Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay

Trong xã hội “trọng nam, khinh nữ”, người phụ nữ thấp cổ bé họng thường không thể tự làm chủ cuộc đời mình. Qua bài mẫu Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, em sẽ biết thêm về những điều mà người phụ nữ phong kiến phải chịu đựng.

Đề bài: Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
    1. Bài mẫu số 1.
    2. Bài mẫu số 2.

suy nghi ve than phan nguoi phu nu trong xa hoi cu qua nhan vat vu nuong trong chuyen nguoi con gai nam xuong

Đoạn văn ngắn cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ hay nhất

 

I. Dàn ý Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương (Chuẩn)


1. Mở bài

Giới thiệu về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và nhân vật Vũ Nương.


2. Thân bài

- Vũ Nương là một người con gái xinh đẹp, tuy gia cảnh nghèo khó nhưng có phẩm hạnh và tư dung tốt đẹp.
- Được Trương Sinh- con một nhà giàu có, quyền quý trọng hỏi cưới, hắn vì mến mộ nàng mà lấy nàng làm vợ.
- Vũ Nương luôn giữ mình mực thước, chưa bao giờ khiến Trương Sinh phải phiền lòng, đau khổ.
- Khi Trương Sinh đi lính, Vũ Nương một mình chăm sóc con nhỏ, nuôi mẹ già chu đáo, khi mẹ mất, lo lắng ma chay chu tất.
=> Vũ Nương xứng đáng là một người mẹ hiền, một người con hiếu thảo, một người vợ thủy chung .
- Khi Trương Sinh trở về, nghe lời con nhỏ mà ghen tuông, đánh đập vợ, Vũ Nương phải lựa chọn cái chết để minh oan → Số phận nghiệt ngã.
- Vũ Nương có số phận trái ngang như biết bao người phụ nữ xưa:
+ Lo lắng vun vén gia đình, giữ vẹn đạo làm vợ, làm con,...vậy mà cuối cùng hạnh phúc lại không thề gìn giữ.
+ Chấp nhận xa đứa con thơ mang nặng đẻ đau, xa những người thân ruột thịt, chọn cái chết để chứng minh cho tấm lòng mình, giữ lấy danh dự cho gia đình.
→ Bao kiếp người phụ nữ xưa cũng bị đọa đày, bị vùi dập
→ Họ phải sống và chịu bao khổ đau, bao bi kịch xảy ra và cái chết là một bi kịch đầy đớn đau mà họ phải lựa chọn
→ Người phụ nữ xưa họ có nhan sắc, có tài năng, có cốt cách và một tấm lòng yêu thương, nhưng xã hội dối trá, bất công đã khiến cuộc đời họ nghiệt ngã đến vô cùng


3. Kết bài

Dù cho thời gian có trôi đi qua bao nhiêu năm nữa thì áng văn của Nguyễn Dữ vẫn mãi khiến ta khắc khoải buồn thương về một bài ca xót xa cho những kiếp "hồng nhan bạc mệnh" trong xã hội đương thời.


II. Đoạn văn Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ngắn nhất:

"Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ là một tác phẩm cho ta thấy rõ số phận nghiệt ngã, đầy bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ. Điều này được thể hiện qua Vũ Nương - nhân vật chính của câu chuyện. Nàng được giới thiệu là người "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Khi được gả cho Trương Sinh, nàng nhất mực tuân theo khuôn phép, "không lúc nào để vợ chồng xảy ra bất hòa". Trong ba năm Trương Sinh đi lính, nàng luôn chung thủy chờ chồng trở về. Đồng thời, chăm sóc, hiếu thuận với mẹ chồng và dạy dỗ con trai một cách chu toàn. Từ đó, ta thấy được Vũ Nương là người phụ nữ có cả dung mạo và phẩm hạnh tốt đẹp. Tưởng rằng sau những ngày tháng thủy chung chờ chồng, nàng sẽ được hưởng hạnh phúc của sự đoàn viên. Vậy nhưng điều chờ đợi nàng lại là sự nghi ngờ, ghen tuông của chồng. Nàng vướng phải nỗi oan thất tiết, bị chồng mắng nhiếc, đuổi đánh ra khỏi nhà. Tuy Vũ Nương đã hết lời thanh minh nhưng Trương Sinh không hề nghe. Hắn ta vẫn một mực cho rằng nàng không còn trong sạch. Quá oan ức, nàng đành tự vẫn để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình. Số phận bi kịch của Vũ Nương cũng chính là hoàn cảnh chung của rất nhiều người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi xưa. Chiến tranh phi nghĩa đã chia cắt tình yêu đôi lứa. Người thiếu phụ phải tiễn chồng ra chiến trường, sống cô đơn một mình trong khoảng thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời. Không những thế, người phụ nữ trong xã hội cũ còn không thể tự quyết định số phận của mình mà luôn phải phụ thuộc vào đàn ông. Xã hội phong kiến thậm chí còn làm ngơ với những nỗi bất hạnh, oan ức của người phụ nữ, vùi dập họ không thương tiếc. Từ đó, ta thấy được số phận đầy cay đắng của "phận hồng nhan". Họ không được tự do và phải chịu nhiều bất công trong cuộc đời.

 

III. Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn

 

1. Suy nghĩ của em của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương - Mẫu số 1

Tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ mang đến cho chúng ta một cái nhìn cảm thông và thương cảm cho số phận của những kiếp người nhỏ nhoi, kém may mắn và tố cáo những bất công của xã hội lúc bấy giờ. "Chuyện người con gái Năm Xương" trích trong tác phẩm ấy đã khiến lòng ta không khỏi buồn thương và nghẹn ngào về số kiếp, thân phận nổi trôi của những người phụ nữ xưa qua nhân vật Vũ Nương.

Vũ Nương là một người con gái xinh đẹp, tuy gia đình khốn khó nhưng lại có phẩm hạnh, nàng được người đời ca ngợi với "tư dung tốt đẹp" lại thêm tính cách nết na, thùy mị hơn người. Vũ Nương được Trương Sinh- con một nhà giàu có, quyền quý trọng hỏi cưới, hắn vì mến mộ nàng mà lấy nàng làm vợ. Hai người thành vợ thành chồng không trên cơ sở tình yêu, mặc dù vậy thì trên danh phận một người vợ, nàng vẫn luôn cố giữ cho gia đình được hạnh phúc êm ấm. Biết tính chồng nóng nảy lại hay ghen tuông, Vũ Nương luôn giữ mình mực thước, chưa bao giờ khiến Trương Sinh phải phiền lòng, đau khổ.

Ngày chàng Trương phải xa nhà đi lính, Vũ Nương buồn bã khi phải chia xa chồng, lo lắng cho đứa con còn nhỏ dại phải xa bố, mẹ thì đã già yếu đi nhiều. Là phụ nữ, ai chẳng khát khao được hạnh phúc vui vầy bên chồng con, nhưng vì hoàn cảnh, vì đất nước, nàng thuận lòng ủng hộ chồng ra chiến trận, không tham lam giàu sang, quan tước, nàng chỉ khóc nghẹn mà mong chồng mình được an yên trở về: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre chưa có, mà mùa dưa chín quá kì, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng".

