Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go hay, ngắn gọn

Tình mẫu tử luôn là một đề tài không bao giờ cũ trong văn học. Hãy cùng tìm hiểu thêm một khía cạnh của chủ đề này qua bài Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go, Ngữ văn 9, học kì II trên Taimienphi.vn nhé để có thể làm bài dễ dàng hoặc có ý tưởng cho bài Phân tích bài thơ Mây và sóng của Tago.

Đề bài: Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
   1. Bài mẫu số 1.
   2. Bài mẫu số 2.

phan tich tinh mau tu trong bai may va song cua ta go

Viết đoạn văn về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng lớp 6
 

I. Dàn ý Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go


1. Mở bài

Giới thiệu về tình mẫu tử trong bài Mây và sóng
 

2. Thân bài

* Tình yêu của em bé dành cho mẹ:
- Từ chối lời mời gọi đầy hấp dẫn của Mây và Sóng dù bị thu hút bởi những trò chơi lí thú, diệu kì.
- Lí do: Không muốn rời xa mẹ
→ Tình yêu mẹ đã chiến thắng sự tò mò, hiếu kì của bản thân

- Để thỏa mãn sở thích vui chơi mà mong muốn được ở bên mẹ, em bé sáng tạo ra một trò chơi mới có sóng, có bến bờ, có em và có mẹ.
+ Nơi lòng mẹ, con sẽ được cười vang thoả thích, được hạnh phúc chở che, được mãn nguyện tình thương.
+ Nơi lòng mẹ, niềm vui con sẽ thêm phần ngọt ngào, đủ đầy mà sóng, mây kia không hề có được, cũng không thể nào mang lại được cho em.

* Vẻ đẹp của tình mẫu tử:
- Em bé có những suy nghĩ hồn nhiên, trong sáng nhưng ẩn chứa trong đó lại là tình yêu mẹ sâu sắc.
- Sức mạnh của tình mẫu tử có thể giúp con người đưa ra những quyết định đúng đắn, chiến thắng những cám dỗ của cuộc đời.


3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em
 

II. Đoạn văn về tình mẫu tử qua bài Mây và sóng ngắn gọn, hay nhất: 

Tác phẩm "Mây và sóng" của Ta-go đã thể hiện rất thành công tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Mượn lời trò chuyện với những người "trên mây", "trong sóng", tác giả đã đưa ra thử thách cho em bé. Em bé đã được mời gọi về những cuộc vui không hồi kết: "chơi từ lúc thức dậy cho đến lúc chiều tà", hay "ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn", "ngao du nơi này nơi nọ",... Đây quả là điều vô cùng hấp dẫn, thú vị đặc biệt là đối với một đứa trẻ đang tò mò muốn khám phá thế giới. Tuy nhiên, gạt bỏ mọi cám dỗ, em bé vẫn ghi nhớ "Mẹ mình đang đợi ở nhà", "làm sao có thể rời mẹ mà đi được". Qua đây, ta cảm nhận được hình ảnh mẹ luôn hiện hữu trong tâm trí người con, trở thành kim chỉ nam dẫn dắt mọi quyết định, hành động của đứa trẻ. Dù rất hứng thú với việc khám phá những vùng đất mới, em bé vẫn lựa chọn từ chối lời mời hấp dẫn kia. Với không một chút nuối tiếc, em đã tự nghĩ ra trò chơi "hay hơn", "thú vị hơn" để vui chơi cùng mẹ. Đó là trò chơi của "mây" và "trăng" dưới "bầu trời xanh thẳm", của những con "sóng" lăn mãi rồi "vỡ tan" vào "bến bờ kì lạ". Khi này, ta thấy được sự gắn bó vô cùng sâu sắc giữa hai mẹ con. Chính tình cảm thiêng liêng ấy đã đem đến cho em bé sự vững vàng, kiên định để từ chối cuộc vui ngoài kia. Đối với em, niềm vui chỉ trọn vẹn khi có mẹ cùng đồng hành. Mượn hình ảnh của "mây" và "sóng", Ta-go đã đem đến cho độc giả câu chuyện thật đẹp và cảm động về tình mẫu tử. Qua đó, người đọc cũng càng thấm thía hơn tấm lòng bao la của đấng sinh thành, thêm yêu và trân trọng gia đình của mình hơn. 

 

III. Bài văn mẫu Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go ngắn gọn, hay nhất:

 

1. Phân tích tình, Cảm nhận và suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong bài thơ Mây và sóng hay - Mẫu số 1

1.1. Dàn ý Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go:
a. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Mây và sóng" của Ta-go.
- Khái quát về tình mẫu tử được thể hiện trong tác phẩm.
b. Thân bài:
*, Những thử thách mà em bé nhận được:
- Lời mời gọi của những người "trên mây" và "trong sóng":
+ "chơi từ lúc thức dậy cho đến lúc chiều tà", "chơi với bình minh vàng", "chơi với vầng trăng bạc"
+ "ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn", "ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao"
=> Những lời mời gọi hấp dẫn về các chuyến đi tràn đầy sự vui vẻ, đến nhiều nơi kì thú.
=> Sự thử thách dành cho tình mẫu tử, sự gắn bó giữa mẹ và con. 
*, Thái độ của em bé trước những lời mời gọi của tự nhiên:
- Tuy đã dao động trước những lời mời gọi nhưng cuối cùng, em bé vẫn từ chối tất cả để trở về với mẹ:
+ "Mẹ mình đang đợi ở nhà", "Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?"
+ "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?"
=> Từng lời nói, suy nghĩ luôn gắn với hình ảnh của người mẹ thân yêu. 
- Em bé đã tự mình nghĩ ra những trò chơi mới để mình và mẹ có thể chơi cùng nhau: 
+ "Con là mây….bầu trời xanh thẳm"
+ "Con là sóng…vỡ tan vào lòng mẹ"
=> Sự hồn nhiên, vô tư, không một chút tiếc nuối mà chỉ muốn được ở cạnh mẹ, cùng mẹ vui đùa. 
*, Đánh giá tình mẫu tử thiêng liêng, gắn bó: 
- Tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp em bé chiến thắng những cám dỗ của thế giới kì thú bên ngoài. 
- Người mẹ luôn là bến đỗ, là điểm tựa tinh thần cho những đứa con.
- Tình yêu thương của mẹ chính là thứ giúp những đứa con đi đúng đường.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của tình mẫu tử được thể hiện qua tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

1.2. Bài văn mẫu Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go siêu hay

Tình mẫu tử là một đề tài không bao giờ cũ đối với văn học. Ta đã bắt gặp rất nhiều tác phẩm nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước viết về chủ đề này như "Người mẹ" - M.Go-rơ-ki, "Trong lòng mẹ" - Nguyên Hồng, "Cổng trường mở ra" - Lý Lan,... Trong số đó, không thể không kể đến "Mây và sóng" của Ta-go. Tác phẩm đã khắc họa tình mẫu tử một cách gần gũi, chân thực và cũng không kém phần thiêng liêng, gắn bó. 

Khi muốn chứng minh, làm nổi bật một điều gì đó, thường tác giả sẽ đặt ra những thử thách cho nhân vật. Trong bài thơ "Mây và sóng" cũng vậy, Ta-go đã đưa ra cho em bé những lời gọi mời của "người trên mây" và "người trong sóng". Lẽ thường, "mây" hay "sóng" đơn giản là những hiện tượng tự nhiên quen thuộc. Nhưng qua ngòi bút của tác giả, chúng đã trở thành thứ tượng trưng cho thế giới kì thú bên ngoài. Nào là những cuộc chơi thỏa thích: "chơi từ lúc thức dậy cho đến lúc chiều tà", "chơi với bình minh vàng", "chơi với vầng trăng bạc". Nào là những thú vui không điểm dừng: "ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn", "ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao". Tất cả dường như đều quá cuốn hút, khơi gợi được lòng hiếu kì và ham muốn khám phá của đứa trẻ. Và đó chính là thử thách mà em bé trong tác phẩm phải vượt qua. 

Đứng trước những lời gọi mời hấp dẫn, ban đầu em bé cũng đã có chút dao động khi ngay lập tức hỏi về cách để đi cùng với những người "trên mây" và "trong sóng". Tuy nhiên, sau đó, hình ảnh người mẹ ngay lập tức xuất hiện trong tâm trí. "Mẹ mình đang đợi ở nhà", "Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?", "Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?". Những suy nghĩ, lời nói của em bé luôn gắn với hình ảnh người mẹ thân yêu. Chúng cứ lặp đi lặp lại như một lời nhắc nhở. Chính vì vậy, em đã gạt bỏ đi niềm vui thích cá nhân, lựa chọn ở lại, trở về bên gia đình của mình. Không những thế, em bé còn tự nghĩ ra những trò chơi "vui hơn", "thú vị hơn" để được ở cạnh và chơi đùa cùng mẹ. Tự mình hóa thân thành "mây", "sóng", đứa con ấy đã gắn hình ảnh của mẹ với "trăng", với "bến bờ kì lạ". Em bé muốn "ôm" lấy mẹ, "lăn" rồi "cười vang vỡ tan vào lòng mẹ". Hình ảnh đó thật quá đỗi ấm áp, bình yên. Đối với người con thơ, niềm vui chỉ thật sự trọn vẹn khi có mẹ cùng đồng hành. 

Qua đó, có thể thấy em bé trong tác phẩm tuy vẫn còn rất ngây thơ, hồn nhiên nhưng đã ý thức được về tầm quan trọng của gia đình. Tình mẫu tử thiêng liêng đã giữ chân em, giúp em đưa ra những quyết định sáng suốt, phù hợp cho bản thân. Bên cạnh đó, chính người mẹ cũng là một bến đỗ, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho đứa con thơ. Tình yêu thương, sự chở che, bao bọc của mẹ đã định hướng cho con đi đúng đường. Tình cảm ấy đến từ cả hai phía. Nó thiêng liêng, cao cả, chiến thắng mọi cám dỗ bên ngoài. Bằng những hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ, tác giả đã giúp người đọc có những liên tưởng độc đáo, từ đó mang đến bài học về tình mẫu tử gắn bó, cao khiết và bất diệt. 

Với tác phẩm "Mây và sóng", Ta-go đã mang đến cho mọi thế hệ độc giả một góc nhìn thật mới mẻ về tình mẫu tử. Đó là cái nhìn của một người con ngoan ngoãn, hiếu thảo, dám bỏ qua thú vui cá nhân mà hướng về gia đình, về những điều thực sự có giá trị trong cuộc sống. Jodi Picoult đã khẳng định: "Nơi tốt nhất để bạn rơi nước mắt chính là trên cánh tay mẹ". Chính mẹ, chính gia đình sẽ luôn là điểm tựa tinh thần vững chãi cho con người trên hành trình trưởng thành. Vậy nên mỗi người đều cần biết trân trọng, bảo vệ và phát huy tình yêu cao cả, thiêng liêng đó. 

 

2. Bài văn mẫu Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng hay nhất - Mẫu 2

Ta- go, một nhà văn, nhà thơ lớn của văn học thế giới nói chung và văn học Ấn Độ nói riêng. Ông để lại cho nước nhà một thành tựu văn học rực rỡ với hơn 1000 bài thơ và hàng trăm truyện ngắn, bên cạnh đó còn có số lượng lớn các tác phẩm kịch, ký,...

Thơ ca Ta- go viết về những đề tài bình dị nhưng mang nội dung sâu sắc, nhân văn. Một trong những đề tài luôn được ông cả ngợi và đề cao là đề tài tình mẫu tử. Với Ta- go, tình mẫu tử luôn luôn bất diệt, sự yêu thương của lòng mẹ chính là sức mạnh cứu rỗi và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người con. Khi đọc bài thơ "Mây và sóng" của tác giả, ta không khỏi xúc động trước tình mẫu tử đầy thiêng liêng, sâu nặng.

Mượn lời kể đầy hồn nhiên và chân thành, pha chút hóm hỉnh nơi tâm hồn trẻ thơ, qua cuộc đối thoại giữa người con với những nhân vật khác, ta thấy được tình cảm của em bé dành cho người mẹ của mình.

Am hiểu tính cách trẻ thơ thích những điều mới lạ, mở đầu nhà thơ đã đặt ra thử thách đầy sức hấp dẫn cho em bé bằng lời mời gọi thú vị của những người bạn trong tự nhiên:

" Mẹ ơi, trên mây có người gọi con: Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà.
Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc..."

Từ trên mây, có tiếng người gọi con thủ thỉ lời rủ rê vào cuộc chơi. Nơi đó con chưa từng đến bao giờ, con từng thấy nhưng chưa từng được nghe tiếng mây nói. Con cũng chưa từng được tham gia những trò chơi từ sáng đến đêm, với bình minh vàng, vầng trăng bạc, và chắc hẳn con cũng thấy thật thú vị và háo hức muốn được tới vùng trời ấy tham quan. Vì vậy, sau lời mời ấy, em đã không ngại mà buông lời thắc mắc là làm sao con có thể lên đó để hoà nhập:

" Con hỏi : Nhưng làm thế nào mình lên đó được ?
Họ trả lời: "Hãy đến bên bờ trái đất,và đưa tay lên trời, em sẽ được nhấc bổng lên mây."

Mây kia nghe câu hỏi từ em, cũng nhanh chóng nói với em điều thắc mắc. Nếu em bé muốn đi, lúc ấy hãy đến bên bờ của trái đất, bàn tay mây sẽ nhấc bổng em lên. Điều đó thật đơn giản với em biết bao, nhưng có gì đó khiến cản bước chân em, đó phải chăng là hình bóng mẹ ở nhà đang đợi em về:

" Con nói: "Mẹ tôi đang đợi ở nhà
Con nói: "Mẹ tôi đang đợi ở nhà
Làm sao tôi có thể bỏ mẹ tôi mà đi được?"
Thế là họ cười rồi bay đi mất.
Nhưng con biết một trò chơi thích hơn trò ấy, mẹ ơi.
Con sẽ là mây và mẹ sẽ là trăng.
Con sẽ lấy hai tay trùm lên người mẹ,
Và mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm."

Lòng em luôn bên mẹ, luôn muốn mẹ cùng em. Nhưng nếu bây giờ em theo chơi với áng mây kia, mẹ sẽ ở nhà cùng ai? mẹ đang đợi em về mà. Ngày lúc ấy, em đã từ chối sống một cách đầy thẳng thắn: " Làm sao tôi có thể bỏ mẹ mà đi được?". Mây dường như cũng hiểu lòng em, cảm nhận được tình yêu em dành cho mẹ lớn lao nêu cũng chỉ biết mỉm cười rồi từ biệt em mà thôi. Khi mây đi, em cũng chẳng hề tiếc nuối mà trái lại em háo hức sáng tạo ra một trò chơi mới đầy thú vị cùng mẹ:

" Con là mây và mẹ sẽ là trăng, hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm".

Mây và trăng là những hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ của vũ trụ. Áng mây ưa bay nhảy chính là con, vầng trăng dịu hiền, bao dung chính là lòng mẹ. Mây và trăng song hành cùng nhau cũng như con vẫn luôn quấn quýt, ôm ấp lấy mẹ. Ngôi nhà nơi hai mẹ con ta sống cũng tựa bầu trời xanh kìa, cũng mang màu của sự bình an và hạnh phúc. Dù là trò chơi chốn trần gian nhưng nó cũng đầy thú vị và hấp dẫn biết bao, trò chơi ấy có mẹ và có con, trò chơi ấy có tình thương bền chặt, bao la.

Có lẽ vì chút ghen tị trước tình mẹ con gắn bó, trò chơi thú vị của mẹ cùng em ấy mà sóng cũng muốn tới rủ em chơi cùng:

"Trong sóng có người gọi con: Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao".

Nếu cuộc vui với mây có trăng vàng, mây bạc thì cuộc vui với sóng cũng đầy gợi cảm, mê hoặc và lung linh huyền diệu. Chơi với sóng được ngao du đây đó suốt ngày, được tới những miền đất mới em chưa từng đặt chân đến. Đây chắc chắn là một cuộc du hành đầy thú vị, nghe đến đây, chắc hẳn ai cũng thấy thật muốn bước đi và em cũng thế:

" Nhưng làm thế nào mình đến đó được"

Sóng bảo rằng em chỉ cần nhắm mặt lại, nơi rìa biển sóng sẽ đến mang em đi. Chân em muốn rời đi nhưng lòng còn níu kéo bởi mẹ em đang đợi em về. Chiều dần xuống, nơi nhà mẹ trông ngóng em, sao em lại để mẹ một mình mà đi vì niềm vui riêng của mình được. Bởi thế mà, một lần nữa em lại chọn cách từ chối sóng, từ chối để giữ mẹ bên mình, để được về bên mẹ và cùng mẹ chơi một trò chơi vui vẻ hơn:

" Trong sóng có người gọi con: Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao".

Sóng và bờ đều là hình ảnh ẩn dụ đẹp đẽ. Bến bờ kì lạ nơi mẹ luôn thu hút con, lôi cuốn con, con muốn được khám phá mỗi ngày. Nơi lòng mẹ, con sẽ được cười vang thoả thích, được hạnh phúc chở che, được mãn nguyện tình thương. Nơi lòng mẹ, niềm vui con sẽ thêm phần ngọt ngào, đủ đầy mà sóng, mây kia không hề có được, cũng không thể nào mang lại được cho em.

Sóng, mây là những hình tượng đẹp, bất tử, mượn hai hình tượng ấy để nâng tầm hình tượng của lòng mẹ. Vượt lên cả sóng, mây, tình mẹ dành cho con luôn cao khiết, bất diệt và trái tim con vẫn mãi luôn hướng về mẹ, với con, mẹ là điều tự hào, tuyệt vời và xứng đáng được trân trọng nhất thế gian.

Với tấm lòng yêu thương và sự tin yêu dành cho mỗi người mẹ trong cuộc đời, Ta- go đã viết nên một thì phẩm đầy giá trị như thế. Đọc bài thơ, em càng thêm thương mẹ, thêm thấu hiểu lòng mẹ và sẽ cố gắng thật nhiều mỗi ngày để xứng đáng với những gì mà mẹ đã hy sinh vì gia đình, vì tương lai của em.

------------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-tinh-mau-tu-trong-bai-may-va-song-cua-ta-go-55418n.aspx
 "Mây và sóng" của Ta-go đã đem đến cho chúng ta bài học vô cùng ý nghĩa về tình mẫu tử. Cùng với bài Phân tích tình mẫu tử trong bài Mây và sóng của Ta-go, các em có thể củng cố thêm kiến thức về bài thơ qua việc tham khảo: Phân tích bài thơ Mây và sóng, Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng, Cảm nhận về bài thơ Mây và sóng, Bình giảng bài thơ Mây và sóng.

Tác giả: Thuỳ Chi     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về bài thơ Mây và sóng
Đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình mẫu tử qua bài thơ Mây và sóng
Học trực tuyến môn Ngữ văn lớp 9 ngày 8/4/2020, Đọc hiểu bài thơ Mây và sóng
Kích thước lò vi sóng chuẩn, phổ biến
Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Từ khoá liên quan:

Phan tich tinh mau tu trong bai May va song cua Ta go

, bai tho may va song goi cho ta nhung suy ngam gi ve cuoc song, suy nghi cua em ve bai tho may va song,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Mây và sóng

    Để học tốt ngữ văn lớp 9

    Những mẫu văn Phân tích bài thơ Mây và sóng dưới đây sẽ là những gợi mở và định hướng quan trọng cho các em học sinh trong quá trình em tìm hiểu và phân tích nội dung, nghệ thuật tác phẩm thơ ca đặc sắc về tình mẫu tử thiêng liêng của đại thi hào Ấn Độ R.Ta-go này.

Tin Mới