Taimienphi.vn sẽ tổng hợp và chia sẻ dàn ý cùng với 2 bài văn mẫu Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II do Taimienphi.vn biên soạn. Các em cùng đọc để hiểu rõ hơn về vẻ đẹp tâm hồn của nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ kiệt xuất - Nguyễn Trãi cũng như trau dồi được kiến thức, có cách viết bài văn hay.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một nét đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ Dục Thúy sơn.
Phân tích nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi hay nhất
I. Dàn ý Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn
1. Mở đoạn: giới thiệu nét đẹp tâm hồn cần phân tích.
2. Thân đoạn: Phân tích cụ thể nét đẹp đó. Gợi ý:
* Tình yêu thiên nhiên:
- Ngắm nhìn khung cảnh núi Dục Thúy từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể.
- Có những liên tưởng, so sánh độc đáo trong việc miêu tả, khắc họa từng cảnh sắc.
* Tấm lòng "uống nước nhớ nguồn":
- Hoài niệm, nhớ thương về Trương Thiếu bảo.
* Tâm hồn trăn trở, suy tư về cuộc đời:
- Những suy ngẫm về con người, dân tộc và lịch sử.
3. Kết đoạn: khẳng định lại vẻ đẹp tâm hồn đó.
II. Đoạn văn phân tích nét đẹp tâm hồn Nguyễn trãi trong bài Dục Thúy Sơn tham khảo
1. Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn - mẫu số 1
Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, Nguyễn Trãi đã khéo léo vẽ nên một bức tranh phong cảnh tuyệt sắc nơi núi Dục Thúy qua sáng tác "Dục Thúy sơn". Trước hết, thi sĩ miêu tả dáng núi giống như bông hoa sen hương sắc, đang nở rộ trên dòng nước. Hình ảnh ẩn dụ "Liên hoa phù thủy thượng" đã góp phần lột tả vẻ đẹp thanh khiết, trong trẻo của thiên nhiên. Tiếp đến, hàng loạt các liên tưởng độc đáo, mới lạ "Tháp ảnh trâm thanh ngọc/ Ba quang kính thúy hoàn" được sử dụng. Từ đây, núi Dục Thúy giống như cảnh đẹp chốn tiên rơi xuống cõi tục tầm thường. Có thể thấy, Nguyễn Trãi quả là một người yêu thiên nhiên. Ông cảm nhận vẻ đẹp mà đất trời ban tặng bằng cả tấm lòng cao đẹp cùng niềm trân trọng, nâng niu.
2. Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn - mẫu số 2
Hai câu thơ cuối trong bài thơ "Dục Thúy sơn" đã cho ta thấy được nỗi niềm nhớ tiếc, hoài cổ của Nguyễn Trãi về Trương Thiếu bảo. Ngắm nhìn bia đá lấm tấm rêu, tác giả không khỏi bồi hồi nghĩ tới vị danh sĩ thời Trần - Trương Hán Siêu "Hữu hoài Trương Thiếu bảo;/ Bi khắc tiển hoa ban". Hai chữ "hữu hoài" bộc lộ tấm lòng thương nhớ của Ức Trai. Đồng thời, việc ông gọi danh sĩ nhà Trần bằng tên họ và chức danh cao quý "Trương Thiếu bảo" cũng thể hiện thái độ cung kính, quý trọng tiền nhân. Như vậy, dẫu thời thế đổi thay, mọi thứ lùi vào dĩ vãng nhưng tấm lòng "uống nước nhớ nguồn" của con người vẫn mãi tỏa sáng bền bỉ.
Bài văn mẫu phân tích Dục Thúy Sơn hay thể hiện được nét đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi
3. Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn - mẫu số 3
"Dục Thúy sơn" được coi là một bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Trãi. Bên cạnh việc khắc họa khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa nên thơ ở ngọn núi tiên Dục Thúy, thi nhân còn khéo léo bày tỏ những trăn trở, suy tư về cuộc đời. Nhìn ngắm bia đá khắc thơ văn, nỗi niềm thương nhớ, hoài niệm cố nhân lại trào dâng trong lòng. Chứng kiến cảnh thế sự vô thường, sao dời vật đổi, nhà thơ cũng trầm ngâm nghĩ tới con người, lịch sử, dân tộc. Có thể thấy, dù đứng giữa cảnh sắc thiên nhiên đất trời tươi đẹp nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn canh cánh nỗi niềm về đời. Điều này đã cho thấy tâm hồn hướng nội sâu sắc của ông.
Không chỉ bài phân tích nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong tác phẩm, Taimienphi.vn còn tổng hợp các bài văn mẫu hay liên quan tới tác phẩm của Nguyễn Trãi như Phân tích Ngôn chí hay nhất, bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Dục Thúy sơn và cả bài Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Dục Thúy sơn..., các em cùng tham khảo để làm bài dễ dàng nhé.
4. Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn - mẫu số 4
Đọc bài thơ "Dục Thúy sơn", ta không chỉ đơn thuần có những hình dung cụ thể về ngọn núi Dục Thúy mà còn thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thiên nhiên sâu sắc của thi nhân. Nhà thơ đã miêu tả bức tranh toàn cảnh núi Dục Thúy qua hai câu thơ "Liên hoa phù thủy thượng;/ Tiên cảnh trụy trần gian". Sau đó, khéo léo khắc họa cận cảnh ngọn núi trong những dòng thơ tiếp theo. Hình ảnh so sánh "Tháp ảnh trâm thanh ngọc/ Ba quang kính thúy hoàn" đã giúp người đọc có hình dung cụ thể về chốn non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Giờ đây, vẻ đẹp của thiên nhiên được ví như nét đẹp trong trẻo của người con gái dịu dàng, thướt tha. Có thể nói, nhờ những quan sát tinh tế, liên tưởng mới lạ, cảnh vật hiện lên thật nên thơ.
5. Phân tích một nét đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong Dục Thúy sơn - mẫu số 5
Tình yêu dành cho thiên nhiên sâu đậm của Nguyễn Trãi được thể hiện rõ nét qua thi phẩm "Dục Thúy sơn". Đứng trước cảnh sắc tươi đẹp của núi Dục Thúy, nhà thơ không tiếc lời ca ngợi nơi đây là "tiên san" hay "tiên cảnh trụy trần gian". Để miêu tả cụ thể vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, ông còn sử dụng hàng loạt hình ảnh so sánh, ẩn dụ độc đáo mới mẻ như "Liên hoa phù thủy thượng", "Tháp ảnh trâm thanh ngọc;/ Ba quang kính thúy hoàn". Ngọn núi kì vĩ, lớn lao ở ngay cửa biển vì thế mà trở nên đẹp đẽ như bông hoa sen thanh cao, thuần khiết. Bóng tháp phản chiếu trên sóng nước cũng trở nên yêu kiều như chiếc trâm của người thiếu nữ. Có thể thấy, thi sĩ đã cảm nhận thiên nhiên bằng một tình yêu say đắm, tâm hồn lãng mạn và thi vị.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-mot-net-dep-tam-hon-nguyen-trai-the-hien-trong-duc-thuy-son-73987n.aspx
Đối với dạng bài này, em cần giới thiệu nét đẹp tâm hồn, sau đó tiến hành phân tích cụ thể. Để có những chuẩn bị tốt nhất khi học văn bản Dục Thúy sơn, em hãy theo dõi và tham khảo thêm văn mẫu lớp 10 khác để học tốt môn học này nhé.