Đoạn trích Chị em Thuý Kiều là một trong những trích đoạn hay và đặc sắc nhất của Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du. Thông qua bài viết Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều, các em sẽ được tìm hiểu về nhan sắc, tài năng của hai nàng tố nga Thuý Kiều, Thuý Vân. Đồng thời ta còn thấy được những dự cảm về tương lai của hai người mà tác giả Nguyễn Du đã dày công thể hiện.
Đề bài: Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều
Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều
I. Dàn ý Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và đoạn trích "Chị em Thúy Kiều".
2. Thân bài:
a. Khái quát chung:
- Vị trí: nằm ở phần đầu của tác phẩm
- Nội dung: Miêu tả vẻ đẹp và tài năng của chị em Thuý Kiều.
b. Tìm hiểu chi tiết:
* Bốn câu thơ đầu: lời giới thiệu về hai chị em:
- Vẻ đẹp của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân được Nguyễn Du giới thiệu thông qua hình ảnh của thiên nhiên như "mai, tuyết": vô cùng thanh cao, duyên dáng, trong trắng.
- Hai chị em sở hữu vẻ đẹp hoàn mỹ "mười phân vẹn mười"
- Bút pháp ước lệ tượng trưng được sử dụng có hiệu quả trong việc làm nổi bật vẻ đẹp của 2 chị em.
- Vẻ đẹp của Thuý Vân (4 câu thơ tiếp):
+ "Vân xem trang trọng khác vời": vẻ đẹp sang trọng, quý phái của Thuý Vân.
+ "Khuôn trăng đầy đặn": khuôn mặt tròn trịa, phúc hậu như ánh trăng rằm.
+ "Nét ngài nở nang": đôi lông mày sắc nét, đậm đà.
+ "Hoa cười ngọc thốt đoan trang": nụ cười tươi như hoa, giọng nói trong như ngọc.
+ "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da": chỉ vẻ đẹp của mái tóc, làn da của Thúy Vân khiến cho thiên nhiên cũng phải cúi đầu kiêng nể, nhường nhịn.
→ Vẻ đẹp của Vân là vẻ đẹp dịu dàng, phúc hậu, báo hiệu một tương lai nhẹ nhàng, thuận lợi.
- Vẻ đẹp và tài năng của Kiều (12 câu tiếp):
+ Thúy Kiều mang vẻ đẹp "sắc sảo mặn mà" hơn hẳn Thúy Vân.
+ "Làn thu thuỷ": đôi mắt Kiều trong vắt, tĩnh lặng như nước mùa thu.
+ "Nét xuân sơn": dáng núi mùa xuân: đôi lông mày của nàng thanh thoát như nét núi mùa xuân.
+ "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh": Vẻ đẹp của Kiều còn khiến cho thiên nhiên ghen tỵ.
→ Báo hiệu cuộc đời nhiều sóng gió, truân chuyên.
+ Tài sắc vẹn toàn "Sắc đành đòi một tài đành họa hai".
+ Không chỉ có trí "thông minh" thiên phú, giỏi cả về cầm kỳ thi hoạ mà Kiều còn thông thạo ngũ âm của nhạc cổ, thông thạo ngón đàn tì bà của người Hồ cổ.
- Cuộc sống êm đềm của hai chị em (4 câu cuối):
+ Hai chị em Kiều sống trong cảnh bình yên, êm đềm, gia giáo "trướng rủ màn che".
+ Mặc dù đã đến tuổi cập kê, thế nhưng hai chị em vẫn sống trong khuôn phép, không quan tâm tới những lời "ong bướm" bên ngoài.
c. Đánh giá nội dung, nghệ thuật:
- Nội dung:
+ Miêu tả vẻ đẹp và tài năng của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân
+ Báo hiệu những dự cảm về tương lai và số phận của hai người
- Nghệ thuật:
+ Thủ pháp ước lệ được sử dụng triệt để, lấy hình ảnh thiên nhiên để miêu tả vẻ đẹp của hai chị em Thuý Vân Thuý Kiều.
+ Thể thơ lục bát với kết cấu linh hoạt, tinh tế, cùng với các hình ảnh so sánh, nhân hoá: giúp người đọc hình dung về vẻ đẹp và tài năng của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, dự cảm về tương lai của hai người.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của đoạn trích và tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Nghị luận văn học đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Chuẩn)
"Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du là một thiên tuyệt bút trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm đã tái hiện sống động số phận đoạn trường và cuộc sống mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều, người con gái tài sắc nhưng bạc mệnh. Một trong những trích đoạn hay nhất của "Truyện Kiều" phải kể tới là đoạn trích "Chị em Thuý Kiều".
Đoạn trích Chị em Thuý Kiều thuộc phần mở đầu của tác phẩm, giới thiệu về gia đình và hoàn cảnh của Thuý Kiều. Khi giới thiệu những người thân trong gia đình Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ chân dung tài sắc của hai chị em Thuý Kiều và Thuý Vân.
Những dòng thơ đầu tiên, Nguyễn Du đã giới thiệu khái quát về hai chị em nhà họ Vương rằng:
"Đầu lòng hai ả tố nga
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"
Thúy Kiều và Thúy Vân là hai người con gái xinh đẹp "hai ả tố nga" của nhà Vương viên ngoại. Hai chị em không chỉ mang nét đẹp duyên dáng như cốt cách của loài hoa mai mà còn trong sáng, thanh cao như những bông tuyết trời đông thanh thuần, mộc mạc. Nguyễn Du đã sử dụng những hình ảnh rất đẹp đẽ của thiên nhiên cùng thủ pháp ước lệ để miêu tả vẻ đẹp "mười phân vẹn mười" của họ. Tuy mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau nhưng đều tròn đầy, trọn vẹn cả nhan sắc và tài năng.
Sau khi giới thiệu sơ lược về hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân, Nguyễn Du đã dựng lên bức chân dung của người em Thuý Vân trước rất ngắn gọn và rõ nét thông qua bốn câu thơ:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da"
Thúy Vân mang một vẻ đẹp "trang trọng khác vời" so với những người con gái khác. Vẻ đẹp đó chứa đựng sự sang trọng, đài các, quý phái, xứng danh một bậc tiểu thư đoan trang. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật ước lệ, sử dụng những hình ảnh thiên nhiên để vẽ lên bức chân dung của Thúy Vân. Khuôn mặt nàng tròn đầy như mặt trăng đêm rằm "khuôn trăng đầy đặn", đôi lông mày đậm màu, sắc nét "nét ngài nở nang". Không chỉ vậy, Vân còn có mái tóc bồng bềnh như làn mây và một làn da trắng trong như tuyết. Tính cách của nàng thì đoan trang, nhã nhặn. Vẻ đẹp của Vân khiến cho tạo hoá, thiên nhiên phải hổ thẹn, phải "thua", phải "nhường". Đọc những câu thơ miêu tả về Vân, ta dường như đã cảm thấy tương lai của nàng là một chuỗi những tháng ngày êm đềm, thuận buồm xuôi gió, bởi cả tạo hoá, cả thiên nhiên đều hết sức kính nể, e thẹn với nàng.
Mặc dù Thuý Vân là em gái của Thuý Kiều, thế nhưng Nguyễn Du lại miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vân trước nhằm mục đích làm đòn bẩy cho vẻ đẹp của Thuý Kiều. Nếu như để miêu tả Vân, nhà thơ chỉ dùng bốn câu thơ để thâu tóm vẻ đẹp của nàng thì với Thuý Kiều, ông đã sử dụng tới mười hai câu thơ để miêu tả tài sắc của nàng. Qua điều đó ta có thể thấy được sự ưu ái mà Nguyễn Du dành cho Thúy Kiều:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai"
Nếu như Thuý Vân đã xinh đẹp tới mức thiên nhiên cũng phải thua, nhường thì Thuý Kiều lại còn "sắc sảo mặn mà" hơn nữa. Để miêu tả vẻ đẹp của Kiều, Nguyễn Du đã tận dụng triệt để thủ pháp ước lệ cùng những hình ảnh miêu tả tượng trưng để dựng lên bức chân dung toàn mỹ của Kiều. Không miêu tả chi tiết toàn bộ khuôn mặt của Kiều, nhà thơ chỉ đặc tả đôi mắt của nàng, nhưng ta cũng có thể thấy được vẻ đẹp rực rỡ của Kiều. Đôi mắt của Kiều lại tựa như một hồ nước mùa thu, trong trẻo, tĩnh lặng vô cùng. Nếu như đôi lông mày của Vân đậm đà, sắc nét thì đôi lông mày của Kiều lại thanh thoát như một nét núi mùa xuân. Chỉ với hai nét điểm, Nguyễn Du đã dựng lên bức chân dung tuyệt mĩ của Thúy Kiều. Vẻ đẹp của nàng "thắm" hơn cả đoá hoa, còn "xanh" hơn cả màu liễu, chính vì điều đó mà dường như tạo hoá và thiên nhiên cũng ngầm ghen tỵ với sắc đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của nàng. Ở đây, Nguyễn Du đã sử dụng thủ pháp nhân hoá thiên nhiên với những nỗi "ghen", nỗi "hờn" trước vẻ đẹp của Thuý Kiều. Điều này như là một dự cảm không lành về cuộc đời phía trước của Kiều, bởi vẻ đẹp của Kiều quá hoàn mỹ, vượt qua mọi tiêu chuẩn về cái đẹp của tạo hoá, khiến cho thiên nhiên cũng phải hơn thua, ghen tỵ.
Thuý Kiều không chỉ có một vẻ đẹp rực rỡ, "sắc sảo mặn mà" hơn Thuý Vân mà về tài năng, nàng cũng "hơn" Vân vài phần:
"Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân"
Thuý Kiều không chỉ có được sắc đẹp hoàn mỹ mà tài năng của nàng còn khiến người ta phải nể phục. Trời cho Kiều sự "thông minh" và cả sự tài năng "thi hoạ ca ngâm" đặc biệt là tài năng về âm nhạc xuất chúng, hơn người. Không chỉ thuộc "làu bậc ngũ âm" trong âm giai nhạc cổ, Kiều còn giỏi cả ngón đàn Hồ cầm - một loại đàn cổ của người Hồ. Hơn thế, Kiều còn rất giỏi việc tự mình sáng tác lên những khúc nhạc mà tiêu biểu là khúc ca "Bạc mệnh". Khúc đàn mà chỉ cần gảy lên dã khiến cho người nghe phải đau lòng mà rơi lệ. Những điều đó đã chứng minh cho một tâm hồn đa sầu đa cảm, dự đoán về một tương lai đầy những nỗi truân chuyên của một con người tài hoa xinh đẹp quá mức!
Khép lại đoạn trích là cuộc sống bình yên, êm đềm của hai người thiếu nữ:
"Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai"
Mặc dù là con nhà khá giả lại xinh đẹp, tài năng, đã đến tuổi "cập kê" thế nhưng chị em Thuý Kiều, Thuý Vân vẫn sống trong khuôn phép, gia giáo. Hai nàng sống trong sự bình yên, bao bọc của gia đình "trướng rủ màn che", không quan tâm tới những điều "ong bướm" bên ngoài.
Chị em Thuý Kiều là bức chân dung đặc sắc của nhân vật được dựng lên bằng thơ của đại thi hào Nguyễn Du. Bức tranh vô cùng sống động, chân thực, tinh tế và gần gũi bởi nó chứa đựng cả những tâm tư, lòng thương cảm của nhà thơ dành đến cho nhân vật của mình. Chị em Thuý Kiều nói riêng và Truyện Kiều nói chung là những áng thơ bất hủ trong nền văn học Việt Nam.
----------------HẾT---------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-van-hoc-doan-trich-chi-em-thuy-kieu-69429n.aspx
Để tìm hiểu kỹ và sâu hơn về nhân vật Thuý Kiều cũng như tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, mời các bạn cũng tham khảo thêm các bài viết khác của chúng tôi như: Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Phân tích 4 câu thơ đầu của đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, So sánh tài sắc của Thuý Vân và Thuý Kiều được thể hiện qua đoạn trích Chị em Thúy Kiều.