Mỗi tác phẩm văn học lại mang đến rất nhiều thông điệp ý nghĩa. Hãy cùng khám phá thêm về một truyện ngắn nhẹ nhàng của Thạch Lam qua bài Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, Ngữ văn 10, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đề bài: Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan
Dàn ý và bài văn mẫu đánh giá về giá trị nội dung, Nghệ thuật trong Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam
I. Dàn ý Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan:
1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan".
- Nêu đánh giá khái quát về giá trị của tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1 Sơ lược về phong cách viết truyện của Thạch Lam:
- Các tác phẩm của Thạch Lam viết về những điều hết sức bình dị, tinh tế nhưng vẫn bám sát hiện thực cuộc sống.
- Ông dùng các tác phẩm của mình để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn con người, thể hiện cái nhìn lạc quan, tích cực vào cuộc sống.
- Truyện của Thạch Lam nổi tiếng không có cốt truyện nhưng luôn chứa đựng không khí, tâm trạng rất thực, rất đời, mang đến nhiều thông điệp giá trị.
=> Thể hiện rõ qua truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan".
2.2. Phân tích, đánh giá nội dung truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan":
- Tình cảm gia đình:
+ Hình ảnh người bà hiền từ, âu yếm.
+ Sự chăm lo chu đáo từng chút một cho đứa cháu.
+ Sự biết ơn, xúc động, thương yêu của Thanh dành cho bà.
- Tình yêu đôi lứa:
+ Tình cảm trong sáng, chớm nở giữa Thanh và Nga.
+ Sự quan sát, chú ý, chủ động của Thanh.
+ Sự ngại ngùng, duyên dáng của Nga.
- Tình yêu, sự gắn bó với quê hương:
+ Sự nghẹn ngào, xúc động khôn nguôi của Thanh khi vừa trở về căn nhà cũ.
+ Sự quan sát chi tiết, tinh tế ngôi nhà, khu vườn, khoảng sân, cây hoàng lan.
+ Cảm giác yên bình, dịu mát khi được trở về.
+ Niềm hạnh phúc, hi vọng trước khi rời đi.
=> Những thứ tình cảm đời thường được tái hiện đơn giản, gần gũi, khơi gợi được lòng đồng cảm của người đọc.
2.3. Phân tích, đánh giá nghệ thuật truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan":
- Cốt truyện:
+ Truyện ngắn không có cốt truyện.
+ Các tình tiết diễn ra đều đều, nhẹ nhàng, không có biến cố hay cao trào.
+ Sự đan xen quá khứ và hiện tại.
-> Tạo cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư giãn khi đọc tác phẩm.
- Ngôi kể, điểm nhìn của người kể:
+ Ngôi kể thứ ba.
+ Đặt điểm nhìn vào nhân vật chính.
-> Mang đến cái nhìn rõ nét hơn về tâm trạng, cảm nhận của nhân vật.
- Ngôn ngữ, lời văn, giọng điệu:
+ Nhẹ nhàng, trong sáng, mềm mại.
+ Giọng điệu tâm tình, giàu cảm xúc.
+ Tận dụng phép so sánh để miêu tả, tái hiện không gian, con người.
=> Tạo nên một tác phẩm nhẹ nhàng mà ý nghĩa, giàu cảm xúc, mang đậm chất thơ, chất trữ tình.
2.4. Tổng kết:
- Tác phẩm thành công đem đến thông điệp về những thứ tình cảm của con người trong cuộc sống.
- Thể hiện tài năng, góc nhìn của tác giả.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
Top bài văn mẫu Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam hay nhất
II. Bài mẫu Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan ngắn gọn:
Thạch Lam là một nhân vật quan trọng, có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Trong các tác phẩm của ông, không thể không kể đến truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan". Với sự nhẹ nhàng trong từng lời văn, từng hình ảnh, truyện đã mang đến những thông điệp vô cùng ý nghĩa về tình yêu thương.
Ta được biết đến Thạch Lam như một cây bút trụ cột của Tự lực Văn đoàn. Tác phẩm của ông thường hướng đến những điều bình dị, thân thuộc của cuộc sống nơi phố huyện. Thạch Lam dùng văn học để khẳng định vẻ đẹp con người cũng như thể hiện niềm tin, sự lạc quan, tích cực. Với đặc trưng là sự tinh tế, nhẹ nhàng, truyện ngắn Thạch Lam vẫn mang cái chất rất thực, rất "đời". "Dưới bóng hoàng lan" chính là một tác phẩm như vậy.
Đến với tác phẩm, người đọc thấy được rất nhiều thông điệp ý nghĩa về những thứ tình cảm đời thường. Rõ ràng nhất có lẽ là tình cảm gia đình ấm áp, thân thương, thể hiện qua mối quan hệ gắn bó giữa Thanh và bà. Người bà tần tảo nuôi nấng đứa cháu nhỏ suốt những năm tháng tuổi thơ. Đến khi trưởng thành, đi làm ở tỉnh xa, đứa cháu ấy vẫn nhận được sự săn sóc, yêu thương từng chút mỗi khi trở về. Ở bên bà, Thanh cảm thấy mình như bé lại, thấy bình yên, an tâm dưới sự bao bọc của người bà đáng kính.
Tiếp theo, ta bắt gặp sự chớm nở của một mối tình trong sáng, dịu ngọt. Thanh gặp lại Nga - cô gái nhà bên, giờ đây đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đó là sự quan sát rất đỗi chăm chú cùng hành động tinh tế của Thanh dành cho Nga. Hai người khi trước là những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên, hay cùng nhau đi nhặt hoàng lan rơi. Nhưng giờ đây, tình cảm đơn thuần thuở ấu thơ đã phát triển, trở thành thứ tình yêu trong sáng. Trong lòng đã tỏ nhưng tiếng yêu chưa có dịp được cất lên. Họ cứ vậy trao nhau tình cảm thủy chung, tươi mát của tuổi trẻ.
Từ tình cảm gia đình đầm ấm cùng tình yêu đôi lứa dịu ngọt, Thạch Lam thể hiện được sự gắn bó sâu nặng của một người con với quê nhà. Ngay từ những phút đầu trở về chốn xưa, Thanh đã cảm nhận được sự dịu mát, bình yên quen thuộc. Nào là "con đường gạch Bát Tràng rêu phủ", "bức tường hoa thấp". Nào là khu vườn yên ả cùng "gian nhà cũ không có gì thay đổi". Tất cả đều khiến cho Thanh nghẹn ngào xúc động. Khoảng thời gian ở nhà tuy ngắn nhưng đã quá đủ để anh cảm nhận được tình yêu thương, sự yên bình hiếm thấy nơi thành thị. Trước khi rời đi, người con ấy vẫn mang trong mình niềm hạnh phúc, hi vọng về ngày trở về.
Không chỉ mang tới nhiều thông điệp giá trị, "Dưới bóng hoàng lan" còn vô cùng thành công ở mặt nghệ thuật. Nổi tiếng với "truyện không có cốt truyện", Thạch Lam đã tạo cho người đọc sự thoải mái, thư giãn khi đọc tác phẩm. Các sự việc diễn ra bình yên, nhẹ nhàng như một lời tâm tình. Diễn biến truyện không hề có cao trào hay biến cố nào nhưng vẫn tạo ra được sức hút riêng của mình. Việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn cũng góp công không nhỏ trong việc thể hiện nội dung chủ đề tác phẩm. Đặt điểm nhìn vào Thanh - nhân vật chính của truyện, nhà văn đã bộc lộ nỗi nhớ, tình yêu thương với quê hương, gia đình và người thiếu nữ trẻ. Từ ấy, giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được từng cung bậc cảm xúc của nhân vật một cách bao quát nhất. Ngôn ngữ trong truyện giản dị, mộc mạc; giọng văn nhẹ nhàng, tâm tình. Tất cả đã làm nên một tác phẩm vô cùng ý nghĩa, sâu sắc. Truyện không chỉ giàu cảm xúc mà còn giàu chất thơ, chất trữ tình - một trong những nét đặc trưng trong ngòi bút của Thạch Lam.
Nhìn chung, với những giá trị về cả nội dung và nghệ thuật, truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan" đã khẳng định vị trí của mình trong kho tàng văn học nước nhà. Tác phẩm không chỉ mang đến thông điệp ý nghĩa về nỗi nhớ, sự gắn bó quê hương xứ sở mà còn là tình cảm gia đình sâu nặng cùng tình yêu đôi lứa lãng mạn, trong sáng. Đó cũng là minh chứng cho tài năng cùng con mắt nghệ thuật độc đáo của nhà văn.
Các tác phẩm Thạch Lam mang đến đều rất nhẹ nhàng, tình cảm mà không kém phần ý nghĩa, sâu sắc. Dưới ngòi bút của ông, những hình ảnh quen thuộc trở nên lãng mạn, đẹp đẽ đến bất ngờ. Như vậy, "Dưới bóng hoàng lan" đã thể hiện được nỗi nhớ nhà của những người con xa quê, khơi gợi sự đồng cảm trong lòng độc giả bao thế hệ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/danh-gia-ve-gia-tri-noi-dung-va-nghe-thuat-cua-tac-pham-duoi-bong-hoang-lan-75319n.aspx
Dưới bóng hoàng lan là một truyện ngắn hay và đặc sắc. Em hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 10 liên quan như: Tóm tắt tác phẩm Dưới bóng hoàng lan; Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề tác phẩm Dưới bóng hoàng lan hay các em có thể tham khảo Phân tích, cảm nhận về hình tượng thiên nhiên được miêu tả trong Bạch Đằng hải khẩu... để trau dồi kỹ năng viết văn, học tốt môn Văn.