Đề bài: Dựa theo lời tâm sự, viết truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của chú gà chọi bị bỏ rơi
Bài làm:
Chiều hôm nay, trời nắng gắt, tôi nằm dưới bụi chuối, ngẩn ngơ nhìn những áng mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời, qua kẽ lá chuối đu đưa theo gió, tôi thấy lòng mình bâng khuâng buồn. Bao kỷ niệm của một ký ức vàng son sống lại trong tâm trí, khiến cho tôi, một chú gà chọi bị bỏ rơi càng cảm thấy lòng xót xa...
Tôi vốn được sinh ra từ dòng dõi nhà gà chọi có tiếng. Nghe các cụ gà già kể lại, ông nội và ông ngoại tôi đều là những tay đấu sĩ gà có tiếng ở xới, thuộc hàng trăm trận thì chỉ thua một vài trận, nên các vị chủ nhân rất thích, để nuôi nhằm phát triển một giống gà khỏe mạnh. Đến đời bố tôi, cũng là một chàng gà oai dũng. Nên tôi sinh ra đã khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi, nhanh chóng được chủ nhân chọn làm một trong những chú gà thiện chiến, để dành chiến đấu trong xới khi làng mở hội. Cậu chủ đặt tên tôi là Tôn Ngộ Không, vì cậu khen tôi có lối ra đòn nhanh, mạnh và khéo, y như là chú khỉ có bảy hai phép biến hóa thần thông vậy. Tôi nhớ lại, những trận đấu vang dội mà cậu đưa tôi đi dự, tôi từng dùng nhiều thế võ gia truyền để đánh bại đối thủ một cách vô cùng vẻ vang. Kết quả là tôi và cậu chủ nhận nhiều huy chương vàng qua mấy lần hội làng. Cái tên Tôn Ngộ Không vang danh khắp nơi trong tỉnh, các cô bác gia cầm đều nghe tới và ngợi khen tôi không ngớt.
Ấy thế mà, bây giờ tôi lại thành ra như thế này, mang thân phận một con gà chọi bị bỏ rơi, phải lê la sống qua ngày tháng ở cái sân nhỏ này, cùng mấy cậu trống choai hay khoe tiếng gáy, và mấy chị gà mái sồ sề nhiều chuyện, hay liếc nhìn tôi và bảo thầm thì với nhau: "Gớm, ham đấu đá lắm, bây giờ thành ra như thế...". Ấy là do tôi đã bị thương nặng trong một lần đi đấu với đấu sĩ gà có tên là Ô Điên từ Hà Nội vào. Quả là một tay đấu thủ đáng sợ, vì anh ta có sức vóc cao và kinh nghiệm chiến đấu rất tốt. Nhưng tôi lại chủ quan, khinh đối thủ, nên hậu quả là bị đánh cho tơi tả, bị thương nặng đến nỗi bây giờ chân tôi vẫn còn đi cà nhắc. Sau đó, cậu chủ đưa tôi vào sân gà vịt, thở dài nhìn tôi rồi bảo: "Tiếc cho mày quá, Tôn Ngộ Không à". Từ đó, cậu không nuôi dưỡng và chăm sóc tôi như trước, mà tôi đã trở thành một chú gà thường, ăn và sống trong sân cùng với tất cả bọn gà khác, may mà không bị đem ra làm thịt, có lẽ vì chủ nhân còn xót thương và nghĩ đến chút công lao.
Nhưng tôi buồn lắm, ngày dài trôi đi, biết rằng mình không bao giờ còn có thể làm một đấu sĩ trên xới, tôi não nề chua xót cho thân phận mình. Tôi nhớ bàn tay cậu chủ ngày ngày chải lông, bóp thuốc để làn da tôi dày dạn, nhớ cả lời động viên nhỏ nhẹ của cậu trước mỗi trận đấu. Rồi tiếng hò la vang dội khi tôi say trận xông vào đối thủ, những lời ngợi khen khi tôi có thế võ hay, tất cả vẫn vang vọng đâu đây. Đột nhiên tôi nghĩ đến lời thơ mà cậu chủ từng đọc trong một lúc cao hứng, nghe nói là tâm sự của một con hổ bị nhốt trong cũi sắt: "Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt. ta nằm dài trông ngày tháng dần qua". Tâm sự của tôi bây giờ có gì khác như thế đâu. Ôi chao, buồn...
Đột nhiên, trời đổ cơn mưa to lắm, tôi chạy từ vườn về khu chuồng gà không kịp, nên ướt lướt thướt và lạnh run. Tôi nhìn thấy con gà trống có tên là Choắt, đang oặt người trong gió mạnh. Vì nó vốn là một con gà ốm yếu, nên không đương cự nổi với gió mưa, cứ ngã rạp xuống đất. Động lòng thương, tôi đẩy nó vào trong một bụi cây tránh mưa, rồi đứng bên ngoài che đỡ gió cho nó. Nó lập cập run rẩy một lát, mới cất lên được tiếng cám ơn: "Em... em... cám ơn anh ạ!". Tôi bảo: "Có gì đâu, chú mày ốm yếu quá, nên biết nhìn trời, nghe gió mà về nhà cho sớm, chẳng may gió thổi xuống ao thì khốn". "Dạ, vâng, em cũng biết. Nhưng sức em yếu, phải đi kiếm ăn xa. Chứ ở gần, mấy anh trống choại không cho kiếm ăn cùng". Có đâu lại thế, tôi than thở rằng chú thật khổ, Choắt ạ. Tôi nghĩ mình đã khổ mà chú còn khổ hơn. Thôi để tôi bảo mấy thằng choai không được bắt nạt chú nữa... Trong buổi chiều mưa gió ấy, đứng cạnh bên nhau cho có hơi ấm, nên dường như chúng tôi mau thân thiết. Choắt cứ cám ơn tôi luôn miệng, rồi thủng thẳng bảo: "Anh ạ, em biết mình nhiều thiệt thòi, nhưng cố gắng mà sống cho tốt. Chứ cứ than vãn mãi cũng chẳng thay đổi được gì". Không ngờ lời của Choắt làm tôi suy nghĩ mãi. Tôi cứ đắm chìm trong quá khứ vàng son mà nuối tiếc thế này, khiến cho ngày tháng cuộc đời trôi đi thật vô nghĩa. Thật không nên chút nào. Một cậu gà nhỏ như Choắt mà còn lạc quan thế. Mình còn có sức khỏe. mà lại buồn bã, tuyệt vọng thì thật phí hoài cuộc sống. Nghĩ thế, tôi bảo Choắt: "Chú mày làm anh sáng ra đấy. Anh cố gắng vươn lên mà sống, chứ không than vãn nữa". Nghe tôi nói như vậy, Choắt không hiểu lắm, nhưng vẫn gật gật cái đầu, ra ý ủng hộ tôi, dù cậu ta cứ rét run lên bần bật. Và lần đầu tiên từ ngày bị bỏ rơi, tôi bật lên một tiếng cười sảng khoái át cả tiếng mưa.
Và như vậy đó, các bạn ạ, tôi là một chú gà chọi bị bỏ rơi với bao tâm sự trăn trở. Tôi đã buồn qua nhiều ngày tháng. Nhưng từ hôm ấy, tôi đã hiểu ra rằng: sống ở trên đời thì không thể cứ bấu víu mãi vào hào quang của quá khứ, mà bạn phải không ngừng vươn lên, chỉ có như vậy, bạn mới vượt qua nghịch cảnh và tìm thấy ý nghĩa thật sự trong cuộc sống của minh.
https://thuthuat.taimienphi.vn/dua-theo-loi-tam-su-viet-truyen-ngan-theo-ngoi-ke-thu-nhat-ke-ve-so-phan-va-noi-niem-cua-chu-ga-choi-bi-bo-roi-41963n.aspx
Không chỉ có bài làm văn mẫu Dựa theo lời tâm sự, viết truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất kể về số phận và nỗi niềm của chú gà chọi bị bỏ rơi, các bạn học sinh cùng thầy cô có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài làm văn mẫu hay khác như, Kể lại một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết, Kể lại một câu chuyện sâu sắc về gia đình, Kể về một người có ý chí nghị lực mà em biết hoặc được nghe kể, Kể về một người lao động trí óc hay rất nhiều những bài văn tự sự hay khác. Qua đây chắc chắn sẽ giúp cho các bạn có những kiến thức và kinh nghiệm làm văn tự sự dễ dàng và đạt kết quả tốt nhất.