Hoạn thư là nhân vật đặc biệt trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tuy thuộc tuýp nhân vật phản diện, người mang đến bao đau đớn, tủi nhục cho cuộc đời Thúy Kiều nhưng đây cũng là nhân vật gợi cho chúng ta nhiều suy tư, trăn trở. Bài văn mẫu phân tích nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du dưới đây sẽ mang đến cái nhìn toàn diện về nhân vật này. Các bạn hãy cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du
Bài làm:
Bài mẫu số 1:
Truyện Kiều luôn là niềm tự hào của văn học Việt Nam, được coi là quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Tác phẩm đi vào lòng người bởi lời thơ giản dị, bởi tấm lòng thiết tha với những số phận con người của tác giả. Đọc Đoạn Trường tân thanh ta không khỏi đau đớn, khắc khoải, cảm thương trước số phận lênh đênh chìm nổi của nàng Kiều, yêu thương, khâm phục trước một Kim Trọng tình nghĩa thủy chung. Tự hào trước chí lớn bốn phương của người anh hùng Từ Hải, căm phẫn trước một mụ Tú bà độc ác, tham lam. Đọc Đoạn trường Tân Thanh ta còn ngậm ngùi, trước một Hoạn Thư khôn khéo, tinh tế, nhưng cuộc đời cũng không mấy phần may mắn.
Hoạn Thư không phải là một nhân vật lí tưởng mà Nguyễn Du xây dựng, trái lại, cô mang những nét tính cách của một người bình thường, là một con người của cuộc sống đời thường được hình dung qua lăng kính của nhà văn. Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh, một người vốn dòng dõi quý tộc nhưng lại lấy Thúc Sinh làm chồng. Hai bên gia đình tuy không môn đăng hộ đối, hôn nhân cũng không xuất phát từ tình yêu đích thực, nhưng Hoạn Thư không lấy đó làm cái cớ để cho phép mình tự cao, tự đắc, trái lại nàng luôn tôn trọng chồng của mình, đối xử tử tế với hôn phu, chưa bao giờ tỏ ra là kẻ quyền quý, danh gia vọng tộc. Nhưng, ngờ đâu Thúc Sinh lại có tình cảm yêu thương với Kiều, một mối tình mặn nồng tha thiết dành cho nàng. Là người phụ nữ, chắc chắn không ai muốn chịu kiếp chồng chung. Hoạn Thư cũng vậy, nàng không thể nào không đau lòng, cào xé ruột gan khi chia sẻ chồng mình với người khác. Dù biết chuyện giữa Kiều và Thúc nhưng nàng không hề muốn nổi trận lôi đình cho thiên hạ biết, cũng không lựa chọn việc đánh ghen trả thù mà muốn giữ cho gia thất được yên ấm. Đó là một sự khéo léo trong cách xử lí sự việc thông minh của Hoạn Thư. Hoạn Thư mong Thúc Sinh có thể tự thú nhận sự thật nhưng kẻ như nhược ấy lại không làm vậy mà giấu kín như bưng, điều này khiến Hoạn Thư rất tức giận khi đã phạm vào giá quy mà vẫn cố tình giấu giếm.
Hai người gặp gỡ sau bao ngày xa cách cũng không còn chút mặn nồng, trái lại là sự trách hờn vô tận bên trong tâm can mà Hoạn Thư dành cho Thúc Sinh dù được bao biện bằng vẻ bề ngoài. Sâu thẳm bên trong là nỗi đau tột cùng của một người phụ nữ không có được trái tim người đàn ông của mình. Thúc Sinh về được chưa bao lâu thì vội vàng ra đi, vì tình yêu của Thúc luôn dành cho Kiều, một lòng hướng về Kiều. Hoạn Thư biết rất rõ điều đó nhưng không ngăn cản chàng. Vì tình yêu, vì nỗi trách hờn một người chồng phụ bạc, Hoạn Thư đã dùng cách bắt cóc Kiều để dày vò Thúc Sinh, đưa trở về làm người hầu ở nhà nàng. Hoạn Thư nhằm mượn Kiều để khiến Thúc Sinh phải đau đớn khôn nguôi, khiến chàng phải hồn lạc phách xiêu, khi đó Hoạn Thư mới thoả cơn ghen tức. Hoạn Thư không lựa chọn cách hành hạ thân xác để đánh ghen mà dùng tinh thần để làm cho Thúc Sinh phải chịu cay đắng nhất, tuyệt vọng nhất.
