Hướng dẫn soạn bài Kể chuyện Cây cỏ nước Nam giúp các tìm hiểu trước bài học ở nhà, nhờ đó việc tiếp thu bài học trên lớp được hiệu quả, các em sẽ tự tin hơn khi xung phong xây dựng bài.
Soạn bài Cây cỏ nước Nam, Phần kể chuyện, ngắn 1
Câu 1 (trang 68 sgk Tiếng Việt 5): Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây kể từng đoạn câu chuyện.
Trả lời:
Tranh 1 : Tuệ Tĩnh cùng học trò lên núi Nam Tào, Bắc Đẩu. Ông nói với học trò về điều ông đang suy nghĩ đã mấy chục năm qua, đó là giá trị to lớn của cây cỏ nước Nam.
Tranh 2 : Tuệ Tĩnh kể lại việc vua Trần đã cho luyện tập võ nghệ, chuẩn bị vũ khí cùng đánh giặc Nguyên xâm lược.
Tranh 3 : Nhà Nguyên cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người Nam.
Tranh 4 : Các thái y tỏa đi học cách chữa bệnh trong dân gian bằng cây cỏ bình thường.
Tranh 5 : Cây cỏ nước Nam góp phần làm tăng sức khỏe cho các đạo binh trong cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược.
Tranh 6 : Cac học trò của Tuệ Tĩnh một lòng theo thầy dùng thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam.
Câu 2 (trang 68 sgk Tiếng Việt 5): Kể lại toàn bộ câu chuyện.
Trả lời:
Tuệ Tĩnh có học vấn cao nhưng không ra làm quan. Một hôm, cùng với các học trò, ông đã đi núi Nam Tào, Bắc Đẩu. Dọc đường đi lên núi có những bụi sâm nam lá xòe như bàn tay, rồi có cả các loại như đinh lăng, cam thảo nam mọc rất nhiều.
Dừng lại ở sườn núi, Tuệ Tĩnh nói với các học trò về điều nung nấu mấy chục năm nay :
- "Phải, ta muốn nói về ngọn cây và sợi cỏ mà hàng ngày các con vẫn giẫm lên…"
Rồi ông từ tốn kể cho họ nghe về việc dã qua trong lịch sử nước nhà. Việc tập luyện dân binh được tăng cường. Lương thực và thuốc men cũng được phòng bị chu đáo. Nhưng ngặt nỗi, bấy lâu nhà Nguyên cấm chở vật dụng, thuốc men xuống bán cho người Nam. Vậy khi có người giáp trận bị thương thì lấy gì để chữa trị ? Không chậm trễ, các thái y được cử tỏa đi mọi miền quê học cách chữa bệnh bằng cây cỏ bình thường. Vườn thuốc được lập ở khắp nơi. Núi Nam Tào, Bắc Đẩu chính là hai ngọn dược sơn của các vua Trần xưa. Các đạo binh của ta thêm hùng mạnh nhờ có cây cỏ nước Nam chữa bệnh.
Kể xong, Tuệ Tĩnh nói chậm rãi cho học trò nghe về ý định nối gót người xưa : dùng thuốc Nam chữa cho người Nam. Tất cả các học trò của ông đều một lòng theo thầy học. Từ đó đến nay đã có hàng trăm vị thuốc được lấy từ cây cỏ nước Nam dùng để chữa bệnh cứu người rất hữu hiệu.
Câu 3 (trang 68 sgk Tiếng Việt 5): Trao đổi với các bạn trong lớp về ý nghĩa câu chuyện.
Trả lời:
Đánh giá tài, đức to lón của danh y Tuệ Tĩnh trong việc tìm ra những vị thuốc chữa bệnh hữu hiệu cho nhân dân từ cây cỏ nước Nam. Việc làm cao đẹp của Tuệ Tĩnh đã nhắc nhở chúng ta hãy yêu quỹ, bảo vệ thiên nhiên.
Soạn bài Kể chuyện Cây cỏ nước Nam, ngắn 2
1. Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo) và các tranh vẽ dưới đây, kể lại từng đoạn câu chuyện
Trả lời:
Có thể kể lại các đoạn như sau:
Tranh 1: Tuệ Tĩnh giảng giải cho các học trò về cây cỏ nước Nam
Tranh 2: Quân dân nhà Trần tập luyện chuẩn bị chống quân Nguyên
Tranh 3: Nhà Nguyên cấm bán thuốc men cho nước ta
Tranh 4: Quân dân nhà Trần chuẩn bị thuốc men cho cuộc chiến đấu
Tranh 5: Cây cỏ nước Nam góp phần làm cho binh sĩ thêm khỏe mạnh
Tranh 6: Tuệ Tĩnh và học trò phát triển cây thuốc Nam
2. Kể lại toàn bộ câu chuyện
Trả lời:
Nguyễn Bá Tĩnh, tức Tuệ Tĩnh, là một danh y đời Trần. Một lần, ông dẫn các học trò đi ngược vùng Phả Lại để lên núi Nam Tào, Bắc Đẩu, hai ngọn núi tổng hợp cao uy nghi sừng sững đối mặt với một vùng sông nước hiểm trở. Dọc hai bên đường lên núi là những bụi sâm nam lá xòe như những bàn tay, những bụi cây đinh lăng lá xanh mướt, những bụi cam thảo leo vướng vít cả mặt đường.
Dừng chân bên sườn núi, ông trầm ngâm nói với học trò:
- Ta đưa các con đến đây để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.
Vài học trò xì xào:
- Chắc hẳn là điều gì cao siêu lắm nên thầy mới phải nung nấu lâu đến thế. Nguyễn Bá Tĩnh lắc đầu:
- Điều ta sắp nói với các con không cao như núi Thái Sơn, cũng chẳng xa như biển Bắc Hải mà ở gần trong tầm tay, ở ngay dưới chân các con đó.
Tất cả học trò đều im lặng, duy có người trưởng tràng kính cẩn hỏi:
- Thưa thầy, điều thầy định nói với chúng con có phải là cây cỏ ở dưới chân...
- Phải, ta muốn nói về ngọn cây và sợi cỏ mà hằng ngày các con vẫn giẫm lên... Chúng chính là một đội quân hùng mạnh góp vào với các đạo hùng binh của các bậc thánh nhân như Hưng Đạo Vương đánh tan giặc Nguyên xâm lược.
Rồi ông từ tốn kể:
- Ngày ấy, giặc Nguyên nhòm ngó nước ta. Vua quan nhà Trần lo việc phòng giữ bờ cõi rất cẩn trọng. Bên cạnh việc luyện tập dân binh, triều đình còn cắt cử người đôn đốc rèn vũ khí, chuẩn bị voi ngựa, lương thực, thuốc men... Song, từ lâu nhà Nguyên đã cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người Nam. Khi giáp trận tất có người bị thương và đau ốm, biết lấy gì cứu chữa? Không chậm trễ, các thái y đã tỏa đi khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh của dân gian bằng cây cỏ bình thường. Từ đó, vườn thuốc được lập ở khắp nơi. Núi Nam Tào và Bắc Đẩu chính là hai ngọn dược sơn các vua Trần xưa. Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho những đạo binh thêm hùng hậu, bền bỉ, khỏe mạnh, can trường trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù mạnh hơn mình hàng chục lần, đông hơn mình hàng trăm lần.
Kể đến đây, Nguyễn Bá Tĩnh chậm rãi nói thêm:
- Ta càng nghĩ càng thêm quí từng ngọn cây, từng sợi cỏ của non sông, gấm vóc tổ tiên để lại. Ta định nối gót người xưa để từ nay về sau dân ta có dùng thuốc Nam chữa cho người Nam. Ta nói để các con biết ý nguyện của ta.
Theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến bây giờ, hàng trăm vị thuốc đã được lấy từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc đã được tổng hợp từ phương thuốc dân gian để trị bệnh cứu người.
(Theo Tạ Phong Châu - Nguyễn Quang Vinh - Nghiêm Đa Văn)
* Giải thích từ ngữ:
- danh y: người thầy thuốc giỏi nổi tiếng.
- hiểm trở: có địa hình phức tạp gây khó khăn nguy hiểm, gây nhiều trở ngại cho việc đi lại.
- sâm nam, đinh lăng, cam thảo: những loài cây có thể dùng làm thuốc.
- trầm ngâm: có dáng vẻ suy nghĩ, nghiền ngẫm kĩ về một điều gì.
- cao siêu: vượt xa mức bình thường.
- người trưởng tràng: người học sinh đứng đầu các học sinh trong trường.
- cẩn trọng: cẩn thận, nghiêm ngặt và thận trọng.
- giáp trận: hai bên áp sát nhau trong trận đánh
- thái y: các vị thầy thuốc của triều đình
- dược sơn: ngọn núi có nhiều loài thuốc quý
- hùng hậu: mạnh mẽ
- can trường: can đảm, gan dạ
3. Trao đổi với các bạn trong lớp về ý nghĩa của câu chuyện
Trả lời:
Ý nghĩa của câu chuyện Cây cỏ nước Nam: Khuyên người ta yêu quý thiên nhiên, hiểu giá trị và biết trân trọng từng ngọn cỏ, lá cây.
Soạn bài Kể chuyện Cây cỏ nước Nam, ngắn 3
Câu 1: (Trang 68 SGK Tiếng Việt tập 1)
Trả lời:
Hình 1: Thầy Tuệ Tĩnh dẫn học trò lên núi và giảng giải cho học trò ý nguyện của mình mấy chục năm qua.
Hình 2: Trước nạn quân Nguyên xâm lược nước ta, quân dân nhà Trần tích cực luyện tập để tham gia chiến đấu.
Hình 3: Quân Nguyên tràn vào xâm lược nước ta, chúng cấm không cho nhân dân ta buôn bán thuốc men, khiến tình trạng thương tật của binh sĩ càng trở nên nguy hiểm.
Hình 4: Nhận thấy tình hình đó, các thái y nhà Trần đã chia nhau đi đến các miền quê để học hỏi trong dân gian các cách chữa bệnh bằng chính cây cỏ bình thường.
Hình 5: Nhờ có những vị thuốc mới mà các thái y học hỏi được, binh sĩ của ta ngày càng trở nên khỏe mạnh hơn, không lo thương tật mà không có thuốc, góp một phần rất lớn trong chiến thắng chống quân Nguyên xâm lược.
Hình 6: Tuệ Tĩnh muốn học trò của mình nghiên cứu tìm hiểu để phát triển hơn nữa cây thuốc nam, từ đó nhân giống, gieo trồng. Dân nam thì dùng thuốc nam trị bệnh, không cần phải phụ thuộc ngoại tộc.
Câu 2: (Trang 68 SGK Tiếng Việt tập 1)
Trả lời:
Tuệ Tĩnh hay Nguyễn Bá Tĩnh là một danh y dưới thời nhà Trần, đồng thời cũng là một nhà sư. Ông có rất nhiều học trò theo học nghề thuốc, trong một lần dẫn học trò đến hai ngọn núi Nam Tào, Bắc Đẩu để tìm vị thuốc mới. Ông mới dừng lại bên sườn núi mà nói ra ý nguyện đã nung nấu trong lòng mấy chục năm nay chưa lúc nào nguôi ngoai.
- Ta đưa các con đến đây để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.
Các học trò ra vẻ trầm ngâm lắm, liên tục bàn tán với nhau, thiết nghĩ rằng điều thầy sắp nói đây chắc phải to lớn và vĩ đại lắm.
- Thưa thầy hẳn là nó phải cao siêu lắm mới khiến thầy suy nghĩ đến mấy chục năm phải không ạ?
Tuệ Tĩnh mỉm cười, vuốt nhẹ chòm râu, lắc đầu:
- Không các con, điều ta sắp nói đây chẳng phải xa như Bắc Hải hay cao như Thái Sơn, thứ ta muốn nói xa tận chân trời gần ngay trước mắt, chính là nằm ngay dưới chân các con đó.
Tất cả học trò vẫn chưa hiểu ý thầy nên đành im lặng, duy có người điềm tĩnh nhất, kính cẩn hỏi:
- Thưa thầy, điều thầy định nói với chúng con phải hay chăng là cây cỏ ở dưới chân?
- Phải, ta muốn nói về ngọn cây và sợi cỏ mà hằng ngày các con vẫn giẫm lên... Chúng chính là công thần góp sức vào với các đạo hùng binh của các bậc thánh nhân như Hưng Đạo Vương đánh tan giặc Nguyên xâm lược, không có chúng chưa biết thế nước ta đã đi về đâu các con ạ.
Tuệ Tĩnh ánh mắt nhìn xa xăm, như hồi tưởng:
- Ngày ấy, giặc Nguyên có ý định xâm lược nước ta. Vua quan nhà Trần lo việc phòng giữ bờ cõi rất cẩn trọng. Bên cạnh việc luyện tập dân binh, triều đình còn cắt cử người đôn đốc rèn vũ khí, chuẩn bị voi ngựa, lương thực, thuốc men... Song, từ lâu nhà Nguyên đã cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người Nam chúng ta. Âm mưu thâm độc của chúng là khiến cho quân sĩ ta bị thương không có thuốc cứu chữa, mà chết trong đau đớn, làm suy yếu quân ta hòng dễ dàng trấn áp. Nhận thấy tình hình, các thái y đã chia nhau đi khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh của dân gian bằng cây cỏ bình thường. Đồng thời lập vườn thuốc được lập ở khắp nơi, để phòng khi cần thì có sẵn mà dùng. Núi Nam Tào và Bắc Đẩu chính là hai ngọn dược sơn của các vua Trần xưa. Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho binh sĩ của ta thêm hùng hậu, bền bỉ, khỏe mạnh, can trường trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù vừa mạnh, vừa thâm hiểm, vừa đông gấp ta hàng chục lần, trăm lần, giữ vững non sông nước Nam tươi đẹp như hôm nay.
Kể đến đây, Nguyễn Bá Tĩnh chậm rãi nói thêm:
- Ta càng nghĩ càng thêm trân quí từng ngọn cây, gốc cỏ mà non sông, gấm vóc tổ tiên đã để lại. Ta càng mong muốn có thể theo bước cha ông dùng thuốc nam để trị bệnh cho người Nam. Ta nói để các con biết ý nguyện của ta.
Theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến bây giờ, hàng trăm vị thuốc đã được lấy từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc đã được tổng hợp từ phương thuốc dân gian để trị bệnh cứu người. Y học nước Nam đã ngày càng thêm phát triển với những vị thuốc bài thuốc quý mà chưa chắc nơi nào có được.
Câu 3: (Trang 68 SGK Tiếng Việt tập 1)
Trả lời:
Câu chuyện là lời nhắc nhở của danh y Tuệ Tĩnh với học trò cũng như con cháu sau này, chúng ta cần phải biết yêu thương quý trọng từng ngọn cỏ, gốc cây mà thiên nhiên ban tặng. Đồng thời hiểu rõ được giá trị của chúng để áp dụng vào cuộc sống thường ngày tránh lãng phí.
-----------------------HẾT-------------------------
Bên cạnh Soạn bài Cây cỏ nước Nam, Phần kể chuyện các em cần tìm hiểu thêm những bài soạn khác trong SGK Tiếng Việt lớp 3 như Soạn bài Tập làm văn: Luyện tập tả cảnh, Tuần 7 hay phần Soạn bài Luyện từ và câu: Luyện tập về từ nhiều nghĩa nhằm củng cố kiến thức Tiếng Việt lớp 5 của mình nhé.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-cay-co-nuoc-nam-phan-ke-chuyen-38417n.aspx