Thuyết minh về món bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là món bánh truyền thống của mảnh đất Bình Định. Bài Thuyết minh về một món ăn- món bánh ít lá gai sẽ cung cấp cho các em những thông tin về nguồn gốc, nguyên liệu và cách chế biến món bánh nổi tiếng này.

Đề bài: Thuyết minh về món bánh ít lá gai

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

thuyet minh ve mon banh it la gai

Thuyết minh về món bánh ít lá gai
 

I. Dàn ý Thuyết minh về món bánh ít lá gai


1. Mở bài

- Giới thiệu món bánh ít lá gai.


2. Thân bài

a. Đặc điểm, xuất xứ:
- Là đặc sản của tỉnh Bình Định.
- Bánh bên ngoài được bao bằng một lớp lá chuối xanh mượt mà, gói thành hình kim tự tháp.
- Thơm thoang thoảng hương đậu, hương dừa, và mùi nhẹ nhàng của bột nếp quyện lẫn với lá gai.
- Vỏ bánh màu đen mịn màng, bên trong ấy là lớp nhân đậu xanh nhuyễn mịn, được trộn với đường và nhân dừa tỏa hương thơm béo ngậy, kích thích.
- Ăn vào thấy sự dẻo mềm của vỏ bánh, vị ngọt ngào của đường, mùi thơm của bột nếp, cùng với sự béo ngậy của nhân đậu xanh mịn màng và thoang thoảng mùi dừa, mùi gừng cùng góp vui, không hề cảm thấy dính răng hay bẩn tay.

b. Cách làm:
- Không phải là một loại bánh dễ làm mà cũng khá kỳ công, đòi hỏi người làm bánh phải khéo tay, kiên nhẫn và có chút kinh nghiệm.
- Vỏ bánh:
+ Lá gai phải chọn lá bánh tẻ, có màu xanh thẫm, đem rửa sạch, loại bỏ gân lá, xé nhỏ rồi cho vào nồi nước sôi luộc thật nhừ. Sau đó vớt ra bóp sạch nước, rồi giã nhuyễn.
+ Bột nếp cũng cần lựa chọn kỹ, thông thường người ta sẽ chọn loại nếp mới, ngon rồi đem đi xay ướt thành thứ bột mịn, dẻo. Tuy nhiên người ta cũng có thể dùng bột khô, rồi dùng nước ấm nhào bột.
+ Sau khi đã có lá gai giã nhuyễn và bột nếp, người ta cho cả hai thứ vào cối, thêm đường vừa đủ ngọt, lại thêm một chút dầu cho khỏi dính. Xong xuôi người thợ làm bánh lại tiếp tục giã bằng tay cho đến khi nào thấy bột nếp và lá gai quyện hoàn toàn vào nhau trở thành một hỗn hợp dẻo có màu đen, mềm mịn, không dính tay là được.

- Nhân bánh:
+ Chọn loại đậu xanh đã tách vỏ, rồi đem đồ chín, rồi dùng chày cối giã nhuyễn.
+ Chọn thêm loại dừa già, cùi dày nạo thành sợi nhỏ, xắt thêm ít gừng trộn lẫn với đường đem nấu cho đến khi sợi dừa hơi khô là được.
+ Cuối cùng đem đậu giã nhuyễn trộn đều với dừa vừa chưng đường, rồi vo lại thành những viên nhân hình tròn thích hợp, để chuẩn bị cho việc gói bánh.
- Lá dùng để gói bánh cũng nên chọn những lá chuối bánh tẻ, đều màu, đem rửa sạch, phơi nắng cho lá mềm để dễ gói.
- Gói bánh: Chỉ việc lấy nhân đặt vào giữa lớp vỏ bánh đã trải đều, vo tròn lại cho kín, nhân không bị hở, rồi đem đặt vào giữa lớp lá chuối đã xếp hình chóp và gói kín lại là được.
- Sau đó đem hấp tầm 30 phút là bánh chín đều.
 

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Thuyết minh về món bánh ít lá gai
1. Thuyết minh về món bánh ít lá gai - mẫu số 1: 

Đất nước Việt Nam ta luôn nổi tiếng với vô số thức quà ngon trải dài từ Bắc xuống Nam. Nào là bánh đậu xanh Hải Dương, bánh đa cua Hải Phòng, nem chua Thanh Hóa, bún bò Huế, bánh xèo Quảng Bình,... Nhưng trong số đó, ta không thể không kể đến bánh ít lá gai - món đặc sản của vùng đất Bình Định. 

Bánh ít hay còn được gọi là bánh ích. Đây là loại bánh khá phổ biến ở Việt Nam, thường dùng trong những dịp cúng, giỗ hay ngày lễ, Tết. Bánh này có thể chọn nhân ngọt hoặc nhân mặn, được gói bằng lá chuối và tạo nhiều hình dáng khác nhau tùy thuộc vào cách gói của người làm bánh. 

Phổ biến như vậy nhưng ít người biết bánh ít lá gai lại là đặc sản của Bình Định, khác biệt so với món bánh gai thông thường ở các tỉnh thành như Hải Dương, Nam Định, Thái Bình,... Bánh có vỏ ngoài bao bởi một lớp lá chuối, gói theo hình chóp dài, hay còn gọi là hình kim tự tháp. Chỉ cần mở chiếc bánh ra, ta sẽ thấy ngay được hương thơm nhẹ nhàng của đậu xanh, dừa khô quyện với mùi lá gai. Bánh có màu đen tuyền, trông mịn màng mà nhìn thôi cũng cảm nhận được độ dẻo dính. Ẩn bên trong đó là lớp đậu xanh nhuyễn trộn với đường và dừa, vừa bùi bùi vừa béo ngậy. Cắn một miếng bánh, ta sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào bằng cả khứu giác và vị giác.

Để làm ra một chiếc bánh ít lá gai cũng cần trải qua rất nhiều công đoạn. Trước tiên là làm vỏ bánh. Thông thường, người ta sẽ chọn loại gạo nếp mới, ngon để đem đi xay. Họ sẽ dùng kĩ thuật xay ướt để tạo nên thứ bột mịn, dẻo rồi sau đó giã cùng với lá gai. Còn nhanh gọn hơn thì có thể chọn dùng bột gạo khô, cho nước ấm vào nhào để tiết kiệm thời gian. Khi giã cùng lá gai, người ta sẽ bỏ vào chút đường và dầu ăn để vừa bớt dính, vừa tạo hương vị cho bánh. Việc chọn lá gai cũng rất cầu kì. Đó phải là lá bánh tẻ, có màu xanh thẫm. Chọn xong thì phải rửa sạch, loại bỏ gân lá, xé nhỏ và luộc thật nhừ. Tiếp đó mới vớt ra bóp sạch nước rồi đưa vào giã nhuyễn cùng bột gạo. Sau khi hoàn thành, ta sẽ có được thứ hỗn hợp dẻo màu đen, mềm mịn và không dính tay. 

Công đoạn thứ hai là làm nhân bánh. Đậu xanh sẽ được xay và tách vỏ, đem hấp chín rồi giã nhuyễn. Dừa cũng chọn những quả già, cùi dày để nạo sợi nhỏ, đem xao với chút gừng cho thơm, đến khi sợi dừa hơi khô lại là được. Các nguyên liệu sau đó trộn đều lại với nhau, bắc lên bếp để xào nhân, bỏ thêm chút đường tạo vị. Phần nhân sau khi hoàn thiện sẽ để nguội và vo lại thành những viên nhỏ hình tròn. 

Cuối cùng là công đoạn gói bánh. Người ta sẽ dùng lá chuối làm khuôn, cho lần lượt phần vỏ bánh, nhân bánh vào rồi gói lại cho kín. Một chiếc bánh có thể được gói nhiều lớp lá chuối, cốt không để bánh bị hở là được. Sau đó, bánh sẽ được đem đi hấp trong vòng 30 phút để chín đều. Xong xuôi, mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức thứ quà quê dân dã mà ngon lành này. Bánh cũng có thể cất đi, dùng làm quà biếu, quà tặng mỗi khi đi xa. 

Có thể nói, chiếc bánh ít lá gai tuy giản dị nhưng lại mang theo bao công sức, sự kiên trì của người làm ra nó. Đây chính là một trong những món bánh truyền thống, làm đa dạng và phong phú hơn cho nền ẩm thực dân tộc. Đồng thời, cũng là nét đẹp cần được duy trì, phát huy.

 

2. Thuyết minh về món bánh ít lá gai - mẫu số 2: 

Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay

"Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi"

Nhắc tới Bình Định người ta vẫn thường tấm tắc khen cái vị cay nồng, đượm đà của rượu Bầu Đá, cái thơm giòn của món bánh tráng nướng, cái vị chua chua ngọt ngọt của món nem. Nhưng nhắc tới đặc sản ngọt có lẽ người ta không thể nào để thiếu được món bánh ít lá gai, một cái tên nghe rất lạ, và hương vị cũng lạ lẫm ngọt ngào như cái tên vậy.

Có lẽ rằng trên đất nước Việt Nam không phải chỉ Bình Định mới làm bánh từ lá gai. Ở Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa hay Quảng Nam người ta cũng nổi tiếng với món bánh gai dẻo thơm. Nhưng chắc chỉ có Bình Định làm bánh gai như kiểu bánh ít, nhìn vừa xinh xẻo, hấp dẫn lại cũng có những hương vị rất riêng biệt.

Bánh bên ngoài được bao bằng một lớp lá chuối xanh mượt mà, gói thành hình kim tự tháp. Mỗi cái bánh là một kim tự tháp màu xanh, nhìn vô cùng vui mắt. Khi bóc bánh ra người ta đã nghe thấy thoang thoảng hương đậu, hương dừa, và mùi nhẹ nhàng của bột nếp quyện lẫn với lá gai. Có lẽ nếu nhìn miếng bánh bọc trong lớp lá xanh là một màu đen đen, bên trên có rắc mấy hạt vừng con con, người ta thường ngần ngại ăn vào sẽ đen răng, hoặc nhìn màu sắc có vẻ hơi kém thẩm mỹ. Thế nhưng chớ vì những lẽ đó mà bỏ qua một thức quà ngon. Bởi đã có biết bao người con tứ xứ đã đắm say với hương vị tuyệt vời của bánh, mà không tiếc mua cơ man nào là bánh để đem về chia sẻ cho những người thân yêu nhất. Vượt qua lớp vỏ bánh màu đen mịn màng, bên trong ấy là lớp nhân đậu xanh nhuyễn mịn, được trộn với đường và nhân dừa tỏa hương thơm béo ngậy, kích thích. Lúc này đây người ta lại chợt thấy cái màu đen của vỏ bánh, phối hợp với cái màu vàng của nhân đậu lại đêm ra có một phong vị rất hài hòa, hợp lý. Người ta cảm giác rằng liệu phải chăng là vỏ bánh đã cố tình xấu xí, để bao bọc lấy cái lớp nhân rực rỡ tốt đẹp khiến người ta không khỏi bất ngờ. Nhưng dù thế nào thì ý nghĩa của một món bánh vẫn là dâng cho người đời thưởng thức, hơn là nhìn ngắm. Bởi nhìn nữa cũng chỉ đến thế, chỉ có ăn mới biết cái nào hay cái nào dở. Nhẹ nhàng tách dần từng lớp lá chuối bảo bọc chiếc bánh nhỏ xinh, ta cắn lấy một miếng, lập tức cảm thấy trong khoang miệng là cái sự dẻo mềm của vỏ bánh, vị ngọt ngào của đường, mùi thơm của bột nếp, cùng với sự béo ngậy của nhân đậu xanh mịn màng và thoang thoảng mùi dừa, mùi gừng cùng góp vui. Một thứ bánh làm từ bột nếp, thứ bột nổi danh dính dáp trên đời ấy thế mà người ăn lại chẳng hề cảm thấy dính răng hay bẩn tay. Ấy là cái sự tài tình của nghệ nhân làm bánh.

Về cách làm bánh ít lá gai, dựa trên những thành phần chính thì đây rõ ràng không phải là một loại bánh dễ làm mà cũng khá kỳ công, đòi hỏi người làm bánh phải khéo tay, kiên nhẫn và có chút kinh nghiệm mới được. Bởi phàm là thứ bánh, thứ ẩm thực ngon ngọt nào thì cũng khó mà có một công thức đơn giản được, kể từ việc cái bánh trôi nước cũng cần người thợ khéo tay nhào bột, chứ đừng nói là một thứ bánh nhiều nguyên phụ liệu như bánh ít lá gai. Với vỏ bánh, để có được vỏ bánh vừa dẻo vừa mềm, thì cũng cần một sự tỉ mỉ nhất định. Lá gai phải chọn lá bánh tẻ, có màu xanh thẫm, đem rửa sạch, loại bỏ gân lá, xé nhỏ rồi cho vào nồi nước sôi luộc thật nhừ. Sau đó vớt ra bóp sạch nước, rồi giã nhuyễn. Dù rằng giã lá gai bằng tay sẽ rất vất vả, thế nhưng công đoạn giã lại đem đến cho vỏ bánh sự mịn màng, mềm dẻo và những loại cối xay, cắt khác không làm được. Bên cạnh lá gai thì bột nếp cũng cần lựa chọn kỹ, thông thường người ta sẽ chọn loại nếp mới, ngon rồi đem đi xay ướt thành thứ bột mịn, dẻo. Tuy nhiên người ta cũng có thể dùng bột khô, rồi dùng nước ấm nhào bột. Sau khi đã có lá gai giã nhuyễn và bột nếp, người ta cho cả hai thứ vào cối, thêm đường vừa đủ ngọt, lại thêm một chút dầu cho khỏi dính. Xong xuôi người thợ làm bánh lại tiếp tục giã bằng tay cho đến khi nào thấy bột nếp và lá gai quyện hoàn toàn vào nhau trở thành một hỗn hợp dẻo có màu đen, mềm mịn, không dính tay là được. Về phần nhân, việc làm có phần dễ dàng và đơn giản hơn vỏ bánh. Chọn loại đậu xanh đã tách vỏ, đem đồ chín, dùng chày cối giã nhuyễn. Lại chọn thêm loại dừa già, cùi dày nạo thành sợi nhỏ, cắt thêm ít gừng trộn lẫn với đường đem nấu cho đến khi sợi dừa hơi khô là được. Cuối cùng đem đậu giã nhuyễn trộn đều với dừa vừa chưng đường, rồi vo lại thành những viên nhân hình tròn thích hợp, để chuẩn bị cho việc gói bánh. Lá dùng để gói bánh cũng nên chọn những lá chuối bánh tẻ, đều màu, đem rửa sạch, phơi nắng cho lá mềm để dễ gói. Việc gói bánh cũng khá đơn giản, chỉ việc lấy nhân đặt vào giữa lớp vỏ bánh đã trải đều, vo tròn lại cho kín, nhân không bị hở, rồi đem đặt vào giữa lớp lá chuối đã xếp hình chóp và gói kín lại là được. Sau khi hoàn thành công việc gói, người ta chuẩn bị một nồi hấp lớn, xếp bánh lên sàng hấp, rồi nổi lửa. Hấp tầm 30 phút là bánh chín đều.

Bánh ít lá gai là một món bánh nhìn có vẻ đơn giản, thế nhưng công đoạn ra lại khá phức tạp và tốn nhiều công sức. Có lẽ chính vì cái sự lắt léo và ẩn chứa nhiều tâm huyết, sức lao động của người làm bánh mà bánh ít lá gai đã có được một hương vị thật tuyệt vời từ chính những nguyên liệu thân thuộc như bột nếp, đậu xanh, đường, gừng, lá gai. Khiến cho người ta ăn một lần mà nhớ mãi hương vị ngọt ngào, thơm thơm, béo béo của món đặc sản miền trung nhiều nắng và gió.

-Hết-

https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-mon-banh-it-la-gai-56736n.aspx
Bánh ít gai là đặc sản của vùng đất  Bình Định, củng cố kĩ năng viết văn thuyết minh lớp 9 và tìm hiểu thêm về những món ăn đặc sản của các vùng miền, các em hãy cùng tham khảo: Thuyết minh món bánh pía Sóc Trăng, Thuyết minh về món bánh tráng trộn, Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa, Thuyết minh về món Mỳ Quảng.

Tác giả: Trấn thành     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý Thuyết minh về một món ăn
Dàn ý thuyết minh về bánh chưng
Lá dứa, lá dừa, lá dong lá nào dùng để gói bánh chưng?
Thuyết minh về món nem rán
Thuyết minh về chiếc bánh Tét ngày Tết
Từ khoá liên quan:

Thuyet minh ve mon banh it la gai

, thuyet minh ve banh it la gai binh dinh, thuyet minh ve mot mon an,

SOFT LIÊN QUAN
  • Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết

    Miêu tả chiếc bánh trưng

    Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết là một trong số những đề bài làm văn lớp 8. Các bạn hãy cùng tham khảo những bài văn thuyết minh được chúng tôi giới thiệu chi tiết dưới đây nhé. Những bài Thuyết minh về bánh chưng ngày Tết chắc chắn sẽ giúp các bạn có thêm những tài liệu tham khảo và ứng dụng cho quá trình làm văn dễ dàng và hiệu quả nhất.

Tin Mới