Sử dụng điện thoại khi đang lái xe vừa gây mất an toàn khi tham gia giao thông, vừa bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Vậy mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe hiện nay là bao nhiêu? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để biết thêm thông tin chi tiết.
Hiện nay, tình trạng người tham gia giao thông vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại đang diễn ra rất phổ biến. Nhiều người còn thản nhiên vừa tham gia giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin, chụp ảnh, quay video hay thậm chí còn Livestream. Đây là những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông chính vì thế lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ bị xử phạt và Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ được liệt kê dưới đây.
Sử dụng điện thoại khi lái xe và mức phạt mới nhất
1. Nghiêm cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe
- Căn cứ quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành vi bị nghiêm cấm.
- Cá nhân là người điều khiển xe sử dụng điện thoại khi đang lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe
2.1 Đối với xe ô tô
- Phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu: Người lái xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. (Mức phạt cũ: 1 triệu - 2 triệu)
- Tước bằng lái xe từ 1 tháng - 3 tháng.
2.2 Đối với xe máy, xe máy điện, xe mô tô
- Phạt tiền từ 8 trăm nghìn - 1 triệu: Người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động. (Mức phạt cũ: 6 trăm nghìn - 1 triệu)
- Tước bằng lái xe từ 1 tháng - 3 tháng.
2.3 Đối với xe đạp, xe đạp điện
- Phạt tiền từ 80 nghìn - 100 nghìn: Người điều khiển xe đạp sử dụng điện thoại di động.
=> Như vậy, trường hợp người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp, xe đạp điện sử dụng điện thoại khi đang lái xe thì đều bị xử phạt tiền, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng bằng lái xe (đối với ô tô, xe máy).
Mức phạt từ 01/01/2022 với hành vi vi phạm này đã tăng lên so với mức phạt cũ, nhằm mục đích răn đe những người tham gia giao thông.
3. Câu hỏi thường gặp
3.1 Người ngồi trên xe máy dùng điện thoại có bị phạt không?
Em được bạn chở xe máy đi làm, em ngồi sau mà dùng điện thoại thì có bị CSGT xử phạt không ạ?
Trả lời:
Điểm h Khoản Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (và Điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt người điều khiển xe máy như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động.
=> Như vậy, người đang điều khiển xe máy mà dùng điện thoại mới bị xử phạt. Trường hợp của bạn là người ngồi trên xe, không phải người điều khiển xe nên việc bạn sử dụng điện thoại sẽ không bị xử phạt.
3.2 Sử dụng điện thoại khi đang lái xe có bị giam bằng không?
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô, xe máy dùng điện thoại khi đang lái xe sẽ bị xử phạt tiền và bị giam bằng lái xe, cụ thể:
- Người điều khiển xe ô tô: Giam bằng lái xe từ 1 tháng - 3 tháng.
- Người điều khiển xe máy: Giam bằng lái xe từ 1 tháng - 3 tháng.
3.3 Lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe có được nộp phạt tại chỗ không?
Theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp cá nhân bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng thì có thể nộp phạt tại chỗ, không lập biên bản.
Đối chiếu với quy định về mức phạt tiền khi sử dụng điện thoại khi đang lái xe:
- Người điều khiển xe ô tô: phạt 2 triệu - 3 triệu.
- Người điều khiển xe máy: Phạt 800 nghìn - 1 triệu.
- Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện: Phạt 80 nghìn - 100 nghìn.
=> Như vậy, trường hợp lái xe ô tô, xe máy phạm lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe thì không được nộp phạt tại chỗ.
Trường hợp người lái xe đạp, xe đạp điện phạm lỗi này thì được nộp phạt tại chỗ.
https://thuthuat.taimienphi.vn/muc-phat-loi-su-dung-dien-thoai-khi-dang-lai-xe-68894n.aspx
Trên đây là toàn bộ thông tin về mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Mọi người cần lưu ý không sử dụng điện thoại khi đang lái xe để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người tham gia giao thông khác.