Em thực hành viết bài văn đóng vai một cây tre, tự kể chuyện về mình để trau dồi và nâng cao hơn nữa kĩ năng viết văn kể chuyện sáng tạo, hóa thân vào loài cây kể lại câu chuyện về cuộc đời mình. Các em có thể tham khảo bài viết mẫu của chúng tôi để biết cách viết bài văn này cho sinh động, thuyết phục người đọc.
Đề bài: Đóng vai một cây tre, tự kể chuyện về mình
Phần 1: Dàn ý đóng vai một cây tre, tự kể chuyện về mình
Phần 2: Bài văn mẫu Đóng vai một cây tre, tự kể chuyện về mình
Bài làm:
Có lẽ trong tim mỗi người khi nghĩ về những vùng quê yêu dấu luôn có bóng dáng những lũy tre xanh ngút ngàn. Họ nhà tre chúng tôi đã gắn bó với nhân dân Việt Nam tự bao đời, bởi vậy mà khi kể về cuộc đời của chúng tôi cho con cháu nghe, tôi luôn cảm thấy tự hào và dâng lên nhiều nỗi niềm xúc cảm.
Nhà tre chúng tôi thuộc thân gỗ, thân mọc thẳng, vươn lên đón ánh mặt trời. Anh em chúng tôi có rất nhiều như trúc, nứa, hóp,... Vốn chịu thương chịu khó cũng như thích nghi cao với mọi hoàn cảnh nên dẫu nơi đất cằn sỏi đá, thiếu chất dinh dưỡng chúng tôi vẫn xanh bát ngát và phát triển tốt. Chúng tôi vốn sống bình dị, bám chặt nơi nguồn cội, luôn mang trong mình cốt cách như người dân Việt vậy: Dũng cảm, kiên trinh, dẫu bão táp, dẫu mưa sa vẫn đoàn kết, sát cánh bên nhau, cùng nhau vươn lên mọi khó khăn và trưởng thành một cách mạnh mẽ. Thế hệ cha ông chúng tôi đã cùng đất nước xông pha chiến trận. Từ thuở vua Hùng dựng nước, cha ông tôi đã cùng trai làng Phù Đổng đánh tan quân thù, giành lại bình yên cho nước nhà. Qua thời kì trung đại, lại cùng Ngô Quyền đánh tan lũ giặc Nam Hán bạo ngược, hung tàn. Qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm lớn của dân tộc, chúng tôi lại càng vững lòng, anh dũng cùng quân dân xông pha, là những ngọn chông nhọn hoắt, là màu lá xanh ngụy trang, là nơi cất giấu những tư liệu bí mật, là vũ khí đơn giản nhưng hữu hiệu,....đó là những tháng ngày vô cùng oanh liệt, ghi dấu vào quá khứ những trang sử hào hùng. Để bây giờ khi nhìn lại, chúng tôi vẫn vô cùng tự hào bởi những gì mình đã vượt qua.
Khi đất nước được hoà bình, bên lăng Bác, chúng tôi canh giữ giấc ngủ bình yên cho Người, với nhân dân chúng tôi lại được cùng họ tham gia lao động, xây dựng đời mới. Những buộc lạt gánh lúa, những rổ, rá , dần, sàng đều được dân làng chọn chúng tôi mà tạo nên. Đôi đũa ăn hàng ngày, lạt buộc bánh chưng khi về Tết lại có chúng tôi gắn bó. Dường như giữa họ nhà tre chúng tôi với con người có sợi dây liên hệ vô cùng mật thiết. Mỗi độ hè về, những ngày nóng nực oi ả, chúng tôi luôn toả bóng mát, ngân nga cùng làn gió nhẹ đem lại sự dễ chịu cho mọi người. Tôi vẫn còn nhớ như in mỗi trưa hè, được soi bóng mình dưới dòng sông, nghe mấy dì, mấy cậu kể thủ thỉ những câu chuyện thường ngày thật quá đỗi thân thương biết bao. Và nhớ lắm những lần cùng tiếng sáo tuổi thơ vi vu giữa những cánh đồng lúa vàng khi chiều về. Nhớ cả những sớm mai khi sương còn đẫm mình trên lá, ta cùng người tỉnh giấc sau đêm dài chìm trong giấc ngủ, tiếng chim ríu rít trên vòm cây chào ngày mới đầy hy vọng. Tre với người thật bình dị mà thân thương, trọn đời dành tình cảm thủy chung son sắt, chúng tôi luôn dành cho con người những sự trân trọng và mến phục nhất.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe những trang văn, những vần thơ viết về nòi giống mình. Đó là những vần thơ quá đỗi yêu thương mà nhà thơ Nguyễn Duy đã viết thật đẹp, thật quý:
" Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu..."
Đó còn là những dòng văn thật đáng quý, đáng yêu của nhà thơ Thép Mới "Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa thấp thoáng những ngôi chùa cổ. Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời, tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Họ nhà tre gồm: nứa, vầu, mai trúc, luồng, giang... đâu đâu cũng có luỹ tre xanh rì rào ẩn hiện. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đồng thời ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, che mưa che bão cho con người...."
Tre chúng tôi đã trở thành một nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Chúng tôi luôn hiểu được vị trí và vai trò của mình, hiểu rằng mình cần phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng vươn mình chạm tới những vùng đất mới của năm châu, làm đẹp cho đời, cho người.
https://thuthuat.taimienphi.vn/dong-vai-mot-cay-tre-tu-ke-chuyen-ve-minh-47827n.aspx