Bài văn mẫu Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt, còn dối trá luôn luôn tạo nên những đổ vỡ sẽ cùng các bạn tìm hiểu và bàn luận về bản chất của sự thật và dối trá trong cuộc sống. Các bạn hãy cùng tham khảo để có thêm những kiến thức bổ ích đồng thời rèn luyện thêm kĩ năng viết bài của mình nhé.
Đề bài: Bình luận về câu nói: "Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt, còn dối trá luôn luôn tạo nên những đổ vỡ"
Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt...
I. Dàn ý Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát về vấn đề nghị luận
2. Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận
- Giải thích các khái niệm "sự thật", "dối trá".
- Giải thích nội dung ý nghĩa câu nói...(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt tại đây
II. Bài văn mẫu Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt (Chuẩn)
"Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Đó là câu tục ngữ quen thuộc đúc kết một bài học triết lí trong đời sống tinh thần và tâm thức văn hóa của người Việt Nam. Thông qua việc ví von so sánh hai hình ảnh "thuốc" và "sự thật", câu nói đã thể hiện một lô-gic tình cảm hoàn toàn phù hợp với thực tế tâm lí của con người. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng: "Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt, còn dối trá luôn luôn tạo nên những đổ vỡ". Câu nói đã thể hiện một quan điểm về tầm ảnh hưởng của "sự thật" và "dối trá" đối với cuộc sống của con người.
"Sự thật" và "dối trá" chính là hai phạm trù hoàn toàn đối lập nhưng đều có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến đời sống tâm lí và tình cảm của con người. Như chúng ta đã biết, "sự thật" là khái niệm dùng để chỉ những điều hiển nhiên tồn tại vĩnh hằng trong cuộc sống của con người mà bất kì ai trong chúng ta đều không thể chối cãi và phủ nhận; còn "rạn nứt" là tính từ dùng để chỉ trạng thái không còn vẹn nguyên khi đã trải qua những tổn thương. Đối lập với "sự thật", "dối trá" là phạm trù để chỉ những điều không tồn tại, không có thực nhưng được con người khoác lên chiếc áo của sự thật. Sự dối trá được tạo nên bởi những việc làm tiêu cực như nói dối hay thực hiện hành vi không trung thực, cố tình che đậy, giấu diếm, thậm chí là lừa lọc; còn "đổ vỡ" là trạng thái chỉ sự sụp đổ, tan vỡ hoàn toàn. Như vậy, câu nói trên đã thể hiện một quan niệm về tầm ảnh hưởng của sự thật và sự "dối trá" đối với cuộc sống của con người.
Như chúng ta đã biết, trong cuộc sống, sự thật được tạo nên từ đức tính trung thực và là yếu tố để tạo dựng niềm tin trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự thật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xa cách và rạn nứt trong mối quan hệ giữa người với người, giống như câu danh ngôn nổi tiếng của Albert Camus: "Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt". Thậm chí, đôi khi sự thật trở thành thứ vũ khí tàn nhẫn để con người công kích lẫn nhau, bởi con người thường không muốn chấp nhận thực tại trần trụi mà thay vào đó, họ luôn muốn nghe những lời dối trá "có cánh" được khoác lên đôi cánh của sự thật.
Nếu sự thật chỉ dẫn đến việc "rạn nứt" trong đời sống tình cảm của con người thì nói dối lại là nguyên nhân gây ra sự "đổ vỡ" trong mối quan hệ giữa người với người. Trước hết, khi sống trong sự lừa lọc, dối trá, con người sẽ không thể tạo dựng lòng tin mà luôn sống trong chiếc vỏ bọc của sự hoài nghi. Việc đánh lừa người khác một cách có ý thức nghĩa không chỉ làm đổ vỡ niềm tin mà họ đã dành cho chúng ta mà còn hạ thấp giá trị của chính bản thân mình. Câu chuyện ngụ ngôn "Cậu bé chăn cừu" nổi tiếng là một trong những minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ bài học về tác hại mà việc nói dối gây ra. Khi cậu bé nói dối quá nhiều lần và xem nó như một trò đùa thú vị với mục đích giảm bớt sự nhàm chán cũng chính là lúc cậu bé đánh mất niềm tin và lòng tốt, sự quan tâm của những người xung quanh. Cuối cùng, hậu quả mà cậu bé phải gánh chịu là đàn cừu đã bị bầy sói ăn thịt, bởi lúc này, không còn ai tin vào lời cầu cứu của cậu bé. Đây là hậu quả tất yếu cho hành vi nói dối mà cậu bé đã gây ra, bởi "Không ai tin kẻ dối trá, kể cả khi hắn nói sự thật" (Aesop). Như vậy, sự dối trá có thể dẫn đến việc đổ vỡ về lòng tin giữa người với người, đồng thời còn dẫn đến "đổ vỡ" trong giá trị nhân cách của con người.
"Sự thật" và "dối trá" là hai phạm trù đối lập nhau nhưng đều chứa đựng mặt tốt và mặt xấu và mang lại cho con người những điều tích cực lẫn tiêu cực. Không phải sự thật nào cũng gây "mất lòng" và dẫn đến "rạn nứt", bởi "sự thật" luôn là yếu tố cần thiết để tạo dựng lòng tin, hình thành sự tin tưởng trong mối quan hệ giữa người với người. Ngược lại, không phải bất kì lời nói dối nào cũng "tạo nên những đổ vỡ", bởi bên cạnh những lời dối trá gây ra ảnh hưởng tiêu cực thì trong cuộc sống vẫn chứa đựng những lời nói dối ngọt ngào tạo nên động lực và sức mạnh cho người khác vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh của cuộc đời. Đó là khi sự dối trá đi đôi với lòng tốt, và lời nói dối được sử dụng nhằm thực hiện mục đích tốt đẹp cùng mong muốn giúp đỡ cũng như tạo dựng niềm tin cho người khác, giống như câu danh ngôn nổi tiếng của Graham Greene: "Trong mối quan hệ giữa người với người, lòng tốt và lời nói dối đáng giá cả ngàn sự thật". Đó là khi người bác sĩ che giấu về căn bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải để giúp họ thoát khỏi sự tuyệt vọng, đồng thời tạo dựng cho họ niềm tin và ý chí quyết tâm chiến thắng bệnh tật. Thậm chí, có những lời nói dối giản đơn chỉ để giúp đỡ những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tránh được trạng thái bi quan và có được những ngày tháng thanh thản,vui vẻ cuối đời trước khi bước qua một thế giới khác. Và trong cuộc sống của con người, có biết bao sự ngọt ngào được tạo nên từ những lời nói dối, bởi: "Đôi khi lời nói dối của những người ta yêu thương làm giảm bớt cho ta phiền muộn hơn là những điều nói thật" (Lord Byron).
Như vậy, "sự thật" và "dối trá" đều chứa đựng những yếu tố tích cực và tiêu cực. Để hạn chế những tiêu cực, chúng ta cần học cách tôn trọng những điều hay lẽ phải để hạn chế những "rạn nứt", bởi "Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Chỉ khi biết chấp nhận sự thật, con người mới có động lực đối mặt và vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đời đầy rẫy những gian nan. Đồng thời, cần lên án, phê phán những hành vi lừa lọc, dối lừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người khác, bởi: "Một vài người nghĩ rằng có thể giấu đi sự thật với một chút bao che và tô điểm. Nhưng khi thời gian trôi đi, sự thật sẽ lộ ra, và điều giả dối sẽ phai mờ" (Ismail Haniyeh).
Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định câu nói "Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt, còn dối trá luôn luôn tạo nên những đổ vỡ" đã để lại một bài học nhận thức sâu sắc về sự ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của "sự thật" và "dối trá" đối với cuộc sống con người. Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần không ngừng học hỏi những điều hay lẽ phải, tôn trọng sự thật và tránh xa, lên án những hành vi nói dối gây ảnh hưởng xấu đến người khác.
----------------------HẾT-----------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/binh-luan-ve-cau-noi-su-that-doi-khi-gay-nen-nhung-ran-nut-48253n.aspx
Sự thật và dối trá là hai mặt đối lập của cuộc sống, để có cái nhìn toàn diện về hai đối cực này, bên cạnh bài Bình luận về câu nói: Sự thật đôi khi gây nên những rạn nứt, các em có thể tham khảo thêm: Nghị luận xã hội về hiện trạng quảng cáo sai sự thật,Trình bày suy nghĩ về tính trung thực của con người, Bình luận về sự nôn nóng, Chứng minh Nói dối có hại cho bản thân, Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về tính trung thực.