Là người rất thông minh, đủ sắc sảo và bản lĩnh khi không dùng cách lấy mạng Kiều để trả thù. Lại là người bao dung khi cho Kiều chép kinh ở Quan Âm các cũng như rất trân trọng tài năng của Kiều, tạo điều kiện cho Kiều chạy trốn, thoát nạn. Khi bị Thúy Kiều gọi lên để xét xử, Hoạn Thư tỏ ra mình là một người vô cùng sắc sảo, khôn ngoan, có phần tinh ranh, quỷ quái, biết đưa ra lí lẽ để gỡ tội cho chính mình:
" Rằng : Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình
Nghĩ cho khi gác viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo"
Đồng thời với lời cầu xin thực tâm, chân thành cùng tấm rộng khoan dung của Kiều đã giúp Hoạn Thư thoát tội.
Hoạn Thư có khá nhiều nỗi oái ăm, bi kịch trong cuộc đời đặc biệt bi kịch lớn nhất là bi kịch tình yêu, sống mà không có được tình yêu của chồng mình, đó là một nỗi đau tột cùng của người phụ nữ trong mọi thời đại. Qua nhân vật Hoạn Thư, tác giả đã nói lên tiếng nói cảm thông với người phụ nữa xưa chịu nhiều thiệt thòi; ca ngợi vẻ đẹp trí tuệ, sắc sảo nhưng đồng thời cũng lên tiếng phê phán thói ghen tuông mù quáng đã góp phần làm cho cuộc đời của người khác chịu nhiều đau khổ, sóng gió.
Bài mẫu số 2:
“Đoạn trường tân thanh” hay “truyện Kiều” là một thiên tuyệt bút mà Nguyễn Du để lại cho đời. Tác phẩm đã miêu tả cuộc sống của biết bao số phận con người trong đó có Hoạn Thư. Nếu như Kiều là một hồng nhan bạc phận, là người mà khiến cho bao người đọc phải thương cảm thì Hoạn Thư, nhắc đến, người ta chỉ thấy có sự tàn ác, nanh nọc, ghen tuông. Thế nhưng, phải đọc hết cả tác phẩm, hiểu nó thì mới biết được Nguyễn Du cũng đã cảm thông và trân trọng người phụ nữ này thế nào!
Mỗi khi nói về Hoạn Thư, người ta chỉ thấy toàn những lời mỉa mai, cay độc cho thói ghen tuông đến tàn ác của nàng. Nhắc đến Hoạn Thư, người ta nghĩ ngay tới lúc nàng đối xử với Kiều, ghen tuông với Kiều ra sao, đã hành hạ Kiều như thế nào. Có lẽ đây là điều gây ấn tượng đặc biệt nhất của nhân vật này mà người đời sau đều nhớ tới. Thế nhưng, ở Hoạn Thư, nếu như đọc kĩ tác phẩm, ta còn thấy nàng là một con người luôn biết đặt hạnh phúc gia đình lên hàng đầu, biết giữ gìn danh dự cho chồng, đến phút cuối cũng không “cạn tàu ráo máng” với tình địch mà còn có lòng vị tha, bao dung cho Kiều rồi trước hoàn cảnh hiểm nguy không hề tỏ ra nao núng mà khôn ngoan, bình bĩnh thoát chết trong gang tấc. Có thể nói Hoạn Thư là một nhân vật với đầy đủ những phẩm chất của một con người từ hiện thực cuộc sống bước vào trang sách.
Khi đọc truyện Kiều, trước hết, ta thấy ngay Hoạn Thư là một người phụ nữ có máu ghen tuông thật khủng khiếp, đến nỗi sự ghen tuông của nàng đã trở thành một giai thoại khi ai nhắc tới cũng phải khiếp sợ. Hoạn Thư vốn là một tiểu thư danh giá “họ Hoạn danh gia”, “ con quan Lại bộ” nhưng nàng lại chọn Thúc Sinh để lấy làm chồng. Cuộc hôn nhân này vốn chẳng môn đăng hộ đối, khi chàng Thúc chỉ là một con nhà buôn, không thể sánh ngang với nhà quan lại. Lấy Hoạn Thư nhưng Thúc Sinh lại chẳng biết phận mình, vẫn là một kẻ háo sắc, “quen thói bốc rời” rồi dính tới chuyện dan díu với Kiều:
“Từ khi vườn mới thêm hoa
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không”
Thử hỏi xem, một người đàn bà khi biết chồng mình dan díu với kẻ khác sẽ như thế nào? Chẳng phải sẽ vừa ghen tức vừa đau lòng hay sao? Dù biết trong xã hội xưa, trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, thế nhưng thiếp phải được cưới hỏi về đàng hoàng, trước mặt thê tử phải nhận làm phận lẽ, có thưa có gửi chứ không phải lén lút, vụng trộm sau lưng, nhất là khi Hoạn Thư lại là con nhà danh gia vọng tộc. Thế mà Thúc Sinh lại không hề báo cho Hoạn Thư lấy một tiếng, cứ im lặng lén lút mà dan díu với người phụ nữ khác bên ngoài, thử hỏi xem, liệu ai có thể cầm lòng không ghen tuông cho được? Hoạn Thư cũng chỉ là một người phụ nữ với một lòng yêu chồng, lo cho gia đình. Một người phụ nữ như thế thấy chồng mình có nhân tình bên ngoài thì liệu có cầm lòng được chăng? Thử hỏi có một người chồng trăng hoa như thế, ruột gan người vợ nào mà không như xát muối, liệu có ai không đau lòng? Thế nên Hoạn Thư mới thấy:
“Lửa tâm càng dập càng nồng
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa”
Tuy ghen tuông đến thế, nhưng Hoạn Thư lại chẳng như kẻ khác. Nàng ghen đấy, giận đấy nhưng lại im hơi lặng tiếng để chờ xem chàng Thúc kia lên tiếng tỏ bày. Nàng lặng lẽ chờ đợi, không đáng ghen, không làm ầm ĩ như thói thường tình, nàng chờ Thú Sinh tỏ bày với nàng, nàng sẽ bao dung. Thế nhưng chàng Thúc kia quá hèn nhát để mà thú tội, vậy nên Kiều bị đem ra làm lá chắn hi sinh để đe dọa Thúc Sinh.
Hoạn Thư cho bắt Kiều về nhà quan Lại Bộ, ở đây, nàng ta đã khiến Kiều phải hứng chịu một cơn mưa gió tan tành:
“ Hoa trôi nước chảy đã yên
Biết đâu địa ngục là miền trần gian”
Hoạn Thư đã đánh đập Kiều tới mức Kiểu tưởng rằng nơi đây chính là địa ngục chứ chẳng phải trần gian nàng sống. Hành hạ thể xác của Kiều, không chỉ thế, Hoạn Thư còn đày đọa tinh thần Kiều khi bắt nàng làm thị tì, trở thành con hầu trong phủ của Hoạn Thư. Nàng ta còn bắt Kiều ngồi đánh đàn, ca hát, khoan nhặt cung đàn, quỳ tận tay tận mặt mà mời rượu Thúc Sinh. Còn gì tàn ác bằng khi bắt tình nhân của chồng trở thành con hầu, hành hạ cô ta thể xác, đày đọa cô ta về mặt tinh thần khiến cho cô ta không thể nào ngẩng đầu lên được? Chắc hẳn trong tất cả những cái ghen của người đàn bà trong văn học xưa, chẳng ai có cái ghen tuông sâu cay mà thâm độc như Hoạn Thư cả. Hoạn Thư đã khiến Kiều phải hồn xiêu phách lạc, gan héo ruột gầy, dày vò Kiều tới mức đau khổ, nhục nhã nhất.
Có thể nói cái ghen của Hoạn Thư đã đạt tới đỉnh điểm của cái ghen lòng dạ đàn bà. Nào ai có thể nghĩ tới cái ghen khiến cho tình nhân của chồng vừa phải chịu đau đớn, nhục nhã ê chề lại khiến chồng phải e sợ, khiếp gan. Có lẽ điều này chỉ có Hoạn Thư mới làm được, mới cao tay đến thế được.
Thế nhưng, nếu bỏ qua cái ghen tuông kinh khủng mà độc ác của Hoạn Thư, ta thấy đây là một con người hết lòng vì chồng vì gia đình. Biết chồng có nhân tình bên ngoài, nàng ta chẳng hề vội vã làm ầm ĩ ghen tuông mà chỉ chọn cách lặng lẽ để chồng quay đầu. Đến khi chồng nàng chẳng biết hối cải, nàng mới ra tay tuy thế nàng vẫn trừ một lối danh dự cho chồng.
“Tiểu thư nổi giận đùng đùng
Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi
Chồng tao nào phải như ai
Điều này hẳn miếng những người thị phi
Vội vàng xuống lệnh ra uy
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng”
Chồng dan díu là thế, nàng giận là thế nhưng nàng vẫn quyết giữ kín chuyện nhà, không để lọt ra ngoài mà làm chồng xấu hổ. Quả là một người phụ nữ đáng nể phục, khéo xử việc nhà! Nàng là người bị phụ tình nhưng vẫn muốn giữ cho gia đình trong ấm ngoài êm. Đó là điều mà chẳng phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được. Nàng đã bảo vệ chồng khỏi điều tiếng, đè nén lòng mình để chờ đợi thái độ của chồng. Nàng chỉ cần chồng hối cải, nàng sẽ bao dung mà tha thứ. Có phải người vợ nào cũng làm được như vậy đâu? Thế nhưng, vì sự hèn nhát của Thúc Sinh mà khiến cho Hoạn Thư suốt đời mang một tiếng ghen tuông cay nghiệt khó giải còn Kiều rơi vào cảnh đau đớn, ê chề.
Có thể thấy, Hoạn Thư tuy là một con người với sự ghen tuông kinh khủng nhưng lại là một người vợ biết lo cho chồng, cho gia đình và hơn thế, nàng cũng có lòng bao dung khi nàng đã cố tình mở lại cho Kiều một con đường sống. Biết Kiều là nhân tình của chồng, tuy có đánh đập Kiều, đày ải tinh thần Kiều nhưng đó chẳng qua chỉ là một đòn giận cá mà chém thớt của Hoạn Thư mà thôi. Bởi đến cuối, Hoạn Thư vẫn để Kiều ra ở Quan Âm các mà chép kinh Phật. Thậm chí, Hoạn Thư còn lên tiếng khen Kiều trước mặt Thúc Sinh rằng: “ So ra với thiếp Lan Đình nào thua” rồi thì :
“ Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”.
Thử hỏi có mấy người đàn bà nào có bản lĩnh khen tình địch trước mặt chồng như thế chăng? Và nếu Hoạn Thư thực sự là một người đàn bà có tâm địa độc ác hoàn toàn thì Kiều liệu có được khen, có được cơ hội để sống sót trước đòn ghen của Hoạn Thư. Nàng cay nghiệt đấy nhưng chẳng phải đó là cái cay nghiệt thường tình của một người đàn bà hay sao?
Không chỉ vậy, ta còn thấy, Hoạn Thư là một kẻ biết nhu biết cương, trước bờ vực nguy hiểm cận kề vẫn tỏ ra khôn ngoan mà thoát chết. Tình cảnh đó xảy ra khi Hoạn Thư gặp lại Kiều ở tình thế đảo ngược: Kiều báo ân báo oán. Giờ đây, chẳng còn là kiếp chủ tớ, Kiều đã lên thành vị phu nhân cao quý bên Từ Hải, được chàng giúp để nàng báo ân báo oán. Giờ đây, Kiều nắm trong tay sinh sát của Hoạn Thư. Thế nhưng, bằng sự khôn khéo, biết chừng biết mực của mình, Hoạn Thư đã thoát khỏi án tử hình.
Kiều gặp lại Hoạn Thư với tâm thế chuẩn bị sẵn, với ý đồ báo oán với những gì Hoạn Thư đã gây ra cho nàng:
“Thoắt trông nàng đã chào thưa
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy tay
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
Đặt mình vào tình thế này, chắc hẳn Hoạn Thư cũng run sợ như bao người khác. Thế nhưng, nàng ta đã khôn khéo mà tự bào chữa cho mình. Nàng rằng:
“Rằng: “Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
Hoạn Thư tự biện bạch rằng, sự ghen tuông kia chẳng qua là thói thường của người đàn bà có chồng mà thôi, vậy nên vì sự ghen ấy mà gây ra tội âu cũng là sự lẽ thường, đáng được minh xét là vô tội. Sự biện bạch ấy của Hoạn Thư đã tác động tới Kiều, khiến Kiều phải suy nghĩ vì chính nàng cũng là phận đàn bà. Nhận thấy sự thay đổi của Kiều, Hoạn Thư mới tiếp lời:
“Nghĩ cho khi các viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Trót đã gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”
Đến đây, Hoạn Thư kể ra một loạt những hành động ân nghĩa của mình đã làm với Kiều. Hoạn Thư đã âm thầm nhắc Kiều rằng chính Hoạn Thư đã mở đường cho Kiều để Kiều có một cơ hội, đây chính là công trạng mà Hoạn Thư đối với Kiều.
Những lời nói của Hoạn Thư với Kiều vừa có nhu lại vừa có cương, vừa kể tội bản thân nhưng cũng vừa kể công trạng của mình để Kiều phải suy ngẫm. Đến cuối, Hoạn Thư đã hạ mình, tôn Kiều lên làm “lượng bể”, người bề trên. Nếu đến thế mà Kiều còn cố chấp xử Hoạn Thư thì chẳng phải Kiều là người bề trên không biết rộng lượng hay sao? Những lời nói của Hoạn Thư đã khiến Kiều phải khâm phục tha bổng cho nàng ta và thốt lên rằng: “Làm ra thì cũng con người nhỏ nhen”. Có thể nói Hoạn Thư trong “Kiều báo ân báo oán” là một con người khôn ngoan biết chừng nào?
Tóm lại, có thể thấy Hoạn Thư trong truyện Kiều hiện lên là một con người với cái ghen tuông độc ác, ghi dấu trong nền văn học, vừa là một người phụ nữ biết vì gia đình, là một con người khôn khéo. Tất cả những chi tiết đó được Nguyễn Du thể hiện thật đặc sắc, thật tuyệt diệu. Có chăng, nếu không có Hoạn Thư, truyện Kiều đã chẳng hoàn hảo đến thế?
Chỉ xuất hiện trong vài đoạn thơ ngắn ngủi, nhưng Hoạn Thư đã in dấu ấn thật đậm nét trong lòng người đọc. Nguyễn Du đã xây dựng lên một Hoạn Thư thật tinh tế, hoàn hảo mà khi nhắc tới tên ai cũng có thể nhớ ngay tới nàng. Có thể nói, nàng – Hoạn Thư chính là một trong những nhân vật tạo được dấu ấn đậm nét nhất, ấn tượng trong truyện Kiều.
Bài mẫu số 3:
Đoạn trường tân thanh - một tác phẩm sống mãi với thời gian của đại thi hào dân tộc Việt Nam - Nguyễn Du, trong tác phẩm của mình, ông đã xây dựng bao hình tượng độc đáo và để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Chắc hẳn cũng có rất nhiều người ấn tượng với nhân vật người phụ nữ trong câu chuyện vừa tài giỏi thông minh, giàu có nhưng lại có số phận bất hạnh, đó chính là Hoạn Thư một nhân vật được coi như là nhân vật phản diện của tác phẩm nhưng ẩn sâu trong “ vai diễn” ấy, nàng lại là một người có tình cảnh éo le không mấy gì khác Kiều.
Trong “Kim Vân Kiều truyện”, Hoạn Thư nổi lên với một nhân vật phản diện điển hình tàn độc gian ác thì trong “Đoạn trường tân thanh”, Nguyễn Du đã tạo nên một nhân vật vừa gian ác và vừa đáng thương. Đúng vậy, vì thế có hai luồng ý kiến đối với nhân vật Hoạn Thư của ông. Về một phía, Hoạn Thư được gây dựng nên để gây “rối” cho cuộc đời của nàng Kiều, cô là điển hình của người phụ nữ ghen tuông, sẵn sàng chà đạp người khác để trả thù. Và sang một khía cạnh khác, thì lại cũng có rất người đồng cảm, thương xót nàng, nàng cũng chỉ là một bi kịch, chịu cảnh chồng chung, lại không được chồng yêu thương. Phải thật khâm phục tài năng miêu tả tính cách nhân vật con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Hoạn Thư được miêu tả là người con gái “cành vàng lá ngọc”, sống trong từ bé trong nhung lụa và được nuông chiều, tính cách của cô thì ngang bướng, hống hách và coi thường người khác.
“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bên trong nham hiểm giết người không dao.”
Vì vậy khi phát hiện ra người chồng của mình đã chuộc Kiều-một người con gái khác vừa xinh đẹp lại tài năng, lòng cô không khỏi đố kỵ ghen ghét. Và cũng từ đó mà cuộc sống của nàng Kiều càng trở nên bất hạnh, Hoạn Thư trả thù bằng mọi cách từ thể xác lẫn tinh thần, gây cho nàng bao đau khổ. Có thể thấy cách miêu tả nhân vật tạo nên tính cách của Nguyễn Du thật độc đáo, một lối nghệ thuật hay trong nhân vật này. Cô cư xử khôn khéo, “gian xảo” khi cô biện hộ cho chính sự độc ác của mình với Kiều trong buổi xét xử:
“Rằng: “Tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
Phải nói rằng Hoạn Thư là một người phụ nữ rất thông minh, biết lấy cớ để thanh minh cho hành động của mình. Cô còn kể công với Kiều những điều cô đã bắt Kiều làm, đã từng “đày đọa” nàng, rằng cô cũng đối xử tốt với nàng, cho nàng chép kinh chứ không bắt nàng làm tì nữ, biết nàng bỏ trốn nhưng không bắt lại. Bằng sự khôn ngoan trong từng câu chữ, chính Kiều cũng phải công nhận “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”, Hoạn Thư đã lật ngược được tình thế từ thế bị động lo sợ trước khi bị xử tội và thành thế chủ động khi kể công ơn của mình. Hoạn Thư thật sắc sảo, thông minh khi biết nhìn nhận về hoàn cảnh cũng như lòng người, và ở đây chính là nàng Kiều, cô hiểu rất rõ lòng Kiều.
Sự ghen tuông, sự tàn ác của Hoạn Thư cũng phải có lí do, và đó chính là vì người chồng của mình đã ngoại tình. Thử hỏi ai, một người phụ nữ nào có thể chịu đựng được cảnh đó. Nguyễn Du đã phơi bày rõ nghịch cảnh của Hoạn Thư khi không được chồng yêu thương qua những câu thơ của mình. Trong buổi chia tay với nàng Kiều thì tâm trạng tấm lòng của Thúc day dứt, bịn rịn, nhớ thương nhưng khi chia tay người vợ danh chính môn thuận của mình thì lòng chàng ta lại thấy thoải mái, vui vẻ:
“Được lời như cởi tấc son
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người”.
Không chỉ có mình Kiều trong tác phẩm có số phận bi đát mà số phận chung của người phụ nữ trong tác phẩm của ông. Phải chăng , Hoạn Thư cũng thương cảm cho số phận của nàng Kiều nên mới tha cho nàng, không bắt nàng khi bỏ trốn.
Nguyễn Du đã miêu tả hình tượng nhân vật Hoạn Thư rất thành công, sự thành công của tác phẩm thật không thể thiếu nhân vật này. Một con người phải diễn trong mình lối “đa diện”, vừa là một người phụ nữ độc ác mà vừa là người đáng thương. Bằng sự tinh tế trong từng câu chữ của mình, Nguyễn Du khiến độc giả của mình có cái nhìn đa chiều về từng nhân vật mà ông tạo ra, đó là những giọng điệu sắc sảo, những lồng ghép tâm lí của nhân vật, về con người thực sự của nhân vật.
Hoạn Thư là một nhân vật được nhắc đến nhiều trong tác phẩm của Nguyễn Du, ngoài bài làm văn Nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, học sinh và thầy cô tham khảo thêm các bài làm văn khác như Tính cách Hoạn Thư bộc lộ như thế nào qua đoạn trích Thúy Kiều báo ân, báo oán, hay bài làm văn Phân tích hình tượng nhân vật Hoạn Thư. Qua các bài làm văn này hi vọng hình ảnh nhân vật sẽ được nêu bật cũng như qua đó các em học sinh dễ dàng học và làm bài đạt kết quả tốt hơn.