Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

Chiều tối của Hồ Chí Minh không chỉ dựng lên bức tranh thiên nhiên đầy sinh động lúc chiều tà với cánh chim mỏi mệt, đám mây cô đơn mà còn khéo léo thể hiện những cảm xúc, rung động, ý chí quyết tâm của nhân vật trữ tình. Các em hãy cùng tìm hiểu vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình qua bài Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối nhé.

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

cam nhan ve ve dep tam hon cua nhan vat tru tinh trong bai tho chieu toi

Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối
 

I. Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối


1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần phân tích.


2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Nằm ở vị trí số 31 trong tổng số 131 bài của tập thơ Nhật ký trong tù, được Bác sáng tác vào khoảng cuối mùa thu năm 1942, trên trường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Trung Quốc).

b. Tâm trạng của thi nhân trong bức tranh thiên nhiên ở hai câu thơ đầu:
- Chất cổ điển trong thơ được bộc lộ rõ rệt, khi lần lượt hình ảnh cánh chim cũng như chòm mây đều là những thi liệu quen thuộc trong thi ca của người xưa, đã gợi ra một khung cảnh chiều tối có phần vắng vẻ, đìu hiu.
- Hình ảnh cánh chim:
+ Gợi ra cảnh chiều tà, sự kết thúc một ngày trong im lìm, trong sự vận động vội vàng của cánh chim trời => Sự vận động của thời gian.
+ Nét hiện đại: Nhìn ra sự vận động bên trong của sự vật, nhận thấy được sự mỏi mệt của cánh chim vội vã tìm về tổ. Cảm nhận đó xuất phát từ mối tương quan sâu sắc giữa người tù cách mạng và cánh chim.
=> Cái nhìn lạc quan, âu yếm, cánh chim trong thơ Bác lại có một điểm dừng nhất định. Đồng thời từ góc độ cánh chim ta cũng nhận ra những nỗi nhớ quê hương, nhớ đất mẹ tha thiết của tác giả, cũng như tâm trạng xót xa, buồn bã với cảnh ngộ của bản thân, khi phải lưu lạc trên đất khách, chịu cảnh gông xiềng mà chốn ngủ tối nay còn chưa biết là ở đâu.

- Hình ảnh chòm mây:
+ Thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển phương Đông, bộc lộ những cảm nhận về ước mơ tự do, phiêu diêu thoát khỏi cõi trần tục, cũng như những cảm xúc bâng khuâng, bất định của con người trước cõi hư vô, bất định.
+ Trong thơ của Hồ Chí Minh, chòm mây được đưa vào một viễn cảnh thực hơn, mây của Bác là để diễn tả cái nhìn lạc quan, ung dung trước cảnh ngộ khó khăn. Dẫu vất vả, mỏi mệt nhưng Người vẫn cảm thấy mây trời đang trôi một cách thong thả, nhẹ nhàng, gợi mở một không gian khoáng đạt, trong trẻo.
=> Tâm hồn tự do, thi vị, bộc lộ sự cô đơn, trống trải, lẻ loi của một người tù nơi đất khách.

Tiểu kết: Chung quy lại hai câu thơ tuy tả cảnh đất trời yên bình thong thả, nhưng cũng thấm thía nhiều nỗi buồn của con người. 

c. Tâm trạng của thi nhân trong bức tranh sinh hoạt của con người:
- Hình ảnh cô gái với công việc xay ngô vốn dĩ là một công việc vô cùng giản dị đời thường, nhưng trong bối cảnh nghệ thuật ta lại nhìn ra được vẻ đẹp của tuổi trẻ, sự sung sức, đức tính cần cù chăm chỉ lao động của con người giữa cuộc sống núi rừng thôn dã.
- Thể hiện quan điểm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại của Hồ Chí Minh, khi con người và cuộc sống sinh hoạt nổi bật lên giữa thiên nhiên rộng lớn, hơi ấm, sức sống mạnh mẽ của con người trong công cuộc lao động đã làm mờ đi ngoại cảnh rừng núi bao la.
=> Bộc lộ một cách rõ nét tấm lòng yêu thương, gắn bó với cuộc sống lao động, gắn bó với nhân dân.
- "lò than đã rực hồng" lại là một hình ảnh vừa cổ điển vừa hiện đại:
+ Tính cổ điển nằm ở bút pháp chấm phá, chỉ một bếp lửa rực hồng nhưng đã gợi ra cảnh trời hoàn toàn tối hẳn, từ buổi chiều tà đã chuyển hẳn sang đêm, cái sáng của lò than hồng đã mang đến cái đêm tối đậm đặc chốn sơn dã.
+ Điểm hiện đại ta nhìn đến chữ "hồng", được xem là nhãn tự của cả bài thơ, thắp sáng, xua đi tất thảy những cái hiu quạnh ấy, đem về sự ấm áp, sinh khí bao trùm lên toàn bộ cảnh vật cũng như tâm hồn của thi nhân.
=> Kéo thi nhân về những cảm giác của sự ấm áp đoàn viên, sum họp trong gia đình. Thể hiện sự vận động tích cực trong tâm hồn của người tù cách mạng, luôn hướng về sự sống và ánh sáng, luôn có một niềm tin về tương lai tươi sáng, giữ vững được tinh thần lạc quan, cũng như tấm lòng hòa hợp với thiên nhiên, yêu thương trân trọng con người.


3. Kết bài

Nêu nhận xét.|
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối

Ngoài việc là một nhà chính trị, quân sự tài ba, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh còn được biết đến với vai trò là một tác gia lớn có nhiều đóng góp trong nền văn học Việt Nam hiện đại ở nhiều thể loại khác nhau. Có thể thấy rằng sự nghiệp sáng tác phong phú của Người luôn song hành cùng với sự nghiệp cách mạng lắm vẻ vang, trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau thì các tác phẩm của Người lại có một vai trò, vị trí đặc biệt không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người chiến sĩ mà còn có vai trò phục vụ, ủng hộ, là một loại vũ khí sắc bén có nhiều công lao trong công cuộc giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh. Trong hầu hết các sáng tác ở nhiều thể loại của mình, có lẽ rằng ở mảng thơ ca chúng ta mới có cơ hội được nhìn rõ hơn cả những vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng, không chỉ ở tư tưởng chính trị, đời sống chiến đấu mà còn là vẻ đẹp của Người trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, trong mối giao hòa với thiên nhiên, con người. Đặc biệt hơn cả ta càng thấy rõ hơn được vẻ đẹp của một tâm hồn lạc quan, vui vẻ, tư thái ung dung, bình tĩnh của Hồ Chí Minh trước những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Chiều tối (Mộ) chính là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện điều này. Tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc lộ không qua những xúc cảm nội tâm trực tiếp mà thông qua những cảm nhận hình ảnh, cảnh vật khách quan của Hồ Chí Minh, rất tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Người.

Chiều tối (Mộ) là một bài thơ có hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt. Bài thơ nằm ở vị trí số 31 trong tổng số 131 bài của tập thơ Nhật ký trong tù, được Bác sáng tác vào khoảng cuối mùa thu năm 1942, trên trường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo (Trung Quốc). Trước thực cạnh một buổi chiều tối, sau khi trải qua một chuyến đi dài đầy gian lao, vất vả, nhưng phía trước chờ đợi người chiến sĩ cách mạng là một buổi tối khốn khổ trong gian nhà chật hẹp, có thể nói rằng nỗi đày đọa ban ngày chưa kịp tàn, thì một trận đày đọa ban đêm lại chuẩn bị ập tới. Mà theo Bác hóm hỉnh ví rằng "Được cùm chân mới yên bề ngủ - Không được cùm chân biết ngủ đâu". Tuy nhiên tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ không vì vậy mà trở nên ảm đạm, ủ rũ, Chiều tối ra đời trong hoàn cảnh ấy chỉ mang một sắc thái ung dung, vui vẻ, lạc quan luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Cũng như bộc lộ tấm lòng yêu thiên nhiên, con người, tấm lòng tha thiết của Hồ Chí Minh với chặng đường cách mạng lắm gian lao nhưng cũng nhiều hy vọng tốt đẹp của mình.

Tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc lộ một cách gián tiếp thông qua ánh nhìn trực quan của tác giả với cảnh vật thiên nhiên.

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không"

Dịch thơ:

"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

Trong một buổi chiều nhá nhem, cũng là lúc những khốn khổ đày ải ban ngày đang đi dần vào hồi kết, có lẽ rằng hơn ai hết, người tù cách mạng chính là người thấm thía nhất cái nỗi mệt mỏi lúc cuối ngày, sau khi đã mang gông cùm, đi bộ suốt một quãng đường toàn rừng núi. Lúc này đây, trong một giây phút ngắn ngủi Người đã ngước lên bầu trời cao rộng thấy cánh chim bay ngang trời, cùng với những đám mây lặng lẽ trôi. Chỉ bằng hai điểm chấm phá nhẹ nhàng, Người đã gợi ra một khung cảnh chiều tối có phần vắng vẻ, đìu hiu. Chất cổ điển trong thơ được bộc lộ rõ rệt, khi lần lượt hình ảnh cánh chim cũng như chòm mây đều là những thi liệu quen thuộc trong thi ca của người xưa. Ví như ca dao có câu "Chim bay về núi, tối rồi", hoặc Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng viết "Chim hôm thoi thót về rừng", đều diễn tả một ý thơ chung ấy là gợi ra cảnh chiều tà, sự kết thúc một ngày trong im lìm, trong sự vận động vội vàng của cánh chim trời. Tuy nhiên trong thơ Hồ Chí Minh, Người không chỉ độc diễn tả cái sự chuyển đổi, vận động của thời gian qua cánh chim, mà điểm khác biệt ấy là thi nhân còn chú ý đến cả sự vận động bên trong của sự vật, rõ ràng tác giả còn nhận thấy được sự mỏi mệt của cánh chim vội vã tìm về tổ. Cảm nhận đó xuất phát từ mối tương quan sâu sắc giữa người tù cách mạng và cánh chim, chim sau một ngày bay lượn khắp vòm trời kiếm ăn thì cuối ngày cũng trở nên mỏi mệt rệu rã, vội vàng quay về tổ ấm của mình để nghỉ ngơi. Còn người tù thì sau một ngày chuyển lao, gông cùm quấn thân cũng trở nên mỏi mệt, rã rời. Và trong sự tương đồng đó, ta còn nhìn ra được cả tâm trạng của tác giả với cái nhìn lạc quan, âu yếm, khác với cánh chim không phương hướng, đơn độc lẻ loi trong thi ca cổ điển, thì cánh chim trong thơ Bác lại có một điểm dừng nhất định, cánh chim ấy bay về rừng, về nhà của nó để tìm chốn nghỉ ngơi, an giấc. Đồng thời từ góc độ cánh chim ta cũng nhận ra những nỗi nhớ quê hương, nhớ đất mẹ tha thiết của tác giả, cũng như tâm trạng xót xa, buồn bã với cảnh ngộ của bản thân, khi phải lưu lạc trên đất khách, chịu cảnh gông xiềng mà chốn ngủ tối nay còn chưa biết là ở đâu.

Với hình ảnh "chòm mây", so sánh giữa câu thơ gốc và câu thơ dịch, có thể thấy phần dịch thơ vẫn chưa được sát nghĩa, làm mất đi một số những nét nghĩa, ý tứ mà tác giả muốn truyền tải. Ví như "cô vân", tức là đám mây đơn độc lẻ loi, nếu dịch là "chòm mây" thì hầu như khác hoàn toàn, đặc biệt hai từ "mạn mạn" nếu dịch là "trôi nhẹ" thì cũng vẫn chưa diễn tả hết được phong thái của chòm mây trong không gian. Cũng giống như hình ảnh cánh chim, mây cũng là một trong những thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển phương đông, được nhiều các tác giả đưa vào trong tác phẩm của mình. Ví như Lý Bạch với "Chúng điểu phi không tân/Cô vân độc khứ nhàn", Thôi Hiệu với "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay" hoặc Nguyễn khuyến với "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt", điểm chung là thường bộc lộ những cảm nhận về ước mơ tự do, phiêu diêu thoát khỏi cõi trần tục, cũng như những cảm xúc bâng khuâng, bất định của con người trước cõi hư vô, bất định. Tức là không mang những cảm xúc thực tại trần thế mà phần nhiều người ta vẫn theo mây để tìm cảm giác thoát ly khỏi cuộc đời. Tuy nhiên trong thơ của Hồ Chí Minh, chòm mây được đưa vào một viễn cảnh thực hơn, mây của Bác là để diễn tả cái nhìn lạc quan, ung dung trước cảnh ngộ khó khăn. Dẫu vất vả, mỏi mệt nhưng Người vẫn cảm thấy mây trời đang trôi một cách thong thả, nhẹ nhàng, gợi mở một không gian khoáng đạt, trong trẻo. Từ đó người ta nhận thấy dẫu rằng trong cảnh gông xiềng, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn có một tâm hồn tự do, thi vị, vẫn có tâm trạng để dõi theo một chòm mây trôi lững lờ trên bầu trời. Tuy nhiên "cô vân" của Bác ở đây còn bộc lộ sự cô đơn, trống trải, lẻ loi của một người tù nơi đất khách. Cảnh cánh chim bay vội tìm chốn ngủ và cảnh mây lững lờ trôi nhẹ, cũng dường như gợi tả hai thái cực của sự chia ly, người đi kẻ ở, khá ảm đạm, đìu hiu. Người tù cách mạng nhìn lại thực cảnh của mình không khỏi nghĩ ngợi, biết đến bao giờ bản thân mới lại có được sự tự do như cánh chim trời có thể về nhà đoàn viên sum họp, được như chòm mây ung dung, tự tại, thong thả trong không gian bao la, rộng lớn. Chung quy lại hai câu thơ tuy tả cảnh đất trời yên bình thong thả, nhưng cũng thấm thía nhiều nỗi buồn của con người. Nhưng không thể đánh giá rằng Hồ Chủ tịch trong Chiều tối mang một sự ảm đạm, bất lực mà nhìn rộng ra chúng ta mới thấy rằng rõ ràng thi sĩ phải có một tâm hồn rất lạc quan, thư thái, ung dung thì mới có được những rung cảm tinh tế với thiên nhiên, cũng như khéo léo gửi tâm trạng của mình vào từng cảnh vật, vần thơ.

Ở hai câu thơ tiếp theo là bức tranh sinh hoạt của con người hiện lên giữa núi rừng làm cho toàn bộ bài thơ sáng lên, ấm áp tình người, bộc lộ được rõ ràng hơn vẻ đẹp tâm hồn và tư tưởng của Hồ Chí Minh.

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Dịch thơ:

"Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng"

Hình ảnh một người phụ nữ hiện lên trong công việc lao động xay ngô nặng nhọc chính là một nét vẽ sinh động, cụ thể bộc lộ tính chất hiện đại trong thơ Bác một cách rõ ràng, khác với cái nhìn thoáng qua ở khoảng cách xa với các sự vật như cánh chim, chòm mây thì ở hai câu thơ này việc quan sát cận cảnh, rõ nét khung cảnh sinh hoạt của cô gái xóm núi, đã đặt con người và vị trí trung tâm của bài thơ, là điểm nhấn nổi bật nhất giữa bức tranh thiên nhiên rộng lớn. Hình ảnh cô gái với công việc xay ngô vốn dĩ là một công việc vô cùng giản dị đời thường, nhưng trong bối cảnh nghệ thuật ta lại nhìn ra được vẻ đẹp của tuổi trẻ, sự sung sức, đức tính cần cù chăm chỉ lao động của con người giữa cuộc sống núi rừng thôn dã. Người phụ nữ không còn bị bó buộc trong chốn khuê phòng mà đã đứng dậy tham gia vào công cuộc lao động, mưu sinh, bộc lộ sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, độc lập trong cuộc sống. Không chỉ vậy hình ảnh cô gái xay ngô, còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ mới mẻ, hiện đại của Hồ Chí Minh, khi con người và cuộc sống sinh hoạt nổi bật lên giữa thiên nhiên rộng lớn, hơi ấm, sức sống mạnh mẽ của con người trong công cuộc lao động đã làm mờ đi ngoại cảnh rừng núi bao la. Khác hẳn với hình ảnh con người trong thi ca cổ điển, luôn mất hút hoặc mờ nhạt, ảm đạm giữa thiên nhiên, trở nên yếu đuối và bất lực giữa không gian vũ trụ bao la. Cách tư duy và thay đổi góc nhìn về mối tương quan giao hòa của con người với thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh đã bộc lộ một cách rõ nét tấm lòng yêu thương, gắn bó với cuộc sống lao động, gắn bó với nhân dân. Người đã bỏ qua những nhọc nhằn khốn khó của bản thân để cảm nhận được vẻ đẹp, dồn mối quan tâm của mình vào những cuộc đời nghèo khó, vất vả đang phải lam lũ kiếm sống mặc dù trời đã tối muộn. Đồng thời thông qua đó chúng ta cũng nhận thấy được niềm vui, sự ấm áp trong tâm hồn của Bác khi được nhìn những con người lao động tuy vất vả, nhưng được hưởng cuộc sống tự do tự tại, điều đó thật rất đáng trân trọng, đáng quý biết bao nhiêu.

Trong câu thơ cuối "lò than đã rực hồng" lại là một hình ảnh vừa cổ điển vừa hiện đại. Trước hết về tính cổ điển nó nằm ở bút pháp chấm phá, chỉ một bếp lửa rực hồng nhưng đã gợi ra cảnh trời hoàn toàn tối hẳn, từ buổi chiều tà đã chuyển hẳn sang đêm, cái sáng của lò than hồng đã mang đến cái đêm tối đậm đặc chốn sơn dã. Về điểm hiện đại ta nhìn đến chữ "hồng", được xem là nhãn tự của cả bài thơ, cân bằng với 27 chữ trước đó. Nếu như 27 chữ đầu luôn gợi nahwcs đến một khung cảnh ảm đạm, lãnh lẽo, hoang vu nơi núi rừng hoang vắng, thì chữ "hồng" cuối bài lại dường như thắp sáng, xua đi tất thảy những cái hiu quạnh ấy, đem về sự ấm áp, sinh khí bao trùm lên toàn bộ cảnh vật cũng như tâm hồn của thi nhân. Sự ấm áp không chỉ đến từ lò than mà còn đến từ tình người. Khi bản thân tác giả đang trong cảm giác trống trải, cô độc, lẻ loi, trôi dạt nơi đất khách thì sự hiện diện của con người lao động, lò than bừng sáng trong đêm tối đã kéo thi nhân về những cảm giác của sự ấm áp đoàn viên, sum họp trong gia đình. Thể hiện sự vận động tích cực trong tâm hồn của người tù cách mạng, luôn hướng về sự sống và ánh sáng, luôn có một niềm tin về tương lai tươi sáng, giữ vững được tinh thần lạc quan, cũng như tấm lòng hòa hợp với thiên nhiên, yêu thương trân trọng con người lao động.

Chiều tối cũng như những bài thơ khác trong tập Nhật ký trong tù đều là những tác phẩm hay có sự hài hòa giữa chất thép và chất tình. Người chiến sĩ cách mạng ngoài tư tưởng chính trị vững vàng, tinh thần yêu nước, kiên trung với lý tưởng cách mạng thì còn nổi bật với vẻ đẹp của một tâm hồn lạc quan, ung dung, thư thái vượt lên trên tất cả những khó khăn nghiệt ngã để hòa mình vào với thiên nhiên, yêu thương, đồng cảm với cuộc sống lao động vất vả của con người, luôn hy vọng về một tương lai tươi sáng tốt đẹp của dân tộc, đất nước.

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-ve-dep-tam-hon-cua-nhan-vat-tru-tinh-trong-bai-tho-chieu-toi-56892n.aspx
Bài thơ Chiều tối không chỉ khắc họa bức tranh thiên nhiên lúc chiều tà mà còn hé mở tình cảm, chân dung của nhân vật trữ tình, bên cạnh bài Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong bài thơ Chiều tối, các em có thể khám phá những nét đặc sắc của bài thơ qua: Phân tích bài thơ Chiều tối, Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Chiều Tối, Vẻ đẹp tâm hồn lớn của người nghệ sĩ Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối, Cảm nhận về bài thơ Chiều tối.

Tác giả: Trần Quốc Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi
Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình
Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng
Cảm nhận về đẹp tâm hồn và nhân cách của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng
Từ khoá liên quan:

Cam nhan ve ve dep tam hon cua nhan vat tru tinh trong bai tho Chieu toi

, cam nhan ve tam hon cua bac qua bai tho chieu toi, cam nhan bai tho chieu toi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phát biểu cảm nghĩ bài thơ Bạn đến chơi nhà

    Tuyển tập văn mẫu hay lớp 7

    Bài văn mẫu lớp 7 phát biểu cảm nghĩ bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến được Taimienphi.vn sưu tầm và đăng tải dưới đây để các em học sinh lớp 7 tham khảo và hoàn thiện bài tập làm văn của mình khi gặp đề bài này. Việc tham khảo bài văn mẫu lớp 7 hay sẽ giúp các em học tập được cách viết, cách diễn đạt và có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện bài viết của mình.

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Viết 4 - 5 câu về tình cảm với bạn bè

    Chúng ta ai cũng có cho mình những người bạn thân thiết. Hãy cùng tập cách kể, giới thiệu về người thân của mình qua bài Viết 4 - 5 câu về tình cảm