Để có định hướng về phương pháp và nội dung bài Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ, các em có thể tham khảo bài văn mẫu mà chúng tôi đăng tải. Qua bài thuyết minh các em không chỉ được củng cố kĩ năng viết văn thuyết minh về một tác phẩm văn học mà còn có thêm cơ sở kiến thức cho bài phân tích Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ của mình.
Đề bài: Anh/chị hãy viết bài Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ
Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ
I. Dàn ý Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.
2. Thân bài
a. Tác giả, dịch giả:
- Đặng Trần Côn sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, quê ở làng Nhân Mục, Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội), là người thông minh hiếu học, ngoài Chinh phụ ngâm ông còn có một số tác phẩm chữ Hán như Tiêu Tương bát cảnh, Tùng bách thuyết thoại, Bích câu kỳ ngộ,...
- Dịch giả Đoàn Thị Điểm, là tác giả nữ được đánh giá cao nhất cả về tài năng lẫn nhan sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam.
b. Tác phẩm:
- Chinh phụ ngâm, bản gốc viết theo thể trường đoản cú, gồm tổng cộng 476 câu thơ. Ra đời dưới thời vua Lê Hiển Tông, trong hoàn cảnh đất nước liên tục xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân quanh kinh thành Thăng Long, nhiều thanh niên trai tráng được triều đình chiêu mộ đi đánh dẹp, để lại vợ con ở nhà trong nỗi chờ mong khắc khoải.
- Bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm được dịch theo thể ngâm khúc kết hợp với thể song thất lục bát của dân tộc.
- Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trích từ câu 193 đến 216 của bản diễn Nôm tập trung khắc họa hình ảnh người chinh phụ trong nỗi cô đơn, trống vắng, cùng nỗi nhớ chồng tha thiết.
c. Hình ảnh người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ:
- 8 câu thơ đầu: Nỗi trống vắng cô đơn của người chinh phụ trong trong sự tương quan giữa con người và cảnh vật, trong các hành động vô thức lặp đi lặp lại, trong sự tương quan giữa không gian và thời gian:
- 4 câu thơ tiếp: "Gà eo óc...biển xa": Hình ảnh người chinh phụ được gợi ra trong cảnh cô đơn của con người khi đứng trước sự lặng lẽ, chán chường của thiên nhiên cùng sự chảy trôi chậm rãi của thời gian.
- 4 câu tiếp: "Hương gượng...ngại chùng": Người chinh phụ đã cố tìm những giải pháp, những hành động để giải khuây nhằm xóa đi sự cô đơn trống vắng trong lòng.
- Đoạn thơ cuối cùng: "Lòng này...mưa phun": là hình ảnh người chinh phụ với nỗi nhớ gửi gắm vào thiên nhiên, với mong ước nó có thể đến được với người chồng đang ngoài biên cương diệt giặc.
d. Giá trị nhân văn của hình tượng người chinh phụ trong đoạn trích:
- Giá trị hiện thực: Gián tiếp tố cáo sự bất lực, suy yếu của triều đình trong việc cai trị đất nước cùng với tội ác mà các cuộc chiến tranh phi nghĩa do những kẻ tham lam, tư lợi gây ra.
- Giá trị nhân đạo:
+ Phản ánh những khát khao, hy vọng của người phụ nữ xưa về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, được vui lối sống điền viên, mong ước về một đất nước yên bình, tươi đẹp.
+ Ca ngợi vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người phụ nữ Việt Nam xưa.
e. Nghệ thuật:
- Thành công trong việc khắc họa bức tranh tâm lý nhân vật thông qua các cử chỉ, hành động, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế.
- Bản diễn Nôm sử dụng thể thơ song thất lục bát mang đậm màu sắc truyền thống của dân tộc, giàu tính nhạc điệu, bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ
Trong nền văn học trung đại Việt Nam không biết từ lúc nào mà hình ảnh người phụ nữ đã trở thành đề tài quen thuộc và yêu thích của một số các tác giả nổi tiếng, đặc biệt là vào nửa sau của giai đoạn trung đại. Sự xuất hiện của những cái tên nổi tiếng như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Dữ, Nguyễn Gia Thiều,...
Nội dung mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc khi tập trung nói về thân phận bất hạnh của những con người thấp cổ bé bỏng, tiêu biểu là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc. Trong số đó không thể không nhắc đến tác giả Đặng Trần Côn với tác phẩm Chinh phụ ngâm nổi tiếng, diễn tả những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ ở cuộc sống đời thường, đó nỗi nhớ chồng tha thiết, lòng khát khao hạnh phúc, được hưởng niềm vui điền viên, mong ước được đoàn tụ bên chồng con sau những tháng ngày cách biệt. Đặc biệt ở đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trong bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm ta lại càng thấy rõ được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ với những nỗi phiền muộn, nhớ nhung khi đất nước loạn lạc, người chồng phải chinh chiến tận biên cương, còn bản thân người chinh phụ đợi chờ trong héo mòn, sầu não.
Tác giả Đặng Trần Côn sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, quê ở làng Nhân Mục, Thanh Trì (nay thuộc Hà Nội), là người thông minh hiếu học, ngoài Chinh phụ ngâm ông còn có một số tác phẩm chữ Hán như Tiêu Tương bát cảnh, Tùng bách thuyết thoại, Bích câu kỳ ngộ,... Về dịch giả, thì có nhiều tranh xong phần nhiều ý kiến cho rằng bản diễn Nôm được khắc in phổ biến nhất hiện nay là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, là tác giả nữ được đánh giá cao nhất cả về tài năng lẫn nhan sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam.
Về tác phẩm Chinh phụ ngâm, bản gốc tác phẩm được Đặng Trần Côn viết theo thể trường đoản cú, gồm tổng cộng 476 câu thơ. Ra đời dưới thời vua Lê Hiển Tông, trong hoàn cảnh đất nước liên tục xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân quanh kinh thành Thăng Long, nhiều thanh niên trai tráng được triều đình chiêu mộ đi đánh dẹp, để lại vợ con ở nhà trong nỗi chờ mong khắc khoải. Bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm được dịch theo thể ngâm khúc kết hợp với thể song thất lục bát của dân tộc, làm cho bản dịch trở nên uyển chuyển, gần gũi và dễ dàng diễn tả được đầy đủ các cung bậc cảm xúc buồn tủi, ai oán của người chinh phụ. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trích từ câu 193 đến 216 của bản diễn Nôm tập trung khắc họa hình ảnh người chinh phụ trong nỗi cô đơn, trống vắng, cùng nỗi nhớ chồng tha thiết.
Có thể thấy rằng toàn bộ trích đoạn 36 câu không tập trung khắc họa hình ảnh người chinh phụ thông qua các đặc điểm ngoại hình, mà chỉ yếu tập trung khắc họa tâm trạng của nhân vật thông qua các cử chỉ hành động. Mà ở trong 8 câu thơ đầu đó là nỗi trống vắng cô đơn của người chinh phụ trong trong sự tương quan giữa con người và cảnh vật, trong các hành động vô thức lặp đi lặp lại, trong sự tương quan giữa không gian và thời gian.
"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu chẳng nói nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương"
Từ những câu thơ người ta có thể dễ dàng mường tượng ra một người thiếu phụ, hao gầy buồn bã, ban ngày thì dạo bước một mình bên hiên vắng cốt để cho thong thả, nhưng lại càng thấy mình cô đơn, đếm bao nhiêu bước thì nỗi nhớ chồng cũng đủ bấy nhiêu. Chán nản, người thiếu phụ lại vào phòng hết buông rèm xuống ngồi ngẩn ngơ, rồi lại chốc chốc vén rèm lên, mắt nhìn xa xăm trông ngóng, coi chim thước liệu có có đà báo tin chồng trở về, nhưng cũng lại chỉ thêm thất vọng, sầu não. Không gian "trong rèm" trở thành một không gian ngột ngạt, chán nản, giam cầm tuổi thanh xuân của người chinh phụ trong nỗi nhớ, nỗi chờ đợi mỏi mòn. "Trong rèm dường đã có đèn biết chăng", là một câu thơ mang hình ảnh đặc biệt, không gian từ ban ngày đã chuyển sang cảnh đêm tối, khi ngoài trời đã còn chẳng trông rõ trời đất, thì người thiếu phụ lại quay về về với chốn khuê phòng cũ, đối diện cùng ngọn đèn lay lắt. Đèn soi bóng người trên vách, khiến ta dễ phần nào liên tưởng đến hình ảnh nàng Tô Thị chờ chồng, nói với con cái bóng của mình là cha nó. Thì trong hoàn cảnh này hình tượng ngọn đèn, và người thiếu phụ vò vò một mình một bóng đơn chiếc, cô độc trong cái không gian vắng lặng, quạnh quẽ thật tội nghiệp, đáng thương. Nàng coi ngọn đèn mờ là người bạn chốn khuê phòng duy nhất, chỉ tiếc rằng đèn biết mà cũng không biết bởi nó vốn vô tri vô giác nào hiểu được nếu sầu khổ của người chinh phụ lẻ loi nên cuối cùng cũng lại là "lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi". Ngắm bấc đèn cháy đỏ rồi lụi tàn, người thiếu phụ lại càng ý thức được thân phận, tuổi xuân của bản thân cũng như bấc đèn đang dần tàn lụi từng chút một trong hiu vắng, cô đơn.
Trong 4 câu thơ tiếp theo hình ảnh người chinh phụ được gợi ra trong cảnh cô đơn của con người khi đứng trước sự lặng lẽ, chán chường của thiên nhiên cùng sự chảy trôi chậm rãi của thời gian.
"Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên
Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa"
Tiếng gà "eo óc" là một từ láy tượng thanh gợi tả cảm giác sầu não, thêm cảnh hòe yếu đuối phủ rợp bốn bên làm cho không gian càng thêm mệt mỏi, vắng lặng, vô cảm. Còn con người trong hoàn cảnh ấy cũng không còn cảm nhận được gì khác ngoài sự chậm rãi khôn cùng của thời gian và nỗi cô đơn, trống trải cứ kéo dài dằng dặc cùng với thời gian trong lòng mình. Cả không gian rộng lớn bỗng thu lại chỉ bằng hình ảnh người chinh phụ ôm nỗi sầu cô đơn, vắng vẻ trong tiếng thở dài.
Dường như không chấp nhận sự chán nản buồn tẻ luôn đeo bám mình, thế nên bản thân người chinh phụ đã cố tìm những giải pháp, những hành động để giải khuây nhằm xóa đi sự cô đơn trống vắng trong lòng.
"Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng"
Nhưng rất tiếc, hình ảnh người chinh phụ lại trở nên đáng thương và tội nghiệp hơn cả khi tất cả những hoạt động đều kèm theo một chữ "gượng", tức là ban đầu khổ chủ đã không có ý muốn thực hiện. Thế nên gượng đốt hương cho thư thái tâm hồn thì lại càng "mê mải" trong nỗi sầu, nỗi cô đơn. Cầm gương soi, ngắm nhìn dung nhan lại càng xót xa, tủi hơn, dẫu có xinh đẹp mà trượng phu không có ở đây cũng chẳng có ý nghĩa gì, hơn thế nữa qua gương người chinh phụ lại càng ý thức được sự phai tàn dần của dung nhan đang tiều tụy vì nhớ thương, khiến người không khỏi xót xa. Hoặc khi muốn đàn một bản nhạc cho thư thái tâm hồn thì lòng người chinh phụ lại sợ lỡ đâu dây đứt, phím chùng, vốn là những điều không may mắn, sợ rằng phải nhận được tin người chinh phu có bất trắc trên sa trường.
Đoạn thơ cuối cùng là hình ảnh người chinh phụ với nỗi nhớ gửi gắm vào thiên nhiên, với mong ước nó có thể đến được với người chồng đang ngoài biên cương diệt giặc.
"Lòng này gửi gió đông có tiện
...
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun"
Người chinh phụ ý thức được khoảng cách xa xăm, mịt mù khó có thể vượt qua của mình với chồng thông qua các từ "non Yên", "đường lên bằng trời", "xa vời khôn thấu". Tuy nhiên với nỗi nhớ sâu sắc được diễn tả bằng các từ "thăm thẳm", "đau đáu", "thiết tha", người chinh phụ dẫu có yếu đuối và bất lực nhưng vẫn có mong ước gửi được nỗi nhớ "ngàn vàng" đến người chồng đang chinh chiến ở miền xa với lời ngỏ "gửi gió Đông có tiện", coi như vơi bớt một phần nhớ thương, khắc khoải. Thế nhưng sau những mong ước đẹp đẽ bay bổng thì người chinh phụ lại phải quay về đối mặt với nỗi cô đơn, trống vắng của mình trong sương giá lạnh lẽo, tiếng côn trùng sầu thảm cùng cơn mưa phùn không ngớt, khiến lòng người thêm ủ dột.
Như vậy hình tượng người chinh phụ trong đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ mang đến cho người đọc những nội dung sâu sắc. Về giá trị hiện thực, nỗi cô đơn, sầu khổ, trống vắng của người chinh phụ đã gián tiếp tố cáo sự bất lực, suy yếu của triều đình trong việc cai trị đất nước cùng với tội ác mà các cuộc chiến tranh phi nghĩa do những kẻ tham lam, tư lợi gây ra, khiến cho nhiều gia đình phải chịu cảnh chia ly, nhiều người phụ nữ phải gánh nỗi đau thầm lặng trong nhiều năm trời. Bên cạnh đó thông qua hình tượng người chinh phụ chờ chồng, tác giả Đặng Trần Côn còn muốn phản ánh những khát khao, hy vọng của người phụ nữ xưa về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, được vui lối sống điền viên, phu xướng phụ tùy, thoát khỏi cảnh đợi chờ, mòn mỏi trong sự héo tàn của nhan sắc, cũng là niềm mong ước về một đất nước yên bình, tươi đẹp. Bên cạnh đó tác giả cung muốn ca ngợi vẻ đẹp thủy chung, son sắt của người phụ nữ Việt Nam xưa khi dù sống trong cảnh chán chường, cô đơn đến tột cùng, nhưng vẫn luôn một lòng hướng về chồng, dành cho chồng nỗi nhớ tha thiết.
Về nghệ thuật, là sự thành công của tác giả trong việc khắc họa bức tranh tâm lý nhân vật thông qua các cử chỉ, hành động, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế. Bên cạnh đó là bản diễn Nôm có sử dụng thể thơ song thất lục bát mang đậm màu sắc truyền thống của dân tộc, giàu tính nhạc điệu, bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật trữ tình.
Có thể nói rằng Chinh phụ ngâm cũng như đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ là một tác phẩm hay và xuất sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam khi nói về đề tài người phụ nữ. Nó chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân đạo cao cả, tập trung làm rõ những khía cạnh tình cảm của con người, cũng như những mong ước khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội còn nhiều bất công. Đặc biệt thông qua đó nó còn gián tiếp tố cáo chế độ phong kiến đang trên đà suy thoái cùng với sự tàn ác của các cuộc chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi quyền được hạnh phúc của con người.
--------------HẾT---------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/thuyet-minh-ve-hinh-anh-nguoi-phu-nu-viet-nam-trong-van-ban-tinh-canh-le-loi-cua-nguoi-chinh-phu-55432n.aspx
Trên đây là nội dung bài Thuyết minh về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn bản Tình Cảnh Lẻ Loi Của Người Chinh Phụ, để có những cảm nhận rõ nét về thân phận, hoàn cảnh éo le của người chinh phụ, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Thuyết minh về Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Cảm nhận đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Nghị luận về tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.