Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình, Ngữ văn 6, Chân trời sáng tạo, học kì II là một đề bài khá phổ biến trong chương trình. Hãy cùng luyện tập cách chèn các đơn vị kiến thức tiếng Việt vào đoạn văn qua các mẫu sau đây do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 150 - 200 chữ) kể lại một kỉ niệm của em với một người thân trong gia đình. Đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu có nhiều vị ngữ và một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa.
Kể về một kỉ niệm đáng nhớ với một người thân trong gia đình hay nhất
I. Dàn ý Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình :
1. Mở đoạn: Giới thiệu về kỉ niệm đáng nhớ với người thân trong gia đình.
2. Thân đoạn:
- Kể lại thời gian, bối cảnh, diễn biến của sự việc.
- Nêu cảm xúc của bản thân về sự việc đã diễn ra.
3. Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc của bản thân mỗi khi nhớ tới kỉ niệm đó.
* Yêu cầu: Đoạn văn sử dụng ít nhất một câu có nhiều vị ngữ và một câu có sử dụng biện pháp nhân hóa.
II. Viết đoạn văn kể về một kỉ niệm khó quên với người thân của em ngắn gọn tham khảo:
1. Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình - mẫu số 1:
Hôm đó là ngày chị em vào đại học. Mặt Trời vừa tỉnh giấc, chị đã sửa soạn đồ đạc sắp xong rồi. Thấy chị sắp không ở nhà cùng mình nữa, trong lòng em bỗng nhiên cảm thấy rất buồn. Em chạy ngay lại, ngồi ôm khư khư chân chị, nhõng nhẽo đòi chị ở lại. Bố mẹ trông cảnh này thì "dở khóc dở cười". Mẹ trêu em là "con bé mít ướt, ở nhà toàn trêu chị, giờ chị đi thì lại nhớ". Chị em lúc đó gõ đầu em, vừa cười vừa bảo: "Chị đi rồi thi thoảng lại về chứ có đi luôn đâu. Phải đi học cho giỏi còn kiếm tiền cho Tít đi chơi chứ". Nghe đến vậy, em mới buông tay để chị đi cho kịp giờ xe chạy. Đến tận bây giờ, thi thoảng chị vẫn còn nhắc lại lần ăn vạ đó, khiến cho em ngượng chín mặt.
-> Câu có nhiều vị ngữ: "Em chạy ngay lại, ngồi ôm khư khư chân chị, nhõng nhẽo đòi chị ở lại.".
-> Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Mặt Trời vừa tỉnh giấc, chị đã sửa soạn đồ đạc sắp xong rồi.".
2. Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình - mẫu số 2:
Cuối tuần trước, em được mẹ chở ra chợ hoa để sắm Tết. Ở đây, mẹ chỉ cho em vô số loài hoa mới lạ. Khóm cúc họa mi trong trắng, e ấp còn cẩm tú cầu lại vô cùng kiêu sa. Khung cảnh xung quanh em lúc đó ngập tràn màu sắc và mùi hương, khiến em cảm nhận rõ ràng không khí mùa xuân đang ùa về. Sau khi chọn lựa một hồi, mẹ đã chọn được một gốc đào rất đẹp cùng bó hoa li to. Em cũng được mẹ mua cho cành đào nhỏ hết sức đáng yêu. Em ôm nó trong lòng mà háo hức vô cùng, chỉ mong về nhà thật nhanh để trưng nó trên chiếc bàn học quen thuộc. Kết thúc buổi mua sắm, tâm trạng em rất vui vẻ. Cành đào bây giờ vẫn được để trong phòng ngủ, trở thành món đồ trang trí yêu thích của em.
-> Câu có nhiều vị ngữ: "Cành đào bây giờ vẫn được để trong phòng ngủ, trở thành món đồ trang trí yêu thích của em.".
-> Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Khóm cúc họa mi trong trắng, e ấp còn cẩm tú cầu lại vô cùng kiêu sa.".
Viết đoạn văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em với một người thân trong gia đình siêu hay
3. Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình - mẫu số 3:
Tết vừa rồi, em đã có dịp về quê chơi và được bà trực tiếp dạy gói bánh chưng. Công đoạn chuẩn bị cũng không quá phức tạp. Em cùng các anh chị đua nhau chạy đi bê đồ giúp bà. Nào là những tàu lá chuối to bản, xanh mướt, nào là rổ gạo trắng, đỗ xanh đẹp mắt,... Mỗi người một tay một chân, chẳng mấy chốc mà tất cả các nguyên liệu đã sẵn sàng. Bà tỉ mỉ dạy chúng em cách đặt lá, rải đỗ, xếp thịt sao cho đẹp mắt. Đến tối hôm đó, mọi người đều ngồi ở sân trông nồi bánh. Ngọn lửa nhảy nhót sáng rực và phát ra tiếng "tách tách" nghe rất vui tai.Anh trai em cầm sẵn một cái xô lớn, phụ trách việc châm nước. Cả nhà ngồi quây quần cùng nhau, cùng nướng ngô và chuyện trò rôm rả. Hôm đó ai cũng rất vui vẻ.
-> Câu có nhiều vị ngữ: "Anh trai em cầm sẵn một cái xô lớn, phụ trách việc châm nước.".
-> Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Ngọn lửa nhảy nhót sáng rực và phát ra tiếng "tách tách" nghe rất vui tai.".
4. Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình - mẫu số 4:
Bố em vốn là lính hải quân, thường phải đi làm nhiệm vụ xa nhà suốt nhiều tháng liền. Gần đến sinh nhật của mình, em chợt biết tin tuần này bố không thể về được. Tuy rất buồn nhưng em hiểu công việc của bố là phục vụ Tổ quốc. Nhờ bố cùng các chiến sĩ mà em mới có được một cuộc sống bình yên. Vậy nên em cố giấu đi sự tủi thân, nhõng nhẽo, bảo bố khi nào về thì nhớ mua quà bù cho mình. Đến ngày sinh nhật, em được mẹ tổ chức cho một bữa tiệc nhỏ tại nhà với sự tham gia của họ hàng và những người bạn thân thiết. Vô số món quà cùng lời chúc của mọi người tới tấp bay đến bên em. Đang đến lúc chuẩn bị thổi nến, đột nhiên một bóng dáng cao lớn xuất hiện ngoài cửa. Bố đã về, mang theo một chú gấu bông cùng bó hoa rất to. Khoảnh khắc đó, em vui mừng khôn xiết, chạy ào ra ôm lấy người mình hằng mong nhớ. Sinh nhật năm ấy quả thật là một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ đối với em. Chú gấu mà bố tặng vẫn luôn thay bố lắng nghe em trò chuyện mỗi ngày.
-> Câu có nhiều vị ngữ: "Bố đã về, mang theo một chú gấu bông cùng bó hoa rất to.".
-> Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Chú gấu mà bố tặng vẫn luôn thay bố lắng nghe em trò chuyện mỗi ngày.".
5. Đoạn văn kể lại kỉ niệm với một người thân trong gia đình - mẫu số 5:
Mùa hè năm ngoái, em đã có một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ với mẹ. Hôm đó, mẹ đưa em đi siêu thị để mua sắm, chuẩn bị cho chuyến du lịch sắp tới của cả nhà. Lúc ngang qua khu trò chơi, em đã bị thu hút bởi những chiếc máy bắn cá. Chúng mời gọi em với hình thù ngộ nghĩnh, sắc màu cùng bài nhạc vui tai. Thấy em hứng thú như vậy, mẹ bảo mua đồ xong rồi sẽ cho em quay lại thử các trò này. Với tính tò mò, em không đợi được mà nhân lúc mẹ không để ý tự mình trốn đi chơi trước. Do quá mải chơi, em đã quên mất cả thời gian. Đến lúc nghe thấy loa thông báo của siêu thị, em mới hoảng hốt chạy đi tìm mẹ. Em vừa đi vừa lo, chắc mẩm rằng mẹ sẽ mắng mình một trận. Nhưng khi ấy mẹ chỉ im lặng nhìn em, đôi mắt tràn đầy sự thất vọng. Suốt cả đoạn đường, mẹ không hề trách em lấy một câu, khiến em càng thêm hoang mang. Về đến nhà, em rón rén xin lỗi mẹ. Lúc này mẹ mới nhẹ nhàng nói: "Mẹ không trách con, nhưng con đã làm mẹ hết sức lo lắng đấy". Em hối hận vô cùng, tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ trái lời mẹ nữa. Đó là một bài học, một kỉ niệm vô cùng khó quên đối với em.
-> Câu có nhiều vị ngữ: "Em vừa đi vừa lo, chắc mẩm rằng mẹ sẽ mắng mình một trận.".
-> Câu có sử dụng biện pháp nhân hóa: "Chúng mời gọi em với hình thù ngộ nghĩnh, sắc màu cùng bài nhạc vui tai.".
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/doan-van-ke-lai-ki-niem-voi-mot-nguoi-than-trong-gia-dinh-74738n.aspx
Với đoạn văn cần thực hiện yêu cầu tiếng Việt, em hãy tìm hiểu kĩ cách sử dụng của các đơn vị kiến thức đó để sử dụng chúng thật chính xác, tự nhiên nhé. Đừng quên thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều văn mẫu lớp 6 chủ đề thú vị khác như:
- Kể lại một buổi biểu diễn nghệ thuật mà em tham dự
- Kể lại một chuyến đi đáng nhớ đến vùng đất mới