Đề bài: Thuyết minh về một ngành thủ công mỹ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình
Giới thiệu về một ngành thủ công mỹ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình
I. Dàn ý Thuyết minh về một ngành thủ công mỹ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực): Cốm (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về đối tượng thuyết minh (Cốm)
2. Thân bài
* Giới thiệu về cốm:
- Là sản phẩm làm từ lúa non có mày xanh nhạt đặc trưng.
- Cốm là đặc sản nổi tiếng ở Hà Nội (Cốm Làng Vòng)
* Cách làm cốm:
- Chọn những bông lúa nếp còn non, đó là khi lúa vừa qua giai đoạn chín sữa, những bông lúa trĩu nặng kéo thân cây ngả xuống cong như cần câu.
- Thóc dùng để làm cốm phải được tuốt bằng tay thì hạt thóc mới không bị dập, nát mà giữ được vẻ tròn mẩy.
- Khi rang cần rang dưới lửa nhỏ, đều tay. Khi chín mang đi giã
- Cốm thường được bày trên lá chuối, lá sen
- Khi mua cốm, người bán hàng sẽ gói cốm trong lá chuối, lá sen và buộc lại bằng sợi rơm của cây lúa
* Thưởng thức:
- Ăn ít một để cảm nhận vị thơm, ngọt bùi của cốm
- Khi ăn cốm có thể thưởng thức cùng trà sen hay thưởng thức thêm những trái chuối.
* Giá trị của cốm:
- Là thức quà nổi tiếng của đất Hà Thành
- Chứa đựng những nét đẹp văn hóa của con người mảnh đất thủ đô.
- Biểu tượng cho sự thanh tao, nhẹ nhàng.
3. Kết bài
Khái quát giá trị của cốm: Thức quà thơm ngon, đặc trưng cho ẩm thực phong phú của Hà Nội.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về một ngành thủ công mỹ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình
THUYẾT MINH VỀ MỘT ĐẶC SẢN: CỐM HÀ NỘI
"Cuối thu rồi nghe hương cốm thoảng bay
Vương trong nắng chiều heo may trở gió
Cho tôi quay về ngày xưa thơ mộng đó
Nơi đồng làng tôi cắt cỏ chăn trâu"
(Hương cốm mùa thu - Nguyền Đình Huân)
Đọc những vần thơ về cốm, lòng tôi lại man mác nhớ về những ngày thơ ấu, khi đó hai chị em cứ mong mãi đến mùa cốm, mùa thu, để bà đi chợ mang về thức quà ngon, ấy là những hạt cốm thơm ngát hương sen, ngọt ngào cỏ nội. Đến nay dù đã rơi xa quê hương nhưng tôi vẫn nhớ như in cái vị ngon ngọt ấy, lúc có dịp về quê tôi cứ phải mua bằng được cốm mới thôi.
Mùa thu tới mang theo cơn gió heo may se se lạnh, tiếng rao của những bà bán cốm vang vọng khắp phố phường, từng hạt cốm thơm ngon, xanh lục nhạt như nhìn như ngọc được ấp ủ trong chiếc lá sen già, rồi cột lại bằng một cọng rơm vàng. Ta cảm giác như bà bán cốm đang gói cả đất trời vào trong ấy, mới nhìn đã biết ấy là mỹ vị nhân gian. 4, lấy bổ béo, mà ăn là phải biết nhâm nhi thưởng thức từ từ, nhón một nhúm cốm nho nhỏ bỏ vào miệng rồi nhai từ từ, cảm nhận được vị ngọt của nếp non đang lan tràn khoang miệng hòa cùng mùi thơm thoang thoảng của lá sen, tưởng như đang thưởng thức dòng sữa ngọt ngào từ đất mẹ thân yêu, bao nhiêu tinh hoa đất trời đều đổ dồn vào ấy.
Làm cốm nhìn tưởng đơn giản, nhưng lại yêu cầu tỉ mỉ, cẩn thận vô cùng, người đã làm lâu có kinh nghiệm thì mới có thể cho ra một mẻ cốm ngon đúng điệu được. Việc đầu tiên là phải biết chọn gặt những bông lúa nếp vào đúng thời điểm, đó là khi lúa vừa qua giai đoạn chín sữa, những bông lúa trĩu nặng kéo thân cây ngả xuống cong như cần câu. Việc chọn được lúa rất quan trọng bởi nếu lỡ gặt thóc già quá thì cốm rỡ rạc, khô sáp, ăn không thấy ngon nữa, còn nếu non quá thì lúc giã cốm bị bết dính, ta lại chẳng thu được mẻ cốm ngon. Gặt lúa về ta chọn những hạt chắc, mẩy, to rồi đem rang, tốt nhất là chọn nồi gang đáy dày và rộng, rang trên bếp củi, để lửa liu riu, dùng dũa đảo thật đều tay, cho hạt cốm vừa chín tới, phải thật cẩn thận không thì hạt cốm sẽ bị cháy giòn mất. Sau khi thóc chín đều, ta đem đi giã trong cối, nhịp chày đều tay, một tay giã tay kia đảo cho vỏ trấu tróc đều, giã xong thì đem đi xảy bỏ hết vỏ trấu, thế là đã có một mẻ cốm thơm ngon cho cả nhà thưởng thức.
Ăn cốm có nhiều kiểu, người thì bốc ăn nhâm nhi, như một thứ đồ ăn vặt cho vui miệng, trong lúc nhàn rỗi; người thì chấm với chuối tiêu, cho thêm phần thu hứng ngọt ngào. Nhà nào có các chị các mẹ siêng năng, lại thích nấu ăn thì ta có thêm món bánh cốm, chè cốm nóng hổi cho một mùa Trung thu ấm áp, viên mãn, tròn đầy. Cốm thuở xưa chỉ là thức quà quê dân dã mộc mạc của người dân làm lúa nước, nhưng ngày nay chính vì hương vị tinh tế, ngọt ngào tình thu, cốm đã trở thành một món ăn sang trọng, tao nhã. Du khách một lần ghé làng Vòng, nơi nổi tiếng làm cốm, hay một nơi nào đó ở Hà Nội mà có nghe hương cốm, kiểu gì cũng phải mua về làm quà cho họ hàng bè bạn, bởi thực sự cốm là một món quà quý, là tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.
Tôi, một người con xa quê, rất lấy làm tự hào vì mảnh đất thủ đô mấy ngàn năm văn hiến, vùng ngoại ô lại có những thức quà tuyệt diệu như cốm ngọc gói trong lá sen xanh. Khiến tôi mỗi lần trở về là chỉ muốn ở mãi, chờ đợi từng mùa cốm thơm tho, ngọt lành, an yên.
-------------------HẾT--------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/gioi-thieu-mot-nganh-thu-cong-mi-nghe-hoac-mot-dac-san-mot-net-van-hoa-am-thuc-cua-dia-phuong-minh-42004n.aspx
Bên cạnh đề 3, Bài tập làm văn số 5, Ngữ văn 10: Giới thiệu về một ngành thủ công mỹ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình, các em học sinh có thể tham khảo một số bài liên quan như: Thuyết minh về một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) yêu thích, Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương,Thuyết minh về một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại để hoàn thành tốt bài viết của mình.