Bài văn mẫu Cảm nhận về tác phẩm Đời thừasẽ giúp các bạn hiểu được bi kịch của người trí thức trong xã hội xưa, đồng thời cảm nhận sâu sắc được quan điểm của nhà văn Nam Cao về nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ. Hãy cùng tham khảo để nâng cao hiểu biết của mình các bạn nhé!
Đề bài: Cảm nhận tác phẩm Đời thừa
Bài làm:
Bài mẫu số 1:
Nhắc đến văn học hiện thực Việt Nam không thể không nhắc tới Nam Cao, một nhà văn luôn trăn trở về nghệ thuật, về lẽ sống của con người. Đề tài trong truyện ngắn của ông thường viết về hai chủ đề chính đó là những người nông dân và những người trí thức tiểu tư sản. Nếu viết về nông dân, ta không thể quên hình ảnh một Chí Phèo bị tước đoạt nhân hình lẫn nhân tính, tước đoạt quyền làm người, hay một Lão Hạc thương con hết mực. Còn khi viết về người trí thức tư sản, ta bắt gặp những trăn trở của những kẻ trí thức nghèo mang trong mình hoài bão lớn, Đời thừa là một tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề ấy.
Truyện viết về nhân vật Hộ, một kẻ trí thức nhưng cuộc đời đầy bi kịch ngang trái. Là một kẻ có hoài bão khát vọng với văn chương, muốn viết nên những tác phẩm để đời, giàu giá trị, với hắn đó chính là thiên chức thực sự của nhà văn. Hộ là một nhà văn chân chính, có ước mơ, có trăn trở và ấp ủ nhiều dự định. Mong muốn viết nên những tác phẩm lớn được sự công nhận của thế giới thậm chí là đạt giải Nobel."Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Ðối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời....". Điều đó thật đáng được trân trọng, phải là những người có ý chí, đủ bản lĩnh mới dám xây nên những ý tưởng vươn tầm thế giới. Một nhà văn tài năng, khát khao sống và làm việc hết mình, vươn đến những chân giá trị của nghệ thuật.
Nhưng trớ trêu thay, cái đói, những lo lắng về vật chất tủn mủn khiến cuộc đời Hộ trở nên bi kịch. Phải làm gì với những ước mơ đây khi những thiếu thốn vật chất, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây hằng ngày. Gánh nặng miếng cơm manh áo, nuôi sống lũ con thơ đang đặt lên đôi vai gầy của người trí thức. Chính cuộc sống mưu sinh chật vật, khó khăn buộc hắn phải bán rẻ ngòi bút, bán rẻ cả lương tâm nghề viết của mình để kiếm tiền nuôi gia đình. Để có thể kiếm tiền nhanh, hắn buộc phải viết bên những dòng vắn nhạt nhẽo, nông cạn, với hắn "văn chương phải khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có", nhưng giờ đây, những bài báo vội vàng, cẩu thả được chính tay hắn viết nên.
"Khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì chính hắn là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Hộ thấy mình khốn nạn biết bao", sự cẩu thả và chính cái đói, cái nghèo của một xã hội bất công đã bóp nghẹt bao ước mơ hoài bão của những người như Hộ nói riêng và bao kẻ trí thức nghèo nói chung.
Hộ còn lâm vào một bị kịch khác nữa, đó là bị kịch của tình thương. Hắn vốn là một người giàu lòng yêu thương, một người sẵn sàng cưu mang những kẻ nghèo khó hơn mình, bởi vậy hắn yêu Từ và lấy Từ làm vợ. Hộ sống rất có trách nhiệm, luôn cố gắng làm việc để nuôi sống gia đình. Là người cha tốt, người chồng có trách nhiêm, một người đàn ông biết lo lắng cho gia đình. Hộ không muốn nhìn thấy cảnh vợ con khổ sở, cảnh Từ lam lũ, vất vả nên hắn đã từ bỏ ước mơ để kiếm tiền, hắn dành tình yêu thương toàn bộ cho gia đình, xây đắp yêu thương cho ngôi nhà nhỏ. "... Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: "Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỷ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người: Hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Và lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?..". Nhưng bao nhiêu thứ phải lo toan khiến hắn bực bội, bí bức, khó chịu, đói khổ vật chất đã đành, tinh thần cũng không thoải mái khiến hắn phải tìm đến men rượu rồi trút hết mọi giận dỗi lên đầu vợ con - những người mà hắn yêu thương hết mực, từng hi sinh tất cả để bảo vệ. Hắn thấy mình thật tệ, dù nhận được sự thấu hiểu của Từ nhưng Hộ vẫn khóc cho lương tâm, cho nỗi đau đớn dày vò trong tâm hồn của mình.
Đời thừa được Nam Cao viết nên không chỉ là tiếng nói thương cảm cho những phần đời đau khổ, kiếp sống nghèo nàn mà qua đó còn lên tiếng tố cáo xã hội đầy bất công, ngang trái, trớ trêu. Xã hội mà ở đó những người trí thức bị bóp nghẹt tài năng, khốn đốn đến cùng cực.
Bài mẫu số 2:
Nam Cao đối với văn học Việt Nam là một mảnh ghép lớn góp phần hoàn thiện mảng truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông thường hướng đến và đi sâu vào hiện thực để khai thác được những bi kịch, những mảng tối cuộc đời từng con người trong xã hội trong những năm tháng còn chịu cảnh rối ren. Có một câu văn rất kinh điển của Nam Cao nhằm khẳng định tư tưởng nghệ thuật của ông ấy là: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than”. Thế nên, cả cuộc đời ông cứ đi tìm những thứ hiện thực đớn đau, đầy trái ngang từ thân phận những người nông dân cùng khổ hay những trí thức nghèo sống lay lắt luẩn quẩn. Tác phẩm Đời thừa chính là cái bi kịch mà Nam Cao đã lần mò được ra để làm rõ, để khai thác và biến chúng thành nghệ thuật một thứ nghệ thuật đầy hiện thực!
Nam Cao viết Đời thừa có lẽ trôi chảy hơn những tác phẩm khác, bởi ông vốn là một trí thức nghèo, thế nên cái cảm giác của ông và nhân vật chính có phần nhiều là tương đồng. Nam Cao chẳng phải quá vất vả để tưởng tượng và đi sâu vào nhân vật của mình như khi ông viết về những người nông dân. Đời thừa của Nam Cao là một tác phẩm hay vừa vạch ra được cái hiện thực mà Nam Cao muốn làm sáng rõ đồng thời cũng đem lại nhiều suy tưởng, triết lý rất sâu sắc về việc làm nghệ thuật. Những điều ấy đều thông qua ngòi bút tài tình của tác giả đã xây dựng cho nhân vật chính một thế giới nội tâm thật phong phú, ta đọc mà ngỡ như đó là chính bản thân Nam Cao vậy.
Nhan đề Đời thừa dường như đã nói lên hết nội dung của tác phẩm và cuộc đời của nhân vật Hộ, chính là xoay quanh hai chữ ấy. Hộ vốn là một chàng trai trẻ với nhiều hoài bão mơ ước, rồi đời Hộ đã bước sang trang mới khi Hộ gặp Từ - người phụ nữ khốn khổ bất hạnh, bị nhân tình lừa cho có thai rồi bỏ rơi. Hộ lúc ấy đâu nghĩ đến mai sau mà chỉ nghĩ rằng mình phải cứu Từ, phải có trách nhiệm với Từ, thế là Hộ nhận Từ làm vợ, nhận làm cha đứa trẻ. Những tháng ngày đầu tiên vợ chồng Hộ cũng hạnh phúc lắm, bởi vì Từ là một người hiền dịu lại rất mực nghe lời chồng, nên Hộ thấy thế là đủ, là tốt lắm. Nhưng rồi cái cuộc sống khốn khổ dần khiến Hộ không còn là Hộ nữa. Khi xưa Hộ có thể tự vỗ ngực mà nói rằng: “Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất”. Nhưng giờ đây đã khác, hắn có thể nhịn đói nhưng còn vợ hắn, con hắn có thể nhịn được không, với tư cách của một người chồng người cha Hộ không thể làm thế. Những lý tưởng cao đẹp khi xưa, những trăn trở về một tác phẩm có giá trị cho cuộc đời, những tư tưởng vị nhân sinh, rồi thì những “băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời...” dần bị Hộ đẩy ra xa.
Hộ chỉ còn kịp nghĩ đến việc làm thế nào để có thật nhiều tiền, để vợ con không chết đói, Hộ viết những thứ văn chương tồi tàn, những tác phẩm mì ăn liền, mà theo Hộ thì đó “toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi”. Hộ thấy xấu hổ, nhục nhã vì đã đi ngược lại với lý tưởng mình hằng tâm niệm, vì sự cẩu thả bất lương trong làm nghệ thuật của mình. Hộ dằn vặt bản thân mãi trong cái suy nghĩ đau khổ ấy, rồi Hộ tự thấy mình là người thừa, là một cuộc đời thừa thãi trong cái thế giới văn chương cao đẹp, nơi mà “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có...”. Hộ trở nên chán nản, cục súc với cả Từ người vợ mà bấy lâu luôn luôn “rất ngoan, rất phục tùng, rất tận tâm”. Anh từng có những suy nghĩ rất lêch lạc ví như: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”, nhưng rồi tấm lòng nhân hậu, yêu thương gia đình lại không cho phép anh làm những điều tồi tệ, anh không thể ruồng bỏ vợ con để được tiếp tục theo đuổi nghệ thuật chân chính của mình. Rồi cứ thế Hộ lại thỏa hiệp với cuộc sống lăn lộn kiếm tiền, nhưng tiền cứ mãi thiếu hụt, Hộ dường như muốn điên lên, anh cảm thấy thật uất ức, căm hận cuộc sống đang dồn ép một con người khốn khổ như anh. Hộ dần tìm đến những cuộc vui, những cuộc đàn đúm, Hộ bắt đầu tìm đến rượu để quên đi cái đau khổ trong tâm trí.
Hộ dần đánh mất bản thân mình, Hộ đang tiến rất gần vào bước đường sa ngã rồi. Nhưng thật may sao, tình yêu của Từ, sự nhẫn nhịn của Từ đã kéo Hộ ra khỏi bước đường tăm tối, trước khi Hộ đi xa hơn nữa. Hộ chỉ thực sự tỉnh ra khi nhận ra mình sắp mất Từ thật rồi, nhưng cuộc đời của Hộ vẫn chưa thoát ra khỏi được cái bi kịch của chính mình. Bi kịch về một ước mơ, một lý tưởng buộc phải bỏ dở vì chính cái nhân cách cao đẹp…
Trong truyện còn một nhân vật không kém phần quan trọng đó là Từ, vợ của Hộ. Cuộc đời người phụ nữ này đã phải gặp nhiều khổ đau ngang trái, cho đến khi gặp Hộ những tưởng Từ sẽ được hạnh phúc, nhưng rồi Từ cũng lại rơi vào một bi kịch khác. Từ rất ngoan, rất thương chồng con, cô chưa bao giờ nặng lời với chồng nửa lời. Bởi Từ mang ơn chồng, chính là Hộ đã cứu mẹ con Từ, cũng cứu lấy cái danh dự cả đời cho Từ. Rồi thì Hộ cũng rất yêu Từ và cô cũng yêu anh, nên cô cố gắng thật ngoan ngoãn để vun vén cho cái tổ ấm khó khăn lắm mới có được này. Thấy Hộ say mèm, thấy Hộ quát mắng dọa nạt, Từ cũng chỉ biết nhẫn nhịn, nhà thiếu thốn, lại thấy chồng phải vất vả mưu sinh, dằn vặt đau khổ, cô chỉ biết nhịn ăn nhịn tiêu để chồng mình đỡ khổ. Trong tâm trí Từ, chính cô là người đã gây nên bi kịch cuộc đời Hộ, chính vì cô mà anh phải khổ tâm như vậy. Nên đôi lúc Từ cũng định dứt áo ra đi, có lẽ thế đời Hộ sẽ bớt khổ hơn chăng. Nhưng cái tấm lòng yếu đuối của một người vợ yêu chồng, một người mẹ yêu con không cho phép Từ làm thế, mà Từ cũng không làm được, vậy là Từ lại ở lại, tiếp tục làm một người vợ ngoan, cố thu mình lại để không khiến Hộ phiền lòng. Từ quyết tâm sẽ đồng cam cộng khổ với Hộ dù có phải chịu đói chịu rét hơn nữa. Có lẽ cả câu chuyện ta chỉ thấy thật xót xa cho Từ, đỉnh điểm nhất là cảnh Từ nằm ôm con ngủ trên võng, hình ảnh cánh tay nhợt nhạt, thấy cả đường gân xanh bóng. Một người phụ nữ yếu đuối sao lại mang trong mình nhiều bi kịch đến vậy. Cảnh vợ chồng ôm nhau khóc nức nở, đó chính là sự vỡ òa trong bi kịch cuộc sống của cả hai, Hộ đã tỉnh ngộ, còn Từ khóc vì cuối cùng Hộ đã quay trở lại là Hộ trước kia.
Lời ru con cuối truyện của Từ không khỏi dấy lên trong lòng người đọc những suy ngẫm về hiện thực xã hội những năm trước cách mạng tháng Tám.
“Ai làm cho gió lên giời,
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li;
Ai làm cho Nam, Bắc phân kỳ,
Cho hai hàng lệ đầm đìa tấm thân...”
Chính viễn cảnh đất nước rối ren như thế, khiến những thân phận người trí thức cũ phải ngậm ngùi chôn vùi đi những lý tưởng cao đẹp về nghệ thuật, phải lăn lộn làm trái lương tâm để kiếm những đồng tiền còm cõi bằng thứ văn chương rẻ mạt.
Truyện ngắn Đời thừa là một tác phẩm xuất sắc của Nam Cao viết về những bi kịch của tầng lớp trí thức cũ trước cách mạng tháng tám. Ông đi sâu vào miêu tả nội tâm nhân vật để khai thác được những tinh túy từ tâm hồn người trí thức, những quan niệm về nghệ thuật thật đắt giá và ý nghĩa. Đó cũng chính là quan điểm văn chương mà Nam Cao hằng theo đuổi. Đồng thời câu chuyện cũng là một tác phẩm mang nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc, ở đó ta thấy hiện lên một tình người cao cả, tình yêu thương thủy chung của vợ chồng, rồi lòng thương con sâu sắc, dù bị vùi dập trong bi kịch nhưng những tình cảm ấy vẫn trồi lên trên tất cả làm nên ý nghĩa của cả tác phẩm.
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-tac-pham-doi-thua-42172n.aspx
Đời thừa là sản phẩm văn học nổi tiếng của Nam Cao, bên cạnh bài làm văn Cảm nhận tác phẩm Đời thừa cụ thể và chi tiết, học sinh cùng thầy cô có thể tìm hiểu thêm những bài văn mẫu Phân tích nghệ thuật của Đời thừa, Có ý kiến cho rằng truyện ngắn Đời thừa là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao. Hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên, Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Đời thừa, Phân tích nhân vật Từ trong truyện ngắn Đời thừa, hay cả phần Soạn bài Đọc thêm: Đời thừa các bạn cùng theo dõi.