Tác phẩm Ngôn chí (bài 3) của tác giả Nguyễn Trãi là một bài thơ hay. Để viết bài văn cảm nhận về Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II sao cho đạt kết quả tốt thì các em có thể tham khảo bài viết mẫu chi tiết dưới đây nhé!
Đề bài: Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3
Top bài văn trình bày quan niệm sống được gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3 của Nguyễn Trãi hay nhất
I. Dàn ý Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Trãi, tác phẩm "Ngôn chí" (bài 3).
- Dẫn dắt vấn đề: Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài thơ.
2. Thân bài:
a) Giới thiệu khái quát về sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi và hoàn cảnh sáng tác bài thơ "Ngôn chí".
- Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm.
+ Sáng tác viết bằng chữ Hán: "Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo",...
+ Sáng tác bằng chữ Nôm: "Quốc âm thi tập" gồm 254 bài thơ đặc sắc.
- "Ngôn chí" là chùm thơ gồm 21 bài trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi. Nhan đề "Ngôn chí" hiểu là "nói chí" nhưng nếu hiểu rộng hơn thì sẽ hàm chứa cả chí khí và tình cảm.
b) Cảm nhận về quan niệm sống của Nguyễn Trãi qua bài thơ:
- Quan niệm sống gắn bó sâu sắc với thiên nhiên, yêu thiên nhiên tha thiết:
+ Các hình ảnh gắn với thiên nhiên: "am trúc hiên mai, nước, ao, nguyệt, đất cày, hoa"
=> Hình ảnh thiên nhiên bình dị ở làng quê Việt Nam. Nguyễn Trãi hòa mình vào thiên nhiên để cảm nhận cuộc sống dân dã, thanh bình.
- Quan niệm sống giản dị nhưng rất thanh cao:
+ Nguyễn Trãi lựa chọn rời xa chốn quan trường bon chen để về gắn bó chan hòa với thiên nhiên.
+ Ở chốn thôn quê Nguyễn Trãi lựa chọn cho mình lối sống giản dị: "Cơm ăn dầu có dưa muối;/ Áo mặc nài chi gấm là".
+ Nguyễn Trãi sống thong dong, nhàn nhã: "Nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt".
=> Lối nói ẩn dụ: việc giữ gìn nước luôn thanh khiết để thưởng thức ánh trăng cũng giống như con người giữ gìn sự liêm khiết và cốt cách cao cả.
+ "Đất cày ngõ ải, lảnh ương hoa": hoạt động cày cuốc, trồng trọt.
+ Hai câu thơ cuối là sự thăng hoa, lãng mạn trong cảm xúc của thi sĩ. "Trong khi hứng động vừa đêm tuyết": cảm hứng được khơi gợi vào đêm tuyết. "Ngâm được câu thần dặng dặng ca": cảm xúc tràn đầy, cất tiếng ngâm ca thành thơ.
=> Nguyễn Trãi hòa mình vào thiên nhiên, sống một cuộc đời an yên, không màng công danh lợi lộc.
c) Nhận xét về quan niệm sống của Nguyễn Trãi.
- Ông là người dành cả đời lo cuộc sống của nhân dân. Dù sống ở chốn quan trường hay về quê ở ẩn thì Nguyễn Trãi vẫn luôn lo nghĩ cho vận mệnh của đất nước.
- Đọc bài thơ "Ngôn chí" ta cảm nhận được quan niệm sống sâu sắc của Nguyễn Trãi. Không chỉ yêu thiên nhiên, gắn bó sâu sắc với thiên nhiên mà ông còn sống giản dị, thanh cao.
- Trong xã hội ngày nay, quan niệm sống của Nguyễn Trãi vẫn còn nguyên giá trị đối với con người. Đôi khi bon chen nơi thành phố tấp nập không khỏi khiến chúng ta thấy mệt mỏi và áp lực. Vậy nên, hãy thử lựa chọn về nơi bình yên để giúp tâm hồn mình bình yên hơn.
3. Kết bài
- Khẳng định lại quan niệm sống của Nguyễn Trãi.
Top bài văn trình bày quan niệm sống được gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3 của Nguyễn Trãi siêu hay
II. Bài văn mẫu: Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3
Nhắc đến những nhà thơ lớn sẽ thật thiếu sót khi không nói tới Nguyễn Trãi. Ông không chỉ là nhà văn hóa mà còn là nhà thơ lớn của dân tộc. Nguyễn Trãi đã để lại cho thơ ca Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay và có giá trị. Trong đó, nổi bật là "Ngôn chí" (bài 3). Bài thơ đã giúp người đọc có những cảm nhận rõ nét về quan niệm sống sâu sắc của Nguyễn Trãi.
"Ngôn chí" là chùm thơ gồm 21 bài trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi. Nhan đề "Ngôn chí" hiểu là "nói chí" nhưng nếu hiểu rộng hơn thì sẽ hàm chứa cả chí khí và tình cảm. Bài thơ đã làm nổi bật quan niệm sống hòa mình vào thiên nhiên, yêu đời, yêu đất nước của tác giả.
Trước hết, bài thơ "Ngôn chí" (bài 3) cho ta cảm nhận quan niệm sống gắn bó với thiên nhiên, yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả. Mở đầu bài thơ, tác giả đã mở ra trước mắt người đọc hình ảnh thiên nhiên quen thuộc, bình dị: "am trúc hiên mai". Hình ảnh thân thuộc này gợi cho người đọc cảm nhận được một không gian sống yên bình, tĩnh lặng của tác giả ở chốn quê nhà. "Yên hà" chỉ cuộc sống thanh bình. Dường như nơi ở của tác giả hoàn toàn tách biệt với cuộc sống nhộn nhịp, hối hả bên ngoài kia. Và ở nơi đây chỉ có tác giả hòa mình vào thiên nhiên mà thôi. Thiên nhiên trong cảm nhận của thi nhân thật nên thơ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của trăng đã góp phần tô đậm vẻ đẹp bình dị, yên ả của chốn thôn quê.Từ xưa đến nay ,, ánh trăng đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thi sĩ. Câu thơ "nước dưỡng cho thanh, trì thưởng nguyệt" vừa gợi được cái trong vắt của làn nước lại, vừa tả được vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của ánh trăng. Còn ngoài vườn, đất đã được cày xới, trở nên tơi và bở. Nhờ vậy, con người sẽ thuận tiện hơn trong việc "lảnh ương hoa". Chỉ với vài nét phác họa, Nguyễn Trãi đã gợi tả thành công khung cảnh chốn thôn quê bình yên, thanh tĩnh. Tại đây, con người được tận hưởng cảnh sắc tươi đẹp của tự nhiên, được vui vẻ lao động. Có thể thấy, Ức Trai quả là người có tấm lòng tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên rộng lớn mà đẹp đẽ.
Nguyễn Trãi không chỉ sống hòa mình với tự nhiên mà thi nhân còn sống rất giản dị mà thanh cao. "Cơm ăn dầu có dưa muối/ Áo mặc nài chi gấm là" đã thể hiện lối sống đơn giản, không cầu kì của nhân vật trữ tình. Dù bữa cơm chỉ có dưa muối, trang phục không cần gấm vóc, lụa là nhưng con người vẫn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện. Đây chính là tâm hồn thanh cao, không màng công danh phú quý của bậc quân trung. Khép lại bài thơ là hình ảnh "Trong khi hứng động vừa đêm khuyết/ Ngâm được câu thần dặng dặng ca". Lúc này, cảm xúc trong thi sĩ đã đạt đến sự thăng hoa nên không thể kiềm lòng được mà cất tiếng ngâm thơ.
Qua bài thơ, chúng ta cảm nhận được quan niệm sống sâu sắc của Nguyễn Trãi. Ông là một người yêu nước, một lòng lo cho dân cho nước. Mặc dù chọn lánh đục tìm trong vậy nhưng Nguyễn Trãi vẫn trăn trở, nghĩ suy về cuộc đời, về giang sơn đất nước. Ông luôn mong mỏi, khát khao một ngày "Dân giàu đủ khắp đòi phương". Ngoài ra, ta còn cảm nhận được tấm lòng, tình yêu của một tâm hồn cao cả như ông. Đồng thời thấy rõ đức tính, lối sống giản dị nhưng vô cùng thanh cao ở Ức Trai. Trong xã hội ngày nay, quan niệm sống của Nguyễn Trãi vẫn còn nguyên giá trị đối với con người. Đôi khi bon chen, cạnh tranh nơi thành phố ồn ào, tấp nập không khỏi khiến chúng ta mệt mỏi, áp lực. Vậy nên, hãy thử chọn cho mình một chốn thanh tịnh, yên bình.
Với những hình ảnh thơ ước lệ, ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc tác giả đã mang đến cho chúng ta một bài thơ hay và giàu cảm xúc. Qua "Ngôn chí", (bài 3), người đọc dễ dàng cảm nhận được quan niệm sống gắn bó với thiên nhiên, giản dị mà thanh cao của Nguyễn Trãi. Theo thời gian, những tác phẩm của ông sẽ luôn sống mãi trong lòng người.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/quan-niem-song-duoc-nguyen-trai-gui-gam-qua-bai-ngon-chi-bai-3-75124n.aspx
Khi viết bài văn Quan niệm sống của tác giả Nguyễn Trãi, bước đầu tiên, các em cần hiểu rõ về nội dung của bài thơ. Tiếp đến, lần lượt làm rõ từng quan niệm sống. Mong rằng, bài văn mẫu lớp 10 chi tiết bên trên của đội ngũ Taimienphi.vn sẽ giúp các em có thêm định hướng làm bài. Mời các em tham khảo thêm một số nội dung khác trong chương trình Ngữ văn 10 như: Đọc hiểu bài Nắng mới ngắn gọn, Ngữ văn lớp 10, sách Chân trời sáng tạo, Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3, Đề đọc hiểu Ngôn chí, bài 3 có đáp án; Phân tích Ngôn chí, bài 3; Đề đọc hiểu Bạch Đằng hải khẩu có đáp án.