Những ngày chồng ở nơi biên ải xa xôi, Vũ Nương ân cần chăm sóc mẹ già, con nhỏ. Một tay nàng gánh vác chuyện ngược xuôi, chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều được sắp xếp vẹn tròn. Con nhớ bố nàng an ủi con bằng chiếc bóng mình in trên tường qua ngọn đèn dầu mỗi tối, mẹ già nhớ con nàng lựa lời ngọt nhẹ khuyên lơn. Ngày mẹ mất nàng đau khổ vô bờ nhưng vẫn gác lại niềm đau mà lo lo toan mọi thứ, tế lễ ma chay mẹ được nàng làm vô cùng chu đáo. Vũ Nương xứng đáng là một người mẹ hiền, một người con hiếu thảo mà xóm làng ai cũng ngợi khen. Một người phụ nữ đức hạnh như vậy đáng ra phải được hạnh phúc ấm êm, được yêu thương chở che từ bàn tay, bờ vai của chồng mình. Nhưng đáng buồn thay, thân phận nàng lại vô cùng nghiệt ngã. Ngày Trương Sinh trở về, sau khi viếng thăm mộ mẹ, hắn cùng con trò chuyện, hỏi han. Chỉ vì một lời nói ngây thơ của con trẻ về người cha trên chiếc bóng mà mẹ chỉ hằng đêm, cơn ghen tuông của kẻ độc đoán kia trỗi dậy. Hắn nghi ngờ sự không chung thủy nơi Vũ Nương, còn điều gì thất vọng hơn khi chính người đầu ấp tay kề lại nghi ngờ lòng trong sạch của bản thân cơ chứ?. Mặc cho những giải thích, van xin, mặc cho những giọt nước mắt oan ức, mặc cho bao hàng xóm khuyên bảo, minh oan, hắn vẫn coi ý nghĩ của mình là đúng. Trương Sinh đã đẩy chính vợ mình vào con đường cuối cùng của sự sống- cái chết oan nghiệt. Trương Sinh thực sự đã trở thành một kẻ chuyên quyền, ngu ngốc và tàn nhẫn, một kẻ thiếu tình thương yêu, hành động vô lương tâm. Và phải chăng, hắn chính là đại diện của một xã hội nam quyền, một xã hội "trọng nam khinh nữ" đương thời.

Vũ Nương có số phận trái ngang với nỗi oan không thể thanh minh, nàng bị vu cho tội thất tiết mà chẳng có quyền rửa sạch nỗi oan cho mình. Suốt thời gian chồng đi lính, nàng lo lắng vun vén gia đình, giữ vẹn đạo làm vợ, làm con,...vậy mà cuối cùng hạnh phúc lại không thề gìn giữ, chấp nhận xa đứa con thơ mang nặng đẻ đau, xa những người thân ruột thịt, chọn cái chết để chứng minh cho tấm lòng mình, giữ lấy danh dự cho gia đình. Cuộc đời ngắn ngủi của người phụ nữ ấy chưa một lần sống vì mình, vẫn luôn vì người khác, vậy mà hai tiếng hạnh phúc vẫn mãi xa vời tầm tay của nàng.

Vũ Nương như chính thân phận của bao kiếp người phụ nữ xưa bị đọa đày, bị vùi dập. Họ phải sống và chịu bao khổ đau, bao bi kịch xảy ra và cái chết là một bi kịch đầy đớn đau mà họ phải lựa chọn. Người phụ nữ xưa họ có nhan sắc, có tài năng, có cốt cách và một tấm lòng yêu thương, họ xứng đáng được hạnh phúc, được thương yêu, nâng niu và được trân trọng, nhưng xã hội dối trá, bất công đã khiến cuộc đời họ nghiệt ngã đến vô cùng. Nỗi đau mà Vũ Nương đã trải qua cũng như bao nỗi đau mà nàng Kiều, Tiểu Thanh trong thơ Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ Đặng Trần Côn và bao người khác phải gánh chịu, trải bao phen đoạn trường. Nghĩ về họ, ta mới thấy thấm thía hơn những vần thơ mà Nguyễn Du từng viết về kiếp đàn bà xưa kia:

" Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

"Chuyện người con gái Nam Xương" đã khắc hoạ Vũ Nương trở thành một nhân vật điển hình cho những người phụ nữ xưa, họ đẹp và về tâm hồn và phẩm cách, họ hoàn mỹ cả về tài năng và trí tuệ nhưng họ lại không có sự may mắn trong cuộc sống và hôn nhân. Dù cho thời gian có trôi đi qua bao nhiêu năm nữa thì áng văn của Nguyễn Dữ vẫn mãi khiến ta khắc khoải buồn thương về một bài ca xót xa cho những kiếp "hồng nhan bạc mệnh" trong xã hội đương thời.

 

2. Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất - Mẫu số 2

 
2.1. Dàn ý Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương:

2.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" và nhân vật Vũ Nương.
- Khái quát về số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ.
2.1.2. Thân bài:
a) Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương:

- "Tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp" => Vũ Nương là người con gái vừa có đức hạnh, vừa có ngoại hình xinh đẹp.
- Vũ Nương là người vợ có tấm lòng thủy chung, yêu thương chồng:
+ Nàng không mong chồng "đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về", chỉ cần chồng được bình an.
+ Trong thời gian chồng đi lính, nàng thủy chung, một lòng một dạ chờ chồng trở về.
- Vũ Nương là người con dâu chu đáo, hiếu thảo với mẹ chồng:
+ Khi mẹ ốm, nàng ra sức "thuốc thang lễ bái thần phật", chăm sóc mẹ chu đáo.
+ Khi mẹ mất, nàng lo việc ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ.
- Vũ Nương là người mẹ yêu thương con: Sợ con thiếu tình cha nên đã chỉ vào bóng mình ở vách tường và nói đấy là cha của con.
=> Vũ Nương là người phụ nữ yêu thương chồng con, có phẩm hạnh tốt đẹp trong xã hội phong kiến. 
b) Bi kịch của nhân vật Vũ Nương:
- Chồng đi lính về, tin lời nói ngây thơ của con trẻ nên nổi thói ghen tuông vô cớ ->  Đánh đập, mắng nhiếc, đuổi Vũ Nương ra khỏi nhà.
- Tuy Vũ Nương đã hết lời thanh minh nhưng chồng không nghe, nàng đành lấy cái chết để minh oan -> Số phận đau đớn, nghiệt ngã.
- Tuy đã được giải oan nhưng vẫn không thể trở về đoàn tụ bên gia đình, chồng con.
c) Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ:
- Không có được hạnh phúc trọn vẹn vì chiến tranh chia cắt.
- Những người phụ nữ có tư dung, phẩm hạnh tốt đẹp phải chịu nỗi bi kịch, oan khuất mà không thể thanh minh.
- Số phận của người phụ nữ nằm trong tay những người đàn ông.
=> Lên án chiến tranh phi nghĩa là khởi nguồn cho mọi bi kịch. 
=> Lên án xã hội phong kiến, chế độ nam quyền đã khiến cho những con người bé nhỏ, yếu đuối chịu nhiều nỗi đau.
2.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại cảm nhận về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

2.2. Bài văn mẫu Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9:

Số phận của người phụ nữ thời phong kiến không phải đề tài mới nhưng vẫn luôn khiến cho người đọc cảm thấy day dứt, thương xót cho nỗi bất công mà họ phải chịu đựng. "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ cũng là một tác phẩm viết về chủ đề này. Thông qua nhân vật Vũ Nương, tác giả đã mang đến cho độc giả thêm nhiều suy nghĩ về thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. 

Ngay từ những dòng đầu tiên, Vũ Nương đã được giới thiệu là người con gái vừa xinh đẹp lại vừa có hiền thục, ngoan ngoãn: "tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Khi được gả vào nhà giàu, nàng luôn tuân thủ khuôn phép, không để gia đình phải xảy ra tranh cãi, lục đục bao giờ. Chiến tranh nổ ra, chàng Trương phải đi lính. Vũ Nương ở nhà nhất mực chung thủy chờ chồng trở về. Nàng chẳng mong chồng mình "đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về", chỉ cần chồng được bình an. Vũ Nương còn là một nàng dâu hiếu thảo. Nàng lo lắng, ra sức chăm sóc mẹ chồng bị ốm. Khi mẹ mất, nàng lo việc ma chay chu đáo như bố mẹ đẻ mình. Không những thế, trong thời gian xa chồng, nàng đã hạ sinh bé Đản. Lo sợ con thiếu vắng tình cha, Vũ Nương thường trỏ tay lên cái bóng và nói đó là cha Đản. Hành động này của nàng xuất phát từ tình cảm nhớ thương người chồng và lo lắng cho con. Thế nhưng, đó cũng chính là khởi nguồn cho bi kịch của Vũ Nương. 

Khi Trương Sinh quay về, nghe bé Đản nói đêm nào cũng có người đàn ông đến nên đã nghi ngờ vợ thất tiết. Trương Sinh bèn nổi giận, mắng nhiếc, đuổi đánh Vũ Nương ra khỏi nhà. Mặc những lời thanh minh của Vũ Nương và sự khuyên can của hàng xóm, hắn vẫn một mực tin rằng vợ mình hư hỏng. Chẳng thể làm gì, Vũ Nương đành gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Đọc đến đây, ta không khỏi thấy xót xa cho nhân vật chính. Vũ Nương đã phải chịu cảnh cô đơn, gồng gánh, chăm sóc cả gia đình khi không có chồng ở bên. Nàng mong chồng bình an trở về để lại được hưởng những tháng ngày ấm êm, hạnh phúc. Ấy vậy mà thứ nàng nhận lại được chỉ là sự tuyệt tình của người chồng đầu ấp tay gối. Điều này cũng khiến ta nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du khi viết về số kiếp của những người phụ nữ xưa kia:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Có thể không phải là tất cả, nhưng đa số người phụ nữ trong xã hội cũ phải chịu cảnh "bạc mệnh" giống như Vũ Nương. Cái chết của nàng chính là lời tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã khiến cho biết bao nhiêu gia đình phải lìa xa. Những người vợ, người mẹ phải chịu cảnh "chăn đơn gối chiếc". Họ không những bị chiến tranh xé nát hạnh phúc mà còn không thể tự quyết định cuộc đời mình. Tất cả mọi quyền hành nằm hết trong tay người đàn ông. Họ sống một cuộc đời mông lung, vô định, không biết tương lai bản thân ra sao. Điều này được thể hiện rất nhiều qua những câu ca dao than thân như: 

"Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu"

Hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng từng bộc bạch:

"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

  Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

Thật vậy, cho dù phải chịu nhiều nỗi bi kịch nhưng những người phụ nữ vẫn cố vun vén, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đến khi bị dồn vào đường cùng, không thể chịu đựng được nữa, họ đành phải lựa chọn cái chết như một sự giải thoát cho bản thân. Cái chết của Vũ Nương như một lời tố cáo đanh thép hướng đến xã hội "nam quyền" đầy bất công. Chính tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã đẩy những người phụ nữ nhỏ bé vào nhiều nỗi bi kịch, buộc họ phải chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

Qua "Chuyện người con gái Nam Xương" Nguyễn Dữ đã thành công xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. Nàng là điển hình cho những người phụ nữ trong xã hội cũ. Tuy mang nhiều nét đẹp cả về ngoại hình lẫn phẩm chất, tính cách nhưng họ lại phải chịu đựng cuộc đời đầy đau thương, mất mát. Tuy thời đại đó đã qua đi nhưng mỗi lần đọc những tác phẩm viết về số mệnh bi kịch của người phụ nữ, ta vẫn không khỏi day dứt, xót xa cho những kiếp "hồng nhan bạc mệnh".

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Qua bài mẫu Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, ta không khỏi cảm thấy xót xa, thương cảm cho số phận của người phụ nữ xưa.

https://thuthuat.taimienphi.vn/suy-nghi-ve-than-phan-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-cu-qua-nhan-vat-vu-nuong-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-53904n.aspx
Bên cạnh bài văn mẫu này, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Cảm nhận về tác phẩm: Chuyện người con gái Nam Xương, Đóng vai Trương Sinh để kể lại truyện Chuyện người con gái Nam Xương.

Tác giả: Thuỳ Chi     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay
Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất
Dàn ý qua bài Thân em như tấm lụa đào, trình bày suy nghĩ về cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội hiện đại
Bài văn Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ hay nhất
Từ khoá liên quan:

Suy nghi ve than phan nguoi phu nu trong xa hoi cu qua nhan vat Vu Nuong trong Chuyen nguoi con gai Nam Xuong

, Dan y suy nghi ve than phan nguoi phu nu trong xa hoi cu, So phan nguoi phu nu trong xa hoi phong kien qua nhan vat Vu Nuong va Thuy Kieu,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới