Bài văn Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ hay nhất

Giá trị nhân đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn học. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về điều này qua bài Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Ngữ văn 9, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây nhé!

Đề bài: Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".

 

bai van phan tich gia tri nhan dao trong tac pham chuyen nguoi con gai nam xuong cua nguyen du hay nhat

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương học sinh giỏi ngắn nhất, đạt điểm cao

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.

 

I. Dàn ý giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn của Nguyễn Dữ:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương".
- Khái quát về giá trị nhân đạo được thể hiện trong tác phẩm.
2. Thân bài:
a, Giải thích về giá trị nhân đạo:
- Nhân đạo: là ý thức tôn trọng, yêu thương con người.
- Giá trị nhân đạo:
+ Là một thuật ngữ, một giá trị cơ bản thể hiện trong nghệ thuật.
+ Trong văn học, giá trị nhân đạo được tạo nên từ cảm xúc, quan điểm của người viết về một vấn đề, sự vật trong cuộc sống. Từ đó, thể hiện sự đồng cảm, xót thương trước những số phận khó khăn, bất hạnh.
b, Giá trị nhân đạo trong "Chuyện người con gái Nam Xương":
- Nguyễn Dữ ca ngợi, thể hiện sự trân trọng với vẻ đẹp và phẩm giá của Vũ Nương:
+ Vũ Nương là một người phụ nữ bình dân, là "con kẻ khó".
+ Ở Vũ Nương quy tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa.
+ Vũ Nương có khát vọng mãnh liệt về tình thương gia đình.
=> Xây dựng nên hình ảnh người phụ nữ bình dân với đầy đủ vẻ đẹp đáng quý.
- Tác giả xót thương cho số phận bi kịch của Vũ Nương cũng như những người phụ nữ thấp cổ bé họng trong xã hội xưa:
+ Một mực chờ chồng quay về nhưng đến khi đoàn viên thì lại bị chồng nghi ngờ là thất tiết.
+ Dù đã hết mực van xin, giải thích, nàng vẫn không thể làm người chồng đa nghi tin tưởng mình.
+ Phải chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
=> Đau đớn trước bi kịch mà người phụ nữ đức hạnh ấy phải trải qua.
- Tác giả sáng tạo thêm chi tiết kì ảo để giải oan, trả lại sự trong sạch cho người phụ nữ đức hạnh:
+ Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp, ở lại dưới thủy cung.
+ Cuộc hội ngộ với Phan Lang đã đem đến cho Vũ Nương cơ hội được minh oan.
=> Cái nhìn đầy nhân đạo về triết lí "ở hiền gặp lành".
- Nguyễn Dữ mượn hình ảnh nhân vật để lên án xã hội phong kiến cùng chế độ nam quyền đầy bất công:
+ Tuy đã được giải oan nhưng Vũ Nương không thể trở về.
+ Hạnh phúc gia đình đã đổ vỡ, không thể quay lại như ban đầu.
=> Giữ nguyên tính bi kịch để lên án chế độ nam quyền cổ hủ đã vùi dập người phụ nữ.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại về giá trị nhân đạo trong "Chuyện người con gái Nam Xương".
- Liên hệ mở rộng.
 

II. Đoạn văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương siêu hay:

"Chuyện người con gái Nam Xương" đã thành công thể hiện lòng nhân đạo đáng quý hướng tới số phận bất hạnh của những con người nhỏ bé. Truyện kể về nàng Vũ Thị Thiết - một người phụ nữ bình dân, thậm chí còn là "con kẻ khó". Tuy vậy, ở nàng lại hội tụ đầy đủ những phẩm chất đáng quý: dịu dàng, nết na, thủy chung, giàu lòng yêu thương và trọng danh dự. Vũ Nương luôn có khao khát về hạnh phúc gia đình, về cái thú "nghi gia nghi thất". Qua nhân vật, tác giả đã thể hiện cái nhìn đầy trân trọng và ngợi ca dành cho người phụ nữ đức hạnh khi xưa. Tuy vậy, nàng lại phải chịu đựng số phận bi kịch. Sau ba năm chờ chồng đi lính, ngày mà gia đình đoàn tụ cũng là ngày nàng phải chịu tiếng oan thất tiết. Người chồng gia trưởng, ghen tuông không cho nàng cơ hội giải thích, buộc Vũ Nương phải gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh sự trong sạch. Sự việc ấy đã phản ánh một thực tại đau đớn, đồng thời thể hiện lòng xót xa của tác giả dành cho người phụ nữ đáng thương. Vậy nên, Nguyễn Dữ đã xây dựng nên một cái kết đậm yếu tố kì ảo, trao cho Vũ Nương cơ hội giải oan. Nàng được Linh Phi cứu sống, gặp lại Phan Lang dưới thủy cung. Nhờ vậy mà câu chuyện được sáng tỏ. Đó chính là lời khẳng định đanh thép cho đạo lí "Ở hiền gặp lành" mà tác giả muốn truyền tải. Nhưng sự thật thì luôn nghiệt ngã. Vũ Nương chẳng thể trở về dương gian được nữa. Dù đàn giải oan được lập, nàng cũng chỉ thoáng hiện về tạm biệt chồng con rồi lại biến mất sau làn sương mờ ảo. Nguyễn Dữ đã dùng cái kết ấy để lên án chế độ nam quyền đầy bất công gây ra bao bi kịch cho người phụ nữ. Qua đó, người đọc càng thấm thía hơn giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả truyền tải.

-------------------------------

Mời em ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9 khác về tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" nhé: Bài văn Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Ý nghĩa cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương; Suy nghĩ về kết thúc của Chuyện người con gái Nam Xương.....

 Bai van Tinh than nhan dao trong Chuyen nguoi con gai Nam Xuong hay nhat

Bài văn Tinh thần nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất

 

III. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất:

Lòng nhân đạo luôn là một trong những giá trị tốt đẹp, đáng quý của con người. Tinh thần ấy đã được thể hiện vô cùng rõ qua các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là trong văn học. Đến với "Chuyện người con gái Nam Xương", người đọc sẽ được thấy giá trị nhân đạo cao cả mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải. Từ đó, thấm thía hơn về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Có thể hiểu nhân đạo chính là ý thức và sự tôn trọng đối với con người. Vậy trong văn học, giá trị nhân đạo chính là sự đồng cảm, xót thương đối với những số phận khó khăn, bất hạnh. Điều này xuất phát từ tình yêu thương, từ cái nhìn đầy xúc cảm của người nghệ sĩ về cuộc đời.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" trước hết được thể hiện qua vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương. Nàng vốn là "con kẻ khó", có xuất thân bình dân. Khác với chị em Thúy Kiều sinh ra trong gia đình danh giá, Vũ Nương chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé, "thân cô thế cô". Ấy vậy nhưng ở nàng vẫn hội tụ tất cả những phẩm chất tốt đẹp cần có: tướng mạo đoan trang, tư dung tốt đẹp, thủy chung, hiếu thuận, hết lòng vì gia đình, trọng danh dự và sống ơn nghĩa, biết trước sau. Việc lựa chọn nhân vật như vậy cho thấy cái nhìn đầy thiện cảm, trân trọng mà Nguyễn Dữ dành cho những người phụ nữ đức hạnh.

Tuy vậy, số phận của Vũ Nương lại gắn liền với bi kịch. Một mình nàng tần tảo, chịu thương chịu khó làm lụng, gánh vác gia đình suốt ba năm chồng đi tòng quân. Ấy thế nhưng ngày mà gia đình đoàn tụ, nàng lại phải chịu tiếng oan thất tiết. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa con nhỏ, Trương Sinh một mực cho rằng vợ mình phản bội, chửi mắng và đánh đuổi nàng không thương tiếc. Mặc cho Vũ Nương hết lòng giải thích, hắn ta vẫn không chịu lắng nghe. Chính sự gia trưởng ấy đã đẩy Vũ Nương vào chỗ chết. Nàng nguyện gieo mình xuống sông Hoàng Giang để chứng minh bản thân trong sạch - cái kết bi thảm cho một người phụ nữ đức hạnh. Nó vừa thể hiện sự xót thương của tác giả, vừa ngầm lên án xã hội nam quyền đầy rẫy bất công, ngang trái.

Với cái nhìn đầy nhân đạo, Nguyễn Dữ đã tạo nên một cái kết khác cho tác phẩm. Sử dụng chi tiết kì ảo, ông cho Vũ Nương sống lại. Khi quyên sinh, nàng đã được Linh Phi cùng các tiên nữ cứu giúp, đưa về thủy cung. Ở đây, nàng gặp lại Phan Lang - một người cùng làng. Cuộc trò chuyện với Phan Lang đã khơi dậy nỗi nhớ nhà và quyết tâm giải oan trong lòng Vũ Nương. Nguyễn Dữ trao cho nhân vật của mình cơ hội để chứng minh bản thân. Nhờ đó, sự trong sạch đã được trả lại cho người phụ nữ đáng thương. Điều này được thể hiện ở chi tiết khi Vũ Nương trở về dương gian. Nàng "ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông". Đó chính là chi tiết thể hiện sự trân trọng, ngợi ca dành cho đức hạnh của người con gái ấy.

Vậy nhưng thực tế lúc nào cũng rất phũ phàng. Vũ Nương chỉ trở về trong chốc lát để tạm biệt chồng con rồi sau đó biến mất trong làn sương mờ. Gia đình nàng giờ đây chẳng thể hội ngộ, đoàn viên bên nhau được nữa. Nguyễn Dữ để Vũ Nương rời đi như một cách lên án xã hội phong kiến đầy rẫy bất công. Chính chế độ nam quyền độc đoán đã đẩy người phụ nữ vào chỗ chết, gây ra bao sự việc đau thương, bao sự chia li đáng tiếc. Đây có thể không phải một cái kết hoàn toàn có hậu, nhưng đã phản ánh bao suy tư, trăn trở của tác giả về số phận con người.

Có thể nói, "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ đã đem đến cho người đọc những suy tư, chiêm nghiệm về thân phận thấp bé của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Chính giá trị nhân đạo tốt đẹp ấy đã giúp tác phẩm giữ vững vị thế trong kho tàng văn học đồ sộ của nước nhà.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/bai-van-phan-tich-gia-tri-nhan-dao-trong-tac-pham-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-75776n.aspx
Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng đều mang trong mình những giá trị tốt đẹp, khơi gợi ở người đọc bao suy ngẫm. Hi vọng qua các mẫu phân tích nhân vật Vũ Nương ngắn gọn trên, em đã có thể hoàn thành bài phân tích của riêng mình.

Tác giả: Đỗ Bá Hưng     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương
Dàn ý phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Bình luận về cái hay của tình huống truyện Chuyện người con gái Nam Xương
Thân phận người phụ nữ qua Chuyện người con gái Nam Xương và các đoạn trích trong Truyện Kiều
Từ khoá liên quan:

Phan tich gia tri nhan dao trong tac pham Chuyen nguoi con gai Nam Xuong

, Dan y gia tri nhan dao trong Chuyen nguoi con gai Nam Xuong, Bai van Tinh than nhan dao trong Chuyen nguoi con gai Nam Xuong hay nhat,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới