Kho tàng văn học dân gian Việt Nam chứa đựng vô vàn kinh nghiệm quý báu cùng những lời răn dạy được đúc kết từ ngàn đời. Một trong những bài học quý giá mà cha ông để lại cho thế hệ sau là "Giấy rách phải giữ lấy lề". Qua bài Nghị luận xã hội về lời dạy Giấy rách phải giữ lấy lề, các em sẽ hiểu được bài học sâu sắc mà ông cha gửi gắm trong đó.
Đề bài: Nghị luận xã hội về lời dạy Giấy rách phải giữ lấy lề
Nghị luận xã hội về lời dạy Giấy rách phải giữ lấy lề
I. Dàn ý Nghị luận xã hội về lời dạy Giấy rách phải giữ lấy lề (Chuẩn)
1. Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận: gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị cốt lõi của con người.
- Trích dẫn câu tục ngữ "giấy rách phải giữ lấy lề"
2. Thân bài
a. Giải thích ý nghĩa một số từ trong câu tục ngữ nhằm rút ra vấn đề nghị luận.
- "Lề" là phần cố định những cuốn sách, cuốn vở. "Lề" ẩn dụ cho những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị cốt lõi của con người.
- "Giấy rách" ẩn dụ cho khó khăn, mất mát trong cuộc sống.
- Câu tục ngữ ngụ ý khuyên con người nên biết quý trọng và giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị quý báu của bản thân.
b. Đánh giá về câu tục ngữ
- Câu tục ngữ nêu quan điểm đúng đắn về trách nhiệm của con người với chính mình trong cuộc sống.
c. Lý giải nguyên nhân cần biết giữ gìn những phẩm chất quý báu, những giá trị cốt lõi của con người.
- Giữ gìn được những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị cốt lõi khi đối diện với khó khăn sẽ giúp chúng ta trưởng thành và thành công.
- Người giữ gìn được những điều quý giá của chính mình khi đối diện với những khó khăn sẽ được mọi trân trọng, tôn vinh.
- Biết giữ gìn phẩm chất của chính mình thì sẽ giúp đỡ được mọi người cùng vượt qua hoàn cảnh, trở ngại.
d. Phản đề và bài học rút ra từ câu tục ngữ
- Bên cạnh những người viết quý trọng và giữ gìn phẩm chất của bản thân thì còn có những người dễ sa ngã, đánh mất chính mình.
- Chúng ta cần luôn luôn trau dồi bản lĩnh cho bản thân để sẵn sàng đối diện khó khăn thử thách.
3. Kết bài
- Khẳng định ý nghĩa đúng đắn của câu tục ngữ "Giấy rách phải giữ lấy lề".
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về lời dạy Giấy rách phải giữ lấy lề (Chuẩn)
Từ ngàn xưa, người bình dân đã có ý thức ghi lại những chiêm nghiệm cuộc sống và từ thế hệ này sang thế hệ khác làm giàu có thêm cho kho tàng tri thức dân gian qua những bài ca dao, những câu tục ngữ. Nếu trong ca dao, người đọc hôm nay có thể tìm thấy thế giới tâm hồn của những người dân lao động cần cù chất phác với tình yêu lứa đôi tha thiết, tình chồng vợ mặn nồng thì qua tục ngữ chúng ta lại có thể tìm thấy những bài học quý giá. Một trong số đó là bài học "Giấy rách phải giữ lấy lề" cho bất cứ ai đang phải đối diện với sóng gió cuộc đời.
Kho tàng tục ngữ dân gian Việt Nam chứa đựng vô vàn những kinh nghiệm quý giá mà hầu hết đều được diễn đạt thông qua những hình ảnh giản dị, gần gũi và "Giấy rách phải giữ lấy lề" là câu tục ngữ như vậy. Tác giả dân gian đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ để truyền đến thế hệ sau bài học quý giá. "Giấy rách" ẩn dụ cho những khó khăn thậm chí là mất mát của mỗi người trong cuộc sống. "Lề" là phần cố định những trang giấy của một cuốn sách, cuốn vở. Đó là phần cần phải giữ lại nếu muốn xác định tên sách, tên tác giả nếu những trang giấy đã bị rách. Từ thực thế đó, cha ông ta đã thông qua những ẩn dụ "giấy rách" và "lề" để dặn dò con cháu phải biết quý trọng, giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị căn bản của chính mình trước phong ba bão táp của cuộc đời.
Văn học dân gian là sáng tác của tập thể nhân dân lao động. Có lẽ bởi vậy mà tính đúng đắn của bài học nêu lên trong câu tục ngữ "Giấy rách phải giữ lấy lề" đã được kiểm nghiệm qua nghìn đời và đến hôm nay vẫn còn tính thời sự.
Trước hết, biết giữ gìn những phẩm chất quý báu, những giá trị cốt lõi của chính mình sẽ giúp bản thân trưởng thành từ đó tiến tới thành công. Những phẩm chất quý giá của con người có thể là tình yêu thương, sẻ chia với đồng loại, là sự chăm chỉ, cần cù, không nản lòng trước những khó khăn, thử thách, ...Nếu như những phẩm chất ấy còn giữ được thì hôm nay dù có thất bại nhưng tương lai thành công sẽ vẫn chờ đón ta ở phía trước. Điều này cũng giống như một cuốn sách dù giấy rách nát nhưng còn lề thì sẽ còn tìm lại được những trang sách bị mất kia. Thực tế cuộc sống không thiếu những tấm gương về những người nhờ giữ "lề" mà thành công. Đó là Nguyễn Công Trứ với con đường quan trường đầy sóng gió thăng giáng chức quan nhưng nhờ giữ được "lề" mà sau khi mất tất cả lại đạt được thành công. Đó là Nguyễn Trãi dù đã cáo quan ở ẩn tại Côn Sơn nhưng vẫn lo lắng cho nước cho dân để rồi lại được vua vời ra làm quan, giúp ích cho nước nhà, ...
Tiếp đó, nếu con người có thể giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp dẫu phải đối diện với nhiều gian nan, thử thách thì sẽ được mọi người tôn trọng, tôn vinh. Sóng gió đường đời dễ mài mòn những phẩm chất của con người vậy nên những người giữ được phần trong sáng thánh thiện của mình đáng được tôn vinh, trân trọng. Từ văn học đến cuộc sống đều có thể tìm thấy những con người minh chứng cho điều này. Trong văn học, nhân vật quản ngục trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân dù sống giữa chốn đề lao đầy những lọc lừa, xảo trá nhưng vẫn giữ được tấm lòng yêu mến cái đẹp khiến Huấn Cao nể trọng nói rằng "thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ". Trong thực tế, có những học sinh nghèo, những bác lao công nhặt được số tiền lớn đến cả chục triệu đồng vẫn trả lại người mất. Dù khó khăn nhưng họ vẫn không trở nên tham lam mà vẫn lương thiện, nhân ái. Đó chẳng phải là những tấm gương đáng trân trọng hay sao?
Cuối cùng, giữ được bản tính tốt đẹp cùng những giá trị cốt lõi của chính mình chúng ta sẽ có thể giúp mọi người vượt qua khó khăn thử thách. Đứng trước những khó khăn, thách thức, người giữ gìn được phẩm chất quý giá sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho những người khác từ đó giúp tất cả cùng vượt qua nghịch cảnh. Trong đợt đại dịch covid - 19, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng chung tay, sẻ chia với đồng bào để vượt qua dịch bệnh. Trong làn sóng dịch đầu tiên, những cây ATM gạo chứa đầy tấm lòng của đồng bào với những người khó khăn. Trước đó, trong những tháng ngày mưa lũ đổ xuống miền Trung, rất nhiều những chuyến hàng từ thiện đã đến với vùng tâm lũ. Có những người ở miền Bắc, miền Nam dù cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn trích phần tiền ít ỏi để ủng hộ đồng bào gặp bão. Và ngay giữa tâm bão, đồng bào vẫn nhường cơm sẻ áo giúp nhau. Tất cả những điều đó minh chứng cho việc tấm lòng được giữ vững trước cuồng phong, hay cũng chính là những "lề" còn nguyên vẹn, sẽ giúp được mọi người.
Ngày nay, bên cạnh những người biết giữ gìn, quý trọng những phẩm chất tốt đẹp và quyết tâm không để nó bị mài mòn thì có những người dễ dàng sa ngã, tha hóa. Đó có là chàng sinh viên từ quê lên thành phố học rồi trở nên đua đòi, đó cũng là người có được thành công hôm nay lập tức quên ơn người giúp đỡ trở thành kẻ "vong ân bội nghĩa"... Hiểu được ý nghĩa quan trọng của những phẩm chất tốt đẹp đối với cuộc sống, mỗi người cần ý thức rèn luyện, tu dưỡng để đủ bản lĩnh đối diện với cuộc đời.
"Giấy rách phải giữ lấy lề" là bài học quý giá mà cha ông để lại cho chúng ta. Có lẽ bài học ấy sẽ mãi là bài học cần thiết đối với mỗi người. Thế hệ trẻ hôm nay, đứng trước làn sóng công nghệ hiện đại có thể dễ dàng tìm thấy tri thức trên internet thế nhưng những tri thức ấy chắc chắn sẽ không thể thay thế được những bài học dân gian qua kho tàng tục ngữ. "Giấy rách phải giữ lấy lề" câu tục ngữ ngắn gọn nhưng thấm thía những giá trị sâu sắc mà ông cha ta gửi gắm đến các thế hệ sau.
----------------HẾT-----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-loi-day-giay-rach-phai-giu-lay-le-66220n.aspx
Trên đây là bài Nghị luận xã hội về lời dạy "giấy rách phải giữ lấy lề". Để hiểu thêm về kho tàng tục ngữ Việt Nam cùng cách viết các bài nghị luận xã hội các em có thể tham khảo thêm các bài viết Nghị luận xã hội Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, Nghị luận xã hội về văn hóa cảm ơn, xin lỗi, Nghị luận xã hội 200 chữ về ý thức tôn trọng lẽ phải, Nghị luận xã hội 200 chữ về thanh niên trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.