Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước...

Bài văn Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người sẽ cùng các em tìm hiểu về bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ và thế giới tình cảm đầy phong phú, tha thiết nhưng cũng đầy khắc khoải, âu lo của người thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Bài viết liên quan

Đề bài: Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich nhan dinh day thon vi da la buc tranh dep ve mot mien que dat nuoc

Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước


I. Dàn ý Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Hàn Mặc Tử và tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ".
- Nêu nhận định: "Đây thôn Vĩ Dạ" là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước; là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người"

2. Thân bài:

a. Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh thiên nhiên về một miền quê:

- Bức tranh thôn Vĩ đẹp, thơ mộng:
+ Cảnh vườn Vĩ Dạ mở ra với hình ảnh "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên":
+ Điệp từ "nắng": gợi lên không gian ngập tràn sắc nắng mới.
+ "Nắng hàng cau", "nắng mới lên": thứ nắng đặc trưng của Vĩ Dạ.
+ "Vườn ai": từ phiếm chỉ, bởi đó là khu vườn trong tâm tưởng nhà thơ.
+ Tính từ "mướt quá": gợi vẻ xanh tốt, mơn mởn của khu vườn.
+ Phép so sánh "xanh như ngọc": khu vườn còn ướt sương đêm, lóng lánh dưới ánh nắng như khối ngọc khổng lồ.
+ Hình ảnh " Lá trúc che ngang mặt chữ điền": hình ảnh của khuôn mặt người thiếu nữ xứ Huế e ấp, kín đáo, thấp thoáng sau vòm lá (lấy ý từ ca dao).

- Hình ảnh sông nước mang đặc trưng của xứ Huế:
+ Mây và gió chầm chậm trôi, dòng Hương Giang lững lờ chảy, những bông hoa bắp khẽ lay: vẻ đẹp mang linh hồn xứ Huế.
+ Dòng Hương giang dưới trăng: lộng lẫy dưới ánh trăng giữa đêm khuya tịch mịch.

- Hình ảnh những người con gái trong tà áo trắng tinh khôi:
+ "Áo em trắng quá nhìn không ra": hình ảnh hư ảo, mơ hồ
+ Hình ảnh "em"- người con gái xứ Huế biết bao gần gũi, thương yêu nhưng dù cố gắng cũng chẳng thể nhận thức một cách rõ ràng --> Cảm giác hụt hẫng, bàng hoàng.

b. Tiếng lòng của người thi sĩ yêu đời, yêu người:

- Nỗi nhớ da diết đối với thôn Vĩ Dạ.

- Khát khao được giao cảm với cuộc đời của Hàn Mặc Tử:
+ Khao khát vơi đi nỗi cô đơn: "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?"
+ Nỗi hoài nghi của một người yêu đời, yêu, một tình yêu đầy mặc cảm: "Ai biết tình ai có đậm đà?"
=> Yêu người, yêu đời đến tha thiết

c. Nghệ thuật:

- Hình ảnh thơ có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
- Ngôn ngữ thơ gợi hình, gợi cảm.
- Sử dụng biện pháp tu từ đặc sắc.

3. Kết bài:

Khẳng định lại nhận định.


II. Bài văn mẫu Phân tích nhận định: Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước (Chuẩn)

"Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ Hàn Mặc Tử sáng tác trong những ngày tháng nhà thơ đang dưỡng bệnh ở Yên Hoà, Quy Nhơn. Khi đó, ông nhận được bưu thiếp của bà Kim Cúc - người con gái mà ông "thầm thương trộm nhớ". Bức bưu thiếp là cảnh vườn tược sông nước của Vĩ Dạ - quê hương của bà và cũng là một miền quê mà Hàn Mặc Tử luôn đau đáu giữ trong lòng. Đó là nguồn cảm hứng để ông viết lên "Đây thôn Vĩ Dạ". Chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng: "Đây thôn Vĩ Dạ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người."

Bài thơ được sáng tác năm 1937 và được in trong tập thơ "Đau thương" - một trong những tập thơ nổi bật nhất của Hàn Mặc Tử.

Bài thơ là "bức tranh đẹp về một miền quê đất nước" vậy nên bước vào những vần thơ đầu tiên, Hàn Mặc Tử đã cho người đọc chiêm ngưỡng bức tranh vườn tược mang đậm phong vị của xứ Huế:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

Dễ dàng nhận thấy bức tranh cảnh vườn của Vĩ Dạ được thi nhân miêu tả ở nhiều góc độ, từ xa tới gần, cao xuống thấp, và ở mỗi góc độ, người ta lại thấy được những vẻ đẹp với những màu sắc, chi tiết khác nhau. Nhưng tất cả đều thơ mộng, trong lành, đầy sức sống dưới ánh ban mai. Trong cuộc hành trình bằng tâm tưởng ấy, điểm nhìn đầu tiên của nhà thơ là hàng cau trong nắng mới. Hai từ "nắng" trong cùng một câu thơ gợi lên cả một không gian tràn ngập sắc nắng mới. Ở Vĩ Dạ, cau là loại cây được trồng rất nhiều trong vườn, vậy nên "nắng hàng cau" là thứ nắng đặc trưng của nơi đây. Những thân cau thẳng tắp, vươn thẳng lên trời, đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Nắng mới lan tràn khắp đất trời, phớt hồng trên những lá cau xanh, đó cũng chính là lúc mà ban mai xứ Huế cựa mình. Đặc tả thứ nắng hàng cau, nhưng Hàn Mặc Tử đã làm sống dậy cả một buổi ban mai xứ sở với sự mát lành và tinh khôi nhất. Và hơn thế, trong ánh ban mai ấy là khung cảnh của khu vườn đang thức dậy sau một đêm dài nghỉ ngơi.

Những giọt sương mai trên những nhánh lá xanh hiện lên lung linh, sống động dưới ánh mặt trời buổi sớm: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc". Nhà thơ dùng đại từ phiếm chỉ "vườn ai" bởi đây là khu vườn ở trong tâm tưởng của nhà thơ. Thế nhưng, cảnh vườn lại hiện lên thật lung linh, đầy sức sống. Tính từ "mướt" là một từ ngữ rất bình dị bởi nó là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Vậy mà qua hồn thơ của Hàn Mặc Tử, tính từ ấy lại trở lên gợi hình, gợi cảm vô cùng. "Mướt quá" gợi lên hình ảnh của một vườn cây trái tốt tươi với những chiếc lá xanh mơn mởn đang còn đẫm sương đêm. Những chiếc lá ấy dưới ánh nắng mặt trời dường như mềm dịu đi, rung rinh sắc thắm. Và cảnh vườn càng trở lên sống động hơn với hình ảnh so sánh "xanh như ngọc". Nó gợi lên hình ảnh của khu vườn đang còn đẫm sương đêm, và khi được mặt trời chiếu rọi, nó trở lên lộng lẫy, rực sáng như một khối ngọc khổng lồ. Lời thơ không chỉ là lời miêu tả cảnh sắc vườn tược mà còn là lời trầm trồ của thi nhân về cảnh vườn Vĩ Dạ đẹp đẽ vô ngần.

Về với Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử còn đắm mình trong hình ảnh: "Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Có con người, thiên nhiên, cảnh vườn Vĩ Dạ trở nên hài hoà, ấm áp, tràn trề sinh khí của sự sống. Khuôn mặt người thoáng ẩn hiện sau vòm lá gợi lên hình ảnh của những người con gái Huế với dáng điệu e ấp, thẹn thùng - một nét tính cách rất riêng của con người nơi xứ sở này! Có thể, "mặt chữ điền" trong lời thơ của Hàn Mặc Tử được gợi ý từ câu ca dao rằng:

"Mặt em vuông tựa chữ điền
Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa, có lời thuỷ chung"

Chỉ với một nét vẽ, Hàn Mặc Tử đã tái hiện trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh vật và con người Vĩ Dạ. Không chỉ là khung cảnh đẹp thơ mộng, ấm áp mà còn là những con người với vẻ đẹp bình dị, kín đáo, chân phương.

Không chỉ miêu tả về cảnh vườn của thôn Vĩ, "bức tranh đẹp về một miền quê đất nước" còn là cảnh sông nước mây trời mang đặc trưng của xứ Huế:

"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Một bức tranh phóng khoáng với mây gió đang lững lờ trôi và dòng Hương giang thì lặng lẽ chảy. Trong gió, từng bông hoa bắp rung rinh, lay động nhẹ nhàng. Cả không gian hiện lên trong vẻ đẹp lãng mạn. Khung cảnh ấy mang đậm một vẻ đẹp linh hồn của xứ Huế. Hướng về Vĩ Dạ, nhà thơ còn đặc tả hình ảnh của dòng Hương giang dưới bóng trăng khuya. Một mặt sông lấp lánh ánh vàng, lộng lẫy và một con thuyền nhỏ đang neo đậu trên sông vắng cũng tràn ngập ánh trăng. Ánh trăng khiến cho dòng sông thêm thơ mộng, khiến cho cả không gian bừng lên, rực rỡ giữa cái tĩnh mịch của đêm khuya. Một vẻ đẹp mà khiến cho con người ta khó có thể quên.

Và cuối cùng, bức tranh về miền quê Vĩ Dạ dừng ở hình ảnh người con gái xứ Huế: "Áo em trắng quá nhìn không ra". Vĩ Dạ hiện lên trong bảng lảng khói sương, thấp thoáng những bóng hình người con gái với tà áo dài trắng tinh khôi. Đặt trong hệ thống thi ảnh: vườn ngọc, nắng mới, thuyền trăng, hình ảnh người con gái hiện lên với "áo trắng" ánh lên sắc thái đẹp kì lạ. Bức tranh về Vĩ Dạ - một miền quê hương thiêng liêng trong lòng Hàn Mặc Tử hiện lên với sự bình dị, trong trẻo, mang những đặc trưng, linh hồn của xứ Huế. Dựng lên được bức tranh với đầy những chi tiết như thế. hẳn thi nhân phải gắn bó, phải yêu thương mảnh đất và con người nơi đó đến chừng nào? Quả thực bức tranh về Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử đẹp vô cùng!

Thế nhưng "Đây thôn Vĩ Dạ" không chỉ là bức tranh về một miền quê hương thân thương trong lòng Hàn Mặc Tử, mà nó còn "là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu đời, yêu người". Khi viết tác phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" là khi Hàn Mặc Tử đang ở trong trại phong và chịu những đau đớn từ bệnh tật. Vậy mà chỉ với một tấm bưu thiếp, ông đã viết lên một tác phẩm tuyệt vời với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của Vĩ Dạ xứ Huế. Nếu không yêu đời, yêu thiên nhiên thì sao ông có thể viết lên những vẫn thơ với bức tranh phong cảnh đẹp say đắm lòng người đến như thế. Câu hỏi tu từ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" đã khắc đậm nỗi nhớ nhung của tác giả về xứ Huế. "Không về" chứ không phải là "chưa về", tác giả ý thức được mình khó có thể quay về nơi đây, chỉ có thể trở về trong tâm tưởng.

"Đây thôn Vĩ Dạ" còn thể hiện nỗi khao khát được giao cảm với đời của thi sĩ. Câu hỏi tu từ "Có chở trăng về kịp tối nay?" cho thấy sự gấp gáp, khẩn trương về mặt thời gian. Chịu sự giày vò đau đớn của bệnh tật, trong đêm tối, chỉ có trăng làm bạn, làm điểm tựa tinh thần với thi sĩ. Câu hỏi ấy đã cho thấy khao khát được sẻ chia, thấu hiểu của thi sĩ. Bài thơ còn là tiếng lòng của người nghệ sĩ trong tình yêu đơn phương với người con gái xứ Huế mộng mơ. Ông đã đem tình yêu ấy giấu kín sau những con chữ, đó là một tình yêu cháy bỏng nhưng tuyệt vọng, đau đớn, chỉ dám "mơ" về "khách đường xa". Chính vì mang trong mình mặc cảm cho nên trong tâm thức Hàn Mặc Tử luôn tồn tại nỗi hoài nghi, yêu một tình yêu đầy mặc cảm: "Ai biết tình ai có đậm đà?". Từ "ai" thứ nhất chỉ nhân vật trữ tình, từ "ai" thứ hai có thể hiểu theo nghĩa hẹp là "em" và rộng hơn là tình người, tình đời trong cõi nhân gian. Không phải là thi sĩ không tin mà là không dám tin, không biết mình có thể hay có quyền tin hay không. Đó là nỗi hoài nghi của một người yêu đời, yêu sống đến mãnh liệt, tối đa.

Bằng những hình ảnh và ngôn ngữ thơ gợi hình, gợi cảm cùng những biện pháp tu từ đặc sắc, Hàn Mặc Tử đã mang tới cho chúng ta bức tranh về Vĩ Dạ, xứ Huế với những khung cảnh thiên nhiên đẹp yên bình, thơ mộng. Đằng sau bức tranh ấy là tấm lòng của người thi nhân đang cô đơn cùng tình yêu tha thiết với thiên nhiên, con người nơi xứ Huế đó.

---------------HẾT------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhan-dinh-day-thon-vi-da-la-buc-tranh-dep-ve-mot-mien-que-dat-nuoc-68885n.aspx
"Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong những tác phẩm hay nhất, đặc sắc nhất của phong trào Thơ mới. Bài thơ đã khẳng định tên tuổi của Hàn Mặc Tử trên diễn đàn văn học Việt Nam. Cùng tìm hiểu rõ hơn về tác phẩm này thông qua các bài viết như: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích nỗi khát khao tình đời và tình người trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ nhé!

Tác giả: Duy Tâm     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

phan tich nhan dinh day thon vi da la buc tranh dep ve mot mien que dat nuoc

, phan tich buc tranh thien nhien trong day thon vi da, day thon vi da la buc tranh dep ve mot mien que dat nuoc la tieng long cua mot thi si tha thiet yeu doi yeu nguoi,

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Nghị luận về vấn đề rác thải nhựa hiện nay, văn mẫu 9

    Taimienphi đã biên soạn dàn ý và tuyển chọn những bài văn mẫu nghị luận về vấn đề rác thải nhựa từ các học sinh giỏi để em tham khảo và hoàn thiện