Phân tích Xúy Vân giả dại

Xúy Vân giả dại là một trích đoạn nổi bật, đặc sắc của vở chèo Kim Nham. Thông qua vở chèo này, các em sẽ thấy được nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại và tâm trạng của nhân vật Xúy Vân. Mời các em tham khảo bài Phân tích Xúy Vân giả dại, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì I do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây.

Đề bài: Phân tích Xúy Vân giả dại

phan tich xuy van gia dai

Bài văn phân tích Xúy Vân giả dại hay nhất
 

A. Dàn ý phân tích Xúy Vân giả dại:

I. Mở bài: Giới thiệu trích đoạn, tác phẩm.
II. Thân bài:
1. Phân tích lớp chèo:
1.1. Giá trị nội dung: Đoạn trích đã khắc họa những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của nhân vật Xúy Vân:
a. Nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại:
- Do sống trong cảnh chờ chồng quá lâu lại bị những lời dụ dỗ, tán tỉnh làm cho mê muội, Xúy Vân quyết định dựng lên màn kịch điên loạn. Mục đích của việc làm này là để Kim Nham trả lại tự do rồi đi theo nhân tình.
b. Hành động giả dại của Xúy Vân:
* Lời nói:
- Tự giới thiệu về tên tuổi, tình cảnh.
- Tâm trạng đau đớn, cảm thấy duyên phận lỡ làng.
- Bẽ bàng, xấu hổ vì phụ Kim Nham để đi theo Trần Phương.
- Cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong cuộc hôn nhân, không một ai thấu hiểu.
- Ước mơ, khao khát về cuộc sống gia đình hạnh phúc
- Nhớ thương nhân tình.
- Lời xót thương cho phận mình.
- Rơi vào trạng thái điên loạn, không còn tỉnh táo.
* Hành động:
+ Hát, nói bộc lộ tâm trạng đau đớn.
+ Múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi => những động tác thường làm trong công việc hàng ngày của người phụ nữ.
+ Vừa hát vừa cười; đi vào, vừa đi vừa vười => tâm trạng điên loạn, không đủ tỉnh táo.
1.2. Giá trị nghệ thuật:
- Lối nói theo giọng điệu đặc trưng của chèo như: nói lệch, vỉa, điệu sử rầu, nói.
- Các làn điệu hát chèo như: quá giang, con gà rừng, sắp, sa lệch, hát ngược.
- Vũ điệu: múa bắt nhện, xe tơ dệt cửi.
- Chỉ dẫn sân khấu: âm thanh tiếng trống, hành động múa, hát, cử chỉ, điệu bộ của nhân vật.
2. Đánh giá lớp chèo Xúy Vân giả dại:
2.1. Đánh giá về nội dung:
- Thông qua lớp chèo "Xúy Vân giả dại", ta thấy được:
+ Khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống thật của Xúy Vân.
+ Thái độ xót thương, cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.
2.2. Đánh giá về nghệ thuật:
- Nghệ thuật chèo dân gian với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày.
III. Kết bài: Khẳng định giá trị của đoạn trích "Xúy Vân giả dại" nói riêng và chèo "Kim Nham" nói chung.

Phan tich tac pham Xuy Van gia dai Sieu hay

Bài văn mẫu phân tích tác phẩm Xúy vân giả dại
 

B. Bài văn mẫu phân tích Xúy Vân giả dại:

"Xúy Vân giả dại" là một trong những trích đoạn tiêu biểu của vở chèo "Kim Nham". Đây được đánh giá là lớp chèo xuất sắc của nền chèo cổ. Văn bản "Xúy Vân giả dại" không chỉ ẩn chứa những hấp dẫn về mặt nội dung mà còn thể hiện sự độc đáo của các yếu tố nghệ thuật.

Chèo "Kim Nham" xoay quanh câu chuyện giữa ba nhân vật chính là Kim Nham, Xúy Vân và Trần Phương. Sau khi nên vợ nên chồng với Xúy Vân, Kim Nham tiếp tục lên kinh đô dùi mài kinh sử. Nàng Xúy Vân ở nhà sống trong cảnh "chăn đơn gối chiếc", chờ chồng trở về. Trong lúc ấy, tên Trần Phương xuất hiện và tán tỉnh Xúy Vân. Nàng xiêu lòng rồi giả điên với hi vọng Kim Nham trả lại tự do cho mình để đi theo nhân tình. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" diễn tả cảnh nàng tự dựng lên màn điên loạn của bản thân nhằm che mắt chồng.

Có thể thấy, ở toàn bộ trích đoạn, Xúy Vân đã trực tiếp bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình. Mọi lời nói, hành động của nàng đều tập trung thể hiện những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm. Ngôn ngữ mà nàng sử dụng là ngôn ngữ của kẻ nửa tỉnh nửa điên.

Thông qua lời tự giới thiệu, tác giả dân gian đã cung cấp cho người đọc một số thông tin về tên, tài năng, tình cảnh của nhân vật:

"Bước chân vào tôi thưa rằng vậy,

Chẳng giấu gì Xúy Vân là tôi.

Tuy dại dột, tài cao vô giá,

Thiên hạ đồn rằng tôi hát hay đã lạ,

Ai cũng gọi là cô ả Xúy Vân.

Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,

Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại."

Nàng tuy dại dột nhưng "tài cao vô giá", được mọi người đồn có tài hát hay. Chứng tỏ, Xúy Vân cũng là người phụ nữ tài hoa. Ngoài ra, lời thừa nhận "Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương/ Nên đến nỗi điên cuồng rồ dại." của Xúy Vân càng khắc họa rõ những giằng xé trong nội tâm nhân vật.

Mở đầu đoạn trích, Xúy Vân trực tiếp bày tỏ nỗi đau đớn, tủi hờn:

"Đau thiết thiệt van.

Than cùng bà Nguyệt.

Đánh cho tê liệt,

Chết mệt con đồng.

Bắt đò sang sông,

Bớ đò, bớ đò."

Nàng đau khổ tới mức phải kêu lên, than thở cùng với ông Tơ, bà Nguyệt. Xúy Vân trách duyên phận mình dang dở, lỡ làng. Do hoàn cảnh xô đẩy nên nàng buộc lòng phải theo "Nên tôi phải lụy đò,/ Cách con sông nên tôi phải lụy đò," để rồi từ đó rơi vào bi kịch.

Đâu chỉ dừng lại ở đau khổ, xót xa, nàng còn bộc lộ nỗi xấu hổ, bẽ bàng qua câu "Không trăng gió lại gặp người gió trăng". Xúy Vân nhận thấy bản thân mình không "trăng gió", chỉ vì gặp người đàn ông phong lưu, đa tình nên mới xiêu lòng. Nhận thức được sai lầm, nàng khuyên mọi người phải giữ lấy chuẩn mực, cốt cách của người phụ nữ "Gió trăng mặc thời gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên". Xúy Vân khuyên người nhưng cũng chính là lời nhắc nhở bản thân.

Trong điệu hát con gà, nỗi niềm đắng cay, bực tức được thể hiện rõ nét. Nàng dùng hình ảnh "con gà rừng", "con công" để khẳng định sự bơ vơ, lạc lõng. Đồng thời, thể hiện ý thức về địa vị, vai trò của bản thân. Nàng nhận thấy mình thấp kém, chênh lệch so với người chồng. Không những vậy, câu "Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên" được lặp lại hai lần đã nhấn mạnh vào nỗi uất ức, cùng cực của Xúy Vân. Nàng phẫn uất trước sự sắp đặt của cha mẹ. Vì thế, nàng luôn khao khát có được cuộc sống gia đình hạnh phúc như bao người:

"Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm"

Đến đoạn nói điệu sử rầu, hát sắp, nhân vật bộc lộ sự tự ý thức về chính mình. Nàng mắc kẹt trong mối duyên tình với Trần Phương "Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình,/ Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.". Biện pháp ẩn dụ trong đoạn hát sắp: "Con cá rô nằm vũng chân trâu,/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!" thể hiện tình cảnh bế tắc, không lối thoát của Xúy Vân. Nàng như con cá ở trong vũng nước nhỏ, xung quanh chứa đầy rủi ro, bất trắc. Cho nên, lúc nào Xúy Vân cũng sống trong cảm giác bất an, sợ hãi.

Cuối cùng, Xúy Vân thực sự nhập tâm và hóa điên trong đoạn hát ngược. Các hình ảnh, từ ngữ được liên hệ đầy bất thường, phi logic:

"Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

Chuột đậu cành rào, muỗi ấp cánh dơi,

Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,

Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây.

Ở trong đình có cái khua, cái nhôi,

[...] Cưỡi con gà mà đi đánh giặc!"

Nó cho thấy nàng thực sự không còn giữ nổi sự tỉnh táo trong cả hành động lẫn lời nói. Chỉ có những người thần trí không bình thường mới khó có thể phân biệt được ngược, xuôi. Những câu hát tưởng chừng như vô nghĩa lại mở ra đời sống nội tâm phức tạp, phong phú với những rối bời. Xúy Vân lúc này đã thực sự đánh mất mình và hoàn toàn rơi vào trạng thái mất phương hướng.

Bên cạnh lời thoại, tâm trạng của Xúy Vân còn được mô tả thông qua hành động như hát, nói, múa. Nàng múa điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi trên nền trống rồi vừa hát vừa cười. Những hành động này cho thấy khát khao cháy bỏng của Xúy Vân về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nàng cũng muốn được trở thành vợ hiền, dâu thảo. Thế nhưng, hiện thực khiến mong ước ấy trở nên xa vời. Kết thúc điệu hát ngược, nàng đi vào vừa đi vừa cười điên dại càng làm nổi bật tình trạng thiếu minh mẫn, đau khổ, tuyệt vọng.

Bên cạnh yếu tố nội dung thì nghệ thuật cũng là phương diện quan trọng góp phần tạo nên thành công cho đoạn trích. Lớp chèo "Xúy Vân giả dại" được tác giả dân gian sử dụng lối nói theo giọng điệu đặc trưng: nói lệch, vỉa, điệu sử rầu, nói kết hợp với các làn điệu hát chèo như: quá giang, con gà rừng, sắp, sa lệch, hát ngược. Ngôn ngữ chèo mang đậm màu sắc dân gian, sử dụng chất liệu ca dao, dân ca và thể thơ truyền thống. Ngoài ra, các chỉ dẫn sân khấu: âm thanh tiếng trống, hành động múa, hát, cử chỉ, điệu bộ giúp cho vở diễn được trơn tru, hấp dẫn hơn.

Như vậy, thông qua lớp chèo "Xúy Vân giả dại", ta thấy được khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống thật của nhân vật Xúy Vân. Đồng thời, bày tỏ nỗi xót thương, cảm thông sâu sắc đối với tình cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa.

Tóm lại, giữa sự nở rộ của hàng ngàn loại hình giải trí, chèo cổ vẫn luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ với thời gian. Đoạn trích "Xúy Vân giả dại" nói riêng và chèo "Kim Nham" nói chung vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người dân Việt Nam.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-xuy-van-gia-dai-72545n.aspx
Để phân tích Xúy Vân giả dại, em cần phân tích, đánh giá cả về nội dung lẫn nghệ thuật của đoạn trích. Thông qua bài viết trên, các em sẽ có thêm những gợi ý khi viết bài phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 10. Ngoài ra, em có thể đọc thêm bài văn mẫu lớp 10 khác như:
Soạn bài Xúy Vân giả dại
Xúy Vân giả dại: thể loại, tóm tắt, bố cục, nội dung, nghệ thuật
- Phân tích tâm trạng Xúy Vân trong đoạn trích Xúy Vân giả dại
- Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của bạn về nỗi niềm của nhân vật Xúy Vân

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Giải toán lớp 6 trang 37 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Từ khoá liên quan:

Phan tich Xuy van gia gia

, giao an xuy van gia dai canh dieu, soan bai xuy phan gia dai,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới