Viếng lăng Bác là bài thơ rất hay của nhà thơ Viễn Phương. Bài viết Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác hôm nay sẽ cho chúng ta thấy được tình cảm tha thiết chân thành mà nhà thơ muốn gửi gắm đến Người khi ông được hoà mình vào dòng người viếng Bác vào tháng 4 năm 1976.
Đề bài: Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác
Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác
I. Dàn ý Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Nhà thơ Viễn Phương ra thăm lăng Bác năm 1976.
- Sau chuyến đi này, ông đã viết lên tác phẩm "Viếng lăng Bác" với tình cảm chân thành tha thiết.
- Khổ thơ thứ 2 và thứ 3 của bài thơ đã cho chúng ta thấy được cảm xúc của nhà thơ khi hòa mình vào dòng người vào lăng viếng Bác.
2. Thân bài:
a. Khổ 2: Cảm xúc của tác giả khi hòa mình vào dòng người thăm viếng Bác:
* "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ":
- "Mặt trời" của tạo hoá hàng ngày đều đặn đi qua lăng Bác, sưởi ấm và mang lại sự sống cho vạn vật
- Hình ảnh ẩn dụ "mặt trời trong lăng":
+ Bác - mặt trời: Người đã dẫn đường chỉ lối cho dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ, mang lại cuộc sống tự do, độc lập cho dân tộc.
+ Thể hiện sự biết ơn trước công lao của Bác đối với dân tộc.
* "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân":
- "Ngày ngày" được đặt ở đầu câu để diễn tả sự lặp đi, lặp lại, cho thấy dân tộc Việt Nam không nguôi nhớ Người.
- Hình ảnh ẩn dụ dòng người "kết thành tràng hoa": thể hiện tình cảm yêu quý, kính trọng Bác.
- Hình ảnh hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân":
+ Chỉ số tuổi của Bác Hồ. Bác đã cống hiến trọn vẹn cả cuộc đời cho dân tộc.
+ Bộc lộ sự biết ơn, kính trọng đối với Bác.
b. Cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng:
* "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
- Biện pháp nói giảm, nói tránh "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên:
+ Nhà thơ tưởng như Người đang "trong giấc ngủ yên bình".
+ Những ngọn đèn quanh như ánh trăng dịu dàng bao bọc lấy Bác.
=> Giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát trước sự ra đi của Người.
* "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim".
- Hình ảnh ẩn dụ "trời xanh":
+ Khẳng định sự vĩ đại của Bác.
+ Khẳng định sự trường tồn, vĩnh cửu của Người.
=> Bộc lộ cảm xúc của tác giả: thành kính, yêu quý Bác.
- Cấu trúc "vẫn biết ... mà sao..."
+ Diễn tả nghịch lí, sự đối lập trong tâm trạng, suy nghĩ của tác giả.
+ Bộc lộ sự tiếc nuối, đau xót, xúc động.
- Cảm xúc của tác giả: "nhói ở trong tim"
+ Động từ "nhói": cảm xúc xót xa tột cùng trước sự ra đi của Bác.
+ Đó là cảm xúc chân thành, tha thiết của bất cứ ai đến thăm viếng lăng của Người.
3. Kết bài:
Hai khổ thơ đã bộc lộ được niềm xúc động cùng tấm lòng thành kính vô bờ của người con miền Nam ra thăm Bác.
II. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ 2 và 3 bài thơ Viếng lăng Bác (Chuẩn)
Mang trong lòng những cảm xúc thiêng liêng, thành kính, nhà thơ Viễn Phương ở miền Nam xa xôi ra thăm lăng Bác vào tháng 4 năm 1976. Sau chuyến đi đó, tác phẩm "Viếng lăng Bác" ra đời, thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động khôn nguôi của nhà thơ khi được thăm viếng Bác Hồ. Hai khổ thơ 2 và 3 của bài thơ đã diễn tả những cảm xúc chân thành của nhà thơ khi được hoà mình vào dòng người tiến vào lăng viếng Bác.
Nếu như khổ thơ đầu tiên là những cảm xúc khi Viễn Phương lần đầu được nhìn thấy lăng Bác, lần đầu được nhìn thấy những hàng tre thẳng hàng đứng cạnh lăng Người thì ở khổ thơ thứ hai, mạch cảm xúc của nhà thơ càng trào dâng mạnh mẽ khi ông được hoà mình vào dòng người đứng trước lăng chuẩn bị vào viếng Bác. Đó là cảm xúc của một sự tiếc thương, một nỗi xúc động vô bờ:
"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ."
Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho sự nghiệp cứu nước, là ngọn đèn soi sáng cho dân tộc Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà khi nghĩ về Bác, nhà thơ Viễn Phương đã ví Bác như một "mặt trời" thứ hai. Nếu như "mặt trời" của tạo hoá "ngày ngày" vận hành, luân chuyển theo quy luật của vũ trụ, tạo nên ngày và đêm thì "mặt trời" thứ hai trong lăng chính là Bác cũng rất "đỏ", rực rỡ, chiếu rọi khắp đất nước Việt Nam, là "mặt trời" mà dân tộc Việt Nam tôn kính. Có thể nói hình ảnh so sánh ẩn dụ của Viễn Phương hết sức đặc sắc và độc đáo. Không chỉ Viễn Phương ví Bác như mặt trời, Tố Hữu cũng đã từng viết trong bài thơ Sáng tháng năm:
"Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng".
Bác Hồ - Người chính là vầng "mặt trời" sáng chói đưa dân tộc ta thoát khỏi đêm trường nô lệ. Người đã đem đến ánh sáng, sự sống cho dân tộc Việt Nam.
Và giờ đây, khi nhớ Người, những người con từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng trở về đây thăm người cha đáng kính của mình. Dòng người ấy xếp thành hàng dài, lặng lẽ tiến bước vào trong lăng với một niềm tiếc thương vô bờ. Viễn Phương đã cố ý đặt ở đầu câu thơ hai chữ "ngày ngày" để diễn tả sự lặp đi, lặp lại như một quy luật của dòng người vào thăm viếng Bác. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ nguôi nhớ đến Người. Dòng người ấy ở ngoài lăng Bác giống như một "tràng hoa" lớn, kết lại và dâng lên người. Đây có thể nói là hình ảnh đẹp nhất bài thơ, là một ẩn dụ vô cùng sáng tạo của Viễn Phương:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."
Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam, có Người nên cuộc sống của nhân dân ta mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Và dòng người ngoài kia là những người con khắp mọi miền đất nước, là những tấm lòng thành kính, tin yêu, tụ hội lại trở thành "tràng hoa" để dâng lên Người. Hình ảnh hoán dụ "bảy mươi chín mùa xuân" là hình ảnh để chỉ số tuổi của Người. Cả cuộc đời Người cống hiện trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc tấm lòng biết ơn, trân trọng trước sự hi sinh của Người dành cho dân tộc.
Bác Hồ đã ra đi từ năm 1969 nhưng tới năm 1976, nhà thơ Viễn Phương mới có dịp tới thăm Người. Chính vì thế khi được vào thăm Người, được tận mắt thấy Người nằm yên trong giấc ngủ ngàn thu, Viễn Phương đã không khỏi xúc động:
"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền"
Bác đã đi xa nhưng với nhà thơ, Bác chỉ đang trong "giấc ngủ bình yên" sau những tháng năm dài vất vả lo lắng cho dân tộc Việt Nam. Không gian và thời gian đều như ngưng đọng lại vào giờ phút ấy. Những ngọn đèn tỏa chiếu ánh sáng ấm áp như ánh trăng "sáng dịu hiền" bao bọc chung quanh Người. Viễn Phương đã có sự liên tưởng thú vị như thế là bởi vì cả cuộc đời của Bác, vầng trăng luôn là tri kỉ của Người, từ lúc bị tù đày ở Trung Quốc, đến khi trở lại chiến khu Việt Bắc:
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"
(Vọng nguyệt)
Hay:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
(Cảnh khuya)
Lặng lẽ ngắm nhìn Bác trong giấc ngủ, trong lòng Viễn Phương chợt dâng lên một niềm xúc động mãnh liệt:
"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim"
Tác giả đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ "trời xanh" nhằm khẳng định sự vĩ đại và nhấn mạnh sự trường tồn, vĩnh cửu của Người. Song cấu trúc "Vẫn biết... mà sao..." đã thể hiện nghịch lí, sự đối lập trong tâm trạng của tác giả. Đó là sự xúc động nghẹn ngào, là niềm tiếc thương vô hạn của người con miền Nam đối với Bác. Nhà thơ biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật của tự nhiên và chẳng ai có thể thoát khỏi được quy luật ấy. Bác đã hóa thành "trời xanh" trên cao để sống mãi cùng dân tộc. Dẫu biết thế nhưng ông vẫn vô cùng đau xót trước sự ra đi của Người. Đó là sự mất mát to lớn đối với cả dân tộc Việt Nam ta.
Với những vần thơ hàm súc, trang nghiêm, tha thiết, giàu cảm xúc, hai khổ thơ thứ hai và thứ ba của bài thơ "Viếng lăng Bác", đã bộc lộ cảm xúc chân thành, sâu sắc của một người con phương Nam tới thăm lăng Bác Hồ. Đó cũng là tình cảm chân thành, tha thiết mà tất cả những người con Việt Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
-----------------HẾT----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-kho-2-va-3-bai-tho-vieng-lang-bac-69340n.aspx
Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương quả là một bài thơ hay với niềm cảm xúc chân thành, tấm lòng thành kính của nhà thơ dành cho Bác. Các bài viết: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác, Phân tích khổ cuối bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, Phân tích khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này!