Trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều người có suy nghĩ vô cùng thiển cận, phán xét về cách ăn mặc của người khác. Cùng tìm hiểu vấn đề này thông qua bài Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu, Ngữ văn 7, Cánh Diều, học kì II dưới đây.
Đề bài: Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu
Bài văn Có ý kiến cho rằng ăn mặc, sinh hoạt hàng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu, quê mùa hay nhất
I. Dàn ý Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận.
2. Thân bài:
- Giải thích giản dị, lạc hậu là gì:
+ Giản dị là không xa hoa, phô trương, cầu kì.
+ Lạc hậu là cũ kĩ, không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
- Nêu ý kiến của bản thân: không đồng tình với ý kiến cho rằng: "Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu".
- Nêu một số lí do để bảo vệ cho quan điểm của mình:
+ Giản dị không đồng nghĩa với lạc hậu bởi lối sống giản dị là một lối sống tốt đẹp, không màu mè, giúp con người tiết kiệm và tối giản những thứ không cần thiết.
+ Ăn mặc giản dị nhưng phù hợp với hoàn cảnh sẽ được mọi người yêu mến, đánh giá là người có trình độ văn hóa cao.
+ Trang phục không nói lên tính cách của con người.
+ Lạc hậu hay hiện đại không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài.
- Phản đề:
+ Phê phán lối sống xa hoa.
+ Giản dị không đồng nghĩa với tằn tiện.
3. Kết bài:
- Khẳng định vấn đề cần bàn luận.
II. Bài văn mẫu tham khảo:
1. Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu - mẫu số 1:
Ngày nay, có rất nhiều quan niệm kiểu "Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu". Đây quả là một suy nghĩ hết sức sai lầm bởi họ không phân biệt được hai khái niệm này với nhau.
Từ trước tới nay, chúng ta nghe nhiều đến khái niệm "giản dị", "lạc hậu" nhưng chưa chắc đã hiểu về nó. Giản dị có nghĩa là không xa hoa, phô trương, cầu kì. Trong khi đó, lạc hậu được hiểu với ý nghĩa cũ kĩ, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Rất nhiều người thường hay đồng nhất giữa hai khái niệm này với nhau. Bởi vậy, mới có suy nghĩ giản dị là lạc hậu, đi chậm với sự phát triển của thời đại.
Thực chất, suy nghĩ trên không đúng bởi giản dị là một lối sống tốt đẹp. Từ thực tiễn lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng, giản dị là một nếp sống thanh cao của người dân Việt Nam bao đời. Những ngôi nhà ở vùng quê Việt Nam đề cao sự thoáng mát, hòa hợp với thiên nhiên khi vừa có sân vườn, ao hồ. Điều này không chỉ thuận tiện cho quá trình sinh hoạt mà còn phục vụ cho công việc lao động, sản xuất, tự cung tự cấp của người dân. Ngay cả trong đời sống hàng ngày, sự giản dị còn được thể hiện qua lời ăn, tiếng nói. Người sống giản dị cư xử điềm đạm, không vồ vập, khoe mẽ, luôn cố gắng dung hòa giữa mong muốn cá nhân với lợi ích chung của mọi người. Vậy từ những điều nêu trên, cớ sao chúng ta lại quy chụp giản dị tương đồng với lạc hậu? Chẳng phải sự giản dị là phẩm chất, lối sống tốt đẹp của con người hay sao?
Hơn nữa, nhiều người thường hay có ý nghĩ giản dị là lạc hậu bởi vì họ cho rằng những thứ quá giản đơn sẽ không thể phô trương sự kiêu sa, quyền quý. Trong suy nghĩ của họ, những thứ phải thật màu mè, diêm dúa mới là hiện đại, phù hợp với thị hiếu. Cái suy nghĩ tai hại này sẽ giết chết họ nếu như bản thân mỗi người không vận dụng một cách linh hoạt, tùy thuộc vào hoàn cảnh khác nhau.
Từ những lí do trên, bản thân chúng ta cần thay đổi nhận thức của chính mình; không nên chạy theo đám đông mà quay lưng lại với các giá trị giản đơn, truyền thống. Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức, không đua đòi, chìm đắm trong thói phung phí, xa hoa.
Giản dị không chỉ là một đức tính mà còn là lối sống tốt đẹp cần được lưu giữ và truyền bá rộng rãi tới tất cả mọi người. Cuộc sống là do chúng ta quyết định. Chất lượng cuộc sống tốt hay xấu, hiện đại hay lạc hậu là phụ thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.
Bài văn nêu ý kiến khi Có ý kiến cho rằng ăn mặc, sinh hoạt hàng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu, quê mùa
2. Nêu ý kiến về: Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu - mẫu số 2:
Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều người vẫn lầm tưởng, giữ cho mình một suy nghĩ hết sức bảo thủ rằng: "Ăn mặc, sinh hoạt hằng ngày giản dị là biểu hiện của lối sống lạc hậu.". Có lẽ, đây là một ý kiến sai lầm, cần phải thay đổi ngay từ hôm nay.
Nguyên nhân dẫn đến luồng ý kiến này xuất phát từ việc nhiều người thường đánh đồng, quy chụp, không hiểu bản chất giữa hai khái niệm. Họ cho rằng giản dị là xưa cũ, là bủn xỉn, là không phù hợp với thị hiếu, xu hướng của cuộc sống nhanh, hiện đại như ngày nay. Thế nhưng, họ không biết rằng, hai khái niệm này rất khác nhau. Trong khi giản dị có nghĩa là không phô trương, cầu kì thì lạc hậu lại mang ý nghĩa là không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Rõ ràng, hàm nghĩa của hai từ này là hoàn toàn riêng rẽ, không liên quan gì đến nhau. Có chăng dẫn đến việc hiểu lầm là bởi biểu hiện của hai điều này có những nét tương đồng.
Giản dị từ trước tới nay luôn là một nét đẹp văn hóa. Giản dị đề cao lối sống tối giản, hướng con người đến sự "vừa" và "đủ". Nó không hề đồng nghĩa với qua loa, đại khái. Mặt khác, giản dị lại rất đủ đầy chứ không hề sơ sài như một số người thường nghĩ. Lấy ví dụ đơn giản nhất là bộ trang phục chúng ta mặc thường ngày. Một bộ quần áo đáp ứng được sự hài hòa về màu sắc, tôn lên vẻ đẹp cơ thể cũng như phù hợp với hoàn cảnh có nghĩa là nó đã làm tốt vai trò của mình trong việc thể hiện cá tính, trình độ văn hóa, nhận thức cá nhân. Trong một số trường hợp nhất định, càng giản dị thì càng toát lên những phẩm chất đáng quý của con người. Rõ ràng, "chiếc áo không làm nên thầy tu", cũng như tính cách, phẩm chất của con người hay sự lạc hậu, hiện đại không thể đánh giá qua vẻ bề ngoài. Điều quan trọng nhất là ta học được cách bằng lòng với cuộc sống, dừng lại khi cảm thấy mọi thứ đã viên mãn, đủ đầy.
Ranh giới giữa giản dị với lôi thôi, sơ sài rất mong manh. Nếu chúng ta quá xuề xòa, không chịu cập nhật, làm mới bản thân thì sẽ bị đi chậm với bước tiến thời đại, bị mọi người cười chê, đánh giá. Đặc biệt, giản dị không đi liền với bủn xỉn, tiết kiệm quá mức bởi sẽ dẫn đến keo kiệt, hẹp hòi với người khác. Chúng ta cần hiểu đúng, hiểu đủ để rèn luyện cho mình đức tính giản dị theo tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù ở cương vị nào, mỗi người đều cần phải giữ gìn sự liêm khiết, tránh khỏi sự lãng phí, xa hoa.
Xu hướng sống tối giản đang được nhiều người trên thế giới yêu chuộng, hướng đến. Khi chọn cho mình lối sống tối giản, chúng ta sẽ đạt được trạng thái cân bằng, an nhiên, tĩnh tại trong tâm hồn. Từ đó, cải thiện và nâng cao chất lượng sống.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Các em nghĩ sao về ý kiến nêu trên? Liệu em có đồng tình với quan điểm đó hay không? Lối sống giản dị và cách ăn mặc không làm nên nhân cách của một con người, các em hãy có thái độ ứng xử thích hợp nhé! Mời các em tham khảo thêm văn mẫu lớp 7 khác: Phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc, Đoạn văn giới thiệu khái quát về các từ loại hoặc các thành phần câu, Đoạn văn nêu ý kiến về một tác phẩm đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, Đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình cảm giữa những người thân trong gia đình....
https://thuthuat.taimienphi.vn/neu-y-kien-ve-an-mac-sinh-hoat-hang-ngay-gian-di-la-bieu-hien-cua-loi-song-lac-hau-74894n.aspx