng như lời thiên hạ đồn. Cậu tú Tân nóng lòng như sắp phát điên lên vì “đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến”. Những thế hệ trẻ trong gia đình thượng lưu, được ăn học đầy đủ thế mà lại hành xử một cách thiếu hiểu biết, thiếu tình người và vô đạo đức. Chạm đáy của sự vô liêm sỉ và thiếu nhân cách đó là khi ông Phán – người chồng bị vợ cắm sừng mà lại cho rằng “giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến như thế”. Quả thật là một kẻ hám lợi đến nỗi vất bỏ tự trọng và tôn nghiêm của bản thân.

Đám ma của đại gia đình thượng lưu ấy có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến cả những người xung quanh. Dường như những kẻ xa lạ cũng đón nhận niềm vui đang lan toả ấy, hai tên cảnh sát đang thất nghiệp bỗng sướng như điên vì được thuê dẹp trật tự trong đám đông. Những ông bạn của cụ cố Hồng được dịp phô bày đầy những huân, huy chương trên ngực nào là “Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh”,… Những bà phu nhân quý phái cùng đám trai gái giới thượng lưu được dịp tán gẫu, hẹn hò, bình phẩm chê bai người này người kia. Xem ra đám tang nhưng lại được coi như một dịp hiếm có để tụ tập, nói cười, “chim chuột” nhau, đây là biểu hiện của một tầng lớp xã hội tha hoá về đạo đức trầm trọng, sự tuột dốc của không phanh của nhân cách con người.

 Đám ma được tổ chức rùng beng không khác gì cái hội chợ, tiếng cười nói bàn tán của người đi đưa, tiếng kèn tiếng trống vang dội cả con đường. Đám ma được tổ chức theo lối “Ta, Tây, Tàu” kết hợp lố lăng hết sức , nào là “vòng hoa”, “ba trăm câu đối” và phải có đến “ba trăm người đi đưa”. Đây quả thực là một đám ma to tát đến nỗi Vũ Trọng Phụng phải chế nhạo chua xót rằng: “làm cho người chết trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng”. Giọng văn châm biếm sắc sảo của nhà văn giúp ta phần nào hình dung ra xã hội đạo đức giả đang tồn tại song song với lối sống Âu hoá “nửa mùa” của giới tư sản lúc bấy giờ.

Nhưng có lẽ đỉnh điểm của sự tha hoá là nằm ở cảnh hạ huyệt cho cụ cố tổ. Đây quả thực là một màn kịch siêu đẳng khi tất cả những người đưa tang đều là những diễn viên xuất sắc làm tròn vai diễn. Cậu tú Tân nhiệt tình bắt mọi người tạo dáng “hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng,…” cốt làm sao để cậu chụp được bức ảnh lúc hạ huyệt. Cụ Hồng “ho khạc mếu máo và ngất đi”, đặc biệt là màn khóc như “chết đi sống lại” của gã con rể quý hoá, vì lời hứa chia thêm gia tài của cụ cố Hồng mà lần này lão ra sức diễn cho đạt vai “ông ta khóc quá, muốn lặng đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã”. Tất cả những gì lũ người này thể hiện chỉ là đóng kịch giả dối, không hề có chút tình thương giữa đồng loại. Tác giả Vũ Trọng Phụng phê phán hiện thực xấu xa, đồi bại, giáng một đòn mạnh mẽ vào lối sống của tầng lớp tư sản “chó đểu, khốn nạn” khi ấy.

Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia đã bộc lộ rõ tài năng nghệ thuật sắc bén của Võ Trọng Phụng. Dưới ngòi bút trào phúng và những biện pháp tu từ ẩn dụ, nói ngược, nói quá,… nhà văn đã làm cho khung cảnh xã hội trở nên sống động như đời thực, ông tập trung khai thác những khía cạnh mâu thuẫn trong từng sự vật, hiện tượng từ đó lột tả rõ bản chất thật của chúng tạo nên tiếng cười sâu cay cho độc giả. Đám ma diễn ra như một tấn kịch bi hài, lố bịch của xã hội “thượng lưu” thành thị trước những năm Cách mạng tháng Tám thành công.

-----------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-doan-trich-hanh-phuc-cua-mot-tang-gia-42159n.aspx
Sau khi tham khảo bài Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia trên đây, để nâng cao vốn hiểu biết về tác phẩm, các em có thể tìm đọc thêm: Cảm nhận về cảnh đưa tang trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia, Phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong Hạnh phúc của một tang gia, Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.


Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý phân tích giá trị hiện thực và giá trị tố cáo của Hạnh phúc của một tang gia
Tìm hiểu đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia
Phân tích tâm trạng của các nhân vật trong Hạnh phúc của một tang gia
Trong Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng viết: Cái chết kia đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. Hãy chứng tỏ điều đó qua các nhân vật trong đoạn trích.
Tiếng cười trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia
Từ khoá liên quan:

phan tich doan trich hanh phuc cua mot tang gia

, phan tich hanh phuc cua mot tang gia, dan y phan tich doan trich hanh phuc cua mot tang gia,
SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Viết một đoạn văn ngắn tả về trường, lớp em

    Làm thế nào để viết một đoạn văn ngắn tả về trường, lớp em ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính mạch lạc về diễn đạt, hấp dẫn về nội dung? Các em học sinh hãy cùng tham khảo những đoạn văn mẫu mà chúng tôi giới thiệu dưới đây để nắm được phương pháp viết bài, đồng thời có thêm những gợi ý hữu ích cho bài viết của mình nhé.