Source code hay mã nguồn mở có lẽ là những thuật ngữ bạn thường xuyên nhìn thấy, chẳng hạn như game mã nguồn mở hay phần mềm nguồn mở. Vậy chính xác mã nguồn là gì, Source code là gì, thế nào là mã nguồn mở và thế nào là mã nguồn đóng? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.
Nếu bạn không phải là một lập trình viên hay một nhà thiết kế web, bạn có thể không nghĩ nhiều về những gì đằng sau các chương trình và trang web mà bạn sử dụng hàng ngày. Chúng một phần dựa trên các câu lệnh rất dài và phức tạp. Tệp text đó được gọi là Mã nguồn hay Source code. Ngay sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề mã nguồn.
Tìm hiểu về source code (mã nguồn)
I - Source code là gì?
1. Định nghĩa về mã nguồn
Mã nguồn hay Source Code là thành phần cơ bản của một chương trình máy tính, chứa các mã lệnh thực thi được viết ra bởi các lập trình viên. Mã nguồn không được máy tính thực thi trực tiếp mà nó phải được chuyển đổi thành ngôn ngữ máy bởi trình biên dịch hoặc trình thông dịch. Trong một số trường hợp, mã nguồn có thể do máy tạo ra bởi các chương trình chuyển đổi mã nguồn của một ngôn ngữ lập trình.
Ví dụ về mã nguồn, Source code
Một số thông tin cần biết về mã nguồn:
- Mã nguồn được tạo ra bởi hoặc lập trình viên.
- Source Code là mã cấp cao.
- Mã nguồn được viết bằng văn bản thuần túy bằng cách sử dụng một số ngôn ngữ lập trình như C, C ++, Java, Python, v.v. hoặc hợp ngữ.
- Con người có thể đọc và hiểu được mã nguồn.
- Mã nguồn cần phải được chuyển đổi thành ngôn ngữ máy để máy tính hiểu và thực hiện lệnh.
- Có thể dễ dàng sửa đổi mã nguồn.
- Mã nguồn là đầu vào cho trình biên dịch hoặc bất kỳ trình dịch nào khác.
2. Mục đích của mã nguồn
Ngoài việc cung cấp nền tảng cho việc tạo ra phần mềm, mã nguồn còn có những mục đích quan trọng khác, chẳng hạn như những người dùng có kỹ năng có quyền truy cập vào mã nguồn có thể dễ dàng tùy chỉnh cài đặt phần mềm hơn, nếu cần.
Bên cạnh đó, các nhà phát triển khác có thể sử dụng mã nguồn để tạo các chương trình tương tự cho những nền tảng hệ điều hành khác. Các lập trình viên có thể chia sẻ mã nguồn với cộng đồng cho mục đích học tập và xây dựng các ứng dụng dựa trên nó.
II - Mã nguồn mở và mã nguồn đóng là gì?
Chung ta đã biết mã nguồn là gì. Vậy tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu thông tin về 2 loại mã nguồn là mã nguồn mở và mã nguồn đóng.
1. Mã nguồn mở là gì?
Mã nguồn mở là các phần mềm được cung cấp miễn phí trên Internet cùng với mã nguồn của nó mà ai cũng có thể cải tiến, phát triển, nâng cấp hoặc sửa đổi và tùy chỉnh để phù hợp với mục đích sử dụng của mình.
Phần mềm mã nguồn mở thường đi kèm với giấy phép phân phối. Giấy phép này bao gồm các điều khoản xác định cách các nhà phát triển có thể sử dụng, nghiên cứu, sửa đổi và quan trọng nhất là phân phối phần mềm. Dưới đây là 5 trong số các giấy phép phổ biến nhất:
- Giấy phép MIT
- Giấy phép Công cộng GNU (GPL) 2.0
- Giấy phép Apache 2.0|
- Giấy phép Công cộng GNU (GPL) 3.0
- Giấy phép BSD 2.0
Một số ví dụ về phần mềm mã nguồn mở là:
- GNU/Linux
- Mozilla Firefox
- VLC media player
- SugarCRM
- GIMP
- VNC
- Apache web server
- LibreOffice
- jQuery
2. Mã nguồn đóng là gì?
Trái ngược với mã nguồn mở, mã nguồn đóng là các phần mềm sử dụng mã độc quyền và được bảo vệ chặt chẽ. Nó được phát triển và cung cấp cho người dùng dưới dạng một tập hợp các tệp thực thi và được biên dịch đầy đủ. Nhà phát triển thường cung cấp hỗ trợ cho người dùng sau khi mua và đảm bảo rằng phần mềm hoạt động như mong đợi. Chỉ tác giả ban đầu của phần mềm mới có thể truy cập, sao chép và thay đổi phần mềm đó.
Ví dụ về mã nguồn đóng
Phần mềm nguồn đóng thường được bán cho người dùng cuối, mặc dù đôi khi nó được cung cấp miễn phí. Điều quan trọng là khi mua phần mềm nguồn đóng, người dùng không mua phần mềm đó mà mua bản quyền để sử dụng phần mềm. Một số ví dụ về phần mềm nguồn đóng là Windows, Microsoft Office, Photoshop...
Thông thường, các nhà cung cấp phần mềm độc quyền như Microsoft không chia sẻ mã nguồn với khách hàng vì hai lý do: để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn khách hàng thực hiện các thay đổi đối với mã nguồn dẫn tới việc làm hỏng chương trình hoặc khiến nó dễ bị tấn công hơn.
3. So sánh mã nguồn mở và mã nguồn đóng
Để hiểu rõ hơn về đặc thù của phần mềm nguồn mở và phần mềm nguồn đóng, chúng ta sẽ so sánh 5 khía cạnh cơ bản: giá cả, bảo mật, hỗ trợ, tính khả dụng của mã nguồn và khả năng sử dụng của chúng.
3.1. Chi phí
Mã nguồn mở thường là phần mềm miễn phí. Tuy nhiên, nó có thể có phí cho các tính năng bổ sung như hỗ trợ, dịch vụ bổ sung hoặc chức năng bổ sung.
Phần mềm nguồn đóng thường là phần mềm trả phí. Chi phí có thể thay đổi tùy thuộc vào độ phức tạp của phần mềm. Mặc dù giá có thể cao hơn, nhưng những gì bạn nhận được là một sản phẩm tốt hơn với hỗ trợ đầy đủ, chức năng và tính năng mới. Tuy nhiên, hầu hết các công ty cung cấp bản dùng thử miễn phí để người dùng trải nghiệm trước khi mua.
3.2. Bảo mật
Câu hỏi về bảo mật đang gây ra rất nhiều tranh cãi vì cả hai đều có ưu và nhược điểm nhất định. Mã của phần mềm nguồn mở có thể được xem, chia sẻ và sửa đổi bởi cộng đồng, có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể tùy chỉnh, nâng cấp và kiểm tra mã bị hỏng. Các lỗi được khắc phục nhanh chóng và mã được kiểm tra kỹ lưỡng sau mỗi lần phát hành. Tuy nhiên, mã nguồn mở thường là mục tiêu tấn công của tin tặc.
Ngược lại, phần mềm nguồn đóng chỉ có thể được sửa bởi nhà cung cấp. Thường thì nếu phần mềm gặp trục trặc, các nhà phát triển sẽ nhanh chóng tung ra bản cập nhật mới để sửa lỗi hoặc người dùng có thể liên hệ với đội ngũ phát triển để yêu cầu trợ giúp.
3.3. Hỗ trợ
Khi so sánh về mặt hỗ trợ, rõ ràng phần mềm nguồn đóng chiếm ưu thế trong trường hợp này. Chi phí mà người dùng bỏ ra để mua phần mềm bao gồm tùy chọn để liên hệ với bộ phận hỗ trợ khi gặp vấn đề.
Đối với phần mềm nguồn mở, tùy chọn như vậy không được cung cấp. Các tùy chọn hỗ trợ duy nhất là các diễn đàn, bài viết... và không có gì ngạc nhiên khi bạn không nhận được phản hồi hoặc nhận được thông tin không mấy hữu ích...
3.4. Tính khả dụng của mã nguồn
Phần mềm nguồn mở cung cấp khả năng thay đổi mã nguồn mà không có bất kỳ hạn chế nào. Người dùng cá nhân có thể phát triển những gì họ muốn và nhận được lợi ích từ sự đổi mới do những người khác trong cộng đồng người dùng phát triển. Vì mã nguồn mở có thể dễ dàng truy cập, nên nó cho phép các nhà phát triển phần mềm cải thiện các chương trình hiện có.
Phần mềm nguồn đóng hạn chế hơn phần mềm nguồn mở rất nhiều vì không ai có thể thay đổi hoặc xem mã nguồn trừ nhà phát triển. Tuy nhiên, hạn chế đó đảm bảo tính bảo mật và độ tin cậy của phần mềm này.
3.5. Khả năng sử dụng
Khả năng sử dụng là một chủ đề gây nhức nhối của phần mềm nguồn mở. Hướng dẫn sử dụng được viết cho các nhà phát triển chứ không phải cho người dùng bình thường. Đối với phần mềm nguồn đóng, khả năng sử dụng là một trong những điểm đáng giá. Tài liệu thường được viết cận thận và có hướng dẫn chi tiết.
III - Mã nguồn website là gì?
Đằng sau bất kỳ trang web và chức năng nào của nó là mã nguồn website (Source Code Website), được viết bằng ngôn ngữ lập trình web. Khi truy cập vào trang web, người dùng thường thực hiện nhiều thao tác như cuộn chuột, click chuột, điền thông tin vào biểu mẫu... và mỗi thao tác tương ứng với một câu lệnh. Mã nguồn chính là khung xương của những thao tác này. Mục đích của mã nguồn website là tạo ra một trang web hoàn chỉnh chứa thông tin và cung cấp nhiều chức năng khác nhau cho người truy cập.
https://thuthuat.taimienphi.vn/ma-nguon-la-gi-64786n.aspx
Như vậy, Taimienphi.vn đã cung cấp cho bạn một số thông tin cần biết về mã nguồn. Hy vọng qua bài viết này, bạn có được cái nhìn rõ hơn về mã nguồn là gì, sự khác nhau giữa mã nguồn mở và mã nguồn đóng, cũng như mã nguồn website. Bên cạnh đó bạn cũng có thể các công cụng mã nguồn mở tốt nhất cho Windows tại đây.
- Xem thêm: Top công cụ mã nguồn mở sáng giá cho Admin Windows