Bình luận câu thơ "Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Đau đớn thay phận đàn và, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã có những lời bình thể hiện thái độ cảm thông, xót xa đói với số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Sau khi tìm hiểu về cuộc đời và số phận của nàng Kiều trong Truyện Kiều, anh/chị hãy bình luận câu thơ Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Bài viết liên quan

Đề bài: Bình luận câu thơ "Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

binh luan cau tho dau don thay phan dan ba loi rang bac menh cung la loi chung

Bài làm:

Bài mẫu số 1:

" Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Câu ca dao ấy cất lên như lời than thân, thở dài của một người phụ nữ giữa xã hội đương thời phong kiến. Cái xã hội khi mà số phận của họ được định đoạt bằng những cuộc trao đổi, mua bán, bằng những cuộc hôn nhân chính trị chứ không phải bằng tình yêu. Xã hội ấy nơi mà nhân phẩm của họ bị đạp xuống tận bùn đen. Cảm thông, thấu hiểu sự đau đớn đó của người phụ nữ mà nhà thơ Nguyễn Du đã viết lên thiên kì cổ "Truyện Kiều". Và trong tác phẩm ấy, chính tác giả cũng đã thốt lên hai câu thơ mà mãi tận sau này, người ta vẫn còn thấy nguyên giá trị của nó khi nhắc về thân phận của người phụ nữ trước lễ giáo phong kiến:

" Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".

Hai câu thơ này được Nguyễn Du viết - là lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên - một người kĩ nữ. Hai câu thơ bật lên như một lời than thở của Kiều hay cũng chính là của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng. Không phải bất cứ từ ngữ nào khác mà là "đớn đau thay"! Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả. Chính Nguyễn Du cũng đã có những năm tháng phiêu bạt giữa xã hội, phải chịu cảnh đói, cảnh nghèo, có lẽ vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ nữa. Có lẽ chính vì vậy khi viết lên thiên "Truyện Kiều", ông đã đem những xúc cảm chân thật nhất của mình vào trong những vần thơ ấy. Nguyễn Du hiểu rất rõ "phận đàn bà", cái số phận của người phụ nữ xưa khi mà họ phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội luôn chà đạp lên nhân phẩm, nhân cách của người phụ nữ yếu đuối. Xã hội ấy cũng tước đoạt đi quyền được sống hạnh phúc, quyền được yêu thương và cả những mong ước nhỏ bé của họ nữa. Xã hội đó đã khiến họ phải trở thành những kẻ "bạc mệnh". Đau đớn nào bằng?

"Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".

Đó là lời thương cảm của Nguyễn Du, là tấm lòng nhân đao đầy cao cả của ông dành cho những người phụ nữ Việt Nam xưa - những thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội phong kiến đương thời.

Nếu hỏi những nguyên nhân nào đã tạo nên số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội xưa thì điều đầu tiên đó chính là xã hội. Đó là một xã hội với Nho giáo là chủ, không có quyền bình đẳng dành cho người phụ nữ, xã hội mà đàn bà chỉ là một vật phẩm để trao đổi, mua bán, xã hội "trọng nam khinh nữ" khi mười người con gái chẳng đổi bằng một người đàn ông " Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Chính xã hội bất bình đẳng ấy đã khiến cho thân phận người phụ nữ bị đẩy xuống tầng đáy. Họ không có quyền hành gì trong nhà, ngoài xã hội. Họ không được tham gia bất cứ công việc gì bên ngoài, không được học tập, chỉ biết quanh quẩn bên trong nhà để trở thành một người phụ nữ của gia đình. Họ bi tước đoạt quyền được bình đẳng như nam giới. Dù rằng trong xã hội xưa cũng có không ít những người phụ nữ tài giỏi như bà Trưng, bà Triệu, ... dám đứng lên thể hiện ý chí của mình nhưng họ chỉ là một số ít những người phụ nữ dám đứng lên chống lại cường quyền để thể hiện khí phách của mình mà thôi.

"Phận đàn bà" mà Nguyễn Du đau xót than thở là kẻ "bạc mệnh" còn phải chịu những đày đọa về thể xác và tinh thần, bị chà đạp về nhân phẩm, về nhân cách, bị coi rẻ như một món hàng. Có lẽ thấu hiểu được điều này, Nguyễn Du mới có thể cô đọng tất cả tiếng lòng của mình thành hai câu thơ đau xót tới vậy! Người phụ nữ trong xã hội phong kiến bị coi rẻ tới mức họ chỉ được coi như một món hàng ngoài chợ, được mua đi bán lại, được trao đổi, tặng biếu cho người khác.

"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?"

Họ hoàn toàn không có quyền được lên tiếng, được bày tỏ nỗi niềm của mình. Cũng như Đạm Tiên mà Nguyễn Du xây dựng, nàng bất hạnh sinh ra trong sự nghèo khổ, phải bán thân, bán nghệ để nuôi sống mình. Vậy mà đến khi chết đi, chỉ có những ngọn cỏ xanh làm bạn, chẳng một ai tới thương nhớ, xót xa cho nàng dù lúc trước bao nhiêu bướm ong dập dìu:

"Sống làm vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng"

Chẳng ai còn đoái hoài, thương xót gì người phụ nữ ấy nữa. Đến như Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, là một người con gái tài sắc vẹn toàn, thế nhưng cũng chỉ là một món hàng trong tay những kẻ ma cô buôn phấn bán hương:

"Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm"

Chính xã hội phong kiến ấy đã đẩy đưa nàng Kiều, buộc phải bán mình để cứu lấy người cha già và em. Nếu như xã hội ấy coi trọng người phụ nữ, coi trọng con người thì chắc có lẽ nàng Kiều đã chẳng mất mười lăm năm bôn ba khắp nơi, trở thành món hàng trong tay bao nhiêu kẻ, đến mức phải tìm đến cái chết. Và chắc hẳn nàng cũng đã có được một tình yêu thật đẹp với chàng trai hào hoa phong nhã Kim Trọng.

Có lẽ nỗi thương cảm của Nguyễn Du cho người phụ nữ không chỉ dừng ở đó, ông còn thương cảm cho những thân phận người phụ nữ yếu đuối, bị bất hạnh trong hôn nhân và tình yêu. Trong xã hội xưa, những cuộc chiến tranh nổi lên liên miên, đó là khi những người chồng, người tình lang phải rời xa nhà để lại người vợ hiu quạnh một mình bao năm tháng. Chiến tranh phi nghĩa trong xã hội phong kiến ấy đã tước đoạt đi hạnh phúc, tình yêu của bao người vợ hiền. Chúng ta biết tới một Vũ Nương hiền lành, đảm đang, xinh đẹp, thế nhưng sau khi chiến tranh qua đi, lại khiến nàng trở thành một người vợ bất hạnh nhất trần đời khi chồng nàng nghi ngờ nàng không đoan chính. Và rồi, nàng đã phải dùng cái chết của mình để rửa sạch nỗi hàm oan. Nếu như không có chiến tranh thì liệu số phận của Vũ Nương và của những người phụ nữ khác trog xã hội phong kiến có bi thương tới vậy hay không? Không chỉ Vũ Nương, chúng ta còn được chứng kiến hình ảnh người chinh phụ ra ngóng vào trông chờ tin người chồng trở về từ nơi chiến trận. Những hình ảnh "gương gượng soi lệ lại châu chan", hay "lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi", ... ghim vào lòng chúng ta về số phận đầy xót xa của những người vợ phải xa chồng. Chính xã hội đã cướp đi của họ hạnh phúc, cướp đi tình yêu của họ, khiến họ trở thành những "hòn vọng phu" chờ chồng.

Chúng ta ai cũng có mưu cầu được sống hạnh phúc, mưu cầu một cuộc sống được tự do yêu đương, tự do hôn nhân. Thế nhưng, trong xã hội xưa, hôn nhân, tình yêu không phải do người phụ nữ quyết định. Họ phải làm theo lễ giáo, phải nghe theo lời cha mẹ, phải "môn đăng hộ đối". Chính những thứ luật lệ hà khắc đó đã giết chết bao nhiêu tình yêu đẹp đẽ, đã lấy mất đi bao niềm hạnh phúc của người phụ nữ xưa. Đối với họ, hôn nhân của mình nhưng mình lại chẳng thể quyết định, tất cả đều được định đoạt bởi chữ "phận", bởi lễ giáo, lề lối mà thôi. Đó chẳng phải là một nỗi đau xót lớn hay sao?

Có lẽ sau những năm tháng bôn ba, sống giữa những tầng lớp thấp kén nhất ngoài xã hội, được tiếp xúc, được nhìn, được nghe những câu chuyện về những người phụ nữ, Nguyễn Du mới có thể thấu hiểu người phụ nữ tới vậy. Ông đau xót trước thân phận nhỏ bé, "ba chìm bảy nổi" của người phụ nữ. Họ phải chịu sự bất công trong đối xử bình đẳng, bị tước đoạt mất hạnh phúc, tình yêu, tước đoạt mất cả nhu cầu được yêu thương đươc hạnh phúc nữa. Tất cả cũng chỉ vì những lẽ giáo hà khắc kia của xã hội đương thời. Qua hai câu thơ của Nguyễn Du, ta cũng thấy được niềm cảm thương của ông dành cho người phụ nữ xưa nhiều tới nhường nào, ông thấu hiểu họ tới nhường nào! Nếu không, sao ông có thể viết được những dòng thơ cô đọng, đau xót, đầy yêu thương tới như vậy được.

Sống trong xã hội ngày nay, chúng ta - những người phụ nữ đã được sống đúng với bản thân mình. Chúng ta được đối xử bình đẳng, được tự do yêu thương, tự do hôn nhân được mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Thế nhưng ở đâu đó, chúng ta vẫn phải chứng kiến hình ảnh người phụ nữ bị bao lực, bị khinh thường, bị hành hạ, bị tước đi những quyền cơ bản nhất của một con người. Những hành động ấy cần được lên án, cần được kết tội và chấm dứt.

Qua hai câu thơ ngắn gọn, nhưng Nguyễn Du cũng đã khiến cho chúng ta được cảm nhận sâu sắc về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Đó cũng là lời kết án xã hội phong kiến khi chính xã hội đó đã gián tiếp đẩy người phụ nữ tới tận cùng của sự đau khổ, bế tắc. Qua đó, ta cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương mà Nguyễn Du dành cho họ - những người phụ nữ yếu đuối, cần được nâng niu, cần được yêu thương và bảo vệ.

Bài mẫu số 2:

Nguyễn Du đã viết nên truyện Kiều bằng tấm lòng thiết tha đối với con người, đặc biệt là sự cảm thông sâu sắc trước số phận người phụ nữ. Thông quá nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa chịu bất công, đau đớn, khổ cực. Hai câu thơ mà ông viết về người phụ nữ đến nay còn đọng lại nỗi đau nhân thế: "Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạch mệnh cũng là lời chung".

Xã hội phong kiến đã bóp nghẹt đi sức sống, tài năng và vẻ đẹp của biết bao kiếp hồng nhan. Một xã hội “trọng nam khinh nữ”, khi mà ở đó trai năm thế bảy thiếp, gái đoan chính một chồng. Họ xứng đáng được nhận hết sự cưu mang, yêu thương, chở che, nhưng cuối cùng chính họ lại lâm vào bị kịch, chịu kiếp chồng chung.

Số phận bạch bẽo, bấp bênh trôi nổi vô định của cuộc đời người con gái khiến Nguyễn Du phải thốt lên hai từ " đau đớn' đến nghẹn lòng. Đó là một Đạm Tiên tài năng, sắc đẹp vẹn toàn vậy mà số kiếp đau thương, cô đơn đến cõi chết: " Sống làm vợ khắp người ta. Hạ thay thác xuống làm ma không chồng'. Một nàng Kiều vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, khiến hoa phải ghen , tuyết phải hơn, tài năng toàn diện cả cầm , kì, thi, hoạ. Nàng xứng đáng được yêu thương trân trọng, vậy mà số phận lại chịu nhiều oan trái, trải qua mười lăm năm lưu lạc, bao kiếp lầu xanh, những tưởng được hạnh phúc lứa đôi nhưng cũng không vẹn toàn. Một Hoạn Thư thông minh, khéo léo cũng không có được tình yêu của chính chồng mình. Một Vũ Thị Thiết tư dung tốt đẹp, nết na, sống đoan trang hết mực yêu thương chồng con cuối cùng cũng lựa chọn cái chết để rửa oan cho chính mình. Và còn bao nhiêu kiếp người khác nữa cũng chịu nhiều khổ đau, tủi nhục đến như thế. Họ chính là nạn nhân của một chế độ phong kiến hà khắc, quá đỗi bất công, tàn bạo.

Người phụ nữ thiếu tự do, không được nói lên tiếng nói, khát vọng của mình. Họ bị kìm hãm, chà đạp lên nhân phẩm danh dự, họ bị chà đạ lên thể xác và tinh thần, vậy mà vẫn cam chịu. Như Hồ Xuân Hương từng viết:

“Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son”

Số phân bạc mệnh, nhưng họ vẫn giữ lấy cho mình những phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ. Số kiếp tài hoa bạc mệnh, họ chịu sự điều khiển và phụ thuộc bởi những kẻ tàn bạo. Họ không được là chính mình, thân phận như trái bần trôi:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”.

Thông qua hai câu thơ, Nguyễn Du không chỉ tố cáo xã hội phong kiến độc ác, tàn nhẫn, bất công, chà đạp lên quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do của con người. Mà thông qua đó, ông nói lên lời chia sẻ thiết tha với những kiếp người chìm nổi, là tiếng nói oán trách, tiếng kêu đầy xót thương thấy đối với xã hội kia. Là câu nói thức tỉnh lương tri của chế độ cũ, hãy biết trân trọng và yêu thương phụ nữ.

Đất nước ta ngày càng phát triển, công bằng nam nữ cũng ngày càng được cải thiện. Nhưng đâu đó, vẫn còn tồn tại nhữn hủ tục lạc hậu, chèn ép cuộc sống của người phụ nữ. Đâu đó vẫn còn tình trạng những gia đình chỉ vì muốn sinh con trai mà phá bỏ cái thai của mình. Chúng ta cần lên án những hành động như thế. Hãy trân trọng và đề cao những người phụ nữ bởi chính họ sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Hãy yêu thương tất thảy những người bà, người mẹ, người chị, người em trên thế gian này.

https://thuthuat.taimienphi.vn/binh-luan-cau-tho-dau-don-thay-phan-dan-ba-loi-rang-bac-menh-cung-la-loi-chung-42027n.aspx
 

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh     (4.4★- 5 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

binh luan cau tho dau don thay phan dan ba loi rang bac menh cung la loi chung

, Bình luận câu thơ "Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung",

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới