Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

Phân tích hình tượng nhân vật văn học là dạng đề quen thuộc khi học Ngữ văn 10. Dưới đây là dàn ý và bài tham khảo Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì I. Mời em theo dõi và tham khảo.

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

phan tich hinh tuong nhan vat dam san trong dam san di bat nu than mat troi

Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời ngắn gọn
 

I. Dàn ý Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

1. Mở bài: giới thiệu đoạn trích và nhân vật.
2. Thân bài:
* Trình bày hoàn cảnh của nhân vật Đăm Săn:
- Đăm Săn muốn chinh phục Nữ Thần Mặt Trời.
- Khi tới làng Đăm Par Kvây, Đăm Par Kvây đã khuyên nhủ Đăm Săn không nên vào rừng để đến gặp Nữ Thần Mặt Trời vì nguy hiểm.
- Đăm Săn với mục tiêu kiên định đã quyết chí lên đường, tìm tới nhà Nữ Thần.
- Quá trình tới nhà nữ thần gặp nhiều gian nan.
* Phân tích và nhận xét về hình tượng, tính cách, phẩm chất,... của nhân vật Đăm Săn:
- Đăm Săn là người có sức mạnh phi thường: "Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây.".
- Đăm Săn còn là người có khát vọng lớn lao: muốn chinh phục Nữ Thần để nàng làm vợ mình.
- Đăm Săn là người có lòng dũng cảm, bản lĩnh cao cả, luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách:
+ Khi nghe Đăm Par Kvây nói về các trở ngại trong rừng sâu, chàng không hề run sợ hay nao núng. -> vẫn quyết tâm lên đường.
+ Vượt qua khó khăn, gian khổ của tự nhiên và đến được nhà của Nữ Thần.
+ Khi bị Nữ Thần từ chối, Đăm Săn không hề tỏ ra đau buồn "Tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy. Tôi quay về ăn thịt trâu thịt bò của tôi vậy".
-> Đăm Săn mang trong mình những vẻ đẹp tiêu biểu của người anh hùng sử thi -> tô đậm khát khao trong việc chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi ở người anh hùng.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Khắc họa nhân vật thông qua việc sử dụng ngôn từ đậm chất hùng tráng, giàu hình ảnh, và các thủ pháp phóng đại, cường điệu và so sánh.
- Lời văn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả.
* Mở rộng liên hệ với nhân vật Héc-to trong đoạn trích "Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác":
- Nhân vật Héc-to cũng mang trong mình lòng dũng cảm, nhiệt huyết, khát vọng lớn lao. Cả hai nhân vật đều can đảm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách.
* Suy nghĩ và cảm xúc bản thân về nhân vật:
- Nhân vật Đăm Săn để lại ấn tượng sâu sắc bởi những vẻ đẹp phẩm chất đáng quý.
- Thông qua nhân vật này, ta thấy được lời ngợi ca, ngưỡng mộ của người xưa về một vị anh hùng cộng đồng tài giỏi.
3. Kết bài:
- Nêu khái quát thành công của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.
- Nêu cảm nghĩ của em về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.

Phan tich Dam San di bat Nu than Mat Troi

Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời
 

II. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời


1. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời ngắn nhất

Đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" là một trích đoạn tiêu biểu của sử thi "Đăm Săn". Thông qua câu chuyện tìm đến nhà Nữ Thần, các tác giả dân gian đã khắc họa chân thực vẻ đẹp nhân vật Đăm Săn - một người tài giỏi, dũng cảm. Từ đó, bày tỏ lời ngợi ca, ngưỡng mộ tới người anh hùng sử thi.

Sau khi giành chiến thắng trước Mtao Grự và Mtao Mxây, Đăm Săn trở về với rất nhiều chiến lợi phẩm. Chàng trở nên giàu có, lớn mạnh tới mức "danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi". Mặc dù cuộc sống sung túc, vẹn đầy nhưng chàng vẫn thấy chưa vừa ý. Tận sâu bên trong con người chàng là khao khát chinh phục Nữ Thần để "từ người Ê-đê bên bờ sông cho đến người Mnông ở dưới thấp không còn một ai dám trái lời". Vì thế, chàng quyết tâm lên đường, tìm tới nhà rồi cầu hôn Nữ Thần Mặt Trời. Thông qua chuyến đi đầy mạo hiểm, thử thách, các tác giả dân gian đã khắc họa sắc nét người anh hùng Đăm Săn với những vẻ đẹp phẩm chất đáng quý.

Đầu tiên, Đăm Săn hiện lên là người có sức mạnh phi thường hơn người. Chàng đi tới đâu cũng thu hút ánh mắt của mọi người "Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần". Thân hình, vóc dáng vạm vỡ, khỏe khoắn là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh to lớn ở chàng. Tiếp đến, Đăm Săn còn là người mang trong mình khát vọng lớn lao. Cuộc sống giàu có, sung túc của một vị tù trường cũng không thể ngăn cản bước chân chàng. Chàng khát khao chinh phục được Nữ Thần Mặt Trời để nàng làm vợ mình.

Bên cạnh đó, Đăm Săn cũng là người anh hùng dũng cảm, có bản lĩnh, luôn sẵn sàng đương đầu, đối mặt với thử thách. Khi bạn mình - Đăm Par Kvây nói về các trở ngại sắp tới, Đăm Săn không lấy làm lo lắng mà từ bỏ. Chàng kiên định với mục tiêu ban đầu của bản thân "Diêng không cho tôi đi, cũng mặc". Dù không có bạn đồng hành, dù phía trước là khó khăn, thử thách, chàng vẫn vững chí mà lên đường. Câu nói cuối cùng với Đăm Par Kvây "Tôi không sợ đâu" của Đăm Săn thật khí phách làm sao! Hành trình tìm đến nhà Nữ Thần có vô vàn nguy hiểm, gian nguy bày ra trước mắt. Thế nhưng, vị tù trường tài ba đã can đảm đối mặt và đương đầu. Chàng mạnh mẽ vượt qua các trở ngại từ thiên nhiên núi rừng "Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống". Hình bóng chàng cô đơn đi trong "rừng núi quạnh hiu, vắng như không, không như vắng" làm ta càng thêm khâm phục ý chí ở người anh hùng. Đặc biệt, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng đối diện với khó khăn còn được thể hiện rõ nét ở cuối đoạn trích. Khoảnh khắc bị Nữ Thần từ chối, thay vì bi lụy, đau khổ, chàng vẫn giữ vững sự uy nghiêm của bản thân "Sống được chết đành! Tôi về đây". Không chút lưu luyến, chàng lên ngựa trở về quê hương.

Có thể nói, các tác giả đã rất thành công trong việc khắc họa nhân vật thông qua sử dụng ngôn từ đậm chất hùng tráng, giàu hình ảnh. Nhờ đó, Đăm Săn hiện lên thật nổi bật "Khách mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài một áo chiến cũng thật là đẹp.". Thủ pháp so sánh, phóng đại, cường điệu cũng được sử dụng nhuần nhuyễn, góp phần tô đậm vẻ đẹp của người anh hùng "Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy", "trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm". Ngoài ra, các tác giả dân gian đã biết kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả trong lời văn nhằm lột tả chân thực nhân vật.

Đọc sử thi, ta lại nhớ đến vị hoàng tử thành Tơ-roa - Héc-to trong đoạn trích "Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác", chàng cũng sáng ngời vẻ đẹp anh hùng. Đứng trước khó khăn, hiểm nguy, Đăm Săn và Héc-to đều dũng cảm đối diện, đưa ra lựa chọn sáng suốt. Có thể nói, hai nhân vật đến từ hai nền văn hóa khác nhau đều khiến chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ, yêu mến về vẻ đẹp lí tưởng.

Hình ảnh vị tù trưởng dũng cảm Đăm Săn trong đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" sẽ mãi in sâu trong tâm trí bạn đọc. Thông qua nhân vật, các tác giả dân gian đã bày tỏ niềm yêu mến, ngưỡng mộ, ngợi ca về người anh hùng cộng đồng. Đồng thời, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên, mở mang bờ cõi.


2. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời chi tiết

Sử thi "Đăm Săn" của người Ê-đê đã trở thành "món ăn tinh thần" của bao thế hệ con người. Trải qua năm tháng, hình ảnh vị tù trưởng Đăm Săn tài giỏi, dũng cảm luôn in sâu trong tiềm thức chúng ta. Đặc biệt, trong đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời", hình tượng Đăm Săn hiện lên thật nổi bật với những phẩm chất tốt đẹp.

Sau khi giải cứu vợ mình khỏi tay Mtao Grự và Mtao Mxây, Đăm Săn trở nên vô cùng giàu có. Danh tiếng của chàng vang tới tận thần linh và toàn bộ núi rừng. Tuy nhiên, chàng không muốn thỏa hiệp một cuộc sống như vậy. Vì thế, với bản lĩnh cao cả, chàng đã quyết tâm lên đường, tìm đến nhà Nữ Thần Mặt Trời để bắt nàng về. Khi tới làng Đăm Par Kvây, Đăm Par Kvây tận tình khuyên nhủ Đăm Săn không nên vào rừng để đến gặp Nữ Thần. Sau tất cả, chàng vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu. Trên con đường tới gặp Nữ Thần, chàng trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Từ đây, những phẩm chất, đức tính đáng quý của người anh hùng đã được gợi lên vô cùng chân thực, rõ nét.

Trước hết, Đăm Săn là người có sức mạnh phi thường. Tác giả dân gian đã sử dụng thủ pháp cường điệu, phóng đại để miêu tả sức mạnh của người anh hùng này. Mỗi bước đi, mỗi cái giậm chân ở Đăm Săn đều toát ra khí thế hơn người "Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây.". Chàng đi tới bất kể nơi đâu đều thu hút ánh mắt của quần chúng nhân dân "Bọn đàn ông con trai trong làng chạy ra tận giếng làng để xem...", "Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần".

Bên cạnh đó, Đăm Săn cũng là người có khát vọng lớn lao. Chàng muốn chinh phục Nữ Thần để nàng làm vợ mình. Mặc dù sau chiến thắng với Mtao Mxây và Mto Grự, chàng trở nên vô cùng giàu mạnh. Tuy nhiên, bản lĩnh người anh hùng đã thôi thúc chàng đi chinh phục một thứ gì đó tốt đẹp hơn. Nghĩ là làm, chàng quyết tâm lên đường, tìm tới nhà Nữ Thần để "từ người Ê-đê bên bờ sông cho đến người Mnông ở dưới thấp không còn một ai dám trái lời".

Có thể nói, chuyến đi tới nhà Nữ Thần đã tô đậm vẻ đẹp phẩm chất của người anh hùng Đăm Săn. Ở chàng, ta thấy nổi bật tinh thần dũng cảm và bản lĩnh cao cả. Khi Đăm Par Kvây nói về các trở ngại trong rừng sâu, chàng không hề run sợ hay lo lắng. Thay vào đó, chàng tiếp tục đưa ra những quyết định của bản thân "diêng không cho tôi đi, cũng mặc. Tôi đã mang theo đây các ngải...". Đứng trước lời dự báo từ bạn mình về con đường sắp tới "nước thì nhiều đỉa, rừng thì nhiều vắt, người ta chưa hề đem nhau đi vào đó bao giờ...", Đăm Săn chẳng vì thế mà khuất phục. Chàng vẫn quyết tâm lên đường "Mặc, diêng cứ để tôi làm bàn trang tôi san đường tôi đi". Là vị anh hùng của cộng đồng, Đăm Săn còn nổi bật với sự bền gan quyết chí, luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách. Chàng giữ vững thái độ kiên quyết ở bản thân dù chông gai phủ đầy phía trước "gặp cọp, tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác, tôi sẽ giết tê giác". Bằng đôi bàn tay khỏe mạnh, chàng đã phá tan trở ngại từ thiên nhiên "cỏ tranh xé tay, gai mây dâm chân, không màng ăn uống". Hay giây phút bị Nữ Thần từ chối, chàng không tỏ ra đau buồn, thất bại "Tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy, tôi quay về ăn thịt trâu thịt bò của tôi vậy". Tuy cuộc chinh phục không thành, chàng vẫn sáng ngời khí phách anh hùng "Sống được chết đành". Bỏ qua lời căn ngăn việc bản thân sẽ gặp nguy hiểm lúc Mặt Trời lên cao, Đăm Săn vẫn quyết chí lên ngựa quay về quê nhà.

Một trong những yếu tố làm nên thành công cho tác phẩm còn đến từ hình thức nghệ thuật. Các tác giả dân gian đã khắc họa sắc nét nhân vật thông qua sử dụng ngôn từ hùng tráng, giàu hình ảnh "trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm". Ngoài ra, việc sử dụng các thủ pháp phóng đại, cường điệu và so sánh cũng góp phần tô đậm vẻ đẹp ở người anh hùng cộng đồng. Từ đây, chàng mang khí thế uy nghiêm, lớn mạnh mà người thường chẳng thể có được "Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy", "Lông chân như chải, lông đùi như chuốt, tiếng nghe như chong chóng gõ mõ". Nét đặc sắc trong nghệ thuật còn được thể hiện qua lời kể. Các lời văn đã có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả.

Như ta thường thấy, nhân vật sử thi là người anh hùng đại diện cho một cộng đồng, tập thể nào đó. Những nhân vật này luôn tỏa sáng phẩm chất cao quý, tốt đẹp. Ta bắt gặp hình ảnh chủ soái quân đội thành Tơ-roa - hoàng tử Héc-to trong đoạn trích "Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác". Nhân vật Héc-to cũng giống vị tù trưởng Đăm Săn, luôn dũng cảm, nhiệt huyết và có khát vọng lớn lao. Cả hai nhân vật đều mang trong mình lòng can đảm, dám đương đầu, đối mặt với khó khăn, thử thách.

Sau khi đọc xong đoạn trích, nhân vật Đăm Săn đã để lại cho em ấn tượng vô cùng sâu sắc. Chàng mãi là người anh hùng sử thi dũng cảm, bản lĩnh. Thông qua nhân vật Đăm Săn, em còn thấy được khát khao chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi ở người xưa.

Đoạn trích "Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời" đã cho thấy những sáng tạo độc đáo của người xưa về việc xây dựng nhân vật anh hùng thông qua hình tượng Đăm Săn - một con người tài giỏi, khí phách. Qua đó, các tác giả dân gian cũng khéo léo bày tỏ tấm lòng yêu mến, ngợi ca về người anh hùng cộng đồng.

--------------------------HẾT-------------------------

Mong rằng, bài tham khảo Phân tích hình tượng nhân vật Đăm Săn trong Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời do Taimienphi.vn biên soạn ở trên sẽ giúp em có những ý tưởng mới mẻ khi viết bài. Taimienphi.vn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 chất lượng khác như:
Soạn bài Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời
- Phân tích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời
- Viết đoạn văn phân tích một chi tiết mà bạn cho là đặc sắc nhất trong đoạn trích Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-tuong-nhan-vat-dam-san-trong-dam-san-di-bat-nu-than-mat-troi-72383n.aspx
Mời em ghé thăm trang và tham khảo.

Tác giả: Chipu     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Giải toán lớp 6 trang 37 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Từ khoá liên quan:

nhan vat Dam San trong Dam San di bat Nu Than Mat Troi

, hinh tuong nhan vat Dam San trong Dam San di bat Nu Than Mat Troi, phan tich hinh tuong nhan vat Dam San trong Dam San di bat Nu Than Mat Troi